Ngân hàng Nhà nước đề xuất thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng cao đạt mức trên 109,9 tỷ USD, gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước năm 2010 nên cần thành lập đơn vị chuyên trách quản lý ngoại hối thay vì 2 đơn vị cùng thực hiện chức năng điều hành như hiện nay.
ĐÌNH VŨ
11, Tháng 03, 2022 | 08:21

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng cao đạt mức trên 109,9 tỷ USD, gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước năm 2010 nên cần thành lập đơn vị chuyên trách quản lý ngoại hối thay vì 2 đơn vị cùng thực hiện chức năng điều hành như hiện nay.

Giao-dich-ngan-hang- tien-dollar-07

Ảnh: Trọng Hiếu

Bộ Tư pháp vừa công bố Hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trong đó, NHNN dự kiến thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch thuộc NHNN.

Cơ quan này cho biết, thời gian qua, đã thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ bao gồm; tỷ giá, lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối... hạn chế tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế.

Tình hình cung cầu trên thị trường ngoại hối đã được cải thiện, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường ngoại hối trong nước từ tình trạng khan hiếm chuyển sang thặng dư, không chỉ đáp ứng đủ cho các nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế mà còn góp phần cải thiện thặng dư cán cân thanh toán quốc tế, bổ sung nguồn ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối nhà nước. Quy mô dự trữ ngoại hối liên tục gia tăng, đạt mức kỷ lục 109,94 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Hiện nay, tại NHNN có 2 đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là Vụ Quản lý ngoại hối (thực hiện quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) và Sở Giao dịch (thực hiện các nghiệp vụ cụ thể về dự trữ ngoại hối nhà nước).

Hai đơn vị này vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ khác còn thực hiện nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối thực hiện quản lý nhà nước về ngoại hối, vàng; Sở Giao dịch thực hiện nghiệp vụ thị trường liên ngân hàng).

Theo đó, việc giao 2 đơn vị thực hiện quản lý, điều hành dự trữ ngoại hối nhà nước trong thời gian qua phù hợp với giai đoạn khi quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước còn nhỏ. Tuy nhiên, khi quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng cao đạt mức trên 109,9 tỷ USD, gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước năm 2010 và gấp gần 4 lần so với năm 2015 (sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới theo quy mô của nền kinh tế); tổng tài sản có do Sở Giao dịch quản lý (cả bằng nội tệ và ngoại tệ) tính đến cuối năm 2021 đã lên tới 3.122.647,755 tỷ đồng thì khối lượng công việc tác nghiệp tại Sở Giao dịch đã trở nên quá tải do sự gia tăng của lượng tài sản cần quản lý, gây áp lực công việc lên lực lượng công chức.

Đồng thời, do tình hình thị trường tài chính quốc tế trong những năm gần đây và dự kiến trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường (bao gồm chính sách lãi suất âm của một số ngân hàng trung ương trên thế giới, xếp hạng tín nhiệm một số quốc gia và đối tác giảm, thay đổi về chính sách thương mại, đầu tư của các nước lớn,…) cùng với quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, các công việc liên quan đến xây dựng chính sách quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa đầu tư và phù hợp với những diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế tại Vụ Quản lý ngoại hối ngày càng gia tăng cả về khối lượng và tính chất phức tạp dẫn đến việc quá tải về khối lượng công việc.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế nhằm đổi mới công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp theo thông lệ quốc tế khi dự trữ ngoại hối nhà nước đạt quy mô nhất định, NHNN đề xuất thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch hiện nay đang thực hiện.

Sau khi sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ từ Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch sang Cục Quản lý dự trữ ngoại hối, Vụ Quản lý ngoại hối thực hiện chức năng “Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật”;

Sở Giao dịch thực hiện chức năng: “Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện các nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương: nghiệp vụ thị trường tiền tệ; nghiệp vụ về thanh toán điện tử liên ngân hàng; nghiệp vụ ngân quỹ; nghiệp vụ kế toán; quản lý dự trữ bắt buộc; quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ đối với toàn bộ hoạt động nghiệp vụ tại Sở Giao dịch;

Theo dõi vốn cổ phần của Việt Nam góp tại các tổ chức tài chính – tiền tệ quốc tế mà Việt Nam là hội viên; làm đại lý cho Kho bạc Nhà nước trong việc tổ chức đấu thầu, phát hành, lưu ký và thanh toán tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc ...); thực hiện mở/đóng và quản lý tài khoản bằng ngoại tệ (Theo dõi các luồng ngoại tệ ra/vào trên tài khoản) của các tổ chức tín dụng và kho bạc nhà nước; Quản lý, theo dõi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ; Thực hiện nghiệp vụ thanh toán trong nước bằng ngoại tệ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ