'Đà Nẵng cần sớm bắt tay vào triển khai mở rộng sân bay'

Nhàđầutư
TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch cho biết, sân bay Đà Nẵng hoàn toàn có thể đưa công suất lên 30- 40 triệu khách/năm và phát triển về phía Đông. Do đó, Đà Nẵng cần sớm bắt tay vào triển khai mở rộng sân bay.
THÀNH VÂN
27, Tháng 06, 2022 | 16:43

Nhàđầutư
TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch cho biết, sân bay Đà Nẵng hoàn toàn có thể đưa công suất lên 30- 40 triệu khách/năm và phát triển về phía Đông. Do đó, Đà Nẵng cần sớm bắt tay vào triển khai mở rộng sân bay.

Du lịch Đà Nẵng trở lại mạnh mẽ

Tại Hội thảo "Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống" do Báo Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức vào sáng 27/6, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh và "đáng sống" tại khu vực miền Trung và cả nước.

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hàng loạt các dự án đầu tư, dịch vụ chất lượng quốc tế, giúp Đà Nẵng dần trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước. Dưới sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ năm 2020 đến nay, ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung đã phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có với những thiệt hại nặng nề, hàng loạt hoạt động từ du lịch đến thương mại gần như tê liệt.

"Đại dịch COVID-19 như một khoảng lặng lớn để TP. Đà Nẵng nhìn nhận lại những kết quả đạt được, những điểm còn thiếu sót trong công tác phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch cùng chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến cho Đà Nẵng, đặc biệt là suy nghĩ những bước đi mới, cách làm mới để đưa Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống", ông Minh chia sẻ. 

hoi-thao

Hội thảo "Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống" do Báo Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức vào sáng 27/6.

Thực tế, ngay từ đầu năm 2022, với định hướng "Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", thành phố đã liên tục ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch khôi phục hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời triển khai xây dựng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới.

Nhờ đó, lĩnh vực du lịch lưu trú và ăn uống phục hồi tích cực và bứt phá kể từ cuối quý I/2022, nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn, công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70-75%. Doanh thu du lịch 6 tháng ước tăng 41% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu dịch vụ lưu trú quý II/2022 gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Thống kê từ khi "mở cửa bầu trời" tới cuối tháng 6/2022, Đà Nẵng đã đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách. Và ngày 24/6 vừa qua, Đà Nẵng đón 120 chuyến bay nội địa và quốc tế tới thành phố, con số kỷ lục, vượt mốc cao nhất của năm 2019 - thời điểm dịch bệnh COVID-19 chưa xảy ra.

Dự kiến 6 tháng cuối năm 2022, sẽ có 15 hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia… đến Đà Nẵng với tổng tần suất 90 chuyến/tuần. Ngoài ra, thành phố cũng dự kiến xúc tiến mở đường bay tới Ấn độ, Philippines… Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho du lịch Đà Nẵng sau hơn 2 năm chịu tác động chưa từng có bởi bão COVID-19.

"Để nắm cơ hội từ làn sóng du lịch sau đại dịch, Đà Nẵng cũng đứng trước thách thức làm mới chính mình, làm sao để duy trì sức hấp dẫn trong mắt du khách, xứng danh thành phố đáng đến", ông Minh cho hay. 

IMG_5969

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Ảnh: Thành Vân.

Nhiều giải pháp phát triển du lịch Đà Nẵng hậu COVID-19

Phát biểu tại hội thảo, TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch cho biết, Đà Nẵng có sự thận trọng hơn trong chống dịch, nên thành phố này mở cửa chậm hơn các địa phương khác một chút. Nhưng hiện nay khách nội địa đến Đà Nẵng đã đông trở lại. Với các hoạt động xúc tiến vừa qua của thành phố và các doanh nghiệp, du lịch Đà Nẵng sẽ phục hồi nhanh hơn.

Về khách quốc tế, ông Nam cho rằng sẽ khó khăn hơn bởi các ảnh hưởng về dịch bệnh, chiến tranh vẫn nhiều nên để phục hồi các thị trường quốc tế là không hề đơn giản.

Theo TS. Nam, trước khi có đại dịch COVID-19 thì cứ hai tuần ngành du lịch Việt Nam kiểm dược 1 tỷ USD từ khách quốc tế, hiếm có ngành nào có doanh thu khủng như vậy. Nhưng bối cảnh hiện nay, chúng ta  vừa tranh thủ khai thác nội địa thật tốt, vừa cố gắng tối đa khai thác các đường bay quốc tế, và cũng là thời điểm có để đầu tư thoả đáng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để phục hồi và phát triển du lịch mạnh hơn.

"Về lâu dài, nếu không cẩn thận, sân bay Đà Nẵng có thể sẽ là nút thắt trong phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Sân bay Đà Nẵng hoàn toàn có thể đưa công suất lên 30- 40 triệu khách/ năm và phát triển về phía Đông", ông Nam cho hay và đề nghị Đà Nẵng cần sớm bắt tay vào triển khai mở rộng sân bay. Nếu chậm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, đặc biệt là đón khách du lịch trong thời gian tới. 

toa-dam

Các đại biểu tham gia trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Thành Vân.

Ngoài ra, TS. Lương Hoài Nam cho biết thêm, cần làm rõ Đà Nẵng đáng đến với đối tượng nào, vì đối tượng bình dân và siêu giàu khác nhau rất nhiều. Việt Nam chưa có hệ sinh thái du lịch siêu giàu. Chúng tôi đã kiến nghị cần sớm hình thành đề án về hệ sinh thái du lịch phục vụ giới siêu giàu và Đà nẵng cũng nên hướng tới đối tượng siêu giàu.

Trong khi đó, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, cộng động du lịch Đà Nẵng xác định 5 nhóm sản phẩm trụ cột, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng. Trong đó gồm: sản phẩm du lịch tuyến biển cao cấp; du lịch di sản, văn hóa, lịch sử; du lịch MIE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác); du lịch đô thị; du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ.

"Đến thời điểm này, Đà Nẵng chưa có sản phẩm vươn ra biển, vịnh. Chúng ta chưa khai thác được hệ sinh thái bãi Đá Đen, bán đảo Sơn Trà, vịnh Đà Nẵng, bãi Nam Hòn Sụp. Đặc biệt, Đà Nẵng hiện chưa có tour ra biển, rất thiếu tour này với các vùng biển du lịch khác. Cộng với sông Cổ Cò, Đà Nẵng phải thông cho được tuyến sông này với Hội An. Từ đó, 2 bên bờ có thể hình thành làng nghề, vui chơi giải trí, trở thành thương hiệu mới của Đà Nẵng", ông Dũng thông tin.  

IMG_4919

Khách du lịch Hàn Quốc trở lại Đà Nẵng sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: Thành Vân.

Ông Dũng cho biết thêm, nơi vui chơi, giải trí, về đêm có rồi, nhưng vẫn thiếu, đặc biệt là các show diễn đủ đẳng cấp để buổi tối để du khách đi xem. Đồng thời, định vị là thành phố sự kiện thì phải tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp... đăng ký chuỗi sự kiện nhiều ngày. Việc này, cần huy động song hành từ nhiều phía, trong đó nhà nước vừa đầu tư, vừa thu hút xã hội hóa. 

Ngoài ra, Đà Nẵng đáng sống, đáng đến rồi, thì giờ phải định vị Đà Nẵng là thành phố đẳng cấp. Do đó, thành phố cần phát triển nhiều dịch vụ đẳng cấp hơn nữa, đặc biệt phải có du thuyền. 

Về phía doanh nghiệp, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World, đơn vị đã đầu tư hơn 15 năm ở TP. Đà Nẵng, hiện nay Đà Nẵng "đã đẹp sẽ còn đẹp hơn, đã đáng đến sẽ còn đáng đến hơn nữa, nhiều trải nghiệm độc đáo hơn nữa". Chúng tôi tin tưởng du lịch Đà Nẵng sẽ trở lại rất nhanh, đặc biệt là du lịch nội địa. Từ đó, Tập đoàn Sun Group sẽ đem đến cho Đà Nẵng nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ hơn nữa.

"Không chỉ mang tới một mùa hè 2022 sôi động cho Đà Nẵng với nhiều sự kiện và lễ hội đẳng cấp trong chuỗi lễ hội Take me to the Sun, tới cuối năm 2022, Sun Group sẽ ra mắt 3 show diễn mới là show Núi lửa, show Bông hồng vàng và show Piano bay tại Sun World Ba Na Hills. Năm 2023, công trình Hầm rượu Bà Nà cũng được hoàn thành - đây là công trình có kiến trúc đặc biệt ấn tượng", bà Nguyện cho biết.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ