Hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển

Nhàđầutư
Theo thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP. Vì vậy, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
NGUYỄN TRI
06, Tháng 08, 2022 | 06:46

Nhàđầutư
Theo thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP. Vì vậy, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đầu tư hạ tầng, "thúc" dịch vụ phát triển

Ngày 5/8, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.

Cạnh đó, Đà Nẵng có vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistic, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

phat-trien-dich-vu (2)

Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; một số địa phương có ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao. Ảnh: Nguyễn Tri

Hiện, hệ thống cơ sở hạ tầng Đà Nẵng đang phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng sự phát triển của ngành dịch vụ như hệ thống sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; một số dự án đang triển khai như cảng Liên Chiểu, khu công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 2, các khu công nghiệp mới…

"Phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã mang lại các giá trị rất to lớn, không chỉ tạo động lực chi kinh tế phát triển mà còn khơi dậy được các tiềm năng, lợi thế và văn hóa của đất nước, con người Việt Nam", ông Quảng chia sẻ.

Đáng chú ý, phiên thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào một số nội dung như: Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nếu Nhà nước không đầu tư hạ tầng thì doanh nghiệp không dám đầu tư vì rủi ro rất lớn. Điển hình tại Đà Nẵng, địa phương đã đầu tư hạ tầng cho công viên phần mềm số 1, qua hơn 10 năm đã thành công; hiện, thành phố đang tiếp tục đầu tư khu công viên phần mềm số 2.

"Tuy nhiên, vướng mắc của đầu tư hạ tầng hiện nay là nằm ở luật đầu tư công, vì luật không cho phép đầu tư ngân sách công vào các khu, cụm công nghiệp trừ khu vực miền núi và hải đảo", ông Quảng chia sẻ.

phat-trien-dich-vu (3)

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, hệ thống cơ sở hạ tầng Đà Nẵng đang phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng sự phát triển của ngành dịch vụ. Ảnh: Nguyễn Tri

Đồng quan điểm, ông Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, để phát triển ngành dịch vụ phải chú trọng phát triển hạ tầng. Các địa phương phải lựa chọn ngành dịch vụ phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương. Từ đó, đầu tư hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy các ngành dịch vụ này phát triển.

Ngành dịch vụ là "động lực" phát triển

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho hay, chi phí logistics của Việt Nam hiện chiếm 16,8% (cao hơn nhiều so với thế giới là 10,8%). Lý do, hạ tầng thiếu đồng bộ làm chi phí logistics tăng.

Vì vậy, ông Hiệp kiến nghị cần hiện đại hóa quản trị logistics, trong đó, chú trọng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành logistics; hợp lý hóa, đồng bộ quy trình, chuỗi cung ứng logistics.

"Trong tái cơ cấu dịch vụ, cần đầu tư vào những dịch vụ Việt Nam đang thiếu. Vận tải nội địa, doanh nghiệp nội địa đang chiếm lĩnh thị trường nhưng vận tải quốc tế của Việt Nam còn đang phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị vận tải quốc tế. Vì vậy, cần chú trọng vào vận tải biển quốc tế và vận tải hàng không quốc tế", ông Hiệp thông tin thêm.

phat-trien-dich-vu (4)

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Alpha Asimov phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Nguyễn Tri

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Alpha Asimov, hiện, chi phí giao hàng dặm cuối đang rất cao, có thể chiếm đến 53% tổng chi phí vận chuyển. Vì vậy, nếu có thể tự động hóa và tăng hiệu quả khâu này sẽ tiết kiệm chi phí rất lớn cho người dùng cuối.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Theo đó, các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống. Theo số liệu thống kê, tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện, chiếm trên 40% GDP.

Thương mại truyền thống tiếp tục phát triển mạnh, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu.

Thương mại điện tử cùng với các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi và phát triển mạnh mẽ thương mại truyền thống, góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến.

Tại lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Fintech đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, CMC… Ngân hàng số, giáo dục số phát triển đã góp phần giúp ngành dịch vụ thích ứng tốt hơn và phù hợp hơn với bối cảnh phát triển mới của thế giới.

phat-trien-dich-vu (1)

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, phát triển ngành dịch vụ là động lực thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ảnh: Nguyễn Tri

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, trong quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra. Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao; một số dịch vụ quan trọng còn có tỷ trọng nhỏ; hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, chi phí logistic vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ cao như: công nghiệp công nghệ số, hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông.

Song song đó, quan tâm hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics; các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác theo hướng chú trọng dịch vụ ngân hàng số.

Tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ song song với chủ động xây dựng và phát triển nhanh các nền tảng thương mại điện tử trong nước, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu; phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam.

"Trong thời gian tới cần tập trung phát triển nhanh một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới gắn phát triển du lịch với hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, song song với bảo tồn và phát huy vai trò của các giá trị di sản, văn hoá truyền thống…", ông Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ