Doanh nghiệp hiến kế khôi phục ngành du lịch Việt Nam

Nhàđầutư
Tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề "Liên kết, hành động và phát triển", đại diện các doanh nghiệp đã đề xuất giải pháp cho ngành du lịch sớm phục hồi trở lại sau dịch COVID-19.
THÀNH VÂN
29, Tháng 11, 2020 | 08:52

Nhàđầutư
Tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề "Liên kết, hành động và phát triển", đại diện các doanh nghiệp đã đề xuất giải pháp cho ngành du lịch sớm phục hồi trở lại sau dịch COVID-19.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang được xem là một trong những hoạt động quan trọng của các doanh nghiệp, đặc biệt với du lịch. Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng thích ứng. Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá.

“Trong năm 2021, định hướng chuyển đổi số của Vinpearl là tiếp tục tập trung tăng cường tương tác và trải nghiệm cho khách hàng, hoàn thiện các nền tảng số để tăng trải nghiệm trực tuyến cho du khách. Đặc biệt, tập đoàn sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng AI, Big Data để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách. Qua đó đón đầu xu hướng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của thương hiệu nói riêng và của du lịch Việt Nam nói chung”, ông Lê Khắc Hiệp cho hay. 

Đồng quan điểm với Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, cần phải nâng cao chuyển đổi số trong du lịch. Cần phân chia rõ ràng trách nhiệm của nhà nước (xây dựng Bigdata liên quan đến du lịch cho toàn tỉnh, nên chú trọng thông tin địa phương có thể dùng chung), trách nghiệm doanh nghiệp là cần xây dựng chuyển đổi số, marketing cho chính doanh nghiệp đó. 

VuTheBinh

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Cùng với đó, phát triển du lịch nội địa là hướng đi quan trọng trong bối cảnh COVID-19 diễn biến khó lường. Khi chọn du lịch nội địa là "cứu cánh", Chính phủ cần phải có chính sách mạnh mẽ, rõ ràng.  

Đặc biệt, phải chú trọng liên kết - vấn đề đương nhiên và cốt lõi. Bản chất của liên kết là liên ngành, liên vùng và cần hướng đến ở mức độ quốc gia. Tuy nhiên trước đây sự liên kết ấy còn manh mún, tự phát, chưa rõ ràng vấn đề ai hướng dẫn sự kết nối giữa các địa phương, vùng, kiểm tra và thúc đẩy mối liên kết ấy.

Từ đó, ông Vũ Thế Bình kiến nghị Chính phủ hình thành bộ phận chuyên ngành liên quan nhằm giám sát, ủng hộ, tập kết thường xuyên mối liên kết này.  

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết, vừa phòng chống dịch, vừa ưu tiên đảm bảo sức khỏe cộng đồng là điều kiện tiên quyết của các cơ quan ban ngành trong bối cảnh hiện nay. Cần phải đảm bảo an toàn cho cả ba đối tượng gồm: du khách, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước liên quan. 

VoAnhTai (1)

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Ảnh T.Vân

“Không thể chờ đến khi có vaccine mới đi du lịch. Ngành Du lịch Việt Nam cần "sống chung với lũ", linh hoạt ứng phó với mọi vấn đề có thể xảy đến. Khi dịch bệnh kiểm soát được, ngành du lịch lập tức mở cửa trở lại”, ông Võ Anh Tài nhấn mạnh. 

Khi dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, ngành du lịch Việt Nam phải có biện pháp ứng phó kịp thời, phải đánh giá lại, tư duy lại về cách làm du lịch. Đặc biệt, cần có những giải pháp cụ thể để ngành hàng không và du lịch cất cánh trở lại.

Phó Tổng Giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương nhận định các doanh nghiệp hàng không gặp nhiều thách thức trong năm qua, tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch và nhanh chóng ổn định trở lại các hoạt động kinh tế, du lịch.

"Chúng tôi tin rằng đây chính là cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nội địa với 100 triệu dân, cũng như củng cố các nền tảng vững chắc, phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng đón du khách quốc tế trở lại trong tương lai với hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn", ông Đinh Việt Phương nói.  

Vietjet

Phó Tổng Giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương. Ảnh T. Vân

Theo ông Đinh Việt Phương, để hàng không, du lịch cất cánh trở lại, nhanh chóng lấy lại vị thế mũi nhọn kinh tế đất nước, cần có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp hàng không, du lịch.

“Chính sách miễn giảm các loại thuế phí sân bay, dịch vụ hàng không, dịch vụ du lịch, khách sạn, các gói tài chính ưu đãi dành cho doanh nghiệp của Chính phủ... sẽ góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp, giúp họ có nguồn vốn tiếp tục hoạt động cũng như đầu tư phát triển”, Phó Tổng Giám đốc Vietjet đề xuất.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho hay, dù còn nhiều khó khăn vì ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng với những chính sách đúng đắn, nhu cầu đi lại, du lịch trong nước sẽ sớm hồi phục, nhanh nhất là năm 2021, tương đương với thành tích của năm 2019.

“Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam thuận lợi hơn quốc tế vì dịch kiểm soát tốt, nhưng đến năm 2023 mới đạt sản lượng như năm 2019. Hiện nay hành khách quan tâm nhất là vấn đề an toàn, các điểm đến phải đảm bảo phòng chống dịch tốt; chính sách hoàn chuyển đổi booking cần linh hoạt hơn…”, Ông Trung nhận định.

Đại diện Vietnam Airlines đề xuất nhiều ý kiến giúp khôi phục ngành du lịch gồm: kỳ vọng Chính phủ chủ trì, ban hành các quy định liên quan đến an toàn với du khách, nâng cao công tác an toàn ở các điểm tham quan; xây dựng chương trình du lịch có trọng điểm, chi tiết nhằm hút du khách; các đơn vị kích cầu được duy trì dài hạn, phát huy hiệu quả trong mọi giai đoạn; đồng thời sớm hoàn thiện công tác an toàn, kiểm soát dịch bệnh để sẵn sàng mở cửa đón du khách quốc tế. 

VuDucDam-1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị toàn quốc về du lịch sáng 28/11.  Ảnh T.Vân

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu ba vấn đề mà ngành du lịch Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh.

Thứ nhất là phải đảm bảo chất lượng du lịch ở tất cả các phân khúc. Thực tế cho thấy những cơ sở kinh doanh lớn, cao cấp rất chú ý đến chất lượng nhưng chất lượng những cơ sở ở phân khúc thấp hơn lại không được nâng lên, thậm chí có ý kiến nhận định là đi xuống.

Thứ hai là yêu cầu tái cơ cấu thị trường khách du lịch nước ngoài, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhằm khắc phục tình trạng bị động, thiếu định hướng trong phát triển thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cần quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, “làm sao để người Việt Nam được trải nghiệm những sản phẩm du lịch cao cấp mà trước đây thường dành cho khách nước ngoài”.

Thứ ba, phát triển du lịch trước hết phải đảm bảo an toàn. Phó Thủ tướng nhắc lại bài học Đà Nẵng và cho rằng “trong lúc này, với thị trường trong nước, các doanh nghiệp du lịch cố gắng cùng nhau vượt qua, đồng thời tự làm mới mình, khắc phục những bất cập, hạn chế vốn đã được nhận diện nhưng chưa có thời gian, điều kiện thực hiện”. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ