'Tăng trưởng xanh còn khoảng cách xa giữa quyết tâm và thực hiện'

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam đã học hỏi ở những quốc gia đi trước và đã có chiến lược, lộ trình cho tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như cam kết phải hiện thực hóa bằng những chính sách, kế hoạch, tiêu chí cụ thể.
VŨ PHẠM
27, Tháng 04, 2023 | 14:55

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam đã học hỏi ở những quốc gia đi trước và đã có chiến lược, lộ trình cho tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như cam kết phải hiện thực hóa bằng những chính sách, kế hoạch, tiêu chí cụ thể.

Ngày 27/4, cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam" nhằm đánh giá những đóng góp của khối doanh nghiệp FDI vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng như thảo luận những giải pháp, bước đi trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình thực hiện mục tiêu này.

Trước những yêu cầu phát triển mới, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy "xanh hóa" nền kinh tế. Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, hiện nay các quốc gia phát triển luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững và chiến lược tăng trưởng xanh ở những quốc gia này thường đạt được thành công.

toa-dam

Các chuyên gia tham dự Tọa đàm "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam". Ảnh: VGP.

Mỗi quốc gia đều đặt phát triển xanh nhưng phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể của quốc gia đó để đưa ra chính sách phù hợp bởi đây là yếu tố rất quan trọng. Hoàn cảnh cụ thể là trình độ phát triển, nguồn lực quốc gia đó, khoa học công nghệ, năng lượng, con người...

Việt Nam cũng đã học hỏi ở những quốc gia đi trước và đã có chiến lược, lộ trình. Và để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xanh phải hiện thực hóa bằng những chính sách, kế hoạch, tiêu chí cụ thể.

"Chúng ta còn khoảng cách rất xa giữa quyết tâm và thực hiện. Hiện nay, chúng ta chưa có chính sách cụ thể để đạt được mục tiêu ngắn hạn chứ chưa nói đến dài hạn. Lộ trình dài hạn là đến năm 2050 như Thủ tướng đã cam kết tại COP26, vậy trung hạn thế nào, ngắn hạn từng năm ra sao, chúng ta phải có lộ trình cụ thể để đạt được những kết quả nhất định", ông Toàn nhìn nhận.

Bên cạnh đó, ông Toàn đánh giá Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn, thống kê trước năm 2021 cho thấy, việc thu hút các doanh nghiệp FDI công nghệ cao chỉ chiếm 5%, 15% công nghệ lạc hậu và 80% là công nghệ trung bình. Tuy nhiên, những năm gần đây thu hút đầu tư của Việt Nam đã có sự thay đổi, đã có những hình mẫu của doanh nghiệp tăng trưởng xanh để học tập.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) chia sẻ, để thực hiện chiến lược về tăng trưởng xanh, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050.

Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải huy động toàn bộ sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI.

Theo ông Tuấn, thời gian qua, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI là rất lớn. Cho đến nay, khu vực doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như năng lượng tái tạo, đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua đạt mức độ tăng trưởng khá cao, tức là 10-13%. Đây là một trong những tín hiệu rất tốt.

Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh. Nếu trước đây các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh gặp rất nhiều khó khăn thách thức thì bây giờ, các doanh nghiệp đã biến khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh của mình, góp phần nâng cao hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư… Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, tư duy trong việc cần phải thực hiện phát triển xanh, đầu tư xanh, ứng với một nền kinh tế xanh, xã hội xanh.

Cần tận dụng thời cơ để "bắt tay" với doanh nghiệp FDI

Nói về khó khăn, thách thức, ông Nguyễn Văn Toàn nhận định, hệ thống chính sách FDI của Việt Nam đang rất tốt. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước thách thức về thu hút trong lĩnh vực công nghệ cao. Các tập đoàn đa quốc gia đã xuất hiện ở nước ta nhưng chưa nhiều. Có một số nguyên nhân lý giải cho vấn đề này.

Thứ nhất, hấp thụ công nghệ cao của chúng ta chưa tốt, môi trường đầu tư chưa thật sự ổn như nguồn nhân lực chất lượng cao, còn có vướng mắc về cơ chế... Nhưng, có một điều quan trọng đó là sự hợp tác của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI lỏng lẻo, không hiệu quả. Từ đó, chúng ta không tham gia được vào chuỗi giá trị nên không được hưởng lợi, không học hỏi được công nghệ.

Thứ hai, cung cấp nguồn nguyên liệu bán thành phẩm, các sản phẩm hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI. Ví dụ như Samsung, doanh nghiệp này rất tích cực hỗ trợ Việt Nam nhưng chúng ta chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của họ. Do đó, chúng ta cần phải nâng tầm doanh nghiệp trong nước để "bắt tay" với doanh nghiệp FDI, tận dụng cơ hội để phát triển.

Thứ ba, chúng ta muốn tăng trưởng xanh thì cần phải làm đồng bộ, có mục tiêu rõ ràng từ Trung ương tới địa phương đến các doanh nghiệp, các chuỗi sản xuất...

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận, không chỉ doanh nghiệp FDI gặp khó khăn và doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn hơn. Về phía doanh nghiệp, xuất phát từ nội tại, có khó khăn là tư duy. Tư duy của doanh nghiệp trong nước về việc đầu tư sản xuất kinh doanh theo hướng xanh cho đến nay chưa trở thành nhận thức tự thân. Do đó, chúng ta cần phải thay đổi.

Một yếu tố nữa là liên quan đến nguồn lực và công nghệ. Các doanh nghiệp FDI có nhu cầu thực hiện sản xuất xanh, đó là yêu cầu theo đúng tiêu chuẩn liên quan ESG. Đáp ứng những yêu cầu đó thì các sản phẩm của chúng ta mới tiếp cận được thị trường. Các doanh nghiệp FDI sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để dần thay đổi cách tiếp cận kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn đặt ra.

Cuối cùng là nguồn nhân lực. Chúng ta cần phải đào tạo ra nguồn nhân lực thực sự chất lượng cao, đặc biệt có tư duy nhận thức trong việc thực hiện sản xuất kinh doanh theo hướng xanh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ