Gỗ Trường Thành: Đã thay tướng, muốn đổi tên, nhưng có đổi vận?

Nhàđầutư
‘Đổi chủ’ rồi đến ‘thay tên’ - Cha con ông Võ Trường Thành đều đã bị miễn nhiệm khỏi các chức vụ chính thức tại Công ty CP Gỗ Trường Thành (mã TTF), giờ đây ông lại sắp chứng kiến ‘cơ đồ’ một thời của mình ‘thay tên’.
HÓA KHOA
19, Tháng 04, 2018 | 13:01

Nhàđầutư
‘Đổi chủ’ rồi đến ‘thay tên’ - Cha con ông Võ Trường Thành đều đã bị miễn nhiệm khỏi các chức vụ chính thức tại Công ty CP Gỗ Trường Thành (mã TTF), giờ đây ông lại sắp chứng kiến ‘cơ đồ’ một thời của mình ‘thay tên’.

nhadautu - hy vong nao danh cho TTF Go truong thanh

 

Trong tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2018, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) xin ĐHĐCĐ thông qua việc đổi tên Công ty.

TTF giải thích, việc đổi tên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kết nối với các đối tác, khách hàng khi giao dịch và kinh doanh theo định hướng phát triển của TTF trong giai đoạn mới, mở rộng thị trường theo định hướng phát triển bền vững.

TTF cũng không đề cập tên mới của doanh nghiệp. 

Việc đổi tên Công ty được đề cập trong các tờ trình ĐHĐCĐ ngay sau khi TTF và các công ty con hoàn thành việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty CP Phú hữu Gia (PHG) – Công ty do Nguyên Chủ tịch HĐQT TTF là ông Võ Trường Thành làm người đại diện phần vốn góp.  

Việc đổi tên dường như thể hiện động thái quyết tâm của TTF trong việc tái cấu trúc Công ty cả về mặt kết quả kinh doanh và sự minh bạch với giới đầu tư. 

Được biết, Ông Võ Trường Thành sinh năm 1958, là doanh nhân Bình Định. Năm 1993, ông và các cộng sự thành lập Gỗ Trường Thành. Ông Thành đã ‘chèo chống’ Công ty vượt qua nhiều khó khăn, thậm chí vượt qua bờ vực phá sản vì nợ nần. 

Tuy nhiên, bê bối ‘scandal’  hàng tồn kho biến mất đã khiến Công ty đi xuống cả về kết quả kinh doanh và lòng tin của nhà đầu tư.

Cụ thể, trong báo cáo tài chính quý II/2016, TTF ghi nhận khoản lỗ lên tới 1.123 tỷ đồng, trong khi quý trước vẫn lãi 54 tỷ. Theo giải thích của đơn vị kiểm toán (Công ty TNHH  Ernst & Young Việt Nam) ghi nhận có đến 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu khi kiểm kê trong giá vốn hàng bán, và việc phải trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi và hàng tồn kho bị thiếu khiến công ty rơi vào thua lỗ nặng.

Cổ phiếu TTF lúc đó đang giao dịch rất tích cực, tuy nhiên ngay khi thông tin này được công bố, TTF từ mức giá đỉnh 43.600 đồng/cổ phiếu trong phiên 18/7/2016 đã giảm sàn trong 24 phiên liên tiếp sau đó. Qua đó, thị giá chỉ còn 8.100 đồng/cổ phiếu (phiên 19/8/2016), tương đương mức giảm gần 81,5%. Đến phiên 30/12/2016, thị giá TTF chỉ còn 5.390 đồng/cổ phiếu.

Bê bối này đã khiến ông Võ Trường Thành bị bãi nhiệm khỏi chức danh Chủ tịch HĐQT sau gần 2 thập kỷ chèo chống Công ty với lý do: Không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT trong tình hình khó khăn khẩn cấp của TTF. Một thời gian sau, con trai ông là ông Võ Văn Tuấn đã rời khỏi các vị trí Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc TTF

Đi cùng với đó là một loạt các nhân sự cấp cao khác rời khỏi Công ty như: bà Trần Hoài An chấm dứt tư cách Thành viên HĐQT; ông Tạ Văn Nam miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc thường trực; ông Đinh Văn Hóa rời khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của TTF đã ‘trình làng’ dàn lãnh đạo mới. Cụ thể, ông Hồ Anh Dũng giữ chức Chủ tịch HĐQT; ông Mai Hữu Tín giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty. Ngoài ra, các thành viên khác là ông Vũ Xuân Dương, ông Hà Hoàng Thế Quang, ông Vũ Tuấn Hoàng là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2021.

Sau 1 năm tái cơ cấu, báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của TTF cho thấy lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp chỉ đạt hơn 2,3 tỷ đồng, giảm mạnh 91% so với LNST trước kiểm toán đạt hơn 26,4 tỷ đồng. Tuy vậy, đây vẫn là mức lãi cao so với cùng kỳ TTF ghi nhận lỗ đến 442 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2017 đạt mức dương gần 102,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái khoản này ghi nhận âm gần 810 tỷ đồng.

Thời gian qua, TTF đã được chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo kể từ ngày 19/4/2018. Nguyên nhân đến từ LNST Công ty mẹ năm 2017 đạt 10,73 tỷ đồng và LNST chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2017 là -1.406,8 tỷ đồng (theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017).

Một trong các cam kết minh bạch được TTF đưa ra là đưa Dự án SAP-ERP đầu quý IV/2018 vào vận hành với kỳ vọng: (1) Tăng cường khả năng kiểm soát (2) Quản trị và minh bạch số liệu (3) Tiết giảm và nâng cao năng lực lao động.

Trong năm 2018, TTF tự tin đề ra mục tiêu doanh thu thuần 1.517 tỷ đồng, tăng gần 11,3% so với doanh thu đạt được trong năm 2017, LNST hơn 76,6 tỷ đồng, mục tiêu khá lạc quan so với LNST năm vừa rồi chỉ đạt hơn 2,3 tỷ đồng.

Năm 2018 ghi nhận TTF dự kiến tiếp tục tăng vốn điều lệ (bằng cách mua – bán sát nhập hoặc các phương án khác) nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Được biết, TTF trong năm 2017 đã phát hành 70 triệu cổ phần để tăng số vốn cổ phần từ 1.446 tỷ đồng lên 2.146 tỷ đồng. Công ty đã sử dụng số tiền trên để thanh toán các khoản vay từ các Ngân hàng TMCP hơn 675,4 tỷ đồng, bổ sung vốn lưu động hơn 24,4 tỷ đồng và phí tư vấn phát hành 143 triệu đồng.  

Ngay sau khi các thông tin kế hoạch kinh doanh được công bố, giá cổ phiếu TTF đã diễn biến khá tích cực. Theo đó, đóng cửa phiên sáng 19/4, TTF tăng trần đạt mức 6.070 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 2 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị hơn 12 tỷ đồng. Trong đó, NĐTNN mua vào 3.000 cổ phiếu TTF.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ