Du lịch Đà Nẵng chuyển hướng hút khách Ấn Độ khi thị trường Trung Quốc 'đóng băng'

Nhàđầutư
Khi thị trường khách Trung Quốc chưa có dấu hiệu quay trở lại, ngành du lịch Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác xúc tiến nhằm đa dạng nguồn khách quốc tế để bù đắp trong thời gian tới. Trong đó, Ấn Độ là một trong những thị trường tiềm năng được Đà Nẵng hướng đến. 
THÀNH VÂN
05, Tháng 08, 2022 | 05:49

Nhàđầutư
Khi thị trường khách Trung Quốc chưa có dấu hiệu quay trở lại, ngành du lịch Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác xúc tiến nhằm đa dạng nguồn khách quốc tế để bù đắp trong thời gian tới. Trong đó, Ấn Độ là một trong những thị trường tiềm năng được Đà Nẵng hướng đến. 

Năm 2019, theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng lượt khách quốc tế lưu trú ước đạt 3,5 triệu lượt, trong đó, khách Hàn Quốc ước đạt 1,7 triệu lượt khách, chiếm tỷ lệ gần 50%; khách Trung Quốc ước đạt khoảng 700.000 lượt chiếm tỷ lệ 20%. 

Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm 2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, du lịch Đà Nẵng đang phục hồi nhưng lượng khách quốc tế vẫn còn khiêm tốn, ước đạt 57,8 nghìn lượt.

Đặc biệt, thị trường khách Trung Quốc vẫn chưa trở lại Đà Nẵng du lịch vì quốc gia này vẫn theo đuổi chính sách 'Zero-COVID'. Điều này phải làm cho ngành du lịch Đà Nẵng thay đổi chiến lược, đẩy mạnh xúc tiến từ các quốc gia khác, trong đó Ấn Độ là một thị trường tiềm năng.

Các doanh nghiệp ở Đà Nẵng mong muốn, thời gian tới, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến du lịch để thu hút lượng khách tại đất nước hơn 1,4 tỷ dân này.

Ông Nguyễn Như Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Vietnam Travelmart cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh và chính sách mở cửa của các thị trường chính, đặc biệt thị trường Trung Quốc, nên năm nay khả năng sẽ thiếu hụt lượng khách vào mùa thấp điểm (mùa mưa).

Những năm trước đây Đà Nẵng không ảnh hưởng nhiều bởi quy luật này, vì nguồn khách Trung Quốc và Hàn Quốc luôn là nguồn khách cơ bản cho hệ thống cung cấp dịch vụ chạy được ở mức công suất tối thiểu.

IMG_5170

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, 7 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,88 triệu lượt, tăng 83% so với cùng kỳ. Ảnh: Thành Vân.

"Việc bây giờ của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là sớm nhất triển khai công tác xúc tiến cho các thị trường quốc tế lớn, đặc biệt là phải tập trung xúc tiến tại các thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ… ", ông Nam nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận định, Ấn Độ sẽ là thị trường quan trọng đối với nhiều điểm đến du lịch trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo ông Quỳnh, chính sách mở cửa tích cực của Ấn Độ cùng nhu cầu du lịch lớn của người dân nước này có thể giúp Việt Nam bù đắp lượng khách từ thị trường truyền thống Đông Bắc Á - hiện chưa mở cửa hoàn toàn sau đại dịch.  

Ngày 4/8, ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ), Sở Du lịch Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp cùng hãng hàng không Vietjet Air tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng. Sự kiện nhằm quảng bá điểm đến và giới thiệu đường bay trực tiếp của Vietjet Air kết nối Đà Nẵng và các thành phố của Ấn Độ.

Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, nhu cầu du lịch nước ngoài của người dân Ấn Độ nhìn chung rất lớn, song bị kìm nén suốt 2 năm qua.

Theo ông, sức hút của Việt Nam đối với thị trường Ấn Độ có thể nhận thấy qua lượng thị thực bình quân mỗi ngày trước và sau đại dịch COVID-19 tăng 24 lần, từ mức 250 thị thực/ngày lên 6.000 thị thực/ngày tại thời điểm hiện tại, trong đó có nhiều yều cầu tìm hiểu, hỗ trợ tổ chức đám cưới, hội nghị tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch – Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, với sự tăng trưởng đáng kể về trao đổi thương mại, du lịch, dịch vụ giữa hai quốc gia Việt Nam - Ấn Độ, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Đà Nẵng nhận thấy đây là thời điểm vàng cho các hoạt động xúc tiến.

"Chương trình quảng bá Đà Nẵng tại New Delhi (Ấn Độ) là một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch, chương trình hỗ trợ thu hút khách du lịch MICE và du lịch cưới của Đà Nẵng đến với thị trường Ấn Độ, mở ra một thời kỳ hợp tác phát triển giữa ngành du lịch New Delhi (Ấn Độ) và Đà Nẵng (Việt Nam)", bà Hoài An nói. 

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, 7 tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 10.998 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 3.686 tỷ đồng, tăng 106,0%.

7 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,88 triệu lượt, tăng 83% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế là 127.000 lượt, tăng 44,3%; khách trong nước là 1,76 triệu lượt, tăng 86,6%.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ