[Gặp gỡ thứ Tư] Ông Bùi Sỹ Lợi: ‘Công chức tha hóa, bộ máy suy yếu vì bất cập từ chính sách tiền lương’

Nhàđầutư
Có một thực tế là hiện nay nhiều người hưởng lương không sống bằng lương mà lại bằng nhiều nguồn thu nhập khác, nguyên nhân được cho là do chính sách tiền lương còn nhiều bất cập. Nhadautu.vn có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này. 
BẢO ANH
30, Tháng 05, 2018 | 06:44

Nhàđầutư
Có một thực tế là hiện nay nhiều người hưởng lương không sống bằng lương mà lại bằng nhiều nguồn thu nhập khác, nguyên nhân được cho là do chính sách tiền lương còn nhiều bất cập. Nhadautu.vn có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này. 

Anh 1

Nhiều công chức hiện nay không sống bằng lương mà lại bằng nhiều nguồn thu nhập khác (Ảnh: Minh họa)

Ông có thể cho biết những bất cập hiện nay trong chính sách tiền lương của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Những bất cập của chính sách tiền lương hiện nay là dó chúng ta chưa thực hiện chính sách tiền lương theo đúng bản chất và nguyên tắc của nó. Thực tế ai cũng biết là người hưởng lương không sống bằng lương mà lại bằng các nguồn thu nhập khác.

Thậm chí, tiền lương không có tác dụng tạo ra động lực để nâng cao hiệu quả, hiệu suất lao động và cũng không phản ánh chính xác giá trị thực của lao động.

Việc trả lương theo thang lương, bản lương, theo hệ số là chúng ta đã che mờ bản chất thực sự của tiền lương. Bất cập của chính sách tiền lương dẫn đến hệ lụy là làm tha hoá đội ngũ công chức hành chính và làm suy yếu bộ máy quản lý nhà nước.

Ông bình luận gì khi có ý kiến cho rằng rất nhiều công chức hành chính hiện nay đi làm không phải vì lương và sống cũng không bằng lương mà bằng các thu nhập có được từ chức vụ, công việc đảm nhận?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Thực tế là tốc độ tăng tiền lương trong nhiều năm qua luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, về thực chất đời sống người hưởng lương vẫn chưa được đảm bảo.

Tình trạng lương không phải là nguồn thu nhập chính của người lao động trong khu vực công chính là căn nguyên của mọi bất cập. Vì vậy đề án cải cách tiền lương cần phải giải quyết rốt ráo bất cập này.

bui-sy-loi

 

Việc trả lương theo thang lương, bản lương, theo hệ số là chúng ta đã che mờ bản chất thực sự của tiền lương. Bất cập của chính sách tiền lương dẫn đến hệ lụy là làm tha hoá đội ngũ công chức hành chính và làm suy yếu bộ máy quản lý nhà nước.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Ông có thể cho biết về kết cấu tiền lương trong Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp vừa trình Hội nghị Trung ương 7 có điểm gì mới?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Kết cấu tiền lương chính hiện chiếm 70%, còn lại phụ cấp có 30%. Lượng chính 70% là tiền trả theo đúng chức vụ, công việc đảm nhiệm theo vị trí việc làm. Khi đóng BHXH, mức thấp nhất cũng phải thể hiện được việc này. Số 30% còn lại là gồm 20 loại phụ cấp của các ngành lâu nay thì nhập lại còn 3 phụ cấp. Người lao động có thể không đóng 30% của khoản phụ cấp này mà tối thiểu chỉ cần đóng đủ 70%.

Mục tiêu của kết cấu lương này là nhằm điều tiết tăng trưởng giữa người cao và người thấp. Việc điều chỉnh sẽ có lộ trình; còn bây giờ, tất cả những người đã có sổ hưu thì cứ thế hưởng cho đến cuối đời và nếu trượt giá vẫn phải điều chỉnh.

Như ông nói là thay đổi lớn nhất trong đề án là ban hành hệ thống bảng lương mới đối với khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo?

Ông Bùi Sỹ Lợi:  Việc chuyển từ bảng lương theo hệ số sang bảng lương tính bằng giá trị tuyệt đối là thay đổi căn cơ về tiền lương. Điều đó cũng có nghĩa là thang bảng lương mới đã xử lý mối tương quan giữa người có chức vụ với người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giữa đội ngũ cán bộ công chức với lực lượng vũ trang để làm sao đảm bảo tính công bằng tương đối và khách quan của trả lương.

Theo cách tính lương hiện nay thì những người làm việc lâu năm thường được hưởng lương cao hơn những người làm việc ít năm mà không tính đến mức độ cống hiến cho công việc, vậy cải cách lần này có gì thay đổi không thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Hệ thống chính sách tiền lương của chúng ta hiện nay đang thiết kế kết hợp giữa mô hình vị trí việc làm và mô hình chức nghiệp nên yếu tố thâm niên vẫn là một tham số để trả lương. Tuy nhiên, yếu tố đổi mới nằm ở chỗ là việc nâng lương phải cải cách theo hướng linh hoạt để người có năng lực đem công sức, chuyên môn, trình độ của mình cống hiến tốt nhất và có thể được nâng lương nhanh hơn, thậm chí được vượt cấp, tạo động lực cho người lao động.

Tôi nghĩ, tiền lương không chỉ để tăng thêm thu nhập mà đó chính là động lực tăng năng suất lao động, tăng điều kiện để thăng tiến. Có như vậy, chúng ta mới lựa chọn được đội ngũ cán bộ thực tâm và là công bộc đối với dân.

Hệ thống bảng lương mới sẽ được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở, ông có thể nói rõ về quy định này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Hiệu quả đầu tiên chính là minh bạch. Lâu nay chúng ta tính lương bằng hệ số lương nhân với mức lương cơ bản và các loại phụ cấp. Mà phụ cấp có đến 20 loại phụ cấp như tôi đã nói ở trên. Cho nên, có những người tính lương không rõ, nhưng lần này chúng ta thấy rằng bằng số tuyệt đối sẽ minh bạch, công khai, người lao động nhận lương người ta sẽ biết ngay số tiền được bao nhiêu và quan trọng nhất là trong kết cấu tiền lương của chúng ta phân định rất rõ.

Tiền lương có tính chất bản chất lương chính chiếm 70%, còn lại phụ cấp có 30%. Trong quỹ lương của chúng ta có tối đa 10% từ quỹ tiền lương sang quỹ tiền thưởng. Đây chính là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, khuyến khích người ta tạo động lực phát triển.

Thực ra hệ lụy cũng có thể có. Bởi, chúng ta đang xếp theo hệ số, bằng cấp, đào tạo, trình độ chuyên môn, kỹ thuật,…nhân với tiền lương tối thiểu. Hiện có những người cùng trình độ chuyên môn, thâm niên, điều kiện, bậc lương khác nhau,… giờ chúng ta dồn tất cả mọi người cùng vị trí, vào số tuyệt đối thì phải tính cẩn thận để tiền lương thể hiện được bản chất của người có đóng góp và cống hiến.

Một trong những cải cách quan trọng của chính sách tiền lương là tạo ra đa tầng về chính sách lương hưu, trong đó có lương hưu bổ sung. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là lương hưu bổ sung do doanh nghiệp quản lý, không như lương hưu bắt buộc. Vậy sau khi người lao động bỏ tiền tham gia lương hưu bổ sung, nếu doanh nghiệp bị vỡ nợ, người lao động sẽ mất một khoản tiền rất lớn. Theo ông có giải pháp nào để ngăn ngừa, hạn chế việc này, bởi trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp lớn (thậm chí là doanh nghiệp nhà nước như Vinashin) cũng đã từng nợ tiền BHXH của người lao động khi phá sản?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Bảo hiểm hưu trí bổ sung khi thiết kế trong Luật nói rất cụ thể là lẽ ra Bộ LĐ-TB&XH phải hướng dẫn để tránh những chuyện như vậy, nhưng không hiểu tại sao Chính phủ lại giao cho Bộ Tài chính.

Giao cho Bộ Tài chính thì lập tức hưu trí bổ sung trở thành một loại hưu trí thương mại. Lúc đó, tôi và anh Phạm Minh Huân (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) và anh Mai Đức Chính (Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) muốn Bộ LĐ-TB&XH hay nói cách khác nhà nước phải bảo trợ. Ví dụ nhà nước phải kiểm soát, không đánh thuế thu nhập, không đánh các loại thuế đầu tư tăng trưởng… và quan trọng là phải làm sao phải giữ được quỹ này, không để rơi vào tình trạng phá sản doanh nghiệp. Trường hợp không may có điều gì xảy ra, Nhà nước phải bảo hộ giống như BHXH để tránh gây thiệt hại cho người lao động.

Hiện, do Bộ Tài chính hướng dẫn theo cơ chế của một loại bảo hiểm thương mại nên dứt khoát phải tuân theo nguyên tắc phá sản và nó sẽ thực hiện theo Luật Phá sản. Ví dụ doanh nghiệp phá sản thì trật tự ưu tiên trả nợ sẽ là trả nợ tiền lương và tiền bảo hiểm... Về lâu dài, chúng ta phải suy nghĩ để khi sửa Bộ luật Lao động phải bàn bạc sâu về việc này.

Xin cảm ơn ông!

Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp là một trong 3 đề án được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 vừa qua. Riêng đối với khu vực công, trong nội dung bài biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị".

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ