Quỹ Tích lũy trả nợ - tránh những tác động tiêu cực

Chính phủ mới ban hành Nghị định 92/2018/NĐ-CP về quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ và giao Bộ Tài chính thực hiện quản lý theo quy định tại điều 56 của Luật Quản lý nợ công trên cơ sở Quỹ Tích lũy trả nợ được thành lập theo quy định tại Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14-10-2010.
19, Tháng 07, 2018 | 07:55

Chính phủ mới ban hành Nghị định 92/2018/NĐ-CP về quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ và giao Bộ Tài chính thực hiện quản lý theo quy định tại điều 56 của Luật Quản lý nợ công trên cơ sở Quỹ Tích lũy trả nợ được thành lập theo quy định tại Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14-10-2010.

0a357_quy_tich_luy_tra_no

 Quỹ Tích lũy trả nợ có khả năng gây tác động tiêu cực tới dự trữ ngoại hối. Ảnh: THÀNH HOA

Nghị định trên có hai điểm quan trọng liên quan đến nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách. Thứ nhất, Quỹ Tích lũy trả nợ (gọi tắt là quỹ) là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước. Thứ hai, trong trường hợp nguồn thu ngoại tệ của quỹ không cân đối với chi ngoại tệ, và quỹ ngoại tệ của ngân sách nhà nước không đủ nguồn ngoại tệ để thanh toán thì quỹ sẽ mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoặc từ các ngân hàng thương mại. NHNN có trách nhiệm đảm bảo cân đối ngoại tệ cho quỹ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính. 

Điều rút ra từ hai điểm trên là NHNN từ nay có thể hoàn toàn “yên tâm” tài trợ cho ngân sách (bằng ngoại tệ) mà không sợ trái luật (Luật NHNN), bởi việc tài trợ này không diễn ra trực tiếp giữa NHNN và ngân sách (Kho bạc Nhà nước), mà là thông qua trung gian là quỹ, được hạch toán độc lập với ngân sách. Lưu ý thêm rằng theo Luật NHNN, NHNN chỉ được tạm ứng cho ngân sách để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước. Khoản tạm ứng này phải được hoàn trả trong năm tài chính. Như vậy, theo luật, NHNN không được phép bán ngoại tệ trực tiếp cho Kho bạc. 

Thêm nữa, do quỹ được quyền mua ngoại tệ từ NHNN và NHNN phải đáp ứng quyền này mà rốt cuộc ngoại tệ thì chảy về ngân sách nên cũng có thể nói thêm là NHNN sẽ phải “bao cấp” ngoại tệ cho ngân sách vào mọi thời điểm mà quỹ và/hoặc ngân sách cần, cho dù đúng vào lúc có căng thẳng cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối làm tăng sức ép lên tỷ giá.

Chưa hết, nghị định trên không đề cập cụ thể việc mua bán ngoại tệ giữa quỹ và NHNN nhưng rất có khả năng tỷ giá dùng cho việc mua bán này là tỷ giá hạch toán ngoại tệ do Kho bạc Nhà nước công bố vào cuối mỗi tháng.  

Cụ thể hơn, theo công bố của Kho bạc Nhà nước ngày 31-5-2018, tỷ giá hạch toán giữa tiền đồng và đô la Mỹ tháng 6-2018 là 22.574 đồng/đô la Mỹ. Trong khi đó, tỷ giá trung bình của tháng 6-2018 trên thị trường chính thức vào khoảng 22.860 đồng/đô la hoặc hơn, cao hơn tới gần 300 đồng (1,3%). Như vậy, Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia của NHNN không những phải ưu tiên bán ngoại tệ cho ngân sách kể cả vào những lúc tỷ giá căng thẳng, mà còn phải bán với giá rẻ, càng gây thêm thiệt hại cho quỹ này.

Một hệ lụy khác của cơ chế mua bán ngoại tệ vòng vèo này là mức độ an toàn tối thiểu của Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia cần phải được tính toán lại. Thay vì chỉ căn cứ vào mức tương đương ba tháng nhập khẩu như thông lệ quốc tế và như đã được các cơ quan chức năng Việt Nam chấp nhận rộng rãi thì nay cần phải loại trừ phần ngoại tệ cần phải “để dành” cho Quỹ Tích lũy trả nợ rồi sau đó phần còn lại mới đem chia cho kim ngạch nhập khẩu bình quân hàng tháng để tính ra số tháng nhập khẩu tương đương. 

Nếu theo cách tính này thì chắc chắn sức khỏe của Quỹ Dự trữ ngoại hối sẽ bị ảnh hưởng lớn, khó có khả năng đạt mức an toàn tối thiểu như hiện nay nữa. Trên khía cạnh này, có thể nói đây là một “điểm mù” của ngân sách, nợ công và chính sách tỷ giá.

Có thể sẽ có ý kiến cho rằng quỹ sẽ mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại thay vì mua từ NHNN, nên không làm ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối quốc gia. Nhưng vì mua ngoại tệ trực tiếp từ NHNN vẫn rẻ hơn và NHNN vẫn phải đáp ứng khi quỹ yêu cầu nên động lực để quỹ mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại là không nhiều. Hơn nữa, dù có mua qua hệ thống ngân hàng thương mại thì rốt cục vẫn làm tăng nhu cầu ngoại tệ trong nền kinh tế và do đó làm tăng áp lực lên tỷ giá, buộc NHNN vẫn phải can thiệp bằng cách trích dự trữ ngoại hối quốc gia nếu muốn ổn định tỷ giá.

Bên cạnh khả năng gây tác động tiêu cực tới dự trữ ngoại hối, quỹ còn tạo ra một rủi ro đáng kể khác liên quan đến chế độ báo cáo của nó.

Cụ thể, theo quy định, hàng năm, hoặc theo yêu cầu, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước về tình hình quản lý, sử dụng quỹ trong báo cáo chung về nợ công... 

Tuy nhiên, việc “gài” những con số rất khái quát về quỹ vào báo cáo chung về nợ công chắc chắn sẽ để lọt nhiều sai sót cố tình hoặc vô ý bởi những nơi nhận báo cáo của Chính phủ sẽ chỉ được biết, được thấy những con số khái quát này mà không hiểu, không thể phân tích sâu hơn phần chìm của những con số đó để kịp thời yêu cầu chấn chỉnh.

Trong nghị định trên cũng không có điều khoản giám sát hoạt động của quỹ bởi một bên độc lập, ngoại trừ kiểm toán trong quá trình kiểm toán ngân sách hoặc kiểm toán chuyên đề về nợ công.

Như vậy, nếu có sai sót thì chúng chỉ được phát hiện ra đến hàng năm sau đó. Ví dụ, ngày 7-3-2018 Kiểm toán Nhà nước mới công bố báo cáo kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nợ công năm 2016, trong đó đã phát hiện hàng loạt thiếu sót của Bộ Tài chính và NHNN chỉ riêng liên quan đến quỹ.

Theo Phan Minh Ngọc/ The Saigontimes

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ