[Góc nhìn chuyên gia] Miễn, giảm thuế sao cho hiệu quả với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19?

Nhàđầutư
Nhiều doanh nghiệp hiện không có doanh thu do dịch COVID-19, vì vậy việc gia hạn, miễn, giảm sắc thuế nào cũng cần tính tới hiệu quả khi triển khai trong thực tế.
HOÀNG VĂN
09, Tháng 04, 2020 | 13:00

Nhàđầutư
Nhiều doanh nghiệp hiện không có doanh thu do dịch COVID-19, vì vậy việc gia hạn, miễn, giảm sắc thuế nào cũng cần tính tới hiệu quả khi triển khai trong thực tế.

Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng về của dịch COVID-19, nhiều đề xuất xin miễn, giảm thuế đã được các Bộ, ngành, địa phương gửi tới Chính phủ, Bộ Tài chính. Song, nhiều doanh nghiệp hiện không có doanh thu, vì vậy việc gia hạn, miễn, giảm sắc thuế nào cũng cần tính tới hiệu quả khi triển khai trong thực tế.

Xung quanh vấn đề này, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam.

"Những đề xuất miễn, giảm thuế thiếu tính khả thi"

Thưa bà, Chính phủ, Quốc hội nên ưu tiên thực hiện chính sách giãn, miễn, giảm thuế cho đối tượng nào trước trong bối cảnh dịch?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Trước hết, theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng, chúng ta sẽ xem xét hai khối doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19.

Ở khối doanh nghiệp, nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng rất nhiều, từ doanh nghiệp sản xuất (dệt may, da giày,  điện tử, sản phẩm hỗ trợ, chế biến nông lâm, thủy hải sản) tới doanh nghiệp vận tải, dịch dụ (hàng không, hàng hải, đường bộ, ăn uống, du lịch). Thậm chí, khối giáo dục và đào tạo; y tế; hoạt động trợ giúp xã hội; văn hóa, nghệ thuật và giải trí; thể thao đều bị ảnh hưởng.

cuc

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam. Ảnh: Tin tức.

Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ, cá nhân kinh doanh cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Vậy nên, tất cả các đối tượng đó đều được sẽ được hưởng gói gia hạn hoặc miễn, giảm thuế.

Tuy nhiên, nếu cơ quan tham mưu cho Chính phủ đưa ra những gói miễn, giảm thuế theo kiểu cho có, không có tính khả thi trong thực hiện sẽ làm mất tính thực thi của một chính sách. Vậy nên, cần đề xuất miễn, giảm ở những sắc thuế có khả năng phát sinh, thực hiện được.

Trong tình trạng dịch bệnh hiện nay, doanh nghiệp không có doanh thu hoặc doanh thu rất nhỏ. Trong khi, tiền lương và chi phí duy trì doanh nghiệp vẫn phát sinh đều đặn sẽ dần đưa doanh nghiệp tới hoàn cảnh thua lỗ. Lúc này, nếu đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, dù doanh nghiệp thua lỗ, nhưng chỉ cần có doanh thu từ hoạt động kinh doanh, sẽ phát sinh thuế giá trị gia tăng. Số thuế này lẽ ra họ phải nộp nhưng nếu có giải pháp cho phép lùi thời hạn nộp thuế.

Ví dụ, theo quy định hiện hành, nều kê khai nộp thuế theo tháng thì doanh nghiệp có số thuế phát sinh trong tháng 4 sẽ phải nộp vào ngày 20/5, giờ được kéo dài thêm 5 tháng nữa, lùi hạn nộp đến ngày 20/10. Với hộ, cá nhân kinh doanh được kéo dài thời hạn nộp thuế đến trước ngày 15/12/2020.

Trường hợp thực hiện quyết toán thuế 2019 (thời điểm chưa bị dịch bện), nếu doanh nghiệp có phát sinh thuế TNDN còn phải nộp so với số đã tạm nộp trong năm 2019  thì số thuế này cũng được gia hạn thời hạn.

Trường hợp đặc biệt trong năm 2020 doanh nghiệp vẫn có lãi thì số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I, II/2020 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng trên cũng được gia hạn thêm 5 tháng. Thời gian kéo dài việc nộp thuế sẽ không bị tính tiền thuế chậm nộp.

Số thuế này thay vì phải nộp ngân sách nhà nước thì giờ cho doanh nghiệp chiếm dụng, giúp họ bổ sung vốn lưu động, có thêm nguồn lực phục hồi hoạt động. Đồng thời, giảm áp lực vay nợ từ các tổ chức tín dụng.

Với hộ, cá nhân kinh doanh, họ phải nộp hai loại thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân. Ví dụ, các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại sẽ phải nộp 0,5% thuế thu nhập cá nhân và 1% thuế giá trị gia tăng. Còn các hộ, cá nhân kinh doanh dịch vụ như thuê nhà sẽ phải nộp 10% của cả hai loại thuế. Các khoản thuế đó đều đã được gia hạn.

Tiền thuê đất phải nộp của đầu năm 2020 cũng được giãn thời hạn nộp thêm 5 tháng nữa, đến 31/10 mới phải nộp để giảm thiểu khó khăn.

Tôi cho rằng tất cả các khoản thuế, tiền thuê đất thực tế có phát sinh, việc lùi thời hạn nộp thuế sẽ nâng cao tính khả thi của chính sách hơn.

Nhiều Bộ, ngành, địa phương đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động ở các lĩnh vực chịu ảnh hưởng của COVID-19. Bà đánh giá như thế nào về tính khả khi của đề xuất này?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Lúc này, người lao động không có việc làm, không có lương, liệu có phát sinh thu nhập tính thuế?

Theo Luật thuế TNCN, những đối tượng thu nhập từ tiền lương tiền công được  giảm trừ cho mình 9 triệu đồng mỗi tháng không phải nộp thuế. Nếu có con, bố mẹ già, sẽ được cộng thêm mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng mỗi người. Nếu mỗi người làm công ăn lương có 2 con, sau khi nộp BHXH xong, mức  lương  của họ đến 16,2 triệu đồng không phải nộp thuế.

Nhưng giờ, người lao động phải nghỉ việc, giảm ca thì họ có đâu thu nhập tới mức đó để nộp thuế? Thậm chí Chính phủ đang tính toán phương án hỗ trợ trực tiếp để những lao động bị mất việc làm có tiền trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản. Vì vậy, đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương tiền công là không có tác dụng.

Chính phủ, doanh nghiệp, người dân cần chung sức, đồng lòng

Chính sách thuế luôn có độ trễ nhất định, bà có đề xuất gì giúp các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Bên cạnh chính sách thuế nói chung, còn rất nhiều khoản phí như là phí như phí qua phà, phí qua cầu hoặc phí kiểm định, phí bay qua bầu trời hoặc là phí dịch vụ mặt đất… Trong đó, có những khoản phí mang tính chất giá, thuộc thẩm quyền quyết định của các Bộ, ngành.

Ví dụ, với ngành giao thông, Bộ Giao thông Vận tải phải có trách nhiệm giảm các loại phí liên quan như phí container, phí lưu thông trên đường cao tốc trong giai đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch. Hiện mỗi ngày chỉ có một chuyến bay từ Hà Nội tới TP.HCM và ngược lại, các chi phí soi chiếu an ninh, chi phí hạ cánh cất cánh, phí phục vụ mặt đất… cũng phải xem xét để giảm thiểu.

Hiện nay, các doanh nghiệp ngành hàng không chắc chắn là đã lỗ rồi, Bộ Giao thông Vận tải phải cố gắng khắc phục khó khăn tính toán phương án giảm phí, giảm lỗ cho doanh nghiệp, bên cạnh các giải pháp về thuế của Chính phủ.

Còn chắc chắn doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dệt may; da giày; điện tử; chế biến nông, lâm, thuỷ, hải sản; công nghiệp phụ trợ; hàng không; dịch vụ; du lịch; khách sạn dù ở trung ương, địa phương đều là những lĩnh vực nhạy cảm, chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 nên đều được ưu đãi về miễn, giảm thuế.

Trong niên khoá tài chính năm nay, ngân sách nhà nước chưa có sự điều chỉnh về thu cũng như chi. Hiện số chi cho cách ly và các hoạt động phòng chống dịch rất nhiều, đồng thời thực hiện giãn thu. Trong phạm vi, quyền hạn mình, Chính phủ đã đưa ra giải pháp gia hạn nộp thuế. Còn việc miễn, giảm thuế hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

doanh-nghiep

Nhiều doanh nghiệp không có doanh thu vì dịch COVID-19. Ảnh: Báo Đầu tư.

Lúc này, không chỉ doanh nghiệp mà Chính phủ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, Chính phủ đã vận dụng nhiều hình thức như kêu gọi các khoản đóng góp từ doanh nghiệp và người dân. Thậm chí, vận động người dân nhắn tin ủng hộ tối thiểu 20.000 đồng qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để cùng chung tay vượt qua khó khăn.

Qua những đợt vận động, quyên góp đó, xuất hiện những doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ số tiền hàng chục tỷ đồng. Những khoản đóng góp đó với các cá nhân thì được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Nhưng với doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập nghiệp mới quy định chi phí khắc phục hậu quả của thiên tai như bão lụt, sóng thần, ngập mặn thì mới được hạch toán vào chi phí hợp lý để khấu trừ thuế, về dịch bệnh chưa có.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu doanh nghiệp có tinh thần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với Chính phủ khi xảy ra dịch thì chi phí nên được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành, các khoản đóng góp nhằm đẩy lùi covid-19 không được hạch toán vào phần chi phí nên doanh nghiệp phải lấy từ phần thu nhập sau thuế. Song khi chung tay giúp đỡ Chính phủ, nên cho họ hạch toán khoản đó vào chi phí. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, năm nay kinh doanh không có lãi thì họ sẽ được chuyển lỗ trong 5 năm theo Luật định.

Xin cảm ơn bà!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ