Đà Nẵng cần cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nhàđầutư
Đà Nẵng tiếp tục thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Đặc biệt, thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh vào thành phố để dẫn dắt, tạo động lực phát triển công nghiệp hỗ trợ.
THÀNH VÂN
09, Tháng 11, 2022 | 07:05

Nhàđầutư
Đà Nẵng tiếp tục thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Đặc biệt, thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh vào thành phố để dẫn dắt, tạo động lực phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Cơ sở hạ tầng, nguồn lao động vẫn chưa đáp ứng

Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của Đà Nẵng hiện vẫn còn nhiều hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới

Ông Christopher Valoon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Đà Nẵng (AmCham Đà Nẵng) cho biết, Đà Nẵng cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu để doanh nghiệp công nghiệp kết nối. Đồng thời, thành phố cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Christopher Valoon, lao động đang là một trong những khó khăn của doanh nghiệp FDI hiện nay khi đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng. Bởi đang có một khoảng chênh lệch rõ ràng giữa trình độ đào tạo cho sinh viên Việt Nam với yêu cầu thực tế trong hoạt động của doanh nghiệp FDI nói riêng, quốc tế nói chung.

"Đà Nẵng phải sớm hoàn thành các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Các doanh nghiệp FDI rất quan tâm đến việc hoàn thiện các hạ tầng lớn như dự án Cảng Liên Chiểu để việc kết nối thông thương thuận lợi hơn", đại diện AmCham Đà Nẵng nói thêm. 

IMG_3458-2

Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025, thành phố có trên 150 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Thành Vân.

Ông Phan Duy Phương, Phó Giám đốc Công ty Phương Quân U&I Đà Nẵng cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố gặp khó trong việc tìm kiếm mặt bằng xây dựng nhà xưởng. Do đó, đề nghị thành phố quan tâm bố trí để doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng sớm có mặt bằng sản xuất ổn định.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cho rằng, thời gian qua, Bộ Công thương, UBND TP. Đà Nẵng đã có nhiều chính sách để giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.

"Trong thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn phía chính quyền thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối công nghiệp hỗ trợ để tạo điều kiện các doanh nghiệp kết nối. Điều này để doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp trong nước, góp phần khắc phục yếu điểm đứt gãy chuỗi nguyên liệu toàn cầu", ông Nhựt chia sẻ.

Thu hút các tập đoàn đa quốc gia

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, thành phố hiện có 6 Khu công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy 86,89%), 1 Khu công nghệ cao (tỷ lệ lấp đầy 41,28%), 1 Khu công nghệ thông tin tập trung (tỷ lệ lấp đầy 31,82%) và 1 Cụm Công nghiệp Thanh Vinh mở rộng (tỷ lệ lấp đầy 100%).

Đến thời điểm hiện tại, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư 510 dự án, trong đó có 380 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 30.051 tỷ đồng và 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 1.913 triệu USD.

Theo bà Phương, công nghiệp thành phố vẫn còn những hạn chế như: Quy mô ngành còn nhỏ, chưa có đột phá; công nghiệp chủ lực và hỗ trợ còn hạn chế; thu hút công nghệ cao chưa đạt kỳ vọng; tốc độ đổi mới, chuyển giao công nghệ còn chậm; công nghiệp hỗ trợ còn vướng nhiều điểm nghẽn; quy hoạch phát triển hạ tầng khu cụm công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu về quỹ đất và mặt bằng sản xuất.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, trong những năm qua, thành phố đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp thành phố.

"Mục tiêu của Đà Nẵng thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng về số lượng và năng lực, có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, tập trung vào các sản phẩm như: Linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các ngành công nghiệp ưu tiên...", ông Minh cho hay. 

Theo ông Minh, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; đặc biệt, thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh vào thành phố để dẫn dắt, tạo động lực phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu chung là đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu nội địa hóa ở các lĩnh vực khác nhau của các ngành công nghiệp chế biến-chế tạo.

Trong đó, thành phố sẽ tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phục vụ các ngành công nghiệp ưu tiên gồm: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin - viễn thông, cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, công nghiệp ô-tô… góp phần giảm nhập siêu linh kiện, phụ tùng và thúc đẩy xuất khẩu.

Đồng thời, phát triển về quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa...; thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ với các địa phương trong vùng …

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ