'Mua máy xét nghiệm COVID-19 rồi mới đàm phán giá là chuyện khôi hài'

Nhàđầutư
Theo luật sư Trương Thanh Đức, việc đã ký hợp đồng mua bán mà vẫn có thể đàm phán lại để giảm giá là "chuyện khôi hài chỉ có ở Việt Nam". Ông Đức cho rằng, cần cơ chế công khai, minh bạch để mọi người dân có thể giám sát hoạt động của bộ máy công quyền mới hòng kiểm soát tham nhũng.
ĐÌNH VŨ
26, Tháng 04, 2020 | 16:50

Nhàđầutư
Theo luật sư Trương Thanh Đức, việc đã ký hợp đồng mua bán mà vẫn có thể đàm phán lại để giảm giá là "chuyện khôi hài chỉ có ở Việt Nam". Ông Đức cho rằng, cần cơ chế công khai, minh bạch để mọi người dân có thể giám sát hoạt động của bộ máy công quyền mới hòng kiểm soát tham nhũng.

Ít nhất 6 tỉnh mua máy xét nghiệm COVID-19 giá 2,3 tỷ với giá 6-8 tỷ đồng

Ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội).

Cơ quan CSĐT Bộ Công an bước đầu xác định với vai trò là Giám đốc CDC Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết, gian lận, thông đồng với các bị can khác nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, hệ thống Realtime PCR tự động được nhập về Việt Nam chỉ với giá khoảng hơn 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi mua bán lòng vòng, đến “tay” CDC, giá đã lên tới 7 tỷ đồng.

Sau khi vụ việc ở CDC Hà Nội bị phanh phui, nhiều địa phương mua cùng loại máy này với mức giá tương tự đã yêu cầu làm rõ sự việc. Được biết, có ít nhất 6 tỉnh thành mua hệ thống này với mức giá từ 6-8 tỷ đồng.

may-xet-nghiem

 

Cụ thể, liên quan tới việc mua hệ thống máy xét nghiệm COVID-19 UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Ninh đều đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế báo cáo cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - cho biết sở đang làm báo cáo gửi UBND tỉnh. Theo ông Hai, hệ thống máy xét nghiệm COVID-19 được mua với giá 7,2 tỷ đồng từ một công ty ở TP. Đà Nẵng.

Ông Hai cũng nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi thực hiện đúng các trình tự, thủ tục theo quy định, làm tờ trình, được thống nhất chủ trương, do tình hình dịch phức tạp nên tỉnh đồng ý luôn phương án chỉ định thầu, đúng quy định hiện hành".

Với Quảng Ninh, ngày 1/3 giữa Sở Y tế Quảng Ninh và liên danh nhà thầu (Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu y tế Việt và Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao) đã ký kết hợp đồng mua bán hệ thống xét nghiệm COVID-19 với giá là 8,4 tỷ đồng.

Đến ngày 15/3, C03 Bộ Công an đã làm việc với Quảng Ninh về việc mua hệ thống xét nghiệm. Ngày 23/3, Sở Y tế đã ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu, giá giảm còn 7 tỷ. Ngày 19/3, Sở Y tế đã chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng, nhưng ngày 21/4 nhà thầu đã hoàn trả số tạm ứng này cho Sở Y tế.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết giá hệ thống này hiện chỉ còn 5,2 tỷ, tức đã được giảm tiếp thêm 1,8 tỷ so với phụ lục ngày 23/3.

Ngày 24/4 lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cũng cho biết đã đàm phán thành công với nhà thầu giảm giá thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh từ 6 tỷ đồng còn 5,2 tỷ đồng, cộng với 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng.

Trước đó, tỉnh Thái Bình đã mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh, lắp đặt hôm 31/3 và đưa vào sử dụng chính thức từ 1/4, mua qua hình thức chỉ định thầu.

Chỉ định thầu hay đấu thầu không quan trọng bằng công khai, minh bạch

Vậy tại sao các tỉnh lại mua cùng một loại máy với mức giá "trên trời" như vậy, là do các công ty định giá năng lực yếu kém hay có sự thông đồng để nâng khống giá? Và tại sao lại có chuyện đã làm đúng quy trình nhưng Sở Y tế các tỉnh vẫn muốn đàm phán lại giá và tại sao đã ký hợp đồng mua bán, sử dụng sản phẩm rồi vẫn có thể đàm phán lại để giảm giá sản phẩm?

Tham vấn ý kiến luật sư Trương Thanh Đức về vấn đề này, ông Đức nhận định việc mua sắm công và sản phẩm được nâng giá tới 2, 3 lần không phải là tình trạng hiếm gặp. "Tuy nhiên, hay ở chỗ những trường hợp này đều rất đúng quy trình, gần như không tìm ra được kẽ hở. Chỉ khi được công khai và ở vào những giai đoạn "nhạy cảm" thì vụ việc mới gây chú ý và được điều tra, làm rõ", ông Đức nói.

truong-thanh-duc

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico

Trong trường hợp này, theo ông Đức, do rơi vào thời điểm dịch bệnh nên Luật đấu thầu có quy định trong một số trường hợp cấp bách có thể chỉ định thầu để xử lý nhanh, nhưng đây cũng chính là "kẽ hở" để họ lợi dụng.

Ông Đức cho biết, rất khó để quy trách nhiệm cho bên tư vấn, định giá nếu không có bằng chứng về việc họ có "đi đêm" với nhau. "Đây cung cầu thị trường, nhất là ở giai đoạn dịch bệnh, nếu là hàng hoá khan hiếm thì giá tăng là theo quy luật. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố tác động tới giá, ví như cùng giá nhưng lúc có khuyến mại, lúc không, rồi chế độ hậu mãi dấn tới tăng giá. Rồi ngay cả việc chiết khấu, hoa hồng cũng sẽ được tính vào giá", vị luật sư phân tích.

Về chuyện tại sao các địa phương giải thích đều đã làm đúng quy trình, nhưng vẫn đàm phán lại giá và vẫn đàm phán được, luật sư Đức cho rằng đó là "chuyện khôi hài chỉ có ở Việt Nam" và "vì họ sợ".

"Đã ký hợp đồng, nhận máy, đưa vào vận hành rồi thì không ở đâu có chuyện giảm được giá. Còn các tỉnh làm được việc này thì quả thật là họ rất giỏi", ông Đức nói. 

Trả lời câu hỏi vậy có nên cho đấu thầu lại để công khai, minh bạch không? Hay với các địa phương đang có ý định mua máy xét nghiệm này thì nên áp dụng cơ chế đấu thầu thay vì chỉ định thầu? Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, "không nên áp dụng đấu thầu thay vì chỉ định thầu".

Ông Đức cho biết, về lý thuyết đấu thầu rất tốt, là cạnh tranh và chọn ra mức giá tốt nhất. Nhưng với thực tế đấu thầu ở các địa phương như hiện nay thì đấu thầu lại bất cập hơn chỉ định thầu.

Ông Đức lấy ví dụ như chuyện đấu giá đất ở Thái Bình bị Công ty Dương Đường thao túng cho thấy đấu thầu lại có chuyện quân xanh quân đỏ và khi ấy cũng chẳng thể làm gì vì họ viện lý do đã đấu thầu công khai. Khi ấy giá vẫn thế mà vẫn chính danh.

"Tôi khẳng định rằng đến 90% đấu thầu xảy ra tình trạng nêu trên. Vì thế, chỉ định thầu có khi tốt hơn vì còn gắn với lương tâm, trách nhiệm của một cá nhân, phải nhìn trước ngó sau. Và dù chỉ định thầu hay đấu thầu thì quan trọng nhất vẫn là công khai, minh bạch để công chúng biết giá mà so sánh, đối chiếu. Khi đã công khai, minh bạch thì sẽ không có ai dám làm sai nữa", ông Đức nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ