Sai phạm và di sản nợ xấu của ông Trần Bắc Hà

Nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) Trần Bắc Hà đã bị cơ quan điều tra kết luận có những sai phạm khi “bơm” vốn cho 12 công ty “ma” của Phạm Công Danh,  trong đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB).
NGỌC LÊ - ANH VŨ
04, Tháng 06, 2018 | 07:56

Nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) Trần Bắc Hà đã bị cơ quan điều tra kết luận có những sai phạm khi “bơm” vốn cho 12 công ty “ma” của Phạm Công Danh,  trong đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB).

bidv_vlod

BIDV đã phải gánh chịu di sản nợ xấu từ thời ông Trần Bắc Hà (ảnh nhỏ)

Đưa BIDV vào tốp 4 với nợ xấu tăng vọt

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định, bắt đầu gắn bó với BIDV từ năm 25 tuổi. Sau 10 năm công tác tại ngân hàng (NH) này, tháng 7.1991 ông được bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh BIDV tỉnh Bình Định.

Đến năm 1999, ông Hà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc BIDV và đến tháng 5.2003 được lựa chọn làm Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc NH này. Ông chính thức trở thành lãnh đạo quyền lực nhất từ đầu năm 2008 với vai trò Chủ tịch HĐQT và là người đại diện sở hữu gần 40% trên tổng số 95,3% cổ phần nhà nước nắm giữ tại BIDV. Ngoài ra, ông cũng trực tiếp nắm giữ hơn 163.600 cổ phiếu BIDV.

Ngoài vai trò lãnh đạo tại BIDV, ông Hà cũng từng là Chủ tịch HĐQT hàng loạt công ty như Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Campuchia (IDDC); Công ty Đầu tư và phát triển Myanmar (MIDC); Công ty TNHH hai thành viên Đầu tư phát triển quốc tế (IIDC); rồi Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư VN sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

Ông Hà đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của BIDV, trở thành một trong 4 NH mạnh của hệ thống. Tuy nhiên, cũng “góp phần” đẩy nợ xấu tăng vọt. Theo báo cáo tài chính của 11 NH công bố vào tháng 8.2016 (thời điểm ông Hà nghỉ hưu), 11 NH “ôm” hơn 48.882 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, BIDV là NH có tổng số nợ xấu cao nhất, lên tới 13.183 tỉ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015. Trong quý 1/2018, lợi nhuận sau thuế của BIDV chỉ tăng 8,5% và chi phí dự phòng đã ăn mòn phần lớn 70% lợi nhuận trước trích lập.

Ông Hà cũng 2 lần dính tin đồn bị bắt vào năm 2013 và 2017. Cả 2 lần thông tin này xuất hiện đều ảnh hưởng khiến thị trường chứng khoán “bốc hơi” tỉ USD. Trước đó, ông Hà cũng từng dính vào tin đồn cho NH TMCP Phương Nam vay 5.000 tỉ đồng, hỗ trợ Phương Nam thâu tóm Sacombank. Tuy nhiên, ông bác bỏ tin đồn này.

“Bơm” vốn cho 12 công ty “ma”

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, ông Trần Bắc Hà (nguyên Bí thư Đảng ủy - nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) có sai phạm nghiêm trọng về các quy định, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ. Trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB.

Trước đó, tháng 1.2018, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch VNCB, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh. Trong quá trình xét xử vụ án, dù được HĐXX gửi giấy triệu tập 2 lần với tư cách tố tụng “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”, nhưng ông Hà vẫn không đến tòa theo quyết định triệu tập và có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang điều trị bệnh.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra (CQĐT), để có tiền tăng vốn điều lệ khi tái cơ cấu VNCB, Phạm Công Danh - Chủ tịch VNCB và Tập đoàn Thanh Thanh tìm đến BIDV để vay vốn. Danh gặp ông Đoàn Ánh Sáng, Phó tổng giám đốc BIDV phụ trách ban khách hàng doanh nghiệp, và ông Trần Lục Lang, Phó tổng giám đốc phụ trách ban quản lý rủi ro. Qua 2 nhân vật này, Danh đặt vấn đề việc Danh sẽ giới thiệu khách hàng có nhu cầu vay vốn kinh doanh cho BIDV.

Trường hợp khách hàng do VNCB giới thiệu không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ, dùng tài sản của mình cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV. Khi được lãnh đạo BIDV đồng ý cho vay, Danh chỉ đạo cấp dưới dùng 12 công ty “ma” do mình thành lập, làm khống hồ sơ vay vốn 4.700 tỉ đồng tại BIDV. Tài sản đảm bảo khoản vay gồm 3.070 tỉ đồng là tiền của VNCB gửi tại BIDV và một số tài sản khác của Tập đoàn Thiên Thanh như 6 lô đất sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), đất 209 Trường Chinh (Đà Nẵng).

CQĐT xác định quá trình tiếp nhận hồ sơ, ra chủ trương, cho vay và thu nợ của BIDV có nhiều sai phạm, trong đó có sai phạm của ông Hà. Ngày 3.10.2014, ông Trần Bắc Hà (lúc này đang giữ chức vụ Trưởng phân ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban Quản lý rủi ro của BIDV) ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng đối với 12 công ty sân sau của Phạm Công Danh.

Ông Hà giao quyết định cho các chi nhánh thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định khách hàng, phương án kinh doanh, xem xét quyết định cấp tín dụng đảm bảo khả năng thu đủ nợ gốc và lãi. Cùng ngày, ông Lang ký 12 công văn gửi 4 chi nhánh và ban khách hàng doanh nghiệp về việc giao các chi nhánh Bến Thành, Gia Định, Nam Sài Gòn, Sở Giao dịch 2 tiếp nhận hồ sơ, giải ngân, thu nợ theo quy trình của BIDV.

Sau đó 4 chi nhánh làm hồ sơ giải ngân 4.700 tỉ đồng theo nội dung phê duyệt. Theo kết luận điều tra, quyết định phê duyệt chủ trương cho vay của hội sở là phán quyết tín dụng để các chi nhánh thực hiện cho vay. Khi đến hạn, 12 công ty không trả được nợ nên BIDV đã tự động trừ tiền trên tài khoản tiền gửi của VNCB. Vì bảo lãnh cho các khoản vay nói trên, VNCB bị thiệt hại hơn 2.500 tỉ đồng.

CQĐT nhận định, BIDV đã không kiểm tra, thẩm định đối với khách hàng, không kiểm tra, thẩm định đối với các công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào. Vì thế, sau khi BIDV giải ngân chuyển tiền vào tài khoản 4 công ty của Phạm Công Danh thì tiền bị dùng cho mục đích cá nhân, chứ không phải để kinh doanh vật liệu xây dựng như hồ sơ vay.

(Theo Thanh niên)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ