[Gặp gỡ thứ Tư] Việt Nam là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các doanh nghiệp Hàn Quốc

Nhàđầutư
TS. Vũ Tiến Lộc nhận định với sự tương đồng về văn hóa và cơ cấu kinh tế có khả năng bổ sung, tương tác với nhau, quan hệ hợp tác Việt - Hàn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới vì lợi ích của cả 2 bên.
KHÁNH AN
19, Tháng 10, 2022 | 06:49

Nhàđầutư
TS. Vũ Tiến Lộc nhận định với sự tương đồng về văn hóa và cơ cấu kinh tế có khả năng bổ sung, tương tác với nhau, quan hệ hợp tác Việt - Hàn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới vì lợi ích của cả 2 bên.

vu-tien-loc

TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam(VIAC), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Quang Vinh.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc đang đứng thứ 2/97 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 290 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,8 tỷ USD. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nâng cấp quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên "Đối tác chiến lược toàn diện", Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam(VIAC), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc.

Ông đánh giá như nào về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian qua?

TS. Vũ Tiến Lộc: Như chúng ta đều biết, Hàn Quốc là đối tác chiến lược và sẽ là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. 59 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đều có quan hệ kinh tế thương mại trực tiếp với Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư số 1, là đối tác viện trợ phát triển, là thị trường du lịch, hợp tác lao động đứng thứ 2, là thị trường xuất khẩu thứ 3 của chúng ta.

Gần 200.000 người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam và cũng ngần ấy người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc, trong đó, có các gia đình đa văn hóa Việt Hàn, điều này cho thấy mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ, thuỷ chung giữa hai nước. Các mối quan hệ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thể thao… cũng rất sôi động.

Trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, quan hệ kinh tế thương mại giữ vị trí trung tâm. Quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Hàn không chỉ lớn về quy mô mà có thể tính ra bằng số công ăn việc làm hay đóng góp cho tăng trưởng, mà còn lớn hơn ở những giá trị vô hình, những giá trị văn hóa, công nghệ và mô hình phát triển và điều hành nền kinh tế mà chúng ta có thể học tập, chia sẻ với nhau.

vcci-1615541903

 

Quan hệ hợp tác Việt Hàn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới vì lợi ích của cả 2 bên

TS. Vũ Tiến Lộc

Kì tích trong quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc trong những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước và quá trình chuyển sang nền kinh tế hiện đại hàng đầu trên thế giới hiện nay, là những bài học tham khảo rất quý giá cho quá trình công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm sắp tới.

Với sự tương đồng về văn hóa, tinh thần khởi nghiệp và một cơ cấu kinh tế có khả năng bổ sung, tương tác với nhau, quan hệ hợp tác Việt - Hàn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới vì lợi ích của cả 2 bên.

Cụ thể hơn, những bài học từ Hàn Quốc có thể giúp Việt Nam phát triển nền kinh tế đổi mới sáng tạo là gì?

TS. Vũ Tiến Lộc: Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ít nhất có 2 điều cơ bản. Một là phải xây dựng được một thể chế vững mạnh trong đó Nhà nước giữ vai trò kiến tạo.

Hai là phải có được một cộng đồng doanh nhân có khát vọng khởi nghiệp, sáng tạo và có tinh thần dũng cảm của những chiến binh. Hàn Quốc đã thành công trong việc xây dựng một hệ sinh thái phát triển như vậy và họ đang chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc?

TS. Vũ Tiến Lộc: Việt Nam chúng ta đang cùng một lúc phải thực hiện hành trình kép vừa tiếp tục quá trình công nghiệp hóa đất nước hình thành những ngành công nghiệp cơ bản của một nền kinh tế để bảo đảm tính tự chủ, tự cường, lại vừa đi tắt, đón đầu hướng tới một cơ cấu kinh tế tri thức sáng tạo hơn, bắt kịp những xu thế hàng đầu của nhân loại như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đề cao trách nhiệm xã hội.

Chúng ta cần phải xây dựng một nền kinh tế không chỉ thông minh hơn, hiệu quả hơn mà còn phải nhân văn hơn, thân thiện với môi trường và hòa giải được với thiên nhiên. Dư địa cho sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam trên hành trình này là vô cùng lớn.

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đã chọn Việt Nam là quê hương thứ 2 của họ và Việt Nam đã trở thành một mắt xích không thể thiếu được trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang dẫn dắt. Nhưng, những công đoạn mà Việt Nam đang tham gia, nhìn chung, mới chỉ là những mắt xích sử dụng lao động giản đơn. Việt Nam ghi dấu trong nền kinh tế toàn cầu, cho đến thời điểm này, vẫn chỉ là "công xưởng lắp ráp gia công".

Nếu dừng lại ở định vị như vậy thì Việt Nam sẽ không bao giờ thoát khỏi được bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta mong muốn bắt đầu một giai đoạn mới trong "hợp tác đầu tư" với nước ngoài đúng theo nghĩa của từ này chứ không chỉ là thu hút hay tiếp nhận đầu tư bằng mọi giá. Hàn Quốc đã đi đầu trong làn sóng đầu tư thứ nhất vào Việt Nam để biến Việt Nam thành "công xưởng" và bây giờ chúng ta hy vọng Hàn Quốc sẽ đi đầu trong làn sóng thứ 2 cùng với Việt Nam xây dựng "hệ sinh thái" đổi mới sáng tạo ở đất nước này.

Để tiếp cận nguồn vốn từ Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi như thế nào?

TS. Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp Việt Nam phải từng bước tiếp nhận chuyển giao và trưởng thành về công nghệ và phải cộng sinh được với những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc để có thể tham gia vào những phân khúc có giá trị gia tăng lớn hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn vào lịch sử phát triển của Hàn Quốc, chúng ta thấy trong những năm 70. 80 của thế kỷ trước, doanh nghiệp đầu tư vào Hàn Quốc là các nước phương tây. Doanh nghiệp Hàn Quốc rất nhỏ và sơ khai nhưng đã nỗ lực học tập và hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, với tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân và sự định hướng và yểm trợ của Nhà nước kiến tạo, nền kinh tế Hàn Quốc đã phát triển thần kỳ, các chủ doanh nghiệp dân tộc đã vượt lên, làm chủ công nghệ, hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu.

Tất nhiên muốn làm được điều này thì cần chuẩn bị những nền tảng mới: Thể chế phải thúc đẩy và bảo đảm không gian an toàn cho những nỗ lực đổi mới sáng tạo. Nguồn nhân lực phải nâng cấp để có được một thế hệ người lao động có tay nghề, có khả năng thực nghiệm, thực hành. Ngành công nghiệp hỗ trợ của chúng ta phải phát triển và các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vươn tới các chuẩn mực quốc tế để kết nối được với doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho kinh tế số, kinh tế xanh phải được quan tâm đột phá.

Điều cuối cùng, tôi muốn nói rằng Việt Nam cần tham khảo và học hỏi kinh nghiệm của cả thế giới, nhưng kinh nghiệm của Hàn Quốc với "kỳ tích sông Hàn" có lẽ là mô hình tương đối phù hợp với khát vọng kỳ tích sông Hồng của Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ