Dự án tỷ đô la đắp chiếu ở nước ngoài và nguy cơ mất trắng

Nhàđầutư
Mặc dù được rót hàng nghìn tỷ đồng, nhưng nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam không đem lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng, thậm chí mất trắng hàng nghìn tỷ đồng.
HẢI ĐĂNG
25, Tháng 03, 2019 | 14:20

Nhàđầutư
Mặc dù được rót hàng nghìn tỷ đồng, nhưng nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam không đem lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng, thậm chí mất trắng hàng nghìn tỷ đồng.

Dự án 10.000 tỷ 'đắp chiếu' tại Lào

Bộ Công Thương mới đây có báo cáo gửi lên Thủ tướng về việc thanh tra Dự án khai thác và chế biến mỏ Kali tại Lào (vốn đầu tư khoảng hơn 10.000 tỷ đồng), đồng thời cho biết một trong số những nguyên nhân khiến dự án phải ngừng triển khai giữa chừng. 

du-an-khai-thac-mo-kali

Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nằm đắp chiếu, nguy cơ mất hàng nghìn tỷ đồng.

Dự án khai thác và chế biến mỏ Kali tại Lào có tổng mức đầu tư 522 triệu USD, trong đó vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD. Các ngân hàng tham gia tài trợ thu xếp vốn cho dự án muối mỏ kali này bao gồm: VDB 113 triệu USD (đã ký hợp đồng tín dụng), BIDV 161 triệu USD và Vietinbank 143 triệu USD. 

Về quá trình triển khai, dự án được Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) bắt đầu triển khai thăm dò, đánh giá trữ lượng từ năm 2004. Dự án có kế hoạch thời gian khởi công - hoàn thành là năm 2012-2016 nhưng thực tế khởi công năm 2015 và đến nay chưa hoàn thành.

Kế hoạch thực hiện và giải ngân năm 2011-2016 là 6.400 tỷ đồng nhưng thực tế đến thời điểm kiểm toán mới giải ngân 1.429 tỷ đồng. 

Tại họp báo Chính phủ chiều 1/3 vừa qua, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, dự án muối mỏ Kali tại Lào đã "chính thức dừng thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị Việt Nam, Lào". 

"Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy hiệu quả dự án không được như tính toán nghiên cứu khả thi ban đầu. Việc dừng dự án này thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị hai nước", Thứ trưởng Hải nói. 

Theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Vinachem thu hồi số tiền đầu tư tại dự án. Song song đó, Bộ và Vinachem cũng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và trình cấp có thẩm quyền.

Mất trắng hàng ngàn tỷ đồng tại Venezuela

Không riêng gì dự án mỏ muối kali của Vinachem nằm đắp chiếu tại Lào, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng có loạt dự án rót hàng nghìn tỷ đồng ở nước ngoài nhưng không có hiệu quả kinh tế, thậm chí có nguy cơ mất trắng.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện tại PVN đang tham gia 13 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Các dự án này được PVN ủy quyền cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thực hiện.

du-an-thua-lo-tap-doan-dau-khi

Trong số 13 dự án PVN đầu tư ra nước ngoài, chỉ có 2 dự án chuyển được tiền về, 11 dự án còn lại đang thua lỗ, xin dừng hoặc giãn tiến độ. Ảnh minh họa

Trong số 13 dự án đầu tư ra nước ngoài, chỉ có 2 dự án chuyển được tiền về, 11 dự án còn lại đang thua lỗ, xin dừng hoặc giãn tiến độ. Trong đó, dự án Junin 2 tại Venezuela là điển hình. Đây cũng là dự án khủng nhất mà Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) đại diện PVN đầu tư ra nước ngoài.

Dự án Junin 2 tại Venezuela do Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí - PVEP (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) là chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng công ty dầu khí Venezuela triển khai từ năm 2010. Được biết, đây là dự án được thực hiện trong thời gian ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty thăm dò khai thác đầu khí (PVEP).

Thế nhưng hiện nay dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo ngày 2/12/2013 của Văn phòng Chính phủ.

Tổng mức đầu tư dự án được loan báo lên tới 12,4 tỷ USD, phân kỳ làm 2 giai đoạn, ban đầu rót 8,9 tỷ USD, giai đoạn 2 rót 3,5 tỷ USD.

Lô Junin 2, được PVN báo cáo Chính phủ nằm ở khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, cho phép khai thác công suất 1.400 tỷ thùng.

Theo tỷ lệ vốn góp 40%, PVN có thể thu về 4 triệu tấn dầu/năm, dự kiến hoàn vốn sau 7 năm. Con số này tương đương 70% sản lượng dầu của Vietsovpetro, liên doanh dầu khí đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam.

Vốn được thu xếp cho giai đoạn đầu như sau: liên doanh vay 60%, tương ứng 5,8 tỷ USD; 40% còn lại do các bên đóng góp, tương ứng 3,1 tỷ USD.

Phần vốn mà Việt Nam phải đóng góp tương ứng với tỷ lệ tham gia 40% trong hợp đồng là 1,241 tỷ USD. Nếu tính cả “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu USD thì tổng nhu cầu vốn của phía Việt Nam là 1,825 tỷ USD.

Đến tháng 4/2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã quyết định bỏ dự án này để "cứu" khoản tiền phải nộp lên đến 142 triệu USD, chấp nhận bỏ hơn 500 triệu USD đã nộp cho Venezuela mà chưa thu được giọt dầu nào.

Theo thông tin từ PVN mới đây, dự án Junin 2 ở Venezuela, Việt Nam có được là do tình cảm đặc biệt của Tổng thống Hugo Chavez và của nhân dân Venezuela dành cho Việt Nam. Một điều nữa, sau khi ký hợp tác liên doanh giữa PVEP và PVDSA, dự án này đã được Quốc hội Venezuela thông qua. Và một khi dự án được Quốc hội Venezuela thông qua, bất luận thời thế thay đổi ra sao, ai lên nắm quyền đều phải tôn trọng và thực hiện đúng những điều Quốc hội đã quy định.

Thậm chí Quốc hội Venezuela quyết định, nếu dự án chưa đạt hiệu quả kinh tế cao, bất luận lý do gì, Quốc hội sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án cho phía Việt Nam.

Sau khi ông Hugo Chavez mất, Tổng thống Nicolás Maduro lên nắm quyền, khi sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ông cũng đã chia sẻ với những khó khăn mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang gặp phải khi thực hiện dự án Junin 2. Và chính phủ Venezuela sẵn sàng cho Việt Nam lựa chọn một lô khác nếu Việt Nam thấy thuận lợi hơn, có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đầu tháng 3/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) đã đề nghị PVN cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu về dự án liên doanh khai thác dầu khí thua lỗ hàng ngàn tỷ tại Venezuela.

Tại Peru, PVN tham gia dự án lô 67 từ năm 2012 với 50% quyền lợi tham gia thông qua việc mua và sở hữu 52,6% cổ phần của Công ty Perenco Petroleum Limited (PPL) tại Bahamas. Ngoài ra, PVN cũng tham gia nghiên cứu dự án lô 39.

Hiện tại các dự án này ở Peru cũng đang chờ chuyển nhượng cho đối tác khác.

peru

Dự án dầu khí của PVEP tại Peru. Ảnh: Petrotimes

Tại dự án lô PM 304 (Malaysia), PVN tham gia 15% hợp đồng phân chia sản phẩm với các đối tác từ Anh, Malaysia và Kuwait. Tuy nhiên, tháng 4/2018, Thủ tướng đã chấp nhận kiến nghị của PVN cho phép PVEP chuyển nhượng toàn bộ 15% quyền lợi tham gia.

Tại dự án lô Nagumanov (Nga), PVN tham gia với tỷ lệ vốn góp 49% trong Công ty TNHH Gazpromviet - GPV (Tập đoàn Gazprom góp 51% còn lại) để nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí tại Nga và các nước thứ ba.

Tháng 4/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng nêu rõ việc chưa đồng ý cho PVN rút khỏi công ty này vào thời điểm hiện nay. Tháng 10/2017, Thủ tướng có công văn chấp thuận về phương thức tiếp tục tham gia của PVN trong Công ty TNHH Gazpromviet.

Tại dự án thăm dò lô Marine XI (Conggo), PVEP tham gia 8,5% và gánh vốn cho công ty nước chủ nhà 1,5% trong giai đoạn thăm dò. Dự án cũng trong tình cảnh gặp khó khăn phải chuyển nhượng vốn góp.

Tại dự án nghiên cứu thăm dò lô Danan (Iran), PVEP đầu tư 100% với mục tiêu tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong 25 năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 82,07 triệu USD. Tháng 8/2018, PVN có công văn báo cáo Thủ tướng xin tạm chưa tái khởi động dự án, tiếp tục thực hiện phương án tạm dừng và giãn tiến độ.

Tại Myanmar, PVN tham gia dự án thăm dò lô M2 với 45% vốn góp nhưng cũng đang dừng vì rủi ro. Tại nước này, PVN cũng góp 20% vào dự án MD2, nhưng cũng đang phải dừng để điều chỉnh, tính toán lại tổng mức đầu tư và thời hạn hiệu lực.

Tại Campuchia, PVN cũng tham gia thăm dò lô XV với tỷ lệ góp 20%. Tương tự tại Myanmar, PVN cũng đang lập báo cáo điều chỉnh đầu tư do việc gia hạn giai đoạn nghiên cứu.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ