Hóa giải áp lực nợ xấu

Tuy được đánh giá tạo chất xúc tác cho thị trường mua bán nợ, giải quyết được đáng kể “cục máu đông” nợ xấu của các TCTD, nhưng để Sàn giao dịch nợ VAMC phát huy hiệu quả như kỳ vọng phụ thuộc vào khung pháp lý.
TS. ĐOÀN VĂN THẮNG
13, Tháng 02, 2022 | 07:00

Tuy được đánh giá tạo chất xúc tác cho thị trường mua bán nợ, giải quyết được đáng kể “cục máu đông” nợ xấu của các TCTD, nhưng để Sàn giao dịch nợ VAMC phát huy hiệu quả như kỳ vọng phụ thuộc vào khung pháp lý.

Năm 2021 có thể nói là một năm đầy thách thức chông gai đối với nền kinh tế, ngành Ngân hàng cũng không ngoại lệ. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của Việt Nam. Điều này dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn suy giảm, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá.

Covid đe dọa thành quả xử lý nợ xấu

Nhận diện rõ những nguy cơ, ngay từ đầu năm 2021, NHNN đã chỉ đạo các TCTD đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro... Để có nguồn lực dày dặn sẵn sàng ứng phó khi thị trường có biến động, NHNN đã khuyến khích các TCTD trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền cho các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021... Về phía các TCTD, VAMC cũng tích cực đôn đốc xử lý các khoản nợ tồn đọng, phát mại, bán đấu giá TSBĐ thu hồi nợ…

no-xai

 

Mặc dù rất nỗ lực và đã gần thành công trong việc đưa tỷ lệ nợ xấu về mức cho phép theo Đề án tái cơ cấu 1058, nhưng dịch Covid-19 liên tục bùng phát gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp suy giảm doanh thu, lợi nhuận, ảnh hưởng lớn đến nguồn trả nợ của các khách hàng. Hệ quả tất yếu là nợ xấu có dấu hiệu tăng.

Trong khi cũng do dịch bệnh kéo dài nên VAMC đã không thể thực hiện làm việc với các TCTD, khách hàng, chủ tài sản, khảo sát tài sản... Việc đôn đốc khách hàng chỉ thực hiện gián tiếp qua gọi điện và gửi email, không tiếp xúc trực tiếp nên kết quả thu hồi nợ bị hạn chế. Tài sản đấu giá thành công cũng khó thu hồi tiền bán do khách hàng gặp khó khăn tài chính; bàn giao tài sản và hoàn tất thủ tục sau đấu giá bị đình trệ, việc tổ chức đấu giá tài sản không thể thực hiện do giãn cách xã hội...

Đặc biệt, việc xử lý nợ qua khởi kiện và thi hành án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng như tòa án, thi hành án vẫn mang tâm lý ngại tiếp xúc với đương sự. Thu hồi nợ qua các biện pháp thu nợ dưới hình thức phát mại tài sản cũng đạt thấp hơn thời gian trước do ảnh hưởng của dịch bệnh và vướng mắc cơ chế tại Nghị quyết 42. Kết quả thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường cũng khiêm tốn, không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 phân bổ.

Trước thực tế khó khăn trên, việc thành lập Sàn giao dịch nợ được đánh giá là cần thiết. Dù sự xuất hiện của Sàn giao dịch nợ không phải là liều thuốc mạnh giảm nhanh nợ xấu nhưng sẽ tạo lập một môi trường mua bán, xử lý nợ xấu sôi động, khơi thông dòng chảy hàng hoá là TSBĐ. Điều đó là vô cùng quan trọng trong bối cảnh nợ xấu đang chịu nhiều áp lực tăng vì dịch bệnh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động có thể tạo bước tiến lớn trong việc giải quyết nợ xấu, góp phần lành mạnh hoá thị trường mua bán nợ xấu, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam nhanh, hiệu quả hơn.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, VAMC nỗ lực đưa Sàn giao dịch nợ VAMC vào vận hành ngày 15/10/2021. Ngay sau khi đi vào vận hành, Sàn giao dịch nợ VAMC khá “hút” khách. Đến ngày 24/12/2021, Sàn giao dịch đã ký hợp đồng đề nghị môi giới bán khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu với tổng dư nợ 9.045 tỷ đồng. Tổng số thành viên đã đăng ký và được phê duyệt đủ điều kiện là thành viên của Sàn giao dịch nợ VAMC đã đạt 48 thành viên cao gấp hơn hai lần so với thời điểm mới thành lập.

Cần giải pháp mạnh hơn trong xử lý nợ xấu

Tuy được đánh giá tạo chất xúc tác cho thị trường mua bán nợ, giải quyết được đáng kể “cục máu đông” nợ xấu của các TCTD, nhưng để Sàn giao dịch nợ VAMC phát huy hiệu quả như kỳ vọng phụ thuộc vào khung pháp lý. Hiện tại khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ còn chưa đồng bộ; hạ tầng thị trường mới hình thành, phương thức mua bán nợ xấu chưa đa dạng, thành phần tham gia thị trường nợ còn ít, chủ yếu là VAMC và các ngân hàng. Việc mua bán nợ được thực hiện chủ yếu thông qua phương thức hợp đồng, chưa có cơ chế chuyển các khoản nợ thành một loại hàng hoá có thể chuyển nhượng giao dịch dễ dàng. Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam hiện nay chưa có quy định về “chứng khoán hóa” khoản nợ. Thực tế, tại một số thị trường mua bán nợ phát triển, “chứng khoán hoá” được sử dụng để biến các khoản nợ, đặc biệt là nợ xấu thành chứng khoán phát hành cho nhà đầu tư, tạo điều kiện phát triển cho thị trường mua bán nợ phát triển, qua đó giải quyết nợ xấu một cách hiệu quả. Do đó, chúng ta cần sớm nghiên cứu về cơ chế chứng khoán hóa các khoản nợ cũng như xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài nhằm mở rộng chủ thể tham gia thị trường mua bán, xử lý nợ xấu.

Vấn đề cần đặc biệt quan tâm nữa trong thời gian tới là hành lang pháp lý chung về xử lý nợ xấu đang thiếu hụt khi Nghị quyết 42 lại sắp hết hiệu lực (tháng 8/2022). Theo đó, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt. Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC, cũng như quá trình tái cơ cấu TCTD. Chưa kể, ngay cả Nghị quyết 42 hiện nay cũng tồn tại tới 11 vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, vướng mắc lớn nhất về quyền thu giữ TSBĐ - khâu then chốt nhất giúp các TCTD thu hồi xử lý nợ xấu hiệu quả. Để giải quyết hết các khúc mắc liên quan đến Nghị quyết 42 và Sàn giao dịch nợ VAMC, việc luật hóa Nghị quyết số 42 là rất cần thiết, không chỉ từ yêu cầu cải cách thể chế, đồng bộ hóa hệ thống luật pháp liên quan đến tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp, đất đai… mà còn đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ cuộc sống khi nợ xấu có nguy cơ tăng cao với tính chất ngày càng phức tạp. Luật Xử lý nợ xấu ra đời sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ, nhất quán giữa các cơ quan chức năng, các địa phương trong xử lý nợ xấu, nhất là trong các khâu xử lý, định giá khoản nợ và TSBĐ... Theo đó, các TCTD xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất, bền vững đồng thời giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước an tâm mua, bán các khoản nợ xấu, TSBĐ; nâng cao ý thức trả nợ của các khách hàng; cải thiện “cách nhìn” của xã hội, người dân đối với hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD.

Cuộc chiến chống Covid-19 xác định còn kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường. Thị trường tài chính quốc tế cũng như trong nước sẽ tiếp tục phải đối mặt nhiều thách thức. Do đó, bên cạnh việc hệ thống tài chính - ngân hàng tiếp tục cải thiện sức đề kháng, cần có một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ, nâng cao năng lực thể chế để giúp cho ngân hàng, VAMC có thể hoá giải vướng mắc, xử lý hiệu quả nợ xấu, khơi thông dòng chảy vốn cho nền kinh tế; Đồng thời củng cố nền tảng tài chính cho hệ thống TCTD có thể sẵn sàng ứng phó kịp thời trước những thay đổi, giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể phát sinh.

Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đến mọi mặt hoạt động, các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021 của VAMC hầu hết đều tăng trưởng so với năm 2020. Đến 31/12/2021, mua nợ TPĐB đạt 20.999 tỷ đồng giá mua, tăng 43% so với kết quả năm 2020 hoàn thành xuất sắc 100% chỉ tiêu; Mua nợ theo giá trị thị trường đạt 2.116 tỷ đồng giá mua, tăng 41% so với năm 2020 hoàn thành 88% kế hoạch.

Hoạt động xử lý nợ năm 2021 đạt hiệu quả cao, ước đạt 24.824 tỷ đồng dư nợ gốc được xử lý, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2020. VAMC đã nỗ lực đấu giá thành công 3 khoản nợ/tài sản bảo đảm của khoản nợ với số tiền trúng đấu giá đạt 905 tỷ đồng, tăng 130% so với kết quả năm 2020.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ