Đại biểu Quốc hội nói về vụ đấu giá đất 'khủng' ở Thủ Thiêm

Nhàđầutư
Việc sửa đổi khoản 1 Điều 75 của Luật Đầu tư (thực chất là sửa đổi khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở) không nhận được nhiều sự đồng tình từ các đại biểu Quốc hội vì lo ngại nguy cơ là chảy máu nguồn lực tài nguyên đất đai.
MY ANH
10, Tháng 01, 2022 | 16:06

Nhàđầutư
Việc sửa đổi khoản 1 Điều 75 của Luật Đầu tư (thực chất là sửa đổi khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở) không nhận được nhiều sự đồng tình từ các đại biểu Quốc hội vì lo ngại nguy cơ là chảy máu nguồn lực tài nguyên đất đai.

Empty

Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk). Ảnh: Quốc hội

Ngày 10/1, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự,

Với nội dung liên quan đến sửa đổi khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, vấn đề không hề đơn giản mà cần phải xem xét thấu đáo, đánh giá hết sức kỹ lưỡng những tác động, nhất là tác động của việc tiêu cực.

Theo đại biểu đoàn Đắk Lắk, nếu thực hiện được việc đấu giá, đấu thầu, giá trị địa tô đem lại cho Nhà nước là rất lớn. "Việc đấu giá 1 ha đất ở Thủ Thiêm đã đem lại cho ngân sách nhà nước số tiền là 24.500 tỷ đồng, tương đương trên 1 tỷ USD. Nếu 1 ha đất này không đấu giá mà chuyển đổi thông thường, nhà đầu tư nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất, tôi thử tính là giá rất cao là khoảng 100 triệu/ m2 thì ngân sách nhà nước sẽ thu được bao nhiêu? Sẽ thu được 1.000 tỷ đồng, chưa bằng số lẻ của tiền bán đấu giá", vị đại biểu phân tích.

Như vậy, việc sửa đổi quy định theo phương án trên của Luật Nhà ở, ngân sách Nhà nước không thu được bao nhiêu, người có đất chuyển nhượng cho chủ dự án cũng không được hưởng lợi bao nhiêu, chênh lệch địa tô sẽ cơ bản thuộc về chủ dự án, người gom được đất, đây là vấn đề rất bất hợp lý. 

Đại biểu Ngô Trung Thành phân tích, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, bằng việc quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm cho giá trị đất tăng lên rất lớn, chênh lệch địa tô này cơ bản phải thuộc về Nhà nước, phải thuộc về toàn dân.

"Tuy nhiên, vấn đề tài chính, đất đai không điều chỉnh ở Luật Nhà ở mà điều chỉnh ở Luật Đất đai nên không thể xử lý vấn đề chênh lệch địa tô này ở trong Luật Nhà ở được. Nếu chúng ta sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng trên thì chỉ giải quyết được vướng mắc để cho dự án triển khai được, nhưng lợi ích đem lại cơ bản chỉ là cho chủ dự án, người gom đất được hưởng, còn đối với Nhà nước sẽ dẫn đến nguy cơ là chảy máu nguồn lực tài nguyên đất đai, nhà nước không thể khai thác, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước như yêu cầu đã được đặt ra tại nhiều văn kiện của Đảng", đại biểu Ngô Trung Thành nói.

Cũng theo vị đại biểu, với nội dung sửa đổi như vậy, người nào gom được đất đồng nghĩa với việc có khả năng cao được chấp nhận là nhà đầu tư để triển khai dự án. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến phong trào gom đất, đẩy giá đất loại này lên cao, hệ lụy phát sinh sẽ rất nhiều và rất lớn. Giá đất bị đẩy lên cao thì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vốn đã khó sẽ càng khó khăn hơn. Khiếu nại, tố cáo trong những lĩnh vực đất đai chắc chắn sẽ càng tăng nhiều hơn và nóng nhiều hơn. Bởi vì nguyên nhân sâu xa dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, dẫn đến khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng chủ yếu là do sự chênh lệch giữa giá bồi thường với giá trên thực tế, nay sự chênh lệch giá này gia tăng hơn nhiều thì chắc chắn tác động tiêu cực sẽ càng tăng hơn.

"Với những phân tích nêu trên, tôi đề nghị Quốc hội tạm thời chưa nên sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở như phương án đề xuất. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, đặc biệt là phải có hướng xử lý cho bằng được vấn đề chênh lệch địa tô trong Luật Đất đai và các văn bản khác có liên quan để trình Quốc hội sửa đổi đồng bộ các quy định để vừa sớm tháo gỡ được vướng mắc, bất cập, nhưng vừa bảo đảm khai thác, phát huy được hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, vừa bảo đảm được hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như là người có đất chuyển nhượng", đại biểu đoàn Đắk Lắk kiến nghị.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá, với việc sửa đổi này thực chất mở rộng quyền cho các chủ đã sử dụng đất hợp pháp. Trước đây chỉ có đất ở, sau đến Luật Đầu tư đã sửa là có một phần đất ở và đến lần này là không cần có đất ở, miễn là có đất hợp pháp.

Việc này thì đúng là sẽ giải quyết được việc nhanh bằng cách công nhận các chủ đầu tư. Tuy nhiên về hậu quả có thể sẽ gây ra tình trạng thất thoát.

"Khi được công nhận chủ đầu tư và được thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì theo Luật Đất đai, người sử dụng đất chỉ cần trả tiền theo quy định hiện nay là lấy giá đất quy định trong bảng giá nhân với hệ số k. Ví dụ Hà Nội hiện nay hệ số k cao nhất là 2,15, bảng giá đất cao nhất là 168, như vậy dù có chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở giữa Bờ Hồ hoặc trên đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) cũng chỉ phải trả tiền đất là 312 triệu đồng/1 mét vuông. Như vậy, rõ ràng sẽ tạo ra một sự thất thoát rất lớn về mặt nguồn lực cho Nhà nước", đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, đây một vấn đề rất lớn, rất khó. Nếu không xử lý, giải quyết sẽ ách tắc và không khơi thông được các nguồn lực cho đầu tư phát triển, ảnh hưởng rất nhiều. Nếu làm không chặt chẽ, không thận trọng thì có thể sẽ gây hậu quả như các đại biểu đã nêu. Vấn đề này liên quan đến rất nhiều các luật, chính sách về đất đai, xây dựng, đầu tư cần được nghiên cứu và đánh giá thật cẩn thận trọng và đầy đủ hơn, đảm bảo chặt chẽ và hài hòa giữa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Theo Bộ trưởng, qua ý kiến của các đại biểu và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Chính phủ đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, phương án theo Chính phủ đã trình, với việc phải rà soát lại chặt chẽ quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất, việc định giá, đánh giá nộp ngân sách khi chuyển mục đích sử dụng đất.

"Phương án 2 là theo phương án đề xuất của Ủy ban Pháp luật, đó là đề nghị xây dựng một đề án thí điểm riêng để áp dụng hình thức sử dụng đất khác mà không phải là đất ở đối với những người đang có quyền sử dụng đất và phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để trình cho Quốc hội vào kỳ họp thứ ba, tháng 5/2022 này", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ