Ông Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

Nhàđầutư
"Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
NHÓM PHÓNG VIÊN
07, Tháng 04, 2022 | 05:10

Nhàđầutư
"Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

phoc

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá cao Tạp chí Nhà đầu tư và Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp tổ chức diễn đàn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Sáng nay (7/4), Thời báo Tài chính Việt Nam (thuộc Bộ Tài chính) và Tạp chí Nhà đầu tư (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) phối hợp tổ chức Diễn đàn: "Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội".

Diễn đàn có sự tham dự của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; GSTS-KH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính gồm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế, Vụ Đầu tư, Cục Quản lý giá, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Công sản, Văn phòng Bộ Tài chính; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cùng đại diện lãnh đạo của gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Diễn đàn được tổ chức nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư hiểu rõ chính sách tài khoá hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chỉ ra các cơ hội đối với doanh nghiệp cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Phát biểu tại diễn đàn về một số vấn đề được quan tâm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, cho rằng trong phần lớn thời gian đã qua của diễn đàn, qua phần trình bày của đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và phần đối thoại, trao đổi giữa các doanh nghiệp với các đơn vị của Bộ Tài chính, chúng ta cũng đã thấy được khái quát bức tranh về những chính sách, giải pháp mà Bộ Tài chính đã thực hiện để đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 thời gian qua, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

ho-duc-phoc1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động rất lớn đến sự phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế, xã hội của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong năm 2021 vừa qua.

Ngay khi dịch COVID-19 xảy ra từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp, chính sách về tài khoá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch.

Trong năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ nêu trên là khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Sang năm 2021, trước diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn kinh phí mua vaccine phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi (thông qua cắt giảm chi thường xuyên) và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020 với số tiền 14,62 nghìn tỷ để tập trung chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19; cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022.

Đồng thời, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập "Quỹ vắc-xin" để huy động thêm nguồn kinh phí cho nhiệm vụ này. Tính từ khi có dịch covid đến hết quý 1/2022, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 128,5 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trong đó ngân sách Trung ương đã chi khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng và các địa phương đã chi khoảng 97 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó đã kịp thời xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp khoảng 222,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Theo vị Bộ trưởng, đặt trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị suy giảm (vừa chịu sức ép từ suy giảm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa giảm thu do thực hiện các giải pháp hỗ trợ), trong khi đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi NSNN cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... đã tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho NSNN và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.

"Chúng tôi đã nghe ý kiến của các doanh nghiệp, chúng tôi xin tiếp thu để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền với lãnh đạo Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời chúng tôi cũng suy nghĩ về việc ban hành chính sách để đảm bảo mục tiêu tài chính đất nước phát triển, tài chính dân cư phát triển, đảm bảo phát triển hài hòa, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", vị Bộ trưởng nói.

Giải đáp một số vấn đề nóng tại diễn đàn, như giá xăng dầu tăng mạnh ảnh hưởng đến hồi phục, phát triển kinh tế, Bộ trưởng Tài chính khẳng định: "Chúng tôi không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Nhưng muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế".

Theo ông, Bộ Tài chính luôn có tính toán để làm sao đảm bảo tính đồng bộ quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, đảm bảo nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế. Giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Lào, Trung Quốc và 1 số quốc gia lân cận là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý.

"Vấn đề Bộ Tài chính đặt ra là làm sao phát triển của doanh nghiệp, ngay cả khi thực hiện gói kích cầu. Khi kéo dài gói kích cầu từ 2022 - kết thúc 2023, đòi hỏi các công tình cơ bản, đầu tư công phải được thực hiện nhanh trước bối cảnh giá thép lên, xăng dầu lên, cung ứng vật tư kịp thời, Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh phải ban hành đơn giá nguyên vật liệu hàng tháng để DN đỡ thiệt thòi, thu hồi nhanh, thực hiện dự án nhanh", ông Hồ Đức Phớc nói.

Về ý kiến về hoàn thuế cho ngành điện, tôi cũng trăn trở, khi ban hành Nghị định phải lấy ý kiến 1 số bộ ngành khi đưa vào yêu cầu giấy phép sử dụng điện. Tuy nhiên, công trình hoàn thành mới có giấy phép này còn dở dàng thì không có nên sẽ không nằm trong đối tượng được hoàn. Nhưng để thay đổi lại vướng luật, nên Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đưa vào họp Chính phủ để có nghị quyết riêng nhằm tháo nút thắt này. Và Bộ Tài chính đang tích cực làm vấn đề này.

Doanh nghiệp cần nhất là thị trường, vốn, lao động và cơ sở hạ tầng, cởi mở thủ tục hành chính. Với chưc năng, quyền hạn, phạm vi công tác chúng tôi sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp. Bộ Tài chính mong có vướng mắc doanh nghiệp phản ánh kịp thời qua các hiệp hội DN, hiệp hội nhà đầu tư để đưa tới cơ quan quản lý. Bộ Tài chinh sẽ mỗi quý giao ban với lãnh đạo tỉnh 1 lần bằng hình thức trực tuyến để tháo gỡ vướng măc, khó khăn thuộc quản lý, quyền hạn của Bộ Tài chính.

Đối thoại về những vấn đề quan tâm, đưa chính sách đi vào cuộc sống

Trước đó, phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết trước diễn biến phức tạp và những ảnh hưởng chưa từng có bởi đại dịch COVID-19, nhất là sau làn sóng dịch lần thứ 4, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

doi-thoai1

TS. Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội. Toàn bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện trong 2 năm (2022-2023). Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GDP bình quân của nước ta đạt 6,5-7%/năm; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, nhiệm vụ của chính sách tài khóa và tiền tệ. Ngay khi ban hành, dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao những nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách đưa ra với nguồn lực đủ lớn và thời gian triển khai đủ dài, kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả rõ nét cả trong trước mắt cũng như lâu dài, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế -xã hội của đất nước.

Đến thời điểm này, một số chính sách, như việc miễn, giảm thuế đã đi vào cuộc sống được dư luận đánh giá cao. Bộ Tài chính đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một loạt các chính sách quan trọng, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Từ những hỗ trợ quan trọng này đã tạo động lực để doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020. Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

ho-duc-phoc

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; GSTS-KH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các đại biểu. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tuy nhiên, những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là rất lớn, đó là: Kinh tế thế giới và trong nước chưa hồi phục, rủi ro lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, giá nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu trên thế giới tăng cao... Với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, tất cả các rủi ro đó đều phải được tính đến và cần có những kịch bản điều hành phù hợp.

"Xuất phát từ thực tế nói trên và để đáp ứng nhu cầu của đông đảo các nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài nước mong muốn tiếp cận thông tin đầy đủ, toàn diện về những nội dung của các gói hỗ trợ, cũng như những nhiệm vụ mà Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thời báo Tài chính Việt Nam và Tạp chí Nhà đầu tư đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp tổ chức Diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", TS. Phạm Thu Phong nhấn mạnh.

Theo TS. Phong, trong giai đoạn vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tích cực đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thời gian qua Bộ Tài chính là cơ quan luôn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

"Tại điễn đàn đối thoại hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu, chia sẻ các thông tin mới nhất về các chính sách tài khóa thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề quan tâm nhằm đưa chính sách đi vào cuộc sống, góp phần đóng góp tích cực, hiệu quả vào Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nói.

Giải pháp của Chính phủ với nguồn lực đủ lớn để hồi phục kinh tế

Giới thiệu tổng quan về gói hỗ trợ của Chính phủ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề doanh nghiệp/nhà đầu tư quan tâm, TS. Nguyễn Anh Tuấn Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn cho hay, như đã biết, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về Chính sách tài khoá tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

nguyen-anh-tuan

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư giới thiệu tổng quan về gói hỗ trợ của Chính phủ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề doanh nghiệp/nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tại Nghị quyết này Quốc hội đã quyết định chính sách hỗ trợ Chương trình có quy mô, nguồn lực đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền các cấp.

Về chính sách tài khoá, Nghị quyết 43 của Quốc hội đã quyết định giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 cho kỳ tính thuế 2022; Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động; Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm.

Đến ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nêu rất rõ mục tiêu  của chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, Nghị quyết 11 đã đưa ra một số giải pháp rất quan trọng sau đây: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;

Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022. Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết 13 ngày 31/12/2021 của UBTVQH. Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp. Áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Nghị đinh số 101 ngày 15/11/2021.

dai-bieu

Các đại biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103 ngày 26/11/2021. Gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: Hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hôi, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân. Nghị quyết cũng đã xác định gói hỗ trợ quy mô lớn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022-2023.

Trong đó, giảm thuế, phí, lệ phí tối đa 64 nghìn tỷ đồng; chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Trong đó, bổ sung tối đa 114,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu...

Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất khoảng 135 nghìn tỷ đồng; sử dụng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiều phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng; sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị, thiết bị, vật tư, y tế; sử dụng 5 nghìn tỷ đồng để phát triển hạ tầng viễn thông, internet; sử dụng 5 nghìn tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm mầm sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ.

Tại nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; quy định về giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp các khoản thuế, tiền thuê đất; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước xây dựng, trình chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

"Có thể thấy, các chính sách, giải pháp của Chính phủ là khá đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023. Ngay từ khi ban hành Nghị quyết 11 của Chính phủ đã được dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và tin tưởng rằng với việc thực hiện thành công chương trình này, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng từ 6,5-7% như Nghị quyết đã đề ra", TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Nhiều vấn đề cần được giải đáp

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, tại Nghị quyết số 11, Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội, cũng như quy định về giảm tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuế đất theo nội dung tại điều 3 mục II của Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Vậy các văn bản này đã được chuẩn bị như thế nào? Bao giờ sẽ được ban hành? Và khi các văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành thì chính sách miễn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, gia hạn nộp các khoản thuế sẽ được thực hiện như thế nào?

Trong chính sách hỗ trợ có chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%). Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn khá lúng túng trong áp dụng thuế suất thuế GTGT là 8% hay 10%. Xin đề nghị cho biết là từ thời điểm nào tới thời điểm nào thì áp dụng mức 8%, thời điểm nào áp dụng 10%? Và làm sao doanh nghiệp biết mình có thuộc đối tượng được giảm thuế?

Hiện nay việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp rất nhiều khó khăn, điều này không đến từ thu xếp vốn mà là từ cơ chế, chính sách. Vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính có những giải pháp gì với các dự án hạ tầng lớn để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tạo hiệu ứng lan toả ra toàn nền kinh tế?

Một trong những vấn đề đang được đặt ra đối với nhiều quốc gia, trong đó có nước ta là giá dầu tăng cao và rủi ro lạm phát. Một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm kiềm chế giá dầu nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng. Xin cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này? 

PHIÊN ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA 

Điều phối phiên đối thoại: TS. Nguyễn Anh Tuấn, TBT Tạp chí Nhà đầu tư và TS. Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập TBTCVN.

Diễn giả chính: Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Tổng cục Hải quan; bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế Bộ Tài chính, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành KPMG Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam.

toan-canh

Toàn cảnh phiên đối thoại tại diễn đàn. Ảnh: Trọng Hiếu.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất là một bộ phận quan trọng trong chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đang dự thảo các Nghị định quy định về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Để mở đầu phiên đối thoại chương trình sẽ nghe phát biểu của ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thuế về nội dung này.

Gia hạn nộp thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính phân công chủ trì, xây dựng chính sách gia hạn thời gian nộp các khoản thuế, tiền thuê đất. Thực hiện phân công nêu trên của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo 2 nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, gồm: Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 và Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

minh

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Ảnh: Trọng Hiếu.

Về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với toàn bộ các đối tượng giống như quy định tại Điều 2 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/04/2021 của Chính phủ.

Cụ thể, có 5 nhóm đối tượng được gia hạn: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế; doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế; doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) hiện đang dự kiến đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế của các tháng 6, 7, 8, 9 được gia hạn tới chậm nhất là ngày 20/11/2022.

Đối với 2 dự thảo Nghị định nêu trên, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có văn bản lấy ý kiến các Bộ, ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố; đồng thời, ngày 28/3/2022, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo 02 Nghị định nói trên.

Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang hoàn thiện dự thảo Nghị định để gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 4/2022.

Trường hợp được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn vào khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng. Khoản gia hạn này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, cá nhân khi có thêm nguồn tài chính, sự hỗ trợ về dòng tiền để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Ngoài chính sách thuế, một trong những giải pháp quan trọng được đề ra tại Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế là cải cách thể chế, thủ tục hành chính. Để hiểu rõ hơn về việc triển khai công tác này trong lĩnh vực hải quan, chúng ta sẽ nghe phát biểu của đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan về "Cải cách, hiện đại hoá hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp". Xin mời ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan.

Đồng hành cùng doanh nghiệp cải cách thủ tục thông quan

Ông Hoàng Việt Cường: Trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là từ năm 2021 đến nay, dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, đặc biệt là kinh tế - xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thương mại, duy trì dòng chảy lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền (Bộ Tài chính, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội), đồng thời ban hành, triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp.

cuong

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Ảnh: Trọng Hiếu.

Theo đó, xác định công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật hải quan là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong năm 2021, Tổng cục Hải quan tập trung nguồn nhân lực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về hải quan. Về cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đã chủ trì soạn thảo, trình ban hành Quyết định 07/2021/QĐ-TTg ngày 2/3/2021, Thông tư số 82/2021/TT-BTC ngày 30/9/2021, Thông tư số 121/2021/TT-BTC với các giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản cốt lõi trong lĩnh vực hải quan và các thông tư hướng dẫn, Tổng cục Hải quan đã đề xuất cắt giảm những chứng từ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết nhằm đơn giản hóa TTHC, xử lý các vướng mắc phát sinh. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã và đang tăng cường nghiên cứu triển khai công tác hiện đại hóa và trang cấp trang thiết bị hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát hải quan. Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại (triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến); triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong giai đoạn tới, Hải quan Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách sâu rộng, toàn diện nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ như: Rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về hải quan; tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT ngành Hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ; phối hợp đẩy mạnh triển khai kết nối trao đổi chứng từ điện tử thông qua cơ chế một cửa ASEAN; rà soát triển khai các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia; cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu, các bộ, ngành thực hiện hậu kiểm.

Đặc biệt, ngành Hải quan sẽ nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp để phấn đấu cải cách thủ tục thông quan hàng hóa XNK nói riêng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để cắt giảm chi phí và thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tôi tin chắc rằng các ý kiến phát biểu vừa rồi của ông Đặng Ngọc Minh và ông Hoàng Việt Cường đã cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp những thông tin quan trọng và thiết thực. Ban Tổ chức Diễn đàn rất muốn được nghe ý kiến bình luận và cảm nhận của các doanh nghiệp về những thông tin này. Trước hết, xin mời ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành KPMG Việt Nam.

Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho nhà đầu tư ngoại

Ông Warrick Cleine: Tôi đánh giá cao sự chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam giúp các DN vượt qua thách thức trong thời gian đại dịch. Trước khi trở thành Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng cũng có thời gian công tác rất thành công trong lĩnh vực kiểm toán, cảm ơn Bộ trưởng tiếp tục dẫn dắt lĩnh vực tài chính tại Việt Nam.

tay

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành KPMG Việt Nam. Ảnh: Trọng Hiếu.

Năm qua là năm thách thức, bên cạnh đó có nhiều thú vị chúng ta thấy được,đó là tác động về mặt kinh tế không phải công bằng cho tất cả các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp đón đầu được cơ hội phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN để vượt qua đại dịch. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia duy trì đà phát triển GDP, đạt thành tựu đáng khen ngợi.

Hội thảo diễn ra tại London (Anh) tuần trước, qua trao đổi, các nhà đầu tư rất tin tưởng vào Việt Nam và tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư đang muốn đầu tư tại ASEAN và Việt Nam là điểm đến hàng đầu. Đây không chỉ là cơ hội cho các nhà đầu tư mà còn là cơ hội cho Việt Nam.

Tôi xin hỏi Bộ trưởng Tài chính, khi nào gói hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sẽ được triển khai? Và tôi muốn biết gói hỗ trợ sẽ thực hiện thế nào, khi nào chương trình kết thúc?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn ông Warrick Cleine đã truyền tải một số đánh giá của các nhà đầu tư về triển vọng đầu tư tại Việt Nam, và có một số đề xuất liên quan đến chính sách của Chính phủ nhằm phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới.

Tiếp theo tôi rất muốn nghe đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - một trong những đối tượng chính chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Thưa ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông đánh giá như thế nào về những chính sách và giải pháp mà Bộ Tài chính đang triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển?

Hướng dẫn sớm khi ban hành những chính sách mời về thuế

Ông Nguyễn Văn Thân: Theo phản ánh và khảo sát của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi rất cảm ơn đến Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế. Thời gian qua, các đơn vị đã rất nhanh chóng trong việc cải thiện thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ sớm, qua đó giải quyết được rất nhiều vấn đề, khó khăn của doanh nghiệp.

nguyen-van-than

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có ý kiến rằng, các Bộ, ngành có thể trao đổi thêm với Chính phủ, Quốc hội để thay đổi thời gian áp dụng việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Nên tính đến thời điểm trước khi xảy ra COVID, do trong dịch bệnh, các doanh nghiệp đều không ghi nhận thu nhập.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan quản lý sớm ban hành các thông tư trước khi áp dụng các chính sách mới như việc giảm thuế VAT xuống 8%, qua đó tránh gây những mâu thuẫn, lúng túng trong cộng đồng doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ý kiến của ông Nguyễn Văn Thân đã đề xuất ban hành sớm hướng dẫn để các chính sách miễn, giảm thuế sớm đi vào cuộc sống. Tiếp theo xin mời ông Đặng Trọng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có phản hồi ý kiến hai đại diện doanh nghiệp.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Xin cảm ơn câu hỏi của ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành KPMG, tôi rất tự hào khi Bộ trưởng Bộ Tài chính là người trực tiếp chỉ đạo đưa ra giải pháp cụ thể hỗ trợ cộng đồng người dân và doanh nghiệp, đặc biệt, trong ngành thuế của chúng tôi, Bộ trưởng rất quan tâm công tác chuyển đổi số.

Đây là một chủ đề quan trọng nhất trong năm 2021 khi đại dịch bùng phát. Sau khi trải qua thời kỳ đại dịch, sự chuyển động mạnh mẽ trong thói quen của người dùng hướng đến các dịch vụ điện tử đã tạo một bước đà rất lớn cho việc phát triển giao dịch điện tử.

dang-ngoc-minh

"Nguyên tắc của Tổng Cục thuế là thực hiện nguyên tắc tự khai, tự tính tự nộp, tạo điều kiện cho người dân tuân thủ nghĩa vụ một cách tự nguyện, ngành thuế không thể đi theo tất cả những người dân và từng cá nhân", ông Đăng Ngọc Minh nói.

Do đó, Tổng cục Thuế đã có nhiều thuận lợi về công tác tuyên truyền về sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế. Bước tiếp theo cần tập trung chủ yếu vào việc hoàn thiện các dịch vụ, cung cấp thông tin tốt nhất cho người dân tiếp cận các quy định, chính sách trong lĩnh vực thuế, để từ đó người dân thực thi nghĩa vụ thuế một cách tự nguyên và đầy đủ.

Hơn thế nữa, việc đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, ổn định, dễ dàng sử dụng, không ngừng nâng cao chất lượng, mở rộng dịch vụ cũng là nhiệm vụ rất quan trọng mà Tổng cục Thuế hướng tới, để có thể duy trì thói quen sử dụng thường xuyên và nâng cao sự hài lòng của người dân. Trên nền tảng ứng dụng này, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều dịch vụ khác trong tương lai, như dịch vụ chủ động thông báo đến từng người dân, doanh nghiệp thông tin về chính sách, nghĩa vụ, thông báo thuế….

Hiện nay, Tổng cục Thuế chưa triển khai ứng dụng eTax Mobile cho người nộp thuế doanh nghiệp. Sau khi hoàn thiện triển khai kết nối Ngân hàng thương mại nộp thuế điện tư cho cá nhân. Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu và triển khai ứng dụng cho doanh nghiệp. Về thu ngân sách, chúng tôi có điều kiện đặc thù, việc giãn cách xã hội khiến nền kinh tế bị đóng cửa, cho đến tháng 9,10 mới bắt đầu mở cửa, lúc này nền kinh tế như lò xo đã bật lên với số thu ngân sách vượt kế hoạch thận trọng mà Nhà nước đặt ra.

Đối với những cá nhân hay doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi đánh giá cao những ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đánh giá về sự hợp tác, vào cuộc cũng như hỗ trợ của ngành tài chính nói chung và đặc biệt là ngành thuế và ngành hải quan.

Ngay ở vấn đề tổ chức, nguyên tắc của Tổng Cục thuế là thực hiện nguyên tắc tự khai, tự tính tự nộp, tạo điều kiện cho người dân tuân thủ nghĩa vụ một cách tự nguyện, ngành thuế không thể đi theo tất cả những người dân và từng cá nhân, chúng tôi có một vụ để hỗ trợ công tác này là Vụ quản lý Thuế TNCN Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Qua quá trình đó, chúng tôi đã đưa ra rất nhiều giải pháp, yếu tố hỗ trợ như app smart banking để truy cứu các nghĩa vụ về thuế, thông qua điện thoại thông minh để hoàn thành nghĩa vụ về thuế.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tiếp theo tôi xin mời GS-TSKH. Nguyễn Mại có ý kiến bình luận xoay quanh các ý kiến của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Thủ tục hành chính vẫn rất phức tạp, còn hiện tượng nhũng nhiễu

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE: Tôi mừng vì trong vài năm gần đây chúng ta có tiến bộ rất nhiều không chỉ ở Bộ Tài chính mà còn nhiều bộ, ngành trong giảm thiểu thủ tục hành chính. Doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Nhưng có 2 hiện tượng đề nghị Bộ trưởng Tài chính lưu ý. Một là thủ tục hành chính, dù nói cắt giảm nhưng mỗi khi có luật mới, nghị định mới được ban hành là lại có thủ tục mới và bao giờ cũng phức tạp hơn thủ tục cũ.

Thời điểm trong Tổ Tư vấn của Thủ tướng, chúng tôi đã có kiến nghị tới lúc phải ra một luật về thủ tục hành chính. Trên lãnh thổ Việt Nam sẽ chỉ có 2.000 hay 3.000 thủ tục hành chính còn ngoài luật không có thủ tục, thông tư mới nào được ban hành thủ tục hành chính mới. Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận nhiều phản ảnh của các doanh nghiệp nước ngoài. Tổng cục thuế, Hải quan đã có những thay đổi nhưng thực tế doanh nghiệp thấy thủ tục vẫn rất phức tạp, còn hiện tượng nhũng nhiễu. Họ hy vọng chúng ta phải có cuộc cải cách sâu rộng hơn nữa, cần tinh giản bộ máy, có sự hợp tác các cấp, uỷ quyền cho các địa phương không để mỗi nơi một kiểu; tinh giản biên chế để các cơ quan không thừa người, không thêm thủ tục hành chính.

Một số nơi đang làm nhưng tinh giản bộ máy dường như do ảnh hưởng dịch bệnh nên làm quá chậm. Không có con người tốt thì không có bộ máy, thể chế tốt. Vừa rồng Tổng giám đốc KPMG nói may mắn có sự can thệp của Chính phủ trong đại dịch nhưng nên hiểu rằng, thế giới cũng lo rằng các Chính phủ sẽ bị quán tính, can thiệp quá sâu vào doanh nghiệp và xã hội giống như từng bắt doanh nghiệp 3 tại chỗ, cách ly, khai báo...

nguyen-mai

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE. Ảnh: Trọng Hiếu.

Thế giới cảnh báo tình trạng các Chính phủ áp dụng quán tính như trong đại dịch là rất nguy hiểm. Vì vậy, Chính phủ cần trở về chức năng của mình là quản lý nhà nước bằng Chính phủ số, Chính phủ điện tử; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân thực hiện lợi ích, quyền hợp pháp của mình, không can thiệp vào quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Trong các vấn đề doanh nghiệp quan tâm, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhận được đề xuất của các thành viên Hiệp hội về việc kiềm chế giá xăng dầu, nhân diễn đàn GS. Nguyễn Mại có thêm ý kiến gì về vấn đề này không?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Hiện Bộ Tài chính làm 2 chức năng lớn là thu chi ngân sách và quản lý về giá nên phải coi trọng việc không để lạm phát quá cao, giữ ở mức 2-3%. Đây là một bài toán khó cho Bộ Tài chính. Tuy nhiên, chính những phản ứng chính sách kịp thời của cơ quan làm chính sách, Chính phủ thể hiện năng lực quản lý của một quốc gia.

Mong rằng Bộ trưởng Tài chính nên có đánh giá lại phản ứng với giá cả thị trường trước biến động của thế giới gần đây. Tôi đánh giá cao phản ứng gần đây của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính khi chiến tranh Ukraine xảy ra, để ứng phó với nhiều chuyến hàng không xuất được sang Nga, Ukraine, Bộ đã đưa ra các giải pháp kịp thời, giúp doanh nghiệp gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, với xăng dầu thì tôi không đồng tình lắm. Vì xăng dầu là mạch máu cho giao thông, giao thông vận tải chịu tác động nặng nề nhất từ dịch bệnh nhưng nay vừa bắt đầu phục hồi thì bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Trong 2-3 tháng giá xăng dầu tăng mạnh đã ảnh hưởng tới giao thông vận tải, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, hoặc dừng sản xuất. Đó là nguy cơ lớn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, toàn bộ hệ thống giao thông vận tải ách tắc thì phải đặt tầm quan trọng đủ để giải quyết giá xăng dầu nhanh, kịp thời để phát triển giao thông, vận tải của chúng ta.

3 quan điểm đề nghị Bộ trưởng lắng nghe: Một là quan điểm hệ thống toàn diện, không chỉ tính tới thu chi ngân sách mà cần coi đó là vấn đề phục hồi kinh tế. Hai là cần có quan điểm hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi để kinh tế phát triển. Ba là tính tới lợi và hại. Petrovietnam tăng thu, tăng nộp thuế rất cao trong quý đầu năm thì phải tính đến nếu giải quyết bài toán xăng dầu để doanh nghiệp vận tải phát triển, họ cũng sẽ nộp cho ngân sách Nhà nước, không phải nhận trợ cấp nữa. Đó là bài toán khó, mong rằng Bộ giao cơ quan nào đó có năng lực để ra phương án trình Bộ trưởng và Chính phủ với giá xăng dầu trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ý kiến và đề xuất của GS. Nguyễn Mại, ở đây có đại diện Cục Quản lý giá, chắc chắn lát nữa sẽ có phản hồi bình luận thêm. Để kết thúc phần điều phối để chuyển sang phần hỏi - đáp, tôi muốn dành thời gian còn lại cho ý kiến từ ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bamboo Capital.

Đề nghị xem xét chính sách hoàn thế cho dự án năng lượng tái tạo

Ông Phạm Minh Tuấn: Thời gian đại dịch có nhiều ảnh hưởng với Bamboo Capital. Tôi có một kiến nghị trong vấn đề quy trình hoàn thuế VAT đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo quy định, 1 dự án trước khi vào hoạt động và sau khi có giấy phép hoạt động thì được hoàn thuế.

tuan

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bamboo Capital. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, toàn bộ dự án điện gió, điện mặt trời, thường thì cơ chế giá FIT hết hạn vào cuối quý, cái này vướng rất lớn đến các doanh nghiệp khi làm thủ tục hoàn thuế. Khi thực hiện, phần lớn hợp đồng đó không được tính vào hoàn thuế.

Về chính sách thì đúng nhưng về kỹ thuật lại không tối ưu hóa được dòng tiền của doanh nghiệp. Do đó, tôi mong muốn Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh xem hoàn thuế được tính theo tháng trước ngày hoàn thuế, giúp doanh nghiệp hoàn thuế tối đa.

PHẦN HỎI - ĐÁP

Diễn giả: TS.Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam: Câu hỏi rất là nóng của GS. Nguyễn Mại, chúng tôi cũng nhận được câu hỏi tương tự ở dưới gửi lên, liên quan đến việc giá dầu tăng cao và rủi ro lạm phát. Một số chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm kiềm chế giá dầu nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng. Xin mời đại diện Cục Quản lý giá?

Giá xăng dầu trong nước thực hiện theo cơ chế thị trường

Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất, tiêu dùng và an ninh năng lượng quốc gia.

Do đó, việc điều chỉnh giá xăng dầu cũng có tác động đến kinh tế xã hội trong từng thời kỳ. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao và tác động trực tiếp đến giá xăng dầu trong nước, thì việc tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ để hạn chế những biến động tăng đột biến đối với giá xăng dầu trong nước là cần thiết, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô Việc điều hành giá xăng dầu trong nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, giá xăng dầu trong nước thực hiện theo cơ chế thị trường, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Bên cạnh đó, Quỹ BOG (Bình ổn giá) đã được chi sử dụng liên tục để bình ổn giá. Nhờ công cụ Quỹ BOG, giá xăng dầu trong nước thời gian qua đã có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

khoi

Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Ảnh: Trọng Hiếu.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị Quyết về điều chỉnh giá bảo vệ môi trường. Việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đã trực tiếp tác động làm giảm giá cơ sở; qua đó giảm giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày 1/4/2022.

Ngay từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương dự báo diễn biến giá xăng dầu để cập nhật trong các kịch bản điều hành giá; đồng thời với đó là các giải pháp quản lý điều hành giá tiếp tục được đẩy mạnh để kiểm soát chặt chẽ các trường hợp lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý; qua đó kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu dưới 4%.

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tăng cường sử dụng công cụ Quỹ BOG xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng dầu để có điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với thực tế trong nước; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý điều hành giá để kiểm soát chặt chẽ các trường hợp lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý.

TS. Phạm Thu Phong: Xin cảm ơn ý kiến phản hồi từ Cục Quản lý giá, tiếp theo là một câu hỏi từ phía doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận được gói tài khóa hỗ trợ lần này là gì?. Xin mời đại diện Vụ Chính sách Thuế.

Không phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính): Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, các chính sách ở Việt Nam, trong đó có chính sách thuế, phí, lệ phí và tiền thuế đất đều đã được áp dụng thống nhất, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

hang

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính). Ảnh: Trọng Hiếu.

Trong gói giải pháp tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội bao gồm nhiều giải pháp riêng theo từng lĩnh vực và được cụ thể hóa để thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Theo đó, doanh nghiệp cần căn cứ quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện áp dụng tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và đối chiếu với thực tế của doanh nghiệp để áp dụng cho phù hợp.

TS. Phạm Thu Phong: Một câu hỏi liên quan đến Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp rất ghi nhận những nỗ lực trong cải cách hiện đại hóa của ngành hải quan. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn còn gặp vướng mắc trong xác định mã số H/S hoặc tuân thủ thủ tục tham vấn xác định giá trị hải quan, cũng như mong muốn được giảm một số thủ tục không cần thiết để thông quan nhanh chóng. Những vấn đề này, cơ quan hải quan có những cải cách gì để hỗ trợ doanh nghiệp?.

Giảm thủ tục để thông quan hàng hoá nhanh chóng

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan: Thời gian qua, ngành hải quan thực hiện cải cách thủ tục trên tất cả các lĩnh vực, đến nay 100% đơn vị thông quan điện tử, 99% doanh nghiệp thực hiện trên hệ thống này. Số lượng thuế thu điện tử là 99,8%, về cơ bản đáp ứng được.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp vướng mắc thủ tục xác trị giá và mã số hàng hóa, đây là 2 lĩnh vực kỹ thuật nhất trong Hải quan. Vấn đề này không chỉ Việt Nam mà kể cả những nước đang phát triển cũng đang vướng mắc.

Tới đây, khi Chính phủ sửa Nghị định 08/2015/NĐ-CP và hướng đến tháo gỡ các vướng mắc trên cơ sợ quy định pháp luật và thông lệ quốc tế theo 2 hướng, một là xác định giá trị tính thuế trước, hai là tham vấn một lần nhưng giải quyết cho nhiều lần.

Đây là một trong những biện pháp tháo gỡ được trong thời gian tới, và kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi. Mã HS liên quan đến kỹ thuật, danh mục hàng hóa xuất khẩu và thuế có hàng trăm mục, chưa kể Việt Nam quy định 12 chữ số. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thực hiện cách mạng số, những mặt hàng mới rất nhiều, đây không chỉ là thách thức với doanh nghiệp mà còn của cả tổ chức hải quan.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực triển khai xác định mã số trước, doanh nghiệp khai trước 15 ngày, trong thời gian đó doanh nghiệp phối hợp với hải quan để xác định tính chất lý hóa của hàng hóa. Bên cạnh đó, cần có cải cách về chính sách biểu thuế, biểu thuế của Việt Nam tương đối phức tạp. Số lượng các mức thuế suất hiện nay trong danh mục quá nhiều (gần 40 mức thuế suất), trong bối cảnh hội nhập các nước trên thế giới chỉ trên dưới 5-10 mức. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách chính sách thuế.

Tuy nhiên, dù chính sách có rõ ràng minh bạch, tổ chức thực hiện cần nâng cao trình độ cán bộ, cộng động doanh nghiệp cần nâng cao kiến thức về chính sách thực hiện, thông hiểu các quy định hải quan nhất là quy định doanh nghiệp trực tiếp làm. Bản thân cơ quan hải quan đã thực hiện thông quan điện tử, giảm tiếp xúc giữa hải quan với doanh nghiệp và thông quan nhanh. Hiện, 66% luồng xanh, gần 30% luồng vàng và 3% luồng đỏ. Sắp tới hải quan sẽ có chương trình giúp doanh nghiệp tự tuân thủ pháp luật, nâng tỷ lệ luồng xanh lên, đáp ứng được yêu cầu thông quan.

Về vấn đề xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã tích cực làm việc với phía Trung Quốc, tuy nhiên phía bạn thực hiện chính sách "Zero Covid" và áp hàng rào kỹ thuật với nông sản Việt Nam. Hải quan Việt Nam đang kết nối với Hải quan Trung Quốc, hội nghị dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 4, để bàn kỹ hơn góc độ giữa cơ quan Hải quan 2 nước cùng hợp tác với nhau, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc.

TS. Phạm Thu Phong: Xin cảm ơn đại diện Tổng cục Hải quan giải đáp chi tiết vấn đề mà nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu quan tâm. Một câu hỏi tiếp theo xin mời đại diện phía Tổng cục Thuế, câu hỏi như sau: Sáng ngày 21/3/2022, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã tổ chức công bố Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile). Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến sự kiện này. Chúng tôi rất muốn biết, Tổng cục Thuế sẽ hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế như thế nào để việc sử dụng dễ dàng, hiệu quả; đảm bảo bảo mật và duy trì hệ thống liên tục, ổn định và thông suốt; thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hỗ trợ người nộp thuế tiếp cận đầy đủ, dễ dàng và sử dụng các dịch vụ thuế điện tử trong quá trình thực hiện chính sách, nghĩa vụ thuế. Những vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ có những hỗ trợ doanh nghiệp ra sao?

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế luôn tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế điện tử, phù hợp với định hướng nền kinh tế số.

Ngành thuế luôn luôn đi đầu về chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi đã triển khai một số giải pháp như đăng ký thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử…, trong đó sắp tới sẽ triển khai thí điểm thanh tra thuế điện tử, thông qua các số liệu.

dang-ngoc-minh

Ông Đặng Ngọc Minh. Ảnh: Trọng Hiếu.

Ngoài ra, qua quá trình triển khai ứng dụng web và đánh giá, nắm bắt nhu cầu của người dân, Tổng cục Thuế nhận thấy dịch vụ điện tử có xu hướng chuyển dịch sang nền tảng thiết bị di động, đây là xu hướng tất yếu khi thiết bị di động ngày càng hiện đại và phổ cập, khả năng bảo mật tốt hơn.

Do đó, Tổng cục Thuế đã triển khai ứng dụng eTax Mobile dành cho người nộp thuế là cá nhân. Đây là bước tiến quan trọng đối với Tổng cục Thuế trong việc cung cấp dịch vụ cá nhân. Qua ứng dụng eTax Mobile, người nộp thuế có thể tra cứu các thông tin về nghĩa vụ thuế, thông tin đăng ký về mã số thuế cá nhân, nhận thông báo thuế, nộp thuế điện tử thông qua liên kết với tài khoản ngân hàng và sử dụng các tiện ích khác giúp tạo thuận lợi trong quá trình tìm hiểu thông tin trong lĩnh vực thuế, tính thuế.

Hiện nay, Tổng cục Thuế chưa triển khai ứng dụng eTax Mobile cho người nộp thuế doanh nghiệp. Sau khi hoàn thiện triển khai kết nối Ngân hàng thương mại nộp thuế điện tư cho cá nhân. Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu và triển khai ứng dụng cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, chúng tôi đã công bố cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

Đây là một trong những sản phẩm của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý thuế, nhằm mang lại tiện ích tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế, nhưng vẫn đảm bảo bảo mật và duy trì hệ thống trên liên tục, ổn định thông suốt, ở đây là các nhà cung cấp nước ngoài trong việc thực hiện các thủ tục về đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Thông qua cổng thông tin điện tử này, nhà cung cấp nước ngoài có thể tra cứu thông tin và hoàn tất mọi thủ tục liên quan đến nghĩa vụ kê khai và nộp thuế của mình ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào, đồng thời đây cũng là nơi mà họ có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật về thương mại điện tử cũng như đặt ra các vấn đề, nội dung vướng mắc để được trả lời, hướng dẫn.

*Phát biểu kết thúc diễn đàn, TS Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn phần phát biểu và chia sẻ hết sức chân thành của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. Ban Tổ chức rất thấu hiểu Bộ Tài chính đã có đóng góp rất lớn trong công tác tham mưu để Quốc hội và Chính phủ ban hành hai Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11.

Ban Tổ chức cũng rất hiểu doanh nghiệp đang rất mong những chính sách hỗ trợ sẽ sớm đi vào cuộc sống, thông qua những văn bản hướng dẫn, những văn bản này cần sớm được ban hành để thực thi hiệu quả Nghị quyết.

Được sự đồng ý của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tuy là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức, nhưng Tạp chí Nhà đầu tư và Thời báo Tài chính Việt Nam đã làm việc hết sức tận tụy và trách nhiệm để cố gắng đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. Những thông tin tại diễn đàn sẽ được truyền tải rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư nắm bắt kịp thời những quy định.

Qua đây, hai đơn vị tổ chức cũng sẵn sàng hợp tác chặt chẽ và lâu dài để tiếp tục thực sự là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư với cơ quan quản lý Nhà nước, mang lại lơi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

dien-dan

Ban tổ chức tặng hoa cảm ơn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và các diễn giả. Ảnh: Trọng Hiếu.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24620.00 24940.00
EUR 26373.00 26479.00 27646.00
GBP 30747.00 30933.00 31883.00
HKD 3106.00 3118.00 3220.00
CHF 27080.00 27189.00 28038.00
JPY 159.61 160.25 167.69
AUD 15992.00 16056.00 16544.00
SGD 18111.00 18184.00 18724.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17987.00 18059.00 18594.00
NZD   14750.00 15241.00
KRW   17.82 19.46
DKK   3544.00 3676.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2280.00 2371.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ