[Gặp gỡ thứ Tư] Phát triển khu công nghiệp sinh thái để đón làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao

Chuyển đổi mô hình khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái giúp thu hút làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao. Khu công nghiệp và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên hỗ trợ về thông tin, khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa, quảng bá thương hiệu,...
HỒNG ANH
18, Tháng 10, 2023 | 11:19

Chuyển đổi mô hình khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái giúp thu hút làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao. Khu công nghiệp và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên hỗ trợ về thông tin, khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa, quảng bá thương hiệu,...

Đó là chia sẻ của ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Nhadautu.vn.

Ông có thể cho biết, các nhà đầu tư cần lưu ý những nội dung gì trong việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam sau Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và một số quy định mới được ban hành?

Ông Lê Thành Quân: Thứ nhất, trong giai đoạn trước đây, các doanh nghiệp thường tập trung vào các địa bàn có điều kiện thuận lợi, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển các KCN đa ngành, đa lĩnh vực.

Hiện nay, Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, kết hợp phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển cụm liên kết ngành. Cùng với đó là mục tiêu phát triển cân đối giữa các địa phương.

Theo đó, nhiều chính sách ưu đãi đầu tư đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các loại hình KCN mới, cụm liên kết ngành đã được đưa ra và đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.

Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định: Dự án hạ tầng KCN tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; dự án hạ tầng KCN theo các loại hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao không phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy;

Dự án hạ tầng KCN theo các loại hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao không phải áp dụng điều kiện về diện tích đất tối thiểu dành riêng cho các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ;

KCN thu hút các dự án đầu tư thực hiện cụm liên kết ngành với tổng vốn đầu tư của các dự án trong cụm liên kết ngành tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ hoặc 45.000 tỷ đồng được xem xét đầu tư với quy mô diện tích tối đa 1.000 ha (các KCN thông thường là 500 ha));

Trong khi đó, việc đầu tư phát triển KCN tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi có một số hạn chế với chi phí đầu tư xây dựng ngày càng tăng cao, đặc biệt là chi phí giải phóng mặt bằng.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng các chính sách về ưu đãi đầu tư đối với địa bàn cũng như các loại hình KCN mới để nắm bắt được cơ hội đầu tư và đưa ra quyết định đầu tư phù hợp, đảm bảo tính khả thi cũng như hiệu quả đầu tư.

Thứ hai, đối với các dự án hạ tầng khu công nghiệp, các nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng quy hoạch, trình tự, thủ tục đầu tư cũng như các điều kiện đầu tư hạ tầng KCN để chuẩn bị hồ sơ dự án.

Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu rõ hiện trạng khu vực thực hiện dự án để xác định việc đáp ứng các điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là những khu vực có đất trồng lúa, đất rừng, khoáng sản, tài sản công.

Trên cơ sở đó, chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ cần thiết trước khi trình cấp có thẩm quyền; tránh trình trạng phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ, kéo dài thời gian công tác chuẩn bị dự án.

Ví dụ như việc các dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng cần lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng đồng thời trong quá trình đề xuất dự án. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư chưa cập nhật nội dung này; sau khi nộp hồ sơ dự án lại phải quay lại lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, mất rất nhiều thời gian.

ong le thanh quan

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: NVCC.

Khu công nghiệp sinh thái đang là xu hướng tất yếu. Xin ông cho biết xu hướng này đang diễn ra như thế nào tại Việt Nam?

Ông Lê Thành Quân: Trong giai đoạn 2015 -2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) đã thực hiện thí điểm chuyển đổi một số khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái như: Hòa Khánh tại thành phố Đà Nẵng, Khánh Phú tại tỉnh Ninh Bình, Trà Nóc 1 và 2 tại thành phố Cần Thơ.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng việc chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái đối với các khu công nghiệp: Đình Vũ (thành phố Hải Phòng), Amata (Đồng Nai) và Hiệp Phước (thành phố Hồ Chí Minh).

Như vậy đến nay, đã có 7 khu công nghiệp đang thực hiện chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái dưới sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc hỗ trợ tập trung vào các giải pháp kỹ thuật nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp và khu công nghiệp đẩy mạnh thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và hiện thực hóa các liên kết cộng sinh công nghiệp.

Song song với việc hỗ trợ kỹ thuật, từ năm 2015 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO tổ chức đào tạo tập huấn cho các cán bộ quản lý nhà nước liên quan đến khu công nghiệp ở trung ương, địa phương và cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp về: mô hình khu công nghiệp sinh thái, tiêu chí về khu công nghiệp sinh thái (theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế); kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính sách và thực hiện khu công nghiệp sinh thái; các hoạt động thực hành tốt nhất về chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp...

Chính vì thế, hiện nay, việc chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái không chỉ dừng lại ở các khu công nghiệp trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tài trợ quốc tế mà đã được lan tỏa sang các khu công nghiệp khác với nguồn vốn tự thực hiện từ khu vực tư nhân (VD: khu công nghiệp Nam Cầu Kiền ở Hải Phòng, các khu công nghiệp của Tập đoàn Becamex; các khu công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng của tập đoàn VSIP,...). Đồng thời, các địa phương đã coi mô hình khu công nghiệp sinh thái là xu hướng phát triển tất yếu các khu công nghiệp trong thời gian tới, lồng ghép việc phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ đó, thể hiện cam kết mạnh mẽ của địa phương trong việc phát triển kinh tế cân bằng với đảm bảo yếu tố môi trường và xã hội.

Theo đánh giá của ông, việc phát triển các KCN sinh thái đang gặp phải những thuận lợi, khó khăn gì?

Ông Lê Thành Quân: Về thuận lợi, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới thành công trong việc thể chế hóa mô hình khu công nghiệp sinh thái tại các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, các Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 và 35/2022/NĐ-CP (thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP) của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã quy định cụ thể khái niệm, mục tiêu, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển, tiêu chí xác định, trình tự thủ tục chứng nhận, chứng nhận lại, thu hồi giấy chứng nhận và giám sát đánh giá thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái. Thực hiện cộng sinh công nghiệp là một trong những tiêu chí thực hiện kinh tế tuần hoàn; đồng thời việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái được khuyến khích theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.  

Yếu tố thuận lợi thứ hai là, các cơ quan quản lý Nhà nước về khu công nghiệp từ trung ương đến địa phương đã có nhận thức rõ nét về khái niệm, lợi ích cũng như điều kiện để chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái. Đối với doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp thứ cấp, trên cơ sở hiểu rõ lợi ích và định hướng của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng lộ trình và thực hiện giải pháp chuyển đổi, xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái theo chiến lược sản xuất kinh doanh và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, về dài hạn, chuyển đổi mô hình khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái giúp thu hút làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao. Khu công nghiệp và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên hỗ trợ về thông tin, khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa, quảng bá thương hiệu và tham gia các chuỗi giá trị; ưu tiên tiếp cận các khoản vay ưu đãi từ các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng như các ưu đãi đầu tư.

khu-cong-nghiep-tam-thang-2222-1606

Chuyển đổi mô hình khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái giúp thu hút làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao. Ảnh: Thanh Vân.

Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp là một trong những giải pháp khắc phục những ảnh hưởng của hoạt động công nghiệp đến môi trường, giảm lãng phí tài nguyên và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chủ động đầu tư, tìm kiếm và thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, hợp tác cộng sinh công nghiệp, từ đó giảm chi phí đầu vào thông qua tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ, giảm chi phí vận hành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Hơn nữa, các sản phẩm đảm bảo chất lượng và có trách nhiệm với môi trường có lợi thế cạnh tranh cao hơn, đặc biệt đối với các thị trường phát triển.

Về rào cản, hiện còn thiếu sự đồng bộ giữa các quy định như các văn bản hướng dẫn còn thiếu và chưa thống nhất, điển hình như trong quy định về tái sử dụng nước và chất thải trong khu công nghiệp, gây khó khăn cho triển khai thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp;

Thứ hai là, chi phí cho việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi hoặc xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hoặc các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong khi nguồn lực của doanh nghiệp có hạn; do đó, cần đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ tài chính khí hậu, đối tác chuyển đổi năng lượng cũng như các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính xanh. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các ưu đãi về tài chính để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái. 

Ông có thể cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang làm gì để tháo gỡ các rào cản nói trên?

Ông Lê Thành Quân: Hiện nay, theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thúc đẩy các giải pháp nêu trên để tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích triển khai khu công nghiệp sinh thái.

Một là, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng chính sách, hướng dẫn liên quan đến khu công nghiệp sinh thái, xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ các rào cản và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện khu công nghiệp sinh thái. 

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ kỹ thuật tại các khu công nghiệp để hoàn thành các yêu cầu, điều kiện của khu công nghiệp sinh thái theo quy định trong nước và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ hoàn thiện việc công nhận một số khu công nghiệp sinh thái.

Ba là, tăng cường kết nối giữa khu vực công và khu vực tư nhân để huy động nguồn lực, đặc biệt nguồn lực từ khu vực tư nhân, đẩy nhanh việc thực hiện khu công nghiệp sinh thái; vận động, huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ tài chính khí hậu, đối tác chuyển đổi năng lượng và các nguồn lực khác cho biến đổi khí hậu cũng như kết nối với các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính xanh để huy động thêm nguồn lực thực hiện khu công nghiệp sinh thái. 

Bốn là, tăng cường các hoạt động tập huấn đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương, doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp trong khu công nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông, phổ biến về khu công nghiệp sinh thái.

Năm là, tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ, cơ quan, tổ chức liên quan vận động tài trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái, gắn kết chặt chẽ khu công nghiệp sinh thái với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn theo đúng định hướng của Chính phủ.

Với sự dịch chuyển vốn toàn cầu cũng như bối cảnh hiện nay, những nhóm ngành, địa phương nào có nhu cầu cao về phát triển bất động sản công nghiệp?

Ông Lê Thành Quân: Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, trong đó có sự thay đổi quan trọng trong định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, từ chỉ đơn thuần "thu hút" vốn FDI, sang "hợp tác" với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên cơ sở đó, cần có sự chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án: thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; có sự cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy công nghệ số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng mới, công nghệ mới và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam...

Trên cơ sở đó, một số nhóm ngành đang được ưu tiên thu hút đầu tư vào các KCN bao gồm: Thiết bị, linh kiện điện tử; năng lượng; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp ô tô, cơ khí chế tạo; logistics (cảng biển, hàng không, kho bãi); thiết bị y tế, chế biến lương thực, thực phẩm; dệt may, da giầy; hàng tiêu dùng; công nghệ cao; Khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo; chuyển giao công nghệ; nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng; công nghệ thông tin; bất động sản nghỉ dưỡng; nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng.

Trên phương diện các địa phương thì đa số các địa phương hiện nay đều có nhu cầu mở rộng phát triển các KCN.

Trong quá trình xây dựng chính sách về KCN, một trong những mục tiêu hướng đến là sự phát triển cân đối giữa các địa phương. Theo đó, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đã đưa ra những chính sách khuyến khích phát triển KCN tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (ví dụ như việc thành lập mới các KCN trên các địa bàn này không phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy).

Cùng với đó, các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện góp phần tăng khả năng thu hút đầu tư của các địa bàn nêu trên.

Đơn cử như việc vừa qua, VSIP đã triển khai đầu tư KCN VSIP Lạng Sơn với quy mô vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng trên địa bàn huyện Hữu Lũng (là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ