Ngân hàng lớn gian nan với bài toán tăng vốn

Thời điểm các ngân hàng phải áp dụng chuẩn Basel II đang đến rất gần (năm 2020), trong khi việc tăng vốn vẫn còn rất gian nan đối với các ngân hàng cổ phần lớn có vốn nhà nước.
VÂN LINH
15, Tháng 01, 2019 | 09:45

Thời điểm các ngân hàng phải áp dụng chuẩn Basel II đang đến rất gần (năm 2020), trong khi việc tăng vốn vẫn còn rất gian nan đối với các ngân hàng cổ phần lớn có vốn nhà nước.

ngan-hang-lon-gian-nan-voi-bai-toan-tang-von1547410924

Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, sở dĩ việc tăng vốn của các nhà băng lớn khó là bởi các ngân hàng này đều có cổ phần chi phối của Nhà nước

Không thể tăng tín dụng vì CAR đụng trần

Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho rằng, việc tăng vốn là đặc biệt cấp bách, nên Ngân hàng xin chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020. Theo ông Thọ, do hệ số an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã ở mức tối thiểu, nên từ tháng 9/2018 tới nay, ngân hàng này không thể tăng trưởng tín dụng.

Tín dụng của VietinBank cả năm 2018 chỉ tăng 6,1%, riêng quý IV/2018 giảm hơn 26.000 tỷ đồng vì không tăng được vốn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân buộc nhà băng này phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh, giảm mục tiêu lợi nhuận trong tháng cuối của năm tài chính 2018.

Để VietinBank tiếp tục phát triển, phát huy tốt vai trò của một ngân hàng chủ lực trong hệ thống ngân hàng những năm tới, ông Thọ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều chính sách, trong đó có vấn đề tăng vốn.

Ông Thọ cho biết, ngân hàng này đã xây dựng phương án tăng vốn và đã được NHNN báo cáo Chính phủ. Hiện nay, CAR của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được VietinBank khai thác tối đa và đã tới hạn theo các quy định của pháp luật.

Trong khi đó, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đưa ra một số đề xuất với Chính phủ và NHNN.

Một là, phát triển thị trường chứng khoán như một kênh vốn dài hạn chủ yếu của nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, chia sẻ về áp lực vốn dài hạn với hệ thống ngân hàng.

Hai là, có các biện pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng. Riêng với BIDV, trước mắt, đề nghị tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán vốn trong thời gian sớm nhất.

Muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn

Để có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng, các nhà băng mong muốn được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn trong năm nay. VietinBank mong muốn được phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ như nội dung đã trình.

Theo số liệu thống kê của NHNN, hệ số CAR của toàn hệ thống đang ở mức khoảng 12% (quy định tối thiểu là 9%). Trong đó, CAR của khối ngân hàng TMCP quốc doanh là 9,4%, của khối ngân hàng TMCP hơn 11,3%.

Trước mắt, VietinBank đề nghị được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020 và bố trí nguồn vốn để tăng vốn điều lệ, đồng thời cho phép thực hiện phương án phân phối lợi nhuận theo nguyên tắc: nếu hệ số CAR không bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu của Chính phủ, thì VietinBank được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu; việc chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ thực hiện khi bảo đảm hệ số CAR theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, nhà băng này đã hoàn thành phát hành riêng lẻ cho GIC (Singapore) và Mizuho (Nhật Bản) với tổng trị giá 6.200 tỷ đồng. Khoản đầu tư của GIC và Mizuho đã làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank lên 37.100 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD) và tạo nền tảng vốn vững chắc cho việc đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, sở dĩ việc tăng vốn của các nhà băng lớn khó là bởi các ngân hàng này đều có cổ phần chi phối của Nhà nước. Ngân hàng có vốn nhà nước phải tuân thủ nhiều quy định quản lý hơn so với ngân hàng tư nhân, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc phân bổ lợi nhuận. Nếu như ngân hàng tư nhân có thể dễ dàng được cổ đông đồng thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu, thì các ngân hàng có vốn nhà nước lại không.

Hơn nữa, giới hạn về sở hữu nhà nước tại các ngân hàng này (tối thiểu 65%) cũng gây khó khăn trong việc gọi vốn ngoại để tăng vốn. Ngoài ra, quy định không được bán vốn dưới giá thị trường cũng làm đau đầu các nhà quản lý các ngân hàng này.

(Theo Đầu Tư)

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ