Mong manh bảo đảm khoản vay bằng tài sản của... người khác

Khi cho vay, thông thường tổ chức tín dụng sẽ nhận bảo đảm bằng tài sản của bên vay, nhưng trong thực tế việc một bên dùng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay của một người khác khá phổ biến.
TS.BÙI ĐỨC GIANG
20, Tháng 02, 2020 | 09:17

Khi cho vay, thông thường tổ chức tín dụng sẽ nhận bảo đảm bằng tài sản của bên vay, nhưng trong thực tế việc một bên dùng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay của một người khác khá phổ biến.

Trong khi đó, vẫn còn nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau về biện pháp bảo đảm này khiến các tổ chức tín dụng (TCTD) và cả bên bảo đảm gặp không ít khó khăn, cản trở trực tiếp việc tiếp cận tín dụng.

Từ quy định pháp luật...

Giá trị pháp lý của biện pháp bảo đảm bằng tài sản của người thứ ba được công nhận một cách gián tiếp tại điều 309 và khoản 1 điều 317 của Bộ luật Dân sự (BLDS). Thực vậy, các điều luật này chỉ quy định chung là bên bảo đảm (là bên cầm cố hay bên thế chấp) có thể cầm cố hay thế chấp tài sản của mình để “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, mà không chỉ rõ nghĩa vụ đó có phải chỉ là nghĩa vụ của bên cầm cố hay bên thế chấp hay không. Cho nên, có thể hiểu là nghĩa vụ được bảo đảm (tức là khoản vay) không nhất thiết phải là nghĩa vụ của bên bảo đảm.

0be8f_s13_600

 

Cũng cần lưu ý, trong một phiên bản của dự thảo BLDS trước khi được thông qua vào năm 2015, khi định nghĩa về cầm cố và thế chấp, đã có quy định rõ rằng nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ của bên cầm cố/thế chấp hay của một người khác.

Tiếc là đến khi BLDS được thông qua, quy định này đã không được giữ lại, khiến cho định nghĩa về cầm cố và thế chấp mới vẫn chưa thể hiện một quan điểm rõ ràng của người làm luật về giá trị pháp lý của biện pháp bảo đảm bằng tài sản của người thứ ba.

Thông tư số 07/2019/TT-BTP của Bộ Tư pháp ngày 25-11-2019 hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (có hiệu lực kể từ ngày 10-1-2020) đi xa hơn khi quy định có thể đăng ký thế chấp bất động sản “đối với các trường hợp thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên thế chấp, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của người khác hoặc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của cả bên thế chấp và của người khác”. Điều đó có nghĩa là Bộ Tư pháp đã chính thức thừa nhận biện pháp thế chấp bằng bất động sản của người thứ ba.

... Đến thực tiễn áp dụng

Cho đến thời điểm hiện nay, một số tòa án vẫn tuyên hợp đồng bảo đảm (mà phổ biến hơn cả là hợp đồng thế chấp) tài sản của người thứ ba vô hiệu với lý do là chưa được pháp luật hiện hành thừa nhận.

Theo quan điểm của các tòa án này thì chỉ có thể cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba trong quan hệ bảo lãnh - giao dịch được công nhận rõ ràng tại khoản 3 điều 336 của BLDS.

Tức là nếu muốn nhận tài sản bảo đảm từ bên thứ ba thì TCTD trước hết phải nhận bảo lãnh từ bên thứ ba này, và sau đó bên thứ ba này sẽ thế chấp hay cầm cố tài sản của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh.

Thực ra, cách tiếp cận này chưa hợp lý bởi đây là hai loại giao dịch bảo đảm khác nhau. Có thể tổng hợp sự khác biệt chính giữa việc cầm cố, thế chấp tài sản của người thứ ba và việc cầm cố, thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh (xem bảng).

Thêm vào đó, một số tòa án lại có xu hướng coi bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba là... bảo lãnh. Tại một hội thảo lớn của ngành ngân hàng được tổ chức mới đây, chánh án tòa án của một thành phố lớn nhận định rằng pháp luật cũng chưa làm rõ trong trường hợp bên vay nhờ bên thứ ba đưa tài sản để đảm bảo khoản vay thì hợp đồng giữa TCTD và bên thứ ba này là hợp đồng gì, là hợp đồng bảo lãnh hay hợp đồng thế chấp?

Thực ra, dù bảo lãnh và bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba đều là biện pháp bảo đảm được xác lập bởi bên khác không phải là bên vay nhưng đây rõ ràng là hai biện pháp bảo đảm khác nhau. Bảo lãnh là cam kết bằng uy tín của bên bảo lãnh về việc trả nợ thay và bên bảo lãnh không bắt buộc phải dùng tài sản của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh để bảo lãnh có hiệu lực.

Tức là về nguyên tắc, quyền của bên nhận bảo lãnh sẽ được xác lập trên toàn bộ khối tài sản của bên bảo lãnh. Trong khi đó, biện pháp bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba sẽ giới hạn nghĩa vụ trả nợ thay của bên bảo đảm trong phạm vi giá trị của một hay một số tài sản nhất định được sử dụng để bảo đảm.

Bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba được công nhận rộng rãi trong các nền pháp luật tiên tiến như Anh, Pháp hay Úc.

Bảo vệ bên bảo đảm

b0d46_w1_405

 

Cho đến thời điểm này, các tranh cãi liên quan đến biện pháp bảo đảm bằng tài sản của người thứ ba dường như chỉ xoay quanh việc TCTD nhận biện pháp bảo đảm này thì có rủi ro hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu hay không, mà vô tình bỏ qua một khía cạnh khác cũng không kém phần quan trọng, là làm thế nào để bảo vệ hiệu quả bên bảo đảm, nhất là khi bên này thường không nhận được lợi ích gì (đặc biệt về mặt thương mại) khi đưa tài sản của mình vào bảo đảm cho khoản vay của một bên khác.

Luật Doanh nghiệp quy định người đại diện theo pháp luật của công ty không được sử dụng tài sản của công ty để phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, về nguyên tắc nếu người đại diện theo pháp luật của công ty xác lập hợp đồng bảo đảm bằng tài sản của công ty để bảo đảm cho nghĩa vụ của một bên khác mà không chứng minh được lợi ích của giao dịch này đối với công ty thì giao dịch bảo đảm này có nguy cơ vô hiệu do vi phạm quy định này được hiểu là vi phạm điều cấm của luật (điều 123 BLDS).

Một số ý kiến cho rằng nếu giao dịch bảo đảm này được chủ sở hữu, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị hay đại hội đồng cổ đông công ty chấp thuận thì sẽ tránh được nguy cơ vô hiệu này. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp không quy định về ngoại lệ này cho nên nhận định này không thực sự có cơ sở.

Như một biện pháp bảo toàn vốn, pháp luật của một số nước như Anh hay Singapore chỉ cấm việc công ty đại chúng hỗ trợ tài chính cho một bên khác mua cổ phần của chính công ty đại chúng này. Biện pháp hỗ trợ tài chính này có thể là bảo lãnh hay xác lập biện pháp bảo đảm khác, cho tặng tài sản hoặc cho vay vốn... Rất tiếc là dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới được công bố không đề xuất bất cứ thay đổi nào đối với quy định này.

Đối với trường hợp bên bảo đảm là cá nhân, các quy định hiện hành và cả BLDS vẫn chưa đề cập đến khía cạnh này. Thiết nghĩ, nên có các quy định giúp bảo vệ bên bảo đảm đặc biệt này, chẳng hạn như công nhận quyền của bên bảo đảm được yêu cầu bên vay thực hiện hoàn trả cho mình trong phạm vi giá trị tài sản bảo đảm đã bị TCTD xử lý hay số tiền mà bên bảo đảm đã trả cho TCTD trong trường hợp rút lại tài sản bảo đảm.

Đây cũng chính là cách tiếp cận của nhiều nền pháp luật tiên tiến trên thế giới như Anh hay Pháp. Trong khi chờ đợi quy định mới, bên bảo đảm nên có thỏa thuận bằng văn bản với bên vay về việc hoàn trả này trước khi ký hợp đồng bảo đảm với TCTD.

Thêm vào đó, ngay từ khi xác lập hợp đồng bảo đảm, bên bảo đảm cũng cần cân nhắc rõ phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm, nhất là khi hợp đồng bảo đảm được xác lập để bảo đảm cho các khoản vay đã giải ngân trước thời điểm ký hợp đồng bảo đảm hay cho các khoản vay trong tương lai giữa bên vay và TCTD nhận bảo đảm.

Đối với cấp tín dụng, các biện pháp bảo đảm giúp tăng cường lòng tin của chủ nợ có bảo đảm và rộng hơn là để phục vụ lợi ích chung, chính là lợi ích của hệ thống kinh tế, thương mại theo nghĩa rộng thông qua hiệu ứng đòn bẩy mà chúng tạo ra.

Vì lẽ đó, việc sớm công nhận bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba một cách rõ ràng trong BLDS cũng như tạo ra một hành lang pháp lý ổn định và đầy đủ cho biện pháp bảo đảm đặc biệt này là yêu cầu từ thực tế để cải thiện sự an toàn về mặt pháp lý, từ đó sẽ góp phần khơi thông tín dụng.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ