[Gặp gỡ thứ Tư] 'Xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng xanh để thích ứng với trạng thái bình thường mới'

Nhàđầutư
PGS-TS. Tô Trung Thành cho rằng doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về điều kiện lao động, sản xuất, kinh doanh và vận tải từ chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý để xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng xanh.
HOÀNG VĂN
15, Tháng 09, 2021 | 07:45

Nhàđầutư
PGS-TS. Tô Trung Thành cho rằng doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về điều kiện lao động, sản xuất, kinh doanh và vận tải từ chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý để xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng xanh.

to-trung-thanh

PGS-TS. Tô Trung Thành. Ảnh: NVCC.

Nhiều địa phương đang nới lỏng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình phục hồi sản xuất và kinh doanh sau đỉnh dịch COVID-19. Nhadautu.vn đã có trao đổi với PGS-TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) để phân tích và để xuất các chính sách phù hợp nhất để có để xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng xanh.

Ông có thể chia sẻ về ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư với doanh nghiệp?

PSG-TS. Tô Trung Thành: Những con số thống kê tại thời điểm cuối tháng 6-2021 cho thấy nền kinh tế có mức độ hồi phục khá so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng hiện nền kinh đế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đang đối mặt với hai vấn đề nghiêm trọng.

Thứ nhất, đứt gãy chuỗi cung ứng trong và ngoài nước do việc áp dụng Chỉ thị 16 một cách cứng nhắc, không thống nhất ở các địa phương. Điển hình là quy định "hàng hoá thiết yếu" và những điều kiện an toàn để được lưu thông.

Điều này đã dẫn tới tình trạng đứt gãy nguồn lao động do nhiều lao động, đặc biệt lao động có trình độ cao tại các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng không thể đến nơi làm việc. Tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, hàng hóa đã xuất hiện khi việc lưu thông qua các địa phương bị cản trở.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất của ngành phải đóng cửa sản xuất vì không đáp ứng được những yêu cầu phòng chống dịch tại địa phương.

Tương tự, các doanh nghiệp nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu - khu trú chủ yếu ở các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương, TP.HCM... phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, dẫn đến đứt gẫy cả chuỗi cung ứng quốc tế. Nếu không cải thiện được tình hình, nhiều khả năng các doanh nghiệp  phải rời khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thậm chí, chuỗi sản xuất có thể bỏ qua điểm dừng Việt Nam khiến với dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bị ảnh hưởng mạnh.

Thứ hai, chi phí sản xuất gia tăng mạnh ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải trả thêm những chi phí gồm: hỗ trợ lương nghỉ dịch; xét nghiệm cho người lao động và lái xe; nhiên liệu do thay đổi cung đường, di chuyển lao động và hàng hóa; trợ cấp tiền lương, bữa ăn và vật dụng sinh hoạt,... để đảm bảo điều kiện an toàn, đồng thời khuyến khích lao động ở lại sản xuất theo mô hình "ba tại chỗ" và "một cung đường, hai điểm đến".

Ngoài ra, các chi phí liên quan đến người lao động như bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn vẫn không được miễn giảm trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc suy giảm sản lượng. Một số điều tra cho thấy các chi phí của các doanh nghiệp đã tăng khoảng 20-30%, tạo ra gánh nặng rất lớn với các doanh nghiệp vốn đã kiệt sức do dịch bệnh kéo dài.

Một số địa phương đã lên lộ trình nới lỏng các biện pháp giãn cách nhằm khôi phục sản xuất - kinh doanh. Ông có lưu ý gì khi thực hiện việc này?

PSG-TS. Tô Trung Thành: Thời gian giãn cách chặt chẽ vừa qua giúp Việt Nam đã đạt được một số điều kiện cho phép nởi lỏng dần các hoạt động sản xuất và kinh doanh gồm: tổng số người tiêm chủng vaccine đạt mức 21,5 triệu - bằng 22,2% dân số; tỷ lệ tiêm ở các địa phương trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội lần lượt đạt mức 91,9%, 79,2%, 66,8% tính tới ngày 11/9. Như vậy, các địa phương có thể nới lỏng giãn cách từng phần theo tiến độ tiêm vaccine, số ca tử vong và tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm và khả năng chữa trị các ca bệnh nặng được đảm bảo.

Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp nới lỏng theo cấp độ cần đi kèm các điều kiện an toàn để đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Một số nguyên tắc cần quán triệt khi nới lỏng giãn cách gồm: chấp nhận một nền kinh tế có COVID-19; đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng; chuẩn bị nguồn lực y tế phải có khả năng chữa trị các ca bệnh nặng và giảm số ca tử vong và tỷ lệ tử vong.  

Với hoạt động sản xuất, cần thực hiện các biện pháp nới lỏng theo chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng (chuỗi sản xuất và cung ứng xanh, chuỗi sản xuất và cung ứng đỏ), bên cạnh giải pháp nới lỏng giãn cách theo đơn vị địa lý (vùng xanh, vùng đỏ) do quá trình sản xuất vượt qua khái niệm về địa lý.

Ngoài ra, cần nới lỏng xuyên suốt chuỗi sản xuất và cung ứng, từ khâu nhập khẩu, sản xuất nguyên vật liệu, logistics, sản xuất thành phẩm, tới phân phối và xuất khẩu.

Vậy cần những yếu tố gì xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng xanh?

PSG-TS. Tô Trung Thành: Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về điều kiện lao động, sản xuất - kinh doanh và vận tải từ chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý khi xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng xanh.

Với yếu tố lao động, chính quyền các địa phương cần cho phép doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đáp ứng đủ điều kiện an toàn. Đồng thời, cho phép các lao động này được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường, đặc biệt với những người làm việc tại các khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng, nhưng có không gian độc lập, tách rời khu dân cư.

Với yếu tố sản xuất – kinh doanh, cần cho phép các doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn các mô hình sản xuất - kinh doanh an toàn với sự phối hợp của các cơ quan chức năng tại địa phương, thay vì duy trì mô hình "ba tại chỗ" gây tốn kém. Ngoài ra, quy trình xử lý khi xuất hiện người mắc COVID-19 cần được xây dựng rõ ràng, theo hướng tạo điều kiện cho sản xuất một phần hay toàn bộ sau khi bóc tách F0 và xử lý an toàn.

Bên cạnh đó, chính quyền cần cho phép các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm an toàn phòng dịch qua việc tự xét nghiệm COVID-19 với người lao động dưới sự giám sát và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Cuối cùng, tạo điều kiện cho phép doanh nghiệp bù đắp các chi phí gia tăng thông qua những hỗ trợ giảm thuế, phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, cho phép tính các chi phí chống dịch vào chi phí hợp lý hợp lệ.

Với yếu tố vận tải, chính quyền các địa phương có thể cho phép các phương tiện vân tải tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính - tuyến đường xanh, nhưng cần quản lý chặt tài xế. Theo đó, tài xế phải đảm bảo các điều kiện an toàn gồm: Đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19; không được đỗ, dừng tùy tiện tại địa phương; các trạm kiểm tra phòng dịch không được bắt buộc các phương tiện vận tải dừng để kiểm tra khi có thể nhận diện các phương tiện an toàn thông qua các phương pháp nhận diện tự động. Việc kiểm tra, giám sát với tài xế sẽ được thực hiện các thông qua các công nghệ giám sát.

Ngoài ra, mỗi địa phương cần tổ chức trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa nhằm phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.

Nếu phân được các chuỗi xanh và đảm bảo các điều kiện an toàn như khuyến nghị, các địa phương có thể nới lỏng dần các điều kiện giãn cách để hồi phục sản xuất và kinh doanh cho doanh nghiệp. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Diễn đàn Vượt qua COVID diễn ra từ 15/9/2021 đến 31/12/2021 trên nhadautu.vn. Bài tham dự diễn đàn vui lòng gửi về email: [email protected], tiêu đề ghi rõ: Bài tham dự diễn đàn “Vượt qua COVID”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ