Doanh nghiệp và người lao động trong 'vòng xoáy' khủng hoảng - Bài 2: Loay hoay tìm tiền thưởng Tết

Nhàđầutư
Hàng loạt doanh nghiệp, nhà máy, công ty... trên khắp TP.HCM và các tỉnh lân cận đang lâm vào cảnh "đói vốn", đứt gãy đơn hàng, thiếu tiền trầm trọng... Một số doanh nghiệp buộc lòng sa thải công nhân, số khác làm mọi cách giữ chân người lao động, co kéo để có tiền.
LIÊN THƯỢNG
04, Tháng 12, 2022 | 13:32

Nhàđầutư
Hàng loạt doanh nghiệp, nhà máy, công ty... trên khắp TP.HCM và các tỉnh lân cận đang lâm vào cảnh "đói vốn", đứt gãy đơn hàng, thiếu tiền trầm trọng... Một số doanh nghiệp buộc lòng sa thải công nhân, số khác làm mọi cách giữ chân người lao động, co kéo để có tiền.

315104576_480787440701881_7597402236647232664_n

Nhiều doanh nghiệp đang nỗi lực thắt lưng buộc bụng để công nhân có Tết. Ảnh: Gia Huy

Co kéo để công nhân có Tết

Ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (Bình Dương), cho hay, vào đầu năm, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, công ty phải tăng lương từ 5-10% so với kế hoạch.

"Từ đầu năm 2022, công ty tuyển đủ 3.600 công nhân lao động để đáp ứng sản xuất tại hai nhà máy ở TP.Dĩ An và thị xã Tân Uyên. Tuy nhiên, Từ tháng 5, nhà máy đã bắt đầu giảm đơn hàng, việc làm thiếu, nhiều lao động nghỉ việc vì không còn được tăng ca nhiều. Chỉ còn gần 1.000 lao động thay phiên nhau làm, duy trì sản xuất. Theo kế hoạch, công ty sẽ cho công nhân nghỉ Tết sớm", ông Hiệp cho biết.

Tương tự, công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien (Đồng Nai) cũng dự kiến công ty cho người lao động nghỉ Tết gần 1 tháng. Bà Nguyễn Thị Thanh Tin, Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn công ty này cho biết sẽ lấy ý kiến người lao động trước khi quyết định. Tình trạng cho công nhân, người lao động nghỉ Tết sớm diễn ra tại rất nhiều công ty sản xuất liên quan đến công nghiệp phụ trợ, da giày, dệt may do thiếu đơn hàng.

Suốt thời gian qua, ban giám đốc Công ty giày dép V.P ở quận Bình Tân tổ chức nhiều cuộc họp để tìm cách xoay được nguồn tiền thưởng Tết cho gần 400 công nhân. Với phương án thưởng một tháng lương, nhà máy cần vào khoảng 2,8 tỷ đồng.

"Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất đi châu Âu, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay đơn hàng giảm gần 40%. Lãnh đạo nhà máy cho biết nếu theo kế hoạch sản xuất trước đó, các đơn hàng sẽ hoàn thành vào tháng 11 với điều kiện tiến độ như bình thường, tổ chức tăng ca. Do đó, để tạo việc cho lao động đến tháng 1 năm sau, công ty chỉ tổ chức đi ca hành chính. Việc này kéo chi phí sản xuất tăng cao", đại diện công ty chia sẻ và cho biết, thêm khoản thưởng Tết, doanh thu năm nay sẽ xuống âm.

"Tuy nhiên, khoản thưởng này đã được đưa vào thỏa ước lao động tập thể nên công ty vẫn thực hiện. Để có tiền thưởng Tết, ban giám đốc thuyết phục nhà cung cấp nguyên phụ liệu kéo dài thời gian thanh toán, chờ công ty thu hồi công nợ. Các thành viên trong ban lãnh đạo xoay xở mượn thêm từ nhiều nguồn", đại diện công ty trả lời báo chí.

Tương tư, Ban Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony ở quận Tân Bình cũng cố gắng có thưởng Tết cho công nhân. Do ảnh hưởng chung, từ tháng 8, công ty bị giảm 20% đơn hàng trong mảng đồng phục và 50% đơn hàng mảng thời trang. Suốt thời gian qua, doanh nghiệp hoạt động gần như không có lợi nhuận, toàn bộ chi phí bù đắp sản xuất và đảm bảo thu nhập cho công nhân.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp có hai phương án thưởng Tết một tháng hoặc nửa tháng lương, tùy thuộc vào nguồn tiền lúc trả thưởng. 

"Nhà máy đang xoay kinh phí, trong đó quan trọng là thu hồi công nợ các đơn hàng đã xuất. Công nhân nào cũng mong được thưởng nhiều nhưng khả năng tài chính của mình có hạn", ông Quang Anh nói. Giai đoạn này nhà máy chấp nhận lỗ, không lợi nhuận nhưng trong giới hạn nhất định vì phải bảo toàn tài chính để năm sau đi tiếp.

317036807_519612990100732_2261929038252184939_n

Doanh nghiệp đang làm mọi cách để giữ chân lao động. Ảnh: Gia Huy

"Không ai chuẩn bị cho tình huống này"

Đầu tháng 9, nhà máy S.K Vina (TP.HCM) có quy mô gần 900 công nhân, nhận yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động từ công ty mẹ bên Hàn Quốc.

Lý do được cho là là một hãng thời trang bất ngờ hủy toàn bộ đơn hàng, tập đoàn không tìm được đối tác khác bù vào. S.K Vina cần hoàn tất phương án giải thể trong tháng 11. Tiền lương, các khoản bồi thường, hỗ trợ cho công nhân gần 30 tỷ đồng sẽ được tập đoàn "rót" từ Hàn Quốc sang. Những đơn hàng dang dở được chuyển đến nhà máy ở Bình Dương để hoàn thiện.

Hoạt động tại TP.HCM hơn 15 năm nay, S.K Vina lần đầu lâm cảnh "đói vốn" trầm trọng. Hồi giữa năm, trong khi hầu hết doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng bởi sức mua của thị trường châu Âu, Mỹ giảm, S.K Vina vẫn có hàng để sản xuất, công nhân chỉ phải giảm giờ làm thêm.

 
LĐLĐ tỉnh Bình Dương sẽ huy động tối đa các nguồn lực xã hội, nhất là vận động người sử dụng lao động chung tay để chăm lo chu đáo cho tất cả đoàn viên và người lao động trong dịp Tết Quý Mão 2023, đặc biệt là nhóm lao động bị nghỉ việc không lương. Chúng tôi sẽ trích 40 tỉ đồng và kiến nghị UBND tỉnh trích kinh phí hỗ trợ 25 tỉ đồng để chăm lo cho người lao động.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ Bình Dương

"Không ai trong chúng tôi chuẩn bị cho tình huống phải giải thể, nhà máy muốn giữ lại công nhân nhưng trong bối cảnh đơn hàng trong ngành giảm đồng loạt lãnh đạo khó xoay ra việc để làm", đại diện công ty ngậm ngùi.

Tương tự, hơn 5.300 lao động (khoảng 53% quy mô nhân sự) của Công ty TNHH An Giang Samho, sản xuất da giày, phải mất việc do đứt đơn hàng, đói vốn.

Trong văn bản gửi cơ quan chức năng, công ty này cho biết một đối tác lớn của doanh nghiệp, chiếm 40% quy mô sản xuất, đã dừng đặt hàng, dẫn đến đứt gãy đơn hàng. Trong khi đó, nhiều đơn hàng ở các công ty khác cũng sụt giảm vì lạm phát, thị trường xuất khẩu thu hẹp. Công ty cố gắng tìm kiếm nguồn hàng khác để bù đắp nhưng không thể xoay chuyển, phải thu hẹp sản xuất, sắp xếp lao động.

Sau nhiều cuộc làm việc với ngành chức năng địa phương, công ty quyết định không cắt giảm những lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng, một mình nuôi con, người có sổ hộ nghèo. Nếu gia đình có nhiều người làm ở An Giang Samho, nhà máy sẽ giữ lại một người...

Trao đổi với Nhadautu.vn, đại diện Công ty Công ty CP Cơ khí Thương mại Đại Dũng (Đại Dũng Corp-DDC) cho biết, dù tình hình sản xuất và đơn hàng giữ ở mức ổn định, doanh nghiệp này vẫn đối diện với những khó khăn nhất định về vốn và nguồn nhân lực.

"Khó khăn 3 tháng cuối năm nay của Đại Dũng đến từ vấn đề nguồn vốn và nguồn nhân lực. Do sản lượng và doanh thu gia tăng đến từ các dự án sản xuất xuất khẩu và những dự án quốc tế nên nguồn cung về vốn và nhân lực chuyên môn cao của Đại Dũng đang thiếu hụt. Hiện chúng tôi đang ra sức điều tiết kịp thời đáp ứng cho tình hình sản xuất và thi công đúng tiến độ, đảm bảo uy tín và sản phẩm chất lượng cao đến với khách hàng, nhưng chúng tôi vẫn cần sự hợp tác, đầu tư từ phía các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước để tạo vị thế phát triển bền vững, hợp lực để tạo nên những siêu dự án chất lượng cao", đại diện thương hiệu thép được biết đến nhiều sau World Cup 2022 cho biết.

Giải pháp của Đại Dũng trước những khó khăn là ra sức đào tạo đội ngũ, tạo điều kiện để nhân lực phát huy khả năng và kỹ năng kèm theo những chính sách phúc lợi để thu hút và giữ nhân nhân sự nòng cốt, hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, qua nắm thông tin ban đầu, các doanh nghiệp phía Nam thuộc tập đoàn với khoảng 50.000 lao động sẽ có mức thưởng 1-1,5 tháng lương. Mức này chỉ bằng một nửa so với năm ngoái khi các nhà máy thưởng trung bình cho công nhân hai tháng, nhiều doanh nghiệp thưởng 3-4 tháng do doanh thu tốt.

Từ quý 3 đến nay, đơn hàng các nhà máy may giảm, riêng công ty sợi, dệt khó khăn từ đầu năm. Để tạo việc làm cho công nhân, nhiều nơi phải tận dụng tất cả nguyên phụ liệu sẵn có, tìm thêm thị trường nội địa.

"Tuy nhiên, hàng bán không được nhiều, số lượng lưu kho lớn. Số khác phải cho lao động nghỉ giãn cách, trả 180.000 đồng mỗi ngày. Nhiều nhà máy cho biết khả năng chỉ gồng đến hết tháng 12. Đầu năm sau đơn hàng không phục hồi, họ phải tính phương án khác. Dù thưởng Tết giảm hơn một nửa nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn", bà Thủy cho biết và nói thêm, những doanh nghiệp có tích lũy vẫn sẽ thưởng Tết cho công nhân, tuy nhiên các nhà máy quá khó khăn sẽ chỉ tượng trưng 1-2 triệu đồng.

Số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, từ tháng 9 - tháng 11, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng. Ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch... Việc cắt giảm này đi ngược xu thế mọi năm khi cùng kỳ các nhà máy thường gia tăng tuyển dụng để đáp ứng đơn hàng.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP.HCM), cho biết tình hình chung hiện nay các nhà máy dệt may, da giày, điện tử bị giảm đơn hàng do khó khăn trong tìm kiếm nguyên phụ liệu, hàng khó xuất. Các nhà máy bố trí công nhân làm việc giờ hành chính, không tăng ca, nghỉ luân phiên hoặc giảm lao động.

"Công đoàn thành phố đang yêu cầu các địa phương nắm tình hình, báo cáo chi tiết để có phương án hỗ trợ", ông Đô cho biết và thông tin thêm, báo cáo của một số quận, huyện cho thấy có công ty cắt giảm hơn 1.000 lao động.

Trong khi đó, ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM nhận định, trong 3 tháng cuối năm 2022, ảnh hưởng lạm phát ở nhiều nước khiến chi phí nguyên vật liệu tăng, trong khi tổng cầu của thế giới giảm. Một số nhãn hàng hủy hợp đồng, giảm đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, nhất là ngành chế biến gỗ, da giày, dệt may... Công nhân phải nghỉ việc luân phiên, ứng phép năm 2023, chấm dứt hợp đồng lao động.

"Theo dự báo tình hình khó khăn nên một số doanh nghiệp không thưởng Tết và lương tháng 13 cho người lao động. Thời gian qua, tổ chức công đoàn đã tham gia với chủ doanh nghiệp xây dựng phương án chi trả lương, thưởng Tết, các khoản phúc lợi khác cho công nhân. Các cấp công đoàn dành khoảng 140 tỷ đồng giúp đỡ, chăm lo Tết cho người khó khăn", ông Tâm cho biết.

còn trả lời báo chí, ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, cả doanh nghiệp và người lao động đều chịu tác động sau đại dịch COVID-19. Người lao động có bao tiền của tiết kiệm đều bỏ ra chi tiêu, trang trải cuộc sống.

Nay, lại thêm tác động doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, công ăn việc làm của họ lại tiếp tục bị ảnh hưởng. Chuyên gia này dự báo quý IV.2022 và quý I.2023, nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng đến đơn hàng và ngay sau đó việc làm của người lao động sẽ bị “đe doạ”. Ông Vinh cho biết, một số lĩnh vực như xuất khẩu trong ngành chế biến, chế tạo trong thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực lại thu hút công nhân, lao động như dịch vụ, xây dựng, nông nghiệp… Những lĩnh vực này tiếp tục tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

(Còn nữa)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ