Điểm danh 12 chủ tịch ngân hàng buộc phải chọn đi hay ở

Nhàđầutư
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, khoảng 12 trường hợp chủ doanh nghiệp làm lãnh đạo ngân hàng sẽ chỉ được chọn một trong hai vị trí kể từ đầu năm 2018.
XUÂN TIÊN
21, Tháng 11, 2017 | 17:34

Nhàđầutư
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, khoảng 12 trường hợp chủ doanh nghiệp làm lãnh đạo ngân hàng sẽ chỉ được chọn một trong hai vị trí kể từ đầu năm 2018.

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua chiều 20/11.

Dự luật có hiệu lực từ 15/1/2018 sẽ có thêm nhiều điều khoản, quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo, vốn vẫn âm ỉ nhức nhối trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

Cụ thể, chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV), tổng giám đốc (TGĐ) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, chủ tịch công ty, tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác. 

Bên cạnh đó, các vị trí khác trong ban điều hành của ngân hàng như tổng giám đốc, phó tổng giám đốc cũng không được đồng thời là thành viên HĐQT hay ban kiểm soát của ngân hàng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của ngân hàng; phó tổng giám đốc ngân hàng cũng không được làm tổng giám đốc hay phó giám đốc ở doanh nghiệp khác. 

Quy định này ít nhiều sẽ gây khó cho nhiều đại gia vừa sở hữu tập đoàn tư nhân vừa làm 'sếp' ngân hàng.

Ho_hung_anh-nhadautu.vn

 Ông Hồ Hùng Anh nhiều khả năng sẽ rút khỏi vị trí lãnh đạo tại Masan Group

Techcombank - ông Hồ Hùng Anh

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan. Ở chiều ngược lại, Chủ tịch Tập đoàn Masan ông Nguyễn Đăng Quang là Phó Chủ tịch HĐQT thứ nhất của Techcombank. 

Với tỷ lệ sở hữu 15% của Masan tại Techcombank, đây được coi là trường hợp sở hữu chéo điển hình trong ngành ngân hàng hiện nay.

Luật các TCTD sửa đổi buộc ông Hồ Hùng Anh sẽ phải chọn một trong hai vị trí lãnh đạo, trong khi ông Nguyễn Đăng Quang không nằm trong phạm vi điều chỉnh.

VIB - ông Đặng Khắc Vỹ 

Theo bản cáo bạch phát hành 2016, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mareven Food Holdings có trụ sở tại CH Síp.

Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy ông Vỹ cùng bố, mẹ vợ và chị dâu sở hữu gần 20% vốn của VIB.

NCB - ông Nguyễn Tiến Dũng

Cựu Chủ tịch HĐQT Gami Group, ông Nguyễn Tiến Dũng cũng vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Dù không công khai tỷ lệ sở hữu, song Gami Group được cho là sở hữu cổ phần lớn ở NCB sau sự ra đi của ông Đặng Thành Tâm năm 2013.

Với quy định mới của Luật các TCTD sửa đổi có hiệu lực vào đầu năm tới, việc thôi nhiệm vị trí CEO điều hành tại Gami được cho là ông Dũng đã "đi trước một bước". 

Seabank - bà Nguyễn Thị Nga

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) là Chủ tịch CTCP Tập đoàn BRG - đối tác chiến lược của SeABank.

duong-cong-minh-nhadautu.vn

 'Chủ soái' Dương Công Minh sẽ phải chọn vị trí lãnh đạo tại Sacombank hoặc Tập đoàn Him Lam

Sacombank - ông Dương Công Minh

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam hồi giữa năm đã gây xôn xao trong giới tài chính khi rời LienVietPostBank sang đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank).

Với quy định mới, có thể ông Dương Công Minh sẽ phải nhường lại chiếc ghế chủ tịch tại Him Lam cho người thân hữu.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 11/1/2016, CTCP Him Lam có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng, trong đó ông Dương Công Minh góp 99% vốn.

Tiên Phong Bank - ông Đỗ Minh Phú 

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ông Đỗ Minh Phú là Chủ tịch Tập đoàn Doji, gồm nhiều công ty con hoạt động trong lĩnh vực trang sức, khoáng sản và bất động sản.

Ông Đỗ Minh Phú đầu tư vào TPBank năm 2012 và là người có công lớn giúp nhà băng này tự tái cấu trúc thành công.

Bắc Á Bank - bà Thái Hương

Bà Thái Hương là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á từ thời điểm thành lập (năm 1994) cho đến nay. Năm 2009, bà thành lập CTCP Thực phẩm sữa TH (TH Milk).

Tên tuổi của bà hiện gắn liền với hai thương hiệu trên.

ABBank - ông Vũ Văn Tiền

Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và nhiều công ty con của cả hai pháp nhân này.

Geleximco được coi là tên tuổi lớn trong làng bất động sản, với vốn cổ phần 6.000 tỷ đồng cùng nhiều dự án lớn khắp cả nước. Trong khi đó, ABBank là một ngân hàng cỡ trung với tổng tài sản tới cuối tháng 9/2017 là 81.000 tỷ đồng.

Vo-Quoc-Thang-Nhadautu.vn

 'Ông chủ' Tập đoàn Đồng Tâm là Chủ tịch HĐQT Kiên Long Bank từ năm 2013

Kiên Long Bank - ông Võ Quốc Thắng

Nổi danh nhờ bóng đá và được gọi thân mật với biệt danh 'bầu' Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm tham gia quản trị Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kiên Long Bank) năm 2013 và giữ chức Chủ tịch HĐQT từ đó đến nay.

Dưới thời ông Võ Quốc Thắng, Kiên Long Bank hoạt động tương đối ổn định với định hướng thị trường chủ yếu ở vùng Tây Nam Bộ. Tới cuối tháng 9/2017, tổng tài sản của Kiên Long Bank đạt 34.400 tỷ đồng, vốn cổ phần 3.000 tỷ đồng

Nam Á Bank - ông Nguyễn Quốc Toàn

Cố nữ doanh nhân Tư Hường qua đời hồi giữa năm là một tổn thất lớn của Tập đoàn Hoàn Cầu lẫn Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank); tuy nhiên dường như không ảnh hưởng nhiều tới vị thế của gia tộc họ Nguyễn ở cả hai doanh nghiệp này.

Vào thời điểm được bầu làm Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank giữa tháng 4/2016, ông Nguyễn Quốc Toàn là Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoàn Cầu kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàn Cầu Nha Trang, Tổng giám đốc Công ty Hoàn Cầu Khánh Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty thương mại Hoàn Cầu...

SHB - ông Đỗ Quang Hiển

Được đồn đoán sở hữu tới 5 đội bóng, 'ông bầu' khét tiếng nhất V-League Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T.

Ông Hiển cũng đứng tên lãnh đạo cao nhất tại nhiều doanh nghiệp khác như Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)...

Việt Á Bank - ông Phương Hữu Việt

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương ông Phương Hữu Việt là cái tên khá kín tiếng trong giới đầu tư.

Việt Á Bank là ngân hàng có quy mô khá nhỏ với tổng tài sản tới cuối năm 2016 là 61.465 tỷ đồng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ