'NHNN nên cân nhắc nới 'room' tín dụng trong tháng 9'

Nhàđầutư
Đây là khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế trước thực tế dòng vốn của thị trường bất động sản rơi vào "bế tắc", dòng tiền âm và hàng tồn kho lớn dần.
N.THOAN
24, Tháng 08, 2022 | 21:15

Nhàđầutư
Đây là khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế trước thực tế dòng vốn của thị trường bất động sản rơi vào "bế tắc", dòng tiền âm và hàng tồn kho lớn dần.

anh-toa-dam-von-bds

Toạ đàm Phát triển nguồn vốn cho bất động sản. Ảnh: DNVN

Ngày 24/8, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức toạ đàm Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam có thị trường vốn bất động sản khá tương đồng. Trung Quốc cũng có cơ chế huy động vốn trước của người mua nhà.

Sau 3 năm dịch bệnh, Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn rất lớn với thị trường bất động sản và Chính phủ nước này đã phải ban hành giải pháp can thiệp. Tại Hà Nam, tỉnh lớn thứ hai Trung Quốc, sau những vụ đổ vỡ trái phiếu doanh nghiệp đã xuất hiện hiện tượng dân chúng kéo đến ngân hàng để rút tiền, hay không trả tiền cho ngân hàng. "Đây là điều chúng ta cần nghiên cứu nghiêm túc", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Ông Nghĩa nhận định khủng hoảng ở Trung Quốc là khủng hoảng dư cung, dẫn tới dòng tiền âm, thiếu vốn. Ở Việt Nam, cũng có tình trạng dư cung, hàng tồn kho đang tăng lên. Nhưng ở một vài phân khúc chủ chốt của thị trường lại có hiện tượng thiếu cung, nhiều dự án "đắp chiếu" nên không có hàng để bán, dòng tiền cũng âm.

Có thể thấy rõ, dòng vốn lâu nay ủng hộ cho thị trường là trái phiếu đang bị đình trệ, điều này vô cùng đáng lo lắng khi sắp tới sẽ đáo hạn hàng trăm ngàn tỷ TPDN, nếu doanh nghiệp không thể phát hành để đảo nợ sẽ xảy ra vỡ nợ ở một bộ phận khá lớn các doanh nghiệp.

Ông Nghĩa nhận định, nếu tình trạng trên xảy ra sẽ gây tác động rất xấu cho thị trường khi tài sản thế chấp chủ yếu của ngân hàng là bất động sản, sau đó là tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán.

Để giải bài toán vốn cho thị trường bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, quan trọng hơn cả là tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lấy lại lòng tin của nhà đầu tư. Cùng với đó là nhanh chóng mở "room" tín dụng ngân hàng, có thể là vào tháng 9 đế doanh nghiệp có vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý cuối năm 2022.

"Quan điểm của tôi là chống lạm phát chi phí đẩy thì dùng thuế, giảm được lạm phát xuống mức kỳ vọng thì có thể nới "room" tín dụng. Chúng ta không tự đẻ ra lạm phát, không phát hành tiền cho ngân sách chi tiêu, nên cũng không nên quá lạm dụng chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Trong 3-4 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng của Mỹ trung bình 14%/năm thì tăng trưởng tín dụng của Việt Nam ở mức 15-16%/năm cũng không phải là quá", ông Nghĩa nói.

Đồng quan điểm với TS. Lê Xuân Nghĩa, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, khi cả thế giới lạm phát tăng cao, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát quanh mức 4% trong năm 2022 là cơ hội tốt để phục hồi và phát triển.

Số liệu thống kê cho thấy hiện các chỉ số tín dụng của ngân hàng đều nằm trong ngưỡng an toàn. Cụ thể, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ hơn 22% (theo quy định áp dụng từ 1/10/2022 là 34%). Cùng với đó dòng vốn trung, dài hạn ngày càng chảy nhiều vào ngân hàng, cơ cấu dòng vốn đã khác, tăng tỷ lệ vốn trung, dài hạn.

Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, NHNN nên nới room tín dụng cho các ngân hàng trong tháng 9. Nếu chậm hơn rất có thể sẽ đánh mất cơ hội để phục hồi, phát triển, kéo theo đó là tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn lẫn nhau của các doanh nghiệp, nợ xấu tăng lên.

Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tăng trưởng tín dụng hiện nay có đặc thù là gắn với nhu cầu thực do chi phí của doanh nghiệp tăng, nền kinh tế đang phục hồi tốt. Vì vậy, việc mở room tín dụng cho các ngân hàng để tăng vốn cho nền kinh tế là không đáng lo ngại.

Ông Lực cũng lưu ý rằng, NHNN nên tăng cường khả năng dự báo về dòng tiền ra vào theo từng tháng, từng quý để có điều hành sát hơn với thực tế phát triển của nền kinh tế.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ