NHNN có khuyết điểm trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tín dụng

Nhàđầutư
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2013-2017 trong xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
ĐÌNH VŨ
12, Tháng 07, 2023 | 07:00

Nhàđầutư
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2013-2017 trong xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

Screen Shot 2023-07-11 at 10.31.14 PM

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Internet

Thanh tra Chính phủ mới đây đã có thông báo kết luận thanh tra (TBKLTT) trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013-2017.

Trong tái cơ cấu các TCTD, TBKLTT chỉ ra, NHNN có trách nhiệm đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị, đặc biệt là chất lượng tài sản, công nợ, vốn tự có, mức độ an toàn của TCTD và phân loại thành 3 nhóm (TCTD lành mạnh, TCTD thiếu thanh khoản tạm thời và TCTD yếu kém); căn cứ kết quả phân loại để áp dụng các giải pháp cơ cấu lại TCTD đối với từng nhóm đối tượng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013-2015, ngoài 9 TCTD đã được NHNN phân loại và phê duyệt phương án cơ cấu lại giai đoạn 2011-2012, thì không có NHTMCP nào được NHNN phân loại yếu kém. Kiểm tra hồ sơ về phương án của 19 NHTMCP cho thấy, có 3 trường hợp NHTMCP đáp ứng tiêu chí, quy định của NHNN là NHTMCP yếu kém, thuộc đối tượng áp dụng giải pháp cơ cấu lại như chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, phải giảm dư nợ tín dụng, hợp nhất, sáp nhập, mua lại... nhưng NHNN chỉ đạo, hướng dẫn các NHTMCP này xây dựng, trình, phê duyệt phương án theo các giải pháp tự cơ cấu, chấn chỉnh.

Việc thực hiện Phương án tái cơ cấu được duyệt được cho cũng còn có hạn chế, thiếu sót, vi phạm. Một số NHTMCP vi phạm vượt quá hạn mức tăng trưởng tín dụng; việc khắc phục vi phạm về sở hữu chéo, góp vốn, mua cổ phần tuy có giảm nhưng vẫn còn trường hợp khắc phục chậm như sở hữu chéo giữa LPB và Sacombank; HDBank chưa xử lý xong khoản góp vốn, mua cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Công ty cổ phần thương mại Dầu khí, Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch (được biết việc góp vốn, mua cổ phần thuộc danh mục đầu tư của DaiABank trước khi được HDBank nhận sát nhập). ABBank cũng được thông qua đề án tái cơ cấu khi chưa thoái vốn xong tại công ty con, công ty liên kết.

Ngoài ra, việc thực hiện một số giải pháp, kiến nghị tại phương án tái cơ cấu sau sáp nhập Sacombank còn hạn chế, thiếu sót, rủi ro như chậm thu hồi 934 tỷ đồng của một số cá nhân repo cổ phiếu (mua bán cổ phiếu có kỳ hạn) của ngân hàng Kiên Long. Ngân hàng này cũng chưa thuê tư vấn xác định giá trị thực tế tại thời điểm sáp nhập; kết quả thu hồi lãi dự thu thấp, xử lý tài sản nhận ủy quyền của khách hàng thu hồi nợ chậm do tài sản chưa đầy đủ pháp lý.

Mặt khác, việc ký thoả thuận xác định giá để xử lý cổ phiếu Sacombank thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và người có liên quan chậm; trích lập thiếu dự phòng khoản nợ trước khi bán cho VAMC là 1.958 tỷ đồng và ngân hàng cũng chưa trích lập dự phòng khoản nợ xấu 4.412 tỷ đồng chưa đủ điều kiện bán cho VAMC.

Số liệu nợ xấu chưa đầy đủ

Về tỷ lệ nợ xấu, Thanh tra Chính phủ cho biết, giai đoạn 2013-2017, tỷ lệ nợ xấu là 4,46% tại thời điểm 30/6/2013, giảm về 2,25% vào cuối 2015 và còn 1,99% vào năm 2017. Nợ xấu được kéo về dưới 3% nhờ bán được cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), khoảng 43% tổng số nợ xấu được xử lý giai đoạn này. Nếu tính cả số nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ năm 2015 và 2017 lần lượt là 6,3% và 4,5%. Bên cạnh đó còn chưa tính các khoản nợ xấu được giữ nguyên nhóm 1, nhóm 2 không bị chuyển nợ xấu do cơ cấu nợ, tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu tại thời điểm 31/12/2015 là 107.640 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,08% tổng dư nợ; tại thời điểm 31/12/2017 là 57.849 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,79% tổng dư nợ.

Thanh tra Chính phủ cho biết, một số tổ chức tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước số liệu nợ xấu không đầy đủ, phân loại nợ, chuyển nhóm nợ chưa chính xác. Chẳng hạn Sacombank chưa chuyển nhóm nợ với khoản vay 262 tỷ đồng của Công ty Đức Long Gia Lai theo kiến nghị của kiểm toán, khi báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

VAMC

 

Một số sai phạm ở VAMC

Về trách nhiệm của VAMC, theo TBKLTT, giai đoạn này, hoạt động của doanh nghiệp là mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt có thời hạn theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Đây là giải pháp tình thế để giãn thời gian cho các tổ chức tín dụng từng bước xử lý các khoản nợ xấu, làm giảm nợ trên sổ sách, trong khi thực tế số nợ không thay đổi.

Sau khi mua nợ, VAMC vẫn ủy quyền xử lý khoản nợ cho các ngân hàng, nên về bản chất, tổ chức tín dụng vẫn phải thực hiện toàn bộ trách nhiệm thu nợ, xử lý khoản nợ. Đến cuối 2017, VAMC đã mua tổng nợ gốc nội bảng 309.711 tỷ đồng, giá mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt là 279.255 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, trong công tác xây dựng kế hoạch mua nợ, việc tổng hợp, đánh giá tỷ lệ nợ xấu của TCTD, số liệu mua nợ của TCTD chủ yếu được tổng hợp trên cơ sở thông tin trao đổi bằng điện thoại giữa VAMC và Cơ quan TTGSNH là chưa đảm bảo minh bạch, khách quan, thiếu các văn bản, tài liệu pháp lý để chứng minh.

NHNN chưa lấy ý kiến của Bộ Tài chính về quy định phân loại nợ, trích lập dự phòng theo cơ chế riêng

TBKLTT cho biết, NHNN chưa lấy ý kiến của Bộ Tài chính theo quy định đối với Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của NHNN (Thông tư số 02) quy định: "Tổ chức tín dụng trong thời gian triển khai phương án tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập có khó khăn trong việc phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, báo cáo Thống đốc NHNN để có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn hệ thống". Thanh tra Chính phủ cho rằng, NHNN có lấy ý kiến Bộ Tài chính về nội dung dự thảo Thông tư 02 nhưng không có nội dung phân loại nợ, trích lập dự phòng theo cơ chế riêng thuộc phẩm quyền của Thống đốc NHNN để xử lý khó khăn của các TCTD trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập.

Theo đó, việc NHNN phê duyệt cho phép Sacombank được trích lập dự phòng theo năng lực tài chính, áp dụng đối với các khoản nợ chưa phát sinh tại thời điểm phê duyệt phương án và dự kiến sẽ phát sinh trong 10 năm thực hiện phương án là chưa chặt chẽ về pháp lý.

NHNN phê duyệt cho VAB và MSB giãn thời gian (2 năm) thực hiện thoái lãi dự thu theo kiến nghị tại Kết luận thanh tra của Cơ quan TTGSNH, điều này thuộc phạm vi tuân thủ quy định về chế độ tài chính của TCTD nhưng NHNN chưa kịp thời báo cáo, phối hợp với Bộ Tài chính.

Việc NHNN phê duyệt cho SHB phân bổ dự phòng phải trích đối với các khoản uỷ thác đầu tư và góp vốn đầu tư dài hạn của Habubank sáp nhập vào SHB được cho là không đúng quy định tại Thông tư số 02 và không phù hợp với kết luận thanh tra của Cơ quan TTGSNH kết luận trước đó.

Ngoài ra, NHNN cho chấp thuận cho SHB chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu trong thời gian SHB đang được gia hạn trái phiếu đặc biệt là chưa đúng quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-NHNN ngày 16/6/2016 của NHNN.

Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu

Với các kết luận trên, cơ quan thanh tra kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khắc phục những tồn tại; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chủ yếu trong giai đoạn 2012-2015, cá nhân, tập thể, đơn vị liên quan về những khuyết điểm trong thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần rà soát, hoàn thiện thể chế, chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn tới. Các tổ chức tín dụng khắc phục tồn tại, khuyết điểm, vi phạm, xem xét xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền.

Thanh tra Chính phủ đề nghị VAMC rà soát vai trò trong tham gia xử lý nợ xấu, chấn chỉnh trong việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt để thực hiện đúng quy định, rà soát các vi phạm phát hiện qua thanh tra để khắc phục các tồn tại.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ