Quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp đã được thực hiện đến đâu?

Nhàđầutư
Hiến pháp năm 2013, cơ sở hiến định cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, đã được hiện thực hoá và đi vào cuộc sống trên 5 năm, mang đến những kết quả bước đầu quan trọng, khá toàn diện về cải cách thể chế kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội.
MY ANH
16, Tháng 09, 2019 | 07:00

Nhàđầutư
Hiến pháp năm 2013, cơ sở hiến định cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, đã được hiện thực hoá và đi vào cuộc sống trên 5 năm, mang đến những kết quả bước đầu quan trọng, khá toàn diện về cải cách thể chế kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội.

nguyen van phuc

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

Để làm rõ một số vấn đề liên quan đến quyền tự do kinh doanh được quy định trong Hiến pháp 2013, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, nguyên Phó Trưởng Ban biên tập Hiến pháp.

Ông đánh giá thế nào về những nội dung về kinh tế, thể chế kinh tế và quyền tự do kinh doanh được quy định trong Hiến pháp 2013?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Những nội dung về kinh tế, thể chế kinh tế và quyền tự do kinh doanh được đánh giá đã quy định tương đối đầy đủ trong Hiến pháp 2013.

Kết quả thực thi các quy định này trong hơn 5 năm qua bước đầu cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp quyền bước đầu dần lan toả trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Nhiều Bộ luật, luật, nghị quyết đã được ban hành nhằm cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp, trong đó có nhiều luật, Bộ luật về kinh tế và quyền tự do kinh doanh.

Quyết định của Quốc hội về các vấn đề quan trọng của đất nước đã có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội. So sánh một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội cuối năm 2013 và cuối năm 2018 cho thấy sự phát triển rõ rệt. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ 171,22 tỷ USD lên 240,5 tỷ USD, GDP bình quân đầu người tăng từ 1.871,33 USD lên 2.587 USD, tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 828,35 nghìn tỷ đồng lên 1.358,4 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% xuống dưới 6% (theo chuẩn nghèo đa chiều)…

Trong thể chế kinh tế, đâu có thể được xem là điểm nổi bật?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Quốc hội Khoá XIII và Khoá XIV đến nay đã ban hành trên 100 luật, Bộ luật để cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp, trong đó có nhiều luật, Bộ luật về kinh tế và quyền tự do kinh doanh. Có thể nêu một số luật nổi bật được ban hành theo tinh thần và nội dung đổi mới của Hiến pháp năm 2013.

Về thể chế đầu tư kinh doanh, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh, Quốc hội đã ban hành 2 luật được đánh giá là có sự cải cách, đột phá mạnh mẽ, đó là Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014. 

Đáng chú ý, cụ thể hoá nguyên tắc hiến định mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, cùng việc cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, là việc bãi bỏ nguyên tắc doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những ngành nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bộ luật hình sự năm 2015 cũng đã bãi bỏ tội kinh doanh trái phép.

Quốc hội đang chuẩn bị xem xét sửa đổi, bổ sung 2 Luật này theo hướng tiếp tục tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư kinh doanh.

Các luật khác về thể chế đầu tư kinh doanh và thúc đẩy quyền tự do kinh doanh cũng đã được ban hành sau khi có Hiến pháp 2013 như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014, Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Cạnh tranh năm 2018.

Trong nhóm luật về tài nguyên thiên nhiên, đầu tiên phải kể đến Luật đất đai năm 2013. Luật này được xây dựng đồng thời với quá trình dự thảo sửa đổi Hiến pháp và được Quốc hội thông qua tại cùng một kỳ họp, ngay sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Luật đã căn cứ, cụ thể hoá Điều 53 và Điều 54 của Hiến pháp với trên 200 điều luật, trong đó có nhiều điều quy định các nội dung mới về Nhà nước giao đất, cho thuê đất, quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất, các trường hợp thu hồi đất... Luật Đất đai cũng đang được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong một số quy định được nhận thấy trong quá trình thực thi.

Đối với nhóm luật về tài chính công, tài sản công, có thể nêu các luật như Luật Đầu tư công năm 2014 (đã được thay thế bằng Luật năm 2019 tại Kỳ họp thứ 7, QH Khoá XIV ), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Quản lý nợ công năm 2017, Luật Quản lý tài sản công năm 2017.

Tuy vậy, thực tế chứng minh vẫn còn khá nhiều vướng mắc trong việc cụ thể hoá Hiến pháp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, ông có thể điểm mặt một vấn đề lớn đang được đặt ra?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Đầu tiên, các khái niệm về kinh tế, thể chế kinh tế trong Hiến pháp cần được tiếp tục phân tích, giải thích thống nhất trong quá trình cụ thể hoá bằng luật như "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", "Kinh tế nhà nước là chủ đạo", "Tài sản công thuộc sở hữu toàn dân", "Nhà nước đại diện chủ sở hữu", "Nhà nước thống nhất quản lý", "Phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng",...

Cùng với đó, chất lượng xây dựng luật cần được cải thiện. Thực tế thời gian qua đã chứng minh chất lượng thiết kế, xây dựng luật trong lĩnh vực kinh tế chưa cao, một số luật thiếu tính đồng bộ, tính khả thi, tính bao quát và ổn định.

Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 nhưng phát sinh một số vướng mắc, khó thực hiện nên phải trình UBTVQH ban hành Nghị quyết giải thích; Hay như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 có hiệu lực từ thi hành từ 1/1/2018 nhưng đến nay (tháng 9/2019), các điều khoản ưu đãi về thuế của Luật này không thực hiện được do Quốc hội chưa sửa đổi, bổ sung Luật thuế có liên quan hoặc ban hành Nghị quyết thí điểm áp dụng ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Một số Luật vừa mới được thi hành một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung một số điều, thậm chí sửa đổi toàn bộ như Luật Đầu tư công. Một số luật theo nghị quyết của Quốc hội phải đươc ban hành để cụ thể hoá Hiến pháp nhưng đến nay vẫn trong tình trạng nghiên cứu kéo dài, chưa xác định được thời hạn trình Quốc hội.

Một vấn đề khác đặt ra, đó là tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp quyền trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý kinh tế chưa được đặt lên hàng đầu, còn bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu.

Cùng với đó là việc thiếu cơ chế giám sát và bảo vệ Hiến pháp chuyên nghiệp và hữu hiệu, chưa có cơ chế khiếu kiện văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với luật hoặc trái với văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên ban hành; hệ thống hành chính vẫn còn nhiều tầng nấc, thủ tục bất hợp lý, còn nhũng nhiễu, nứu giữ nhiều "giấy phép mẹ, giấy phép con"; năng lực giải quyết tranh chấp đầu tư và thương mại của Toà án còn hạn chế, cùng với sự chậm trễ, khó khăn trong thi hành án. Những hạn chế, bất cập này cũng là nguyên nhân chính làm cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân chưa thật sự đặt niền tin bền vững vào thể chế kinh tế, quyền tự do kinh doanh và môi trường đầu tư kinh doanh trong phạm vi toàn quốc cũng như ở các địa phương.

Ông có đề xuất, kiến nghị gì nhằm khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới đây?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Đầu tiên, cần tiếp tục công tác truyền thông bằng nhiều hình thức hữu hiệu về Hiến pháp và kết quả triển khai thực thi bước đầu trong toàn hệ thống chính trị và xã hội.

Tiếp theo nữa là ban hành đầy đủ, có chất lượng các luật và văn bản quy phạm pháp luật khác để tiếp tục cụ thể hoá và thực thi Hiến pháp trong cuộc sống, hoàn thiện thể chế kinh tế, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh. Cụ thể, ban hành Luật về hội để tạo khuôn khổ luật định cho việc thành lập và hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp, Luật Đơn vị hành chính -  kinh tế đặc biệt, Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Luật về các vùng kinh tế - xã hội, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật về cơ chế bảo vệ Hiến pháp...

Bên cạnh đó, cần thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền hợp lý và khoa học trong việc quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, xác định đúng các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trên cơ sở quy định của Hiến pháp.

Tăng cường giám sát có hiệu quả, hiệu lực việc thực thi Hiến pháp, trong đó có các quy định về kinh tế, thể chế kinh tế, quyền tự do kinh doanh, bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm Hiến pháp. Thực hiện sự phối hợp giữa hoạt động giám sát quyền lực của Quốc hội và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, lựa chọn, giới thiệu nhiều hơn các chuyên gia pháp luật, kinh tế, tài chính có trình độ và kinh nghiệp thực tiễn để được bầu làm ĐBQH chuyên trách và tham gia các cơ quan chuyên môn có liên quan đến kinh tế của Quốc hội, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và kỹ năng thẩm tra, phản biện, biên tập văn bản, báo cáo của của các cơ quan này và bộ máy tham mưu, giúp việc.

Có cơ chế tham vấn bắt buộc ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực thi và giám sát việc thực thi thể chế, chính sách kinh tế theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp.

Không thể không nhắc đến, đó là ứng dụng công nghệ thông tin và các thành tựu của CMCN 4.0 vào quá trình giải quyết các vấn đề kinh tế, thể chế kinh tế và quyền tự do kinh doanh theo hướng xây dựng nền kinh tế số vào hoạt động của Nhà nước, xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, trong đó có Quốc hội điện tử, Quốc hội số.

Thời gian trên 5 năm triển khai thực thi Hiến pháp mới chưa phải là dài, nhưng  kết   quả đạt được bước đầu có ý nghĩa rất quan trọng và rất đáng ghi nhận. Việc sơ kết, đánh giá kết quả đó là hết sức cần thiết để có thể rút ra những bài học quý giá và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mới cho việc tiếp tục thực thi thành công Hiến pháp trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ