Iran có nhu cầu cao đối với các mặt hàng gia vị, nông sản của Việt Nam

Nhàđầutư
Iran có gần 90 triệu người, là một thị trường tiêu thụ hàng hóa khá lớn. Hiện Iran nhập khẩu các mặt hàng nông sản trị giá khoảng 10 tỷ USD/năm. Đó là cơ hội tiềm năng cho nhiều loại nông sản thế mạnh của Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường này như gạo, cà phê, tiêu, điều...
THIÊN KỲ
27, Tháng 11, 2023 | 16:31

Nhàđầutư
Iran có gần 90 triệu người, là một thị trường tiêu thụ hàng hóa khá lớn. Hiện Iran nhập khẩu các mặt hàng nông sản trị giá khoảng 10 tỷ USD/năm. Đó là cơ hội tiềm năng cho nhiều loại nông sản thế mạnh của Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường này như gạo, cà phê, tiêu, điều...

Nhiều dư địa xuất khẩu nông sản

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hàng Việt có nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang Iran nhờ cơ cấu bổ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh. Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang Iran, đặc biệt là hàng nông sản còn nằm ở chỗ, nhu cầu nhập khẩu của Iran lớn do đất nước này thường xuyên bị hạn hán, mất mùa.

Nong san Cong Dien

Nông sản Việt Nam nhất là các loại cây gia vị được thị trường Iran ưa chuộng. Ảnh Công Điền/NNVN

Hiện nay hầu hết các loại nông sản, gia vị như chè, cà phê, hạt tiêu, điều, gạo... cùng một số loại hoa quả như chuối, dứa, dừa của Việt Nam đang được thị trường Iran ưa thích. 

Ngoài ra, thói quen nổi bật trong văn hoá tiêu dùng của người Iran cho thấy tiềm năng xuất khẩu chè, cà phê vào thị trường này rất lớn. Thói quen uống chè, cà phê tại Iran có từ lâu đời vì người dân thích tụ tập chốn đông người. Hiện tại, Iran chủ yếu nhập khẩu cà phê dạng nguyên liệu, chè đen, chè xanh. Trong khi đó, đây là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Iran thời gian tới.

Iran không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là cửa ngõ trung chuyển cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông, Trung Á, khu vực Caucasus với khoảng 350 triệu dân.

Là doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu các mặt hàng gia vị và nông sản sang các thị trường khu vực Trung Đông - Châu Phi như UAE, Iran, Ai Cập, Maroc, Qatar,… đại diện Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu AC Việt Nam cho biết các thị trường này đều là những thị trường lớn, có nhu cầu cao với các mặt hàng gia vị, nông sản đến từ Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm hạt tiêu, quế, cơm dừa, hạt điều, cà phê…

"Các thị trường này thường ưa chuộng các sản phẩm có cảm quan tốt, chất lượng tốt như hạt to, màu sắc đẹp, độ ẩm thấp nên sẵn sàng trả giá cao hơn. Các nước khu vực này là các quốc gia Hồi giáo nên thường yêu cầu sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn Halal hoặc được cấp chứng nhận Halal. Tuy nhiên thị trường này thường không đưa ra các yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc trừ sâu, sản phẩm hữu cơ hay sản phẩm phát triển bền vững như trường châu Âu", đại diện công ty AC nhấn mạnh.

xoai

Các loại hoa quả nhiệt đới của Việt Nam như xoài, dừa đang có nhiều tiềm năng xuất sang Iran. Ảnh: Happyfood

Đặc biệt, hoa quả nhiệt đới là mặt hàng rất được ưa chuộng tại Iran, điển hình như dứa, xoài. Nếu làm tốt công tác thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể xuất khẩu các loại hoa quả khác như thanh long, chanh leo, ổi, đu đủ, măng cụt, bưởi... sang thị trường Iran. Chỉ tính riêng một số loại hoa quả nhiệt đới, mỗi năm Iran nhập khẩu khoảng 470.000 tấn (trị giá khoảng 700 triệu USD). Tại Iran, trung bình mỗi người tiêu thụ khoảng 120kg hoa quả/năm.

Tuy nhiên theo số liệu từ Bộ Công thương, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iran vẫn còn rất hạn chế, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đến nay mới chỉ đạt khoảng 100 triệu USD/năm. Đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường Iran cũng như mối quan hệ về chính trị, ngoại giao và hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Những điều cần lưu ý khi xuất khẩu vào Iran

Theo Thương vụ Việt Nam tại Iran, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu vào Iran cần lựa chọn các mặt hàng không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cùng loại của nước này. Bên cạnh đó cần chuẩn bị tốt đơn hàng, thường xuyên kết nối với đối tác qua các kênh, lựa chọn và đàm phán phương thức thanh toán phù hợp.

Hiện nay mức thuế mà Iran áp cho các mặt hàng nông sản nhập khẩu củ thể là hạt tiêu 5%, chè 20%, cà phê 5%-10%, gạo 5%-20% tùy loại.

Thương vụ Việt Nam tại Iran cho biết thêm, thuế nhập khẩu thay đổi thường xuyên theo chính sách trong năm. Có thời điểm chính phủ hạ thuế để khuyến khích nhập một số mặt hàng đang có nhu cầu cao trong nước. Nhưng cũng có thời điểm mức thuế khá cao do trùng đúng đợt thu hoạch nông sản của Iran.

Thị trường Iran nhiều tiềm năng, nhất là đối với nông sản của Việt Nam. Muốn khai thác hiệu quả thị trường này, doanh nghiệp cần nắm vững thông tin và các yếu tố mang tính đặc thù trong quan hệ giao thương.

Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi làm việc với Iran là vấn đề thanh toán. Do các Ngân hàng tại Iran bị ngắt swift nên việc thanh toán thường thông qua nước/tổ chức thứ 3 làm trung gian, việc này gây gia tăng chi phí. 

Theo chia sẻ của đại diện Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu AC Việt Nam các thị trường nhập khẩu nông sản Việt ở các khu vực Tây Á, châu Phi...hiện đang áp dụng các phương thức thanh toán T/T, D/P, L/C trả ngay.

Một số thị trường có thể làm điện chuyển tiền nhanh chóng, dễ dàng như UAE, Saudi Arabia, Jordan nhưng một số thị trường chuyển tiền bằng điện rất khó khăn như Iran, Ai Cập, Maroc, Algeria, Libya, Senegal.

Một số thị trường còn bắt buộc quy định thanh toán bằng L/C. Thủ tục mở L/C rườm rà dẫn đến tốn nhiều thời gian và chi phí cho cả người nhập khẩu và xuất khẩu.

"Hiện vẫn có tình trạng lừa đảo qua phương thức thanh toán như chiếm đoạt bộ chứng từ xuất khẩu bằng phương thức nhờ thu hoặc thư tín dụng (chuyển chứng từ qua ngân hàng). Một số khách hàng lừa đảo còn làm giả bộ chứng từ để lấy hàng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phải cảnh giác, thận trọng khi đàm phán giao dịch", đại diện công ty AC lưu ý.

Để tạo nền tảng pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước hợp tác giao thương, đến nay Việt Nam và Iran đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác, như thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định về thương mại, trong đó có điều khoản MFN (điều khoản tối huệ quốc), thành lập ủy ban hỗn hợp cấp chính phủ. 

Bộ Công thương lưu ý, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Iran hiện chưa được khai thác hiệu quả, nguyên nhân bởi doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin về thị trường này. Bên cạnh đó, do Iran đang bị cấm vận, nên việc làm ăn với các đối tác Iran, khâu thanh toán phải thông qua trung gian nước thứ ba, nên cũng có những yếu tố trở ngại và làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, người Iran chú trọng kết nối trực tiếp với đối tác. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn khai thác thị trường Iran, muốn làm ăn lâu dài, nên tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế tại Iran và khu vực có liên quan để kết nối, tìm hiểu thị trường. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ