Doanh nghiệp ngành dệt may, da giày đang phải cầm cự, tìm cách giữ lao động

Các doanh nghiệp chủ yếu là muốn cầm cự, làm thế nào để giữ chân người lao động, thậm chí lỗ một chút cũng chấp nhận.
BÁ TOÀN
05, Tháng 08, 2023 | 08:52

Các doanh nghiệp chủ yếu là muốn cầm cự, làm thế nào để giữ chân người lao động, thậm chí lỗ một chút cũng chấp nhận.

7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 195 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày… có mức sụt giảm nhiều nhất.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 7 tháng chỉ đạt khoảng 19 tỷ USD, giảm hơn 15% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt gần 12 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, tổng cầu thế giới sụt giảm, sự cạnh tranh để có đơn hàng ngày càng quyết liệt nên buộc nhiều doanh nghiệp phải nhận đơn hàng không phải thế mạnh để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động, khách hàng. Để lấy lại tăng trưởng xuất khẩu cho ngành hàng, rất cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các Thương vụ trong việc tìm kiếm thị trường bởi 85% năng lực sản xuất của dệt may Việt Nam dành cho xuất khẩu.

det-may-da-day

Doanh nghiệp dệt may và da dày tiếp tục phải đối diện với tình trạng thiếu đơn hàng, nguy cơ cắt giảm lao động.

Theo ông Cẩm, hiện nay, ngoài đơn hàng thấp thì đơn giá xuống rất thấp, vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải nhận hàng không vì thế mạnh của họ. Ví dụ, đang sản xuất dệt thoi sang sản xuất hàng dệt kim và năng suất rất thấp, hiệu quả thì không nhiều. Các doanh nghiệp chủ yếu là muốn cầm cự, làm thế nào để giữ chân người lao động, thậm chí lỗ một chút cũng phải chấp nhận, đấy là khó.

"Nếu chỉ nhìn vào tăng trưởng xuất khẩu không thì chưa đủ bức tranh khó khăn của doanh nghiệp. Chúng tôi dự kiến, chắc chắn khó khăn là hết năm. Với biến động bất định khó lường thì chúng tôi rất cần những thông tin từ những thị trường, ví dụ như Mỹ thế nào, EU thế nào, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc như thế nào? Chúng tôi rất cần những thông tin để chúng ta có thể ứng phó kịp thời và hiệu quả", ông Cẩm nói.

Với ngành da giày, doanh nghiệp đang tập trung giảm chi phí, sắp xếp sản xuất phù hợp để hạn chế thấp nhất nguy cơ người lao động bị ngừng việc. Trong dài hạn, doanh nghiệp hướng đến việc tham gia vào quá trình thiết kế, cải tiến mẫu mã, tập trung vào dòng nguyên liệu theo hướng phát triển bền vững, sản xuất xanh - sạch, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nhấn mạnh, việc tham gia vào hoạt động xúc tiến thương mại sẽ giúp doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với nhu cầu của các nhà nhập khẩu, tìm kiếm đối tác tiềm năng, tăng cơ hội mở rộng thị trường. Tuy nhiên, với những quy định mới, bản thân doanh nghiệp trong nước rất lúng túng cần sự hỗ trợ thông tin và tham vấn chính sách của Thương vụ.

7 tháng qua chúng ta đã thấy mức độ suy giảm, dự báo tình hình này sẽ đến quý I/2024. Chúng tôi nhận diện khó khăn trước mắt nhất đối với các doanh nghiệp trong ngành da giày, đó là câu chuyện thiếu đơn hàng, mức độ thiếu của các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng là 30-50% đối với các khách hàng truyền thống, đặc biệt là đối với thị trường Mỹ, thị trường EU là hai thị trường mà chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Để bù đắp lại thiếu hụt này cũng cần phải nhìn nhận cơ hội ở các thị trường khác, giải pháp về xúc tiến thương mại, chúng tôi thấy đó là một trong này những giải pháp tốt nhất để chúng ta có thể bù đắp được đơn hàng từ nay cho đến đầu năm 2024.

"Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của Các thương vụ trong hoạt động này. Doanh nghiệp cần thông tin về thị trường, khi đi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là hội chợ triển lãm, chúng ta cứ mang sản phẩm chúng ta có, chúng ta chưa biết được thị trường cần gì. Tôi thấy là các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sản xuất được sản phẩm mà thị trường cần nhưng do họ không đủ thông tin. Do đó, những thông tin, đặc biệt là thông tin thị trường là các doanh nghiệp rất cần", bà Xuân cho hay.

Để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may, da giày đón thêm đơn hàng xuất khẩu, những tháng cuối năm, Bộ Công Thương khuyến cáo giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.Đồng thời, các đơn vị của Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận các ý kiến đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ trong công tác phát triển thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khuyến nghị, cần phải chú trọng nghiên cứu phân tích chính sách kịp thời hơn, có những đề xuất về các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc. Ví dụ như về các rào cản kỹ thuật phi thuế quan cũng như có sự tăng cường phối hợp để hỗ trợ cho các hiệp hội, các doanh nghiệp, phối hợp giữa các đơn vị của Bộ Công Thương với nhau. Đặc biệt, chúng ta không chỉ đưa các sản phẩm cụ thể riêng lẻ mà là chúng ta phải đi theo chuỗi...

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, cùng với hàng loạt yêu cầu mới về môi trường, xã hội và quản trị của các thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Hiện, nhiều thị trường lớn, tiềm năng của xuất khẩu dệt may, da giày như EU, Mỹ, Canada đang có những thay đổi về chính sách thương mại, quy định về hàng hoá nhập khẩu. Doanh nghiệp cần xây dựng lại chiến lược sản xuất, xác định rõ thị trường và sản phẩm, cải thiện chất lượng hàng hoá cũng như công nghệ sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu.

(Theo VOV)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ