Đông Nam Á khát LNG khi các mỏ khí cạn dần

Các nước Đông Nam Á sẽ mở rộng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) khi nguồn khí đốt tự nhiên trong nước ngày càng cạn kiệt, thúc đẩy tái cơ cấu thị trường LNG toàn cầu.
KIM NGÂN
03, Tháng 06, 2021 | 09:13

Các nước Đông Nam Á sẽ mở rộng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) khi nguồn khí đốt tự nhiên trong nước ngày càng cạn kiệt, thúc đẩy tái cơ cấu thị trường LNG toàn cầu.

First Gen

Dự án kho cảng LNG nổi của First Gen dự kiến có chi phí và thời gian xây dựng ít hơn so với một kho cảng trên bờ. Ảnh: First Gen

First Gen, công ty điện lực lớn của Philippines, bắt đầu xây dựng kho cảng LNG ngoài khơi trị giá 300 triệu USD trong tháng này ở Batangas, thành phố cảng phía nam đảo lớn Luzon. Đây là dự án kho cảng LNG đầu tiên của nước này.

Jon Russell, giám đốc thương mại của First Gen, nói với Nikkei: “Dự án này đặc biệt quan trọng do nguồn cung khí gas cho Philippines từ mỏ Malampaya đang suy giảm. Dự báo mỏ Malampaya sẽ cạn năm 2027".

First Gen cũng sẽ nâng cấp một cầu cảng hiện có thành công trình đa năng kết nối với kho cảng nổi thông qua một đường ống dẫn. Nhập khẩu LNG dự kiến sẽ bắt đầu vào quý 3 năm tới.

Russell cho biết LNG có thể được nhập về từ nhiều nơi như Trung Đông, Bắc Mỹ, Úc, Châu Phi và Nga.

Một công trình nổi để chứa LNG nhập khẩu và chuyển LNG trở lại dạng khí tự nhiên như First Gen làm có chi phí xây dựng ít hơn so với một kho cảng trên bờ. Thời gian xây dựng cũng ngắn hơn.

Với sức chứa xa bờ 162.400 mét khối, đây sẽ là một trong những dự án lớn nhất của ngành công nghiệp LNG thế giới.

First Gen đang hợp tác với Tokyo Gas (Nhật Bản) trong dự án kho cảng nổi này. Do Nhật Bản là nước nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, Tokyo Gas có nhiều năm kinh nghiệm về nhập khẩu nhiên liệu và vận hành các kho cảng LNG.

Ken Yoshihara, trưởng văn phòng đại diện của Tokyo Gas tại Manila, Philippines, nói: “Chúng tôi sẽ tận dụng sức mạnh, thành công của mình để phát triển cơ sở hạ tầng LNG ở Đông Nam Á.”

Mỏ khí Malampaya dần cạn kiệt khiến Philippines có nguy cơ thiếu điện trong tương lai. Khí tự nhiên đóng góp 20% sản lượng điện của nước này và nhu cầu điện đến 2040 được dự báo tăng ít nhất 5% một năm.

Philippines có kế hoạch khai thác các mỏ khí mới, nhưng hướng đi này gặp trở ngại do những bất ổn từ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó LNG được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn năng lượng ổn định. Russell nói First Gen sẽ đi xa hơn, không chỉ dừng ở dự án kho cảng LNG nổi này.

“First Gen sẽ giới thiệu LNG đến nhiều khu vực của Philippines và từ kinh nghiệm, kiến thức này tiến tới phát triển các dự án LNG quốc tế.”

LNG ngày càng trở thành nhiên liệu được lựa chọn do thải ít khí cacbonic hơn than đá. Thái Lan cũng đang thúc đẩy nhập khẩu LNG thông qua cả khu vực công và tư nhân.

PTT, thuộc sở hữu nhà nước, (trước đây là Cơ quan Dầu khí Thái Lan), từng gần như độc quyền nhập khẩu LNG, nhưng năm 2020 chính phủ  Thái Lan đã trao giấy phép kinh doanh LNG cho hai công ty tư nhân Gulf Energy Development và B.Grimm Power.

Mở cửa thị trường LNG, Thái Lan muốn đa dạng hóa nguồn cung, tìm tới những nhiên liệu rẻ hơn và thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong nước.

Khí đốt tự nhiên của Thái Lan cũng đang tiến dần tới cạn kiệt. Nước này bắt đầu nhập khẩu LNG năm 2011 và có kế hoạch nhập khoảng 32 tỷ mét khối năm 2037 - gấp hơn sáu lần so với khối lượng nhập năm 2018. LNG sẽ đến từ Malaysia và Trung Đông.

Việt Nam chưa nhập khẩu LNG do chưa có các kho cảng, nhưng Petrovietnam, công ty dầu khí nhà nước lớn nhất, có kế hoạch khởi công xây dựng một kho cảng LNG ở Bà Rịa-Vũng Tàu, sớm nhất năm 2022.

Đây là một trong khoảng 10 kho cảng LNG trong tương lai ở Việt Nam.

Theo ông Yutaka Shirakawa thuộc Tập đoàn Quốc gia Kim loại và Dầu khí Nhật Bản, năm 2020 Đông Nam Á chiếm khoảng 5% nhu cầu LNG toàn cầu. Con số này sẽ tăng tới khoảng 13% năm 2030.

Đối với Nhật Bản, đất nước tiêu thụ 1/5 lượng LNG của thế giới và Trung Quốc, quốc gia đang nhanh chóng tăng cường mua LNG, Đông Nam Á sẽ là thị trường rất quan trọng, không thể bỏ qua.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khu vực gồm ASEAN, Ấn Độ và các nước châu Á - Thái Bình Dương (không kể Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) sẽ tăng gấp đôi LNG nhập khẩu năm 2023 so với năm 2017. Phần lớn sự gia tăng này đến từ Đông Nam Á.

Xu hướng này sẽ mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các tập đoàn năng lượng châu Á.

Tokyo Gas kỳ vọng lợi nhuận từ các hoạt động ở nước ngoài của tập đoàn sẽ tăng gấp ba vào năm 2030. Doanh nghiệp này cho biết Việt Nam, Indonesia và Philippines sẽ là những thị trường thúc đẩy lợi nhuận tốt nhất.

Các công ty thương mại Nhật Bản như Marubeni và công ty xăng dầu Eneos Holdings có trụ sở tại Tokyo đang tham gia vào các dự án nhà máy nhiệt điện và kho cảng LNG ở Đông Nam Á.

ASEAN có thể sẽ có ảnh hưởng mạnh hơn đến thị trường LNG toàn cầu trong tương lai. Tỷ giá LNG giao ngay tại châu Á, phản ánh rất sát cung cầu, hiện cao hơn 80% so với mức đáy ở tháng Hai.

Mặc dù các hợp đồng dài hạn chiếm ưu thế trong các hợp đồng LNG lớn, việc tiêu thụ gia tăng từ Đông Nam Á và Trung Quốc có thể sẽ làm tăng giá LNG trên thị trường thế giới. Nhu cầu LNG tăng mạnh trong mùa hè cũng làm tăng giá.

“Nhu cầu LNG của toàn châu Á sẽ tăng”, ông Shirakawa của Tập đoàn Quốc gia Kim loại và Dầu khí Nhật Bản nói.

(Theo Nikkei)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ