Dấy lên tinh thần khởi nghiệp mới

Cần phải dấy lên tinh thần khởi nghiệp mới từ xã hội và giới doanh nhân. Tình thần khởi nghiệp ấy được hun đúc, vai trò đi đầu trong khích lệ và cổ súy này trông đợi vào sứ mệnh cao cả của báo chí.
NGUYỄN THÀNH PHONG
21, Tháng 06, 2023 | 07:00

Cần phải dấy lên tinh thần khởi nghiệp mới từ xã hội và giới doanh nhân. Tình thần khởi nghiệp ấy được hun đúc, vai trò đi đầu trong khích lệ và cổ súy này trông đợi vào sứ mệnh cao cả của báo chí.

Tổ chức Y tế thế giới (WTO), vào đầu tháng 5/2023, đã đưa ra tuyên bố chính thức: "Đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu". Ngay trước đó, WTO cũng đã công bố chiến lược mới, khuyến nghị các quốc gia cần chuyển từ cơ chế ứng phó khẩn cấp sang phòng ngừa, kiểm soát lâu dài đối với đại dịch này. Đây chính là dấu mốc ghi nhận: Nhân loại đã đi qua cơn đại dịch lịch sử COVID-19.

Thu tuong gap mat bao chi

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện, giao lưu với các đại biểu và lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023). Ảnh: Báo Nhân Dân

Đại dịch COVID-19, trong vòng hơn ba năm vừa qua, đã gây ra những thiệt hại ghê gớm về con người. Cùng với đó là những di chứng nặng nề trên bình diện kinh tế toàn cầu, còn lâu mới khắc phục được hoàn toàn. Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực rất lớn từ đại dịch. Tuy nhiên, chúng ta đã được ghi nhận là một đất nước đã sớm bình thường hóa trước khi đại dịch kết thúc, kinh tế quốc gia đã có rất nhiều dấu hiệu phục hồi và đang mở đường phát triển trở lại.

Trong thời gian đại dịch, các doanh nhân đã đóng góp lớn, tham gia vào các công đoạn phòng chống dịch. Họ là một nguồn lực mạnh mẽ trong sức mạnh quốc gia cùng đất nước đương đầu và đi qua biến cố toàn cầu. Đó là biểu tượng của lòng yêu nước, ý thức xã hội và trách nhiệm cộng đồng của doanh nhân.

Bây giờ, trước mắt đang ngổn ngang bao nhiêu vấn đề hậu đại dịch. Những mất mát về con người, những non kém và cả suy thoái, tiêu cực của một bộ phận công vụ đang được phân tích và xử lý rốt ráo. Một lo lắng lớn thường trực: sự phát triển kinh tế hiện đang có biểu hiện chững lại. Không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ít ỏi…

Có thể nói, đội ngũ doanh nhân mới của chúng ta được hình thành đông đảo, tạo dựng nên nhiều thành quả trong thời kỳ thực hiện chủ trương đổi mới cùng những chính sách rất sát hợp với thực tiễn thời gian qua, hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn. Tinh thần khởi nghiệp dường như đang sa sút…

Sau những biến cố tiêu cực là khoảng thời gian cần tập trung tâm lực cho hồi phục. Càng nhanh hồi phục và phát triển trở lại càng tạo ra được cơ hội cho vượt lên. Điều này đòi hỏi những biện pháp, chính sách kịp thời trong điều hành. Nhưng phía khác, hết sức quan trọng, là cần phải dấy lên tinh thần khởi nghiệp mới từ xã hội và giới doanh nhân. Tình thần khởi nghiệp ấy được hun đúc, vai trò đi đầu trong khích lệ và cổ súy này trông đợi vào sứ mệnh cao cả của báo chí.

***

Nhân nói về sứ mệnh của báo chí trong cổ vũ phát triển, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp đang thời sự, có một nhân vật lịch sử rất đáng được mang ra bàn luận. Cách đây vào khoảng một trăm năm, ở Việt Nam xuất hiện một đội ngũ doanh gia, làm nên sự giàu có, mang đến niềm tự hào cho người Việt, đóng góp vào phát triển xã hội thời ấy. Trong đó nổi lên tên tuổi nhà tư sản Bạch Thái Bưởi.

Từ câu chuyện Bạch Thái Bưởi, chúng ta có thể liên hệ đến những bài học về tinh thần khởi nghiệp, mối quan hệ của báo chí và dư luận xã hội trong việc ủng hộ doanh gia người Việt, hỗ trợ họ cạnh tranh thắng lợi với các nhà tư sản nước ngoài và chính họ lại góp sức vào chấn hưng văn hóa, góp phần làm cho văn hóa và báo chí phát triển.

Bạch Thái Bưởi (1874-1932) xuất thân là con nhà nghèo ở Hà Đông, cha mất sớm, phải phụ mẹ bán hàng rong kiếm sống. Sau đó, ông được một nhà giàu nhận làm con nuôi, được cho đi học và học giỏi. Ông trở thành thư ký cho một hãng buôn người Pháp ở phố Tràng Tiền và từ đây, bắt đầu vươn lên, dần dần trở thành một nhà tư sản hàng đầu trong số các doanh gia người Việt. Lĩnh vực kinh doanh lớn nhất của Bạch Thái Bưởi là giao thông hàng hải, khai thác mỏ và in ấn…

Tuy nhiên, ông không từ một lĩnh vực nào mà không thử sức, từ một người nhận thầu làm thuê cho bà Tư Hồng trong sự kiện phá thành cũ Hà Nội, đến thầu gỗ tà vẹt làm đường sắt cho người Pháp, từ thầu xây chợ ở Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, đến xây nhà máy nước, mở cửa hàng ăn, xay sát ngô gạo...

Trong con đường phát triển sản nghiệp, Bạch Thái Bưởi rất nhiều lần bị thua lỗ, phá sản, nhưng không bao giờ ông bó tay, mỗi lần thua lại là một lần khởi nghiệp trở lại. Khi đã đủ sức, ông còn đấu tranh với người Pháp để được kinh doanh cả việc khai thác mỏ, vốn là lĩnh vực chỉ do người Pháp tiến hành dưới sự bao bọc của chính phủ bảo hộ.

Trong các công cuộc cạnh tranh, nhất là kinh doanh đội tàu sông biển vận chuyển hành khách, Bạch Thái Bưởi đã chuẩn bị rất kỹ để "đương đầu" với các chủ tư sản người Hoa, người Pháp. Họ quyết tâm "bóp chết" ông bằng nhiều thủ đoạn nhưng cuối cùng Bạch Thái Bưởi đã thắng lợi, trở thành vị "Chúa sông Bắc Kỳ". Các tư sản Hoa, Pháp cuối cùng đã phải bán lại các con tàu cho ông. Bí quyết để Bạch Thái Bưởi cạnh tranh thành công là được người Việt ủng hộ. Các tổ chức văn hóa và báo chí thời ấy đã luôn luôn theo sát hoạt động của ông và cổ vũ người Việt với tinh thần dân tộc mà trở thành khách hàng của ông.

Sau này, khi thành công, Bách Thái Bưởi quay lại đầu tư cho văn hóa và báo chí. Ông xây dựng Công ty in và xuất bản Bạch Thái Bưởi, sau đổi tên là Đông Kinh ấn quán, với mục đích là in sách và văn hóa phẩm để góp phần nâng cao dân trí và văn hóa cho người Việt. Năm 1921, Bạch Thái Bưởi cho ra đời tờ báo phát hành hàng ngày mang tên "Khai hóa nhật báo" với tôn chỉ: "Một là giúp đồng bào ta tự khai hóa, dạy bảo lẫn nhau mở mang con đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc chính phủ đang làm".

***

Hơn một trăm năm sau, ngẫm lại những tâm huyết và mong mỏi của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi dưới thời thuộc Pháp trước đây, ta vẫn thấy những điều ông trăn trở vẫn như đang đồng hành. Tầm vóc, các lĩnh vực kinh doanh tổng hợp của Bạch Thái Bưởi, đến nay, các doanh nhân thời mới vẫn phải ngưỡng mộ. Mối quan hệ của báo chí và giới chức tinh hoa đối với Bạch Thái Bưởi trong công cuộc kinh doanh và cạnh tranh, vẫn là một hình mẫu cho mối quan hệ giữa báo chí và doanh nhân thời nay.

Ngẫm lại, ba khía cạnh trong tôn chỉ của tờ 'Khai hóa nhật báo" do Bạch Thái Bưởi sáng lập cũng chính là ba khía cạnh mà báo chí hiện nay vẫn cần hướng đến. Đó là cổ vũ, khởi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn dân, là phản ánh sâu sắc những vấn đề hiện thực và phản biện chính xác những chính sách, để hướng đến hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp, hướng đến dân giàu và nước mạnh, như mục tiêu lớn lao mà xã hội ta luôn kiên định hướng tới.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ