Ngành nuôi chế biến cá tra xuất khẩu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nhàđầutư
Xuất khẩu cá tra trong 7 tháng đầu năm nay tăng gần 80% so với cùng kỳ, đây là một trong những ngành hàng hồi phục nhanh nhất sau dịch COVID-19, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì ngành hàng cá tra vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát triển chưa bền vững.
AN HÒA
19, Tháng 08, 2022 | 15:28

Nhàđầutư
Xuất khẩu cá tra trong 7 tháng đầu năm nay tăng gần 80% so với cùng kỳ, đây là một trong những ngành hàng hồi phục nhanh nhất sau dịch COVID-19, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì ngành hàng cá tra vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát triển chưa bền vững.

gia thuc an tang

Thiếu con giống chất lượng cũng là điểm nghẽn trong phát triển ngành nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh An Hòa

Thiếu con giống đạt chất lượng

Tại hội nghị "Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vừa diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thuỷ sản thuộc Tổng cục thuỷ sản Việt Nam cho biết: cả nước có 130 cơ sở sản xuất giống cá tra, tổng diện tích ương giống đạt 2.440ha.

Tính đến ngày 30/7, diện tích thu hoạch cá tra giống đạt hơn 1.953ha, sản lượng cá tra bột, cá tra giống sản xuất ước đạt khoảng 15,9 tỷ con cá tra bột và trên 2,2 tỷ con cá tra giống, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Sản lượng cá tra giống thu hoạch trong tháng 3 giảm 26%, các tháng 2,4,5 tăng tương ứng 71%, 96%, 63%, trong khi đó, diện tích thả nuôi cá tra tháng 2,4,5 tăng tương ứng là 94%, 20%, 49,4%, riêng tháng 3 giảm 29% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó cho thấy chưa có sự liên kết giữa hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống và hoạt động nuôi thương phẩm, "cung và cầu" con giống vênh nhau, điều này đã dẫn đến tình trạng có những thời điểm giá con giống tăng vọt gấp nhiều lần, điển hình là trong những tháng đầu năm nay, đây là một rủi ro rất lớn cho người nuôi cá.

Về cấp mã số vùng nuôi thương phẩm, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra bố mẹ : Tổng cục Thủy sản thực hiện đánh giá, cấp chứng nhận lần đầu cho 2/2 cơ sở.

Đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, các địa phương thực hiện kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất cho gần 40% cơ sở sản xuất giống và 4% cơ sở ương dưỡng giống cá tra theo quy định tại Nghị định số 26/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản.

Đối với vùng nuôi, đã có 1.129 cơ sở, với diện tích 4.767ha, tương đương 6.040 ao nuôi được cấp mã số nhận diện ao nuôi.

Bên cạnh rủi ro về giá cả, theo ông Trần Hữu Phúc - Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II, không chỉ nguyên liệu thức ăn, thuốc thủy sản mới phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu mà ngay như chất kích dịch tố kích thích sinh sản cho cá tra (HCG - Human Chorionic Gonadotropin) cũng chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Thời gian qua nguồn cung sản phẩm này bị "đứt gãy" đã tác động không ít đến hoạt động sản xuất cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chính vì thế mà thời gian qua giá con giống cá tra đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2021.

Theo ông Phúc để có thể thay thế HCG trong sản xuất giống cá tra tránh phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc, Viện đang nghiên cứu thay thế HCG bằng não thùy thể cá chép; não thùy thể cá chép kết hợp với LH-Rha (Luteinzing Hormone- Releasing Hormone analog) và sản phẩm Ovaprim.

Kết quả cho thấy trong các chất kích kích sinh sản kể trên thì não thùy cá chép là có sẵn trong nước và rẻ tiền.Tuy nhiên, não thùy sản xuất trong nước vẫn còn nhiều hạn chế như hàm lượng của hoạt tính của GTH II (LH) trong não thùy của cá chép không ổn định (do phụ thuộc vào tình trạng thành thục và giới tính của cá); việc sử dụng não thùy (đặc biệt là chưa qua xử lý aceton hay ethanol) có thể truyền bệnh từ cá cho não thùy đến cá bố mẹ; não thùy là hỗn hợp nhiều loại hormon, nếu sử dụng không thích hợp có thể gây phản ứng phụ và gây chết cá bố mẹ.

"Những kết quả thử nghiệm trước đây đều ở phạm vị nhỏ và rất hạn chế trong kiểm chứng ở điều kiện thực tế sản xuất, do đó cần được nghiên cứu một cách chi tiết hơn về liều lượng, các thông số kỹ thuật trước và sau khi rụng trứng cho từng đàn cá của từng cơ sở ứng dụng, quá trình này cần thêm một khoảng thời gian để hoàn thiện", ông Phúc thông tin thêm.

Phó chủ tịch Hiệp hội thuỷ sản An Giang Lê Chí Bình cho biết, HCG được ứng dụng trong sản xuất cá tra giống chủ yếu hiện nay, do vậy việc khan hiếm của sản phẩm này sẽ làm cho sản lượng sản xuất cá tra giống giảm, đây cũng là một rủi ro đối với ngành sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu.

thu trung tien

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết ngành hàng nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu phát triển chưa bền vững. Ảnh An Hòa 

Nhiều điểm nghẽn

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nếu như ngành tôm cần đến hơn 700.000ha mặt nước nuôi trồng mới thu được được khoảng 4 tỷ USD từ xuất khẩu thì ngành hàng cá tra chỉ cần chưa đến 10% diện tích này thì đã mang về kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD. Với lợi thế về địa lý, nguồn nước, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn nhất khu vực trong phát triển ngành hàng này.

Tuy hiện nay tiềm năng phát triển ngành hàng cá tra còn rất lớn nhưng bên cạnh những thuận lợi thì việc phát triển ngành hành này trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục để đưa ngành hàng phát triển một cách bền vững.

Theo Thứ trưởng Tiến, những hạn chế của ngành hàng cá tra hiện nay: Thứ nhất, vùng nuôi chưa được quy hoạch, tình trạng phát triển tự phát vẫn còn phổ biến; thứ hai chất lượng cá hậu bị, cá giống chưa đáp ứng yêu cầu; thứ ba, nguyên liệu vật tư đầu vào chủ yếu dựa vào nhập khẩu, khó kiểm soát được giá cả; thứ tư, diễn biến thời tiết, biển đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng đến vùng nuôi; cuối cùng là yếu tố rủi ro về thị trường, các rào cảng kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu.

Đồng quan điểm đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn, cho biết, hiện diện tích sản xuất cá tra của địa phương chiếm trên 33% diện tích và gần 35% sản lượng của ĐBSCL, cung cấp khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, ngành cá tra của địa phương đang đối mặt với không ít thách thức trong quá trình phát triển, bao gồm chất lượng con giống có biểu hiện suy giảm; liên kết chuỗi sản xuất còn lỏng lẻo; thiếu thông tin định hướng thị trường; chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn nhiều khó khăn.

Theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thuỷ sản, giá bán cá tra thương phẩm từ tháng 2 - 5 dao động mức trên 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay giá cá đã rớt xuống dưới 30.000 đồng/kg, đang đứng ở mức từ 27.500 - 28.500 đồng/kg.

"Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng về kết quả điều tra chi phí sản xuất và giá thành cá tra nguyên liệu đợt 1 năm 2022 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thì giá thành cá tra nguyên liệu dao động trong khoảng 25.000-27.000 đồng/kg. trong đó giá cá giống chiếm khoảng 8-10% giá thành nuôi cá. Như vậy, với chi phí giá cả đầu vào như thức ăn, thuốc thủy sản, chi phí nhân công đang tăng mạnh như hiện nay nếu cộng thêm với khó khăn về cá giống thì rủi ro cho người sản xuất rất lớn", ông Cẩn cảnh báo.

Theo báo cáo của các Chi cục quản lý nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố nuôi cá tra vùng ĐBSCL, diện tích thả  nuôi cá tra phát sinh trong 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3.200 ha (tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021).

Kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến ngày 15/7/2022 đạt 1,52 tỷ USD, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm 2021.Trong đó thị trường Trung Quốc - HongKong chiếm 30%, Hoa Kỳ chiếm 24%, CPTPP chiếm 13%, EU chiếm 8%, Thái Lan chiếm 4%, các thị trường khác chiếm 21%.                                                    (Nguồn VASEP)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ