Kịch bản nào cho ngành hàng không năm 2018?

Nhàđầutư
Thị trường còn nhiều tiềm năng với dư địa tăng trưởng lớn trong khi còn ít hãng hoạt động khiến cho không chỉ các nhà đầu tư tư nhân trong nước mà còn cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn tham gia thị trường vận tải hàng không Việt Nam.
LÊ VIỆT ANH
01, Tháng 08, 2017 | 14:45

Nhàđầutư
Thị trường còn nhiều tiềm năng với dư địa tăng trưởng lớn trong khi còn ít hãng hoạt động khiến cho không chỉ các nhà đầu tư tư nhân trong nước mà còn cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn tham gia thị trường vận tải hàng không Việt Nam.

Vietjet

Các hãng hàng không giá rẻ (LCC) đang góp phần gia tăng nhu cầu đi lại bằng đường không 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, vận tải hàng không nội địa vẫn tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng số lượng hành khách vận chuyển đạt 21,2 triệu lượt, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016; tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 154,2 nghìn tấn, tăng 46,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Nhu cầu sử dụng vận tải bằng đường không ngày càng tăng

Báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho rằng số lượt khách di chuyển bằng máy bay trên toàn thế giới trong vòng 20 năm tới sẽ đạt 7,2 tỷ lượt, tức là tăng gần gấp 2 lần so với mức 3,8 tỷ lượt trong năm 2016. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 thị trường có số lượt khách tăng trưởng nhanh nhất bên cạnh Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.

Ngành hàng không ở Việt Nam được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi như lãnh thổ trải dài với phần lớn diện tích là địa hình đồi núi, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế, thu nhập bình quân đầu người và tỷ trọng dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, thời gian vận chuyển bằng đường không thường ngắn hơn nhiều so với các hình thức vận chuyển khác.

Hiện nay, thị trường hàng không nội địa đang chịu sự chi phối của Vietnam Airlines (mã CK: HVN) và VietJet Air (mã CK: VJC) với thị phần trong nửa đầu năm 2017 lần lượt khoảng 47% và 39% (dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê). Phần còn lại thuộc các hãng hàng không khác như Jestar Pacific, Hải Âu. Như vậy, Vietnam Airlines vẫn đang chiếm ưu thế trong cuộc đua thị phần hàng không nội địa, nhưng VietJet Air cũng đang dần rút ngắn khoảng cách.

Nhu cầu tăng trưởng tốt cùng với dư địa thị trường lớn giúp cho Vietnam Airlines và VietJet Air có kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2017 khá khả quan. Đối với Vietnam Airlines, trong nửa đầu năm 2017, công ty đã thực hiện 70.400 chuyến bay với tổng lượng khách hàng đạt xấp xỉ 10,0 triệu lượt, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đối với VietJet Air, trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp đã thực hiện được 49.151 chuyến bay với tổng lượng khách hàng đạt 8,2 triệu lượt, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chờ đợi gì từ những đối thủ mới trong năm 2018?

Tại thời điểm hiện tại, Việt Nam có 7 hãng hàng không được cấp giấy phép nhưng chỉ có 5 hãng hàng không hoạt động vận tải hành khách, đó là Vietnam Airlines, VietJet Air, Jestar Pacific, VASCO và Hải âu. Trong số đó, chỉ có Vietnam Airlines, VietJet Air và Jestar Pacific là có sức ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành hàng không. Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ phát triển đội máy bay của mình lên 116 chiếc cho đến năm 2018, tăng 30 chiếc so với năm 2016; Jetstar Pacific là 30 chiếc đến 2020, tăng 16 chiếc so với năm 2016. Trong khi đó VietJetAir có kế hoạch tăng thêm 200 chiếc cho đội bay của mình đến năm 2023, tăng 159 chiếc so với năm 2016. Trong nửa đầu năm 2017, VietJet đã nhận thêm 5 chiếc A321 từ Airbus và thuê ướt thêm 5 tàu bay khác.

VASCO chỉ là một công ty con của Vietnam Airlines có số lượng đường bay hạn chế, lại đang gặp rắc rối ở quá trình tái cấu trúc để hoạt động dưới cái tên mới là SkyViet. Còn hãng hàng không Hải Âu thì chỉ chuyên khai thác dịch vụ du lịch thủy phi cơ trên tuyến Hà Nôi – Vịnh Hạ Long với quy mô thị trường rất nhỏ nên cũng không có nhiều ảnh hưởng. Thị trường còn nhiều tiềm năng với dư địa tăng trưởng lớn trong khi còn ít hãng hàng không hoạt động khiến cho không chỉ các nhà đầu tư tư nhân trong nước mà còn cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn tham gia.

Gần đây, tập đoàn FLC cũng đã quyết định tham gia vào lĩnh vực đầy tiềm năng này với quyết định thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Mục tiêu chủ yếu là khai thác những đường bay quốc tế nhằm phục vụ các đối tượng khách du lịch quốc tế có nhu cầu di chuyển trực tiếp đến các địa điểm du lịch của Việt Nam như Quy Nhơn, Thanh Hóa, Nha Trang… Theo đại diện của FLC, việc tập đoàn thành lập một hãng hàng không riêng sẽ giúp đẩy mạnh được mảng kinh doanh du lịch của FLC và tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng mới.

Hãng hàng không giá rẻ Air Asia cũng đã ký hợp đồng với hàng không Hải Âu và công ty TNHH Gumin để thành lập liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam với vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó đại diện đến từ Malaysia sẽ nắm 30% vốn. Hãng hàng không này dự kiến sẽ bay vào đầu năm 2018. Ngoài hai cái tên kể tên, vẫn còn một cái tên khác đang có tham vọng gia nhập thị trường đầy hứa hẹn này. Đó là công ty hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines), được thành lập năm 2010. Hiện tại, hãng hàng không này đã trình phương án điều chỉnh kế hoạch hoạt động để nhận được sự phê duyệt cho phép khai thác kinh doanh vận chuyển từ Chính phủ.

Như vậy, có thể thấy, ngành hàng không Việt Nam đang có sức hút rất lớn. Tuy nhiên, tồn tại và tăng trưởng được hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Điển hình là trường hợp của Air Mekong và Indochina Airlines, chỉ hoạt động được một vài năm trước khi ngậm ngùi rút khỏi thị trường Việt, Jestar Pacific có khá hơn nhưng cũng phải rất khó khăn để tồn tại được ở thị trường Việt Nam và không phải là cái tên được ưa thích trong cộng đồng người tiêu dùng. Ngay cả với cái tên đang tạo được tiếng vang lớn như VietJet Air cũng phải “chạy đà” khá lâu trước khi chính thức cất cánh.

Tham gia thị trường khá muộn, những thách thức to lớn dành cho các “tân binh” của ngành hàng không vẫn hiển hiện ở phía trước. Với việc thị phần đang nằm phần lớn trong tay Vietnam Airlines và VietJet Air, thị trường hàng không năm 2018 có lẽ vẫn chỉ là cuộc chơi của hai thương hiệu quen thuộc này.

Theo báo cáo chưa kiểm toán của Công ty cổ phần Hàng không VietJet, trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu vận tải hàng không của VietJet đạt 10.743 tỷ đồng, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ từ mảng vận tải hàng không đạt trên 1.090 tỷ đồng, tăng 46% so với nửa đầu năm 2016.

Trong khi đó trong cùng thời gian này Vietnam Airlines đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt là 42.758 tỷ đồng và 830 tỷ đồng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ