[Gặp gỡ Thứ tư] Định nghĩa lại khái niệm DNNN: Phải sửa một số luật và toàn bộ văn bản dưới luật liên quan

Nhàđầutư
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, trong đó có việc định nghĩa lại ‘doanh nghiệp nhà nước’ sẽ mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh, đồng thời có thể phải sửa một số Luật, văn bản dưới Luật liên quan.
ANH MAI
20, Tháng 02, 2019 | 06:30

Nhàđầutư
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, trong đó có việc định nghĩa lại ‘doanh nghiệp nhà nước’ sẽ mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh, đồng thời có thể phải sửa một số Luật, văn bản dưới Luật liên quan.

phan duc hieu ciem

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Với tư cách là người đang nhận trách nhiệm xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp 2014, ông có thể chia sẻ về sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật này?

Ông Phan Đức Hiếu: Tổng kết, đánh giá thi hành Luật Doanh nghiệp cho thấy Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội.

Tuy vậy, thực tế việc thực hiện Luật Doanh nghiệp trong hơn 3 năm qua cho thấy một số nội dung của Luật Doanh nghiệp cần tiếp tục được cải thiện để tạo thuận lợi tốt nhất cho thành lập, tổ chức quản trị doanh nghiệp, nâng cao mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư.

Trên thực tế có 4 nhóm vấn đề khiếm khuyết. Thứ nhất là sự khác biệt, phân tán về thủ tục đăng ký doanh nghiệp giữa Luật Doanh nghiệp và một số luật khác có liên quan, như Luật Đấu giá, Luật Luật sư, Luật Chứng khoán,…

Thứ hai là một số thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Thứ ba là, một số quy định chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi pháp luật có liên quan, không còn phù hợp với thực tiễn phát sinh.

Thứ tư là một số quy định chưa tạo thuận lợi cho cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, ngược lại, cản trở đến thực hiện quyền của cổ đông.

Những nội dung sửa đổi bổ sung đáng chú ý trong dự thảo mới nhất về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp là gì, thưa ông?

Ông Phan Đức Hiếu: Dự án sửa đổi Luật Doanh nghiệp sửa đổi tại 23 khoản liên quan đến 23 Điều, quy định trong 5 Chương của Luật Doanh nghiệp, trong đó bao gồm: bãi bỏ hoàn toàn 1 điều (Điều 12); bãi bỏ hoàn toàn 6 khoản (khoản 2 và 5 Điều 44; khoản 2 Điều 65; điểm c khoản 3 Điều 139; điểm a, b và c các khoản 1 Điều 192 và khoản 2 Điều 193; bãi bỏ một phần hoặc sửa đổi nội dung 17 khoản…

Cụ thể, bãi bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; bãi bỏ chế độ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; chế độ gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới; bãi bỏ yêu cầu giám đốc, tổng giám đốc phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh;

Bãi bỏ nội dung hạn chế về thời hạn tối thiểu sở hữu cổ phần đối với cổ đông để có thể thực hiện một số quyền nhất định, ví dụ như giới thiệu ứng cử viên HĐQT, xem xét, trích lục thông tin công ty...

Bãi bỏ nội dung về cách thức chia, tách doanh nghiệp. Cách thức chia, tách doanh nghiệp sẽ do các doanh nghiệp tự quyết định và lựa chọn.

Bãi bỏ các quy định chi tiết về yêu cầu thông báo việc hợp nhất, sáp nhập cho cơ quan canh tranh vì không tương thích với Luật Cạnh tranh; chỉ giữ lại yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Cạnh tranh trước khi đăng ký lại các doanh nghiệp được hợp nhất, sáp nhập.

Sửa đổi nội dung theo hướng cho phép doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi trực tiếp thành công ty cổ phần, thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành.

Sửa đổi, bổ sung thêm nội dung quy định về trường hợp công ty có nhiều hơn 1 người đại diện theo pháp luật nhưng không có sự phân công về quyền và nghĩa vụ. Cụ thể, trường hợp công ty có nhiều hơn 1 người đại diện theo pháp luật và Điều lệ công ty không có quy định hoặc không có quyền quyết định nào khác về phân chia quyền, nghĩa vụ của đại diện theo pháp luật thì bất kỳ một trong những người đại diện theo pháp luật của công ty phải chịu trách nhiệm là đại diện doanh nghiệp theo yêu cầu của Tòa án, trọng tài hoặc bên thứ ba.

Về doanh nghiệp nhà nước (DNNN), theo quy định tại Khoản 8, Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2014, "Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ"; đồng thời, Luật Doanh nghiệp có một mục riêng quy định về cơ cấu tổ chức quản trị đối với DNNN (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

Khái niệm DNNN theo quy định của Luật Doanh nghiệp không còn tương thích với nội dung Nghị quyết Hội nghị TW5 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DNNN; theo đó, khái niệm DNNN được xác định bao gồm cả DNNN giữ cổ phần chi phối, cụ thể như sau: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn".

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sửa đổi khái niệm 'doanh nghiệp nhà nước' như sau: "Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn...". Đồng thời thay thế toàn bộ cụm từ 'doanh nghiệp nhà nước' thành 'doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ'. 

Như vậy, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đã định nghĩa lại khái niệm ‘doanh nghiệp nhà nước’. Theo ông, việc sửa đổi này sẽ có tác động như thế nào?

Ông Phan Đức Hiếu: Trong số các luật, pháp lệnh có liên quan đã ban hành kể từ thời điểm ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 (ngày 26/1/2014) đến nay, có 6 luật sử dụng khái niệm ‘doanh nghiệp nhà nước’.

Đối với Luật Ngân sách Nhà nước, việc mở rộng phạm vi khái niệm DNNN dẫn đến việc phải sửa đổi quy định của Luật để xác định rõ: thu ngân sách nhà nước từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của DNNN là khoản phải thu từ công ty TNHH một thành viên do Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm chủ sở hữu.

Với Luật Quản lý tài sản công, Điều 98 (Quản lý, sử dụng tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) quy định: “Việc trang bị, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức doanh lãnh đạo tại doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức do Chính phủ quy định”.

Quy định của Luật Quản lý tài sản công không chịu tác động của việc thay đổi khái niệm DNNN, nhưng văn bản hướng dẫn của Chính phủ phải quy định rõ các trường hợp DNNN là công ty TNHH một thành viên và công ty cổ phần

Điều 23, Luật Thủy lợi quy định: “Công trình thủy lợi lớn, quan trọng đặc biệt được giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, khai thác và thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ” (không có hình thức đấu thầu). Quy định của Luật chịu tác động của việc thay đổi khái niệm DNNN. Theo đó, phương thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ được áp dụng đối với cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp cổ phần chi phối của Nhà nước nếu như doanh nghiệp đó quản lý, khai thác công trình thủy lợi lớn, quan trọng đặc biệt.

Với các văn bản dưới Luật có liên quan đến DNNN, hiện có 5 Nghị định và 1 Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ sử dụng khái niệm ‘doanh nghiệp nhà nước’.

Cụ thể, các Nghị định bao gồm: Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 về công bố thông tin DNNN; Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Ngoài ra còn có Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp; Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 về tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Như vậy, việc định nghĩa lại khái niệm DNNN sẽ làm mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh các quy định; đồng thời có thể phải sửa đổi một số Luật liên quan cũng như toàn bộ các văn bản dưới Luật có sử dụng khái niệm DNNN của Luật Doanh nghiệp 2014 khi có khái niệm DNNN mới.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ