Du lịch Đà Nẵng vẫn căng thẳng vì thiếu nhân lực chất lượng cao

Nhàđầutư
Hơn hai năm dịch bệnh, hàng chục ngàn lao động ngành du lịch tại Đà Nẵng mất việc, buộc phải tìm công việc mới. Khi du lịch phục hồi, nhiều khách sạn, resort thấp thỏm khi đa phần lao động chỉ muốn làm việc thời vụ, không muốn gắn bó lâu dài.
NGUYỄN TRI
29, Tháng 05, 2022 | 13:17

Nhàđầutư
Hơn hai năm dịch bệnh, hàng chục ngàn lao động ngành du lịch tại Đà Nẵng mất việc, buộc phải tìm công việc mới. Khi du lịch phục hồi, nhiều khách sạn, resort thấp thỏm khi đa phần lao động chỉ muốn làm việc thời vụ, không muốn gắn bó lâu dài.

“Đỏ mắt” tìm lao động

Dịch bệnh đã khiến hàng chục ngàn lao động ngành du lịch Đà Nẵng mất việc. Hơn hai năm vật lộn, dịch bệnh được kiểm soát, hàng loạt chương trình kích cầu du lịch được triển khai ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Đà Nẵng cũng không đứng ngoài xu thế thế đó.

Trong các đợt nghỉ Lễ như Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4-1/5, hay vào các ngày cuối tuần, khách sạn, resort đều trọng tình trạng “full” phòng; quán ăn, nhà hàng đều chật kín người.

Tuy nhiên, các khách sạn chỉ mới hoạt động 70% công suất thực tế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ngoài cần, trong không dám mở”, trong đó, phải kể đến vấn đề thiếu lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề “cứng”.

Sau nhiều ngày đăng tuyển các vị trí làm việc trên các trang tìm kiếm việc làm ở TP. Đà Nẵng, số lượng hồ sơ đăng ký ứng tuyển cho các vị trí tại khách sạn Biển Vàng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc điều hành khách sạn Biển Vàng, hơn hai năm dịch bệnh, đa phần các nhân viên cứng tay nghề bị mất việc hoặc ở nhà chờ việc quá lâu đã chuyển sang làm công việc khác có thu nhập ổn định. Qua năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, khách sạn gọi điện mời các nhân viên cũ đi làm lại thì đa phần đều bị từ chối. Hiện, khách sạn vẫn còn thiếu nhân lực ở nhiều vị trí như buồng phòng, bảo vệ…

du-lich-da-nang-1

Du khách Hàn Quốc đến TP. Đà Nẵng du lịch sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh. Ảnh: Thành Vân.

“Hiện, Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế, nhưng thực tế lượng khách quay lại vẫn chưa nhiều. Vì vậy, đa phần nhân lực du lịch ngại trở lại với nghề khi không chắc chắn ngành du lịch có phục hồi trong năm nay hay không”, bà Trinh chia sẻ.

Theo bà Trinh, sau dịch, nguồn lao động rất khan hiếm dù đơn vị đã nhiều lần đăng tuyển. Nếu có tuyển được, nhân sự hầu hết là tay ngang, không đúng ngành nên khách sạn phải mất thời gian đào tạo lại.

Hiện, lực lượng lao động ngành du lịch có xu hướng thích làm thời vụ vì có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Đơn cử, khi làm thời vụ có thể kiếm được 350-400 ngàn/ngày, còn làm chính thức thì chỉ được 200 ngàn/ngày.

“Lao động có tay nghề cũng lo lắng tình trạng có khách thì khách sạn có thể trả lương cao, nhưng vào mùa thấp điểm lại cho nghỉ. Bởi vậy, đa phần thích làm việc và nhận lương thời vụ, còn mùa thấp điểm thì tính sau”, bà Trinh giải thích.

Không chỉ khách sạn Biển Vàng mà nhiều khách sạn, resort trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng chung tình trạng khó kiếm lao động có tay nghề, trong khi đây là mùa cao điểm du lịch của địa phương.

du-lich-da-nang-2

Bãi biển Đà Nẵng đông nghẹt người vào những ngày cuối tuần. Ảnh: Thành Vân.

Ông Nguyễn Đức Cương, Tổng Quản lý khách sạn Vanda cho hay, khi mở cửa đón khách trở lại, khách sạn phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực, trong đó có một số vị trí chất lượng cao.

Nhưng vì có sự chủ động chuẩn bị từ trước, đặc biệt khách sạn có chính sách giữ nhân lực xuyên suốt hai năm dịch bệnh bằng các khoản lương, hỗ trợ đều đặn hàng tháng cho đội ngũ cán bộ nhân viên chủ chốt và nằm trong khung định biên lâu dài nên không lâm vào tình trạng “đỏ mắt” làm lao động.

Để chuẩn bị cho việc du lịch Đà Nẵng khôi phục hoàn toàn, khách sạn Vanda đang thực hiện công tác đào tạo lại cho nhân viên các bộ phận. Ngoài các lớp đào tạo định hướng, hàng tuần, các bộ phận đều đào tạo lý thuyết và thực hành tại chỗ để ổn định và nâng cao chất lượng phục vụ.

“Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động có tay nghề cũng gặp ít nhiều khó khăn khi số lượng ứng viên không nhiều như trước. Đặc biệt, mặt bằng trình độ và nghiệp vụ cũng không được tốt như trước dịch bệnh. Vấn đề hiện nay là nhân viên mong muốn mức lương cao hơn trong khi lượng khách chưa bằng thời điểm trước dịch”, ông Cương nói thêm.

Cần mô hình phát triển nhân sự bền vững

Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn TP. Đà Nẵng, sự thiếu hụt về nhân sự là một trong những trở lực lớn làm hạn chế những nỗ lực hồi sinh ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Đây là vấn đề không chỉ của một công ty lữ hành, khách sạn, resort nào mà là vấn đề của cả ngành du lịch.

du-lich-da-nang-3

Đà Nẵng là địa điểm "hót" luôn được du khách lựa chọn. Ảnh: Nguyễn Tri.

Nguồn nhân lực du lịch hiện đang gặp vấn đề về cả số lượng và chất lượng. Theo đó, về số lượng, nguồn lực nhân sự chuyển ngành do mất việc, đến khi dịch bệnh được kiểm soát, lực lượng lao động này không mặn mà quay trở lại với nghề.

“Còn về chất lượng, đa phần người lao động gặp khó khăn trong việc bắt nhịp và đáp ứng với guồng quay công việc sau khi mở cửa lại. Bên cạnh đó, các em sinh viên từ các trường dạy nghề không có cơ hội thực hành thực tế trong 2 năm học online, dẫn tới khoảng thời gian trống dài sau khi tốt nghiệp và đi làm”, ông Quỳnh thông tin thêm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Học viện Đào tạo Mến khách IBH TP. Đà Nẵng cho rằng, sau hơn năm dịch bệnh, ngành du lịch không riêng Đà Nẵng mà các tỉnh thành khác gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, du lịch Đà Nẵng được chính quyền chú trọng, khi du lịch chưa mở trở lại, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đã thực hiện một số chương trình đào tạo miễn phí cho các đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng. Ngoài ra, Hội Khách sạn thành phố cũng đã tổ chức các khóa miễn phí về lễ tân, buồng phòng và mời các chuyên gia trong ngành đào tạo cho các đơn vị.

Theo Chủ tịch Hội Khách sạn TP. Đà Nẵng, đề giải bài toán thiếu nhân sự là vấn khó với cả Chính phủ, các cơ sở đào tạo nhân lực và doanh nghiệp. Giải pháp đặt ra là cần có một mô hình phát triển nguồn nhân sự du lịch bền vững cho toàn ngành, không chỉ thời điểm hiện tại để phục hồi hậu dịch mà còn phục vụ cho các mục tiêu xa hơn. 

du-lich-da-nang-4

Đà Nẵng đã có nhiều sản phẩm để "đánh thức" kinh tế đêm, tránh tình trạng du khách thiếu sản phẩm vui chơi, giải trí vào ban đêm. Ảnh: Nguyễn Tri.

Thời gian qua, Hội Khách sạn TP. Đà Nẵng đã phối hợp, ký kết với các trường nghề, Học viện IBH để tổ chức đào tạo các khoá nghiệp vụ cho các cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các khách sạn trên địa bàn.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch thành phố Đà Nẵng, đảm bảo thực hiện các quy định của Nhà nước về chuyên môn nghiệp vụ du lịch đối với người quản lý và nhân viên trong các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch.

“Thực tế vẫn còn rất nhiều cán bộ, công nhân viên mong muốn được tham gia các khóa đào tạo để nâng cao tay nghề. Hy vọng rằng với sự giúp đỡ và phối hợp của các cấp, ban, ngành, Hội Khách sạn có thể tổ chức nhiều hơn nữa các khóa đào tạo, các hoạt động hỗ trợ người lao động trong thời gian sắp đến”, ông Quỳnh nói thêm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ