Hệ sinh thái tài chính của ông lớn vàng bạc đá quý Doji

Nhàđầutư
Ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng với thương hiệu vàng bạc đá quý Doji, gia đình doanh nhân Đỗ Minh Phú còn là “tay chơi” có hạng trong lĩnh vực tài chính. Sự thành công tại TPBank, TPS là cơ sở để nhà chủ Doji Group đứng ra làm “bà đỡ” vốn cho loạt doanh nghiệp lớn trong nước.
HUY NGỌC
22, Tháng 04, 2024 | 16:25

Nhàđầutư
Ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng với thương hiệu vàng bạc đá quý Doji, gia đình doanh nhân Đỗ Minh Phú còn là “tay chơi” có hạng trong lĩnh vực tài chính. Sự thành công tại TPBank, TPS là cơ sở để nhà chủ Doji Group đứng ra làm “bà đỡ” vốn cho loạt doanh nghiệp lớn trong nước.

Doji Image

Tòa nhà Doji Tower tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội. Ảnh: Doji.

Từ kinh doanh vàng, băng vệ sinh đến một hệ sinh thái đa ngành

Hệ thống cửa hàng vàng bạc trang sức của CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji (Doji) từ lâu đã in đậm dấu ấn trong lòng người tiêu dùng trong nước. Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, Doji hiện nắm trong tay 14 đơn vị thành viên, 50 chi nhánh, gần 200 trung tâm và hơn 400 đại lý trên toàn quốc, tạo nên hệ thống phân phối sản phẩm phủ khắp hầu hết các vùng miền của Việt Nam.

Quy mô lợi nhuận và tổng tài sản ngày càng tăng lên qua các năm đã phần nào chứng minh cho thành công và uy tín của Doji.

Sự hình thành phát triển của Doji gắn liền với tên tuổi doanh nhân Đỗ Minh Phú (SN 1953). Tính đến tháng 8/2016, ông Phú là cổ đông lớn nhất, trực tiếp sở hữu 70% vốn điều lệ Doji.

Nhằm đáp ứng yêu cầu Luật các Tổ chức tín dụng, vị doanh nhân tuổi Tỵ sau đó đã chuyển giao các vai trò điều hành tại Doji cho thế hệ lãnh đạo kế cận. Hồi tháng 4/2018, ông Đỗ Minh Đức (SN 1983) – con trai ông Phú trở thành tân Người đại diện theo pháp luật và Tổng Giám đốc Doji. Tiếp đến, vào tháng 9/2023, công ty có tân CEO, Người đại diện theo pháp luật là bà Đỗ Vũ Phương Anh (SN 1980) – con gái ông Phú. Hiện nay, ông Đỗ Minh Phú vẫn là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Doji.

NDT - KQKD Doji

Nguồn: HNX

Ngoài thị trường vàng, ông Phú cùng em trai là ông Đỗ Anh Tú còn khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực băng vệ sinh với CTCP Diana (tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kỹ thuật Việt Ý). Năm 2011, Tập đoàn hàng gia dụng Nhật Bản Unicharm đã chi 184 triệu USD (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó) để mua lại 95% vốn Diana.

Với khoản tiền thu được, ông Phú đã đầu tư vào Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), 1 trong 9 nhà băng yếu kém vào thời gian đó phải tiến hành tái cấu trúc. Dưới sự lãnh đạo của ông Phú và các cộng sự, TPBank từ lỗ hàng ngàn tỷ (năm 2011) đã vươn mình trở thành một nhà băng có lợi nhuận liên tục tăng trưởng.

Để hoàn thiện hệ sinh thái trong lĩnh vực tài chính, vị doanh nhân họ Đỗ tiếp tục bổ sung thêm một đơn vị trong lĩnh vực chứng khoán, đó là CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS). Tính đến thời điểm cập nhật gần nhất (tháng 3/2024), TPBank chỉ nắm trực tiếp hơn 9% vốn TPS, nhưng thực tế lại là động lực tăng trưởng lớn nhất của công ty chứng khoán này. Đơn cử, trong năm 2023, báo cáo lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính cho thấy trong số gần 13.860 tỷ đồng tiền vay của TPS, thì có đến 8.800 tỷ đồng là vay từ TPBank.

Thương vụ nhà chủ TPBank rót vốn vào TPS

Chứng khoán Phương Đông đổi tên thành Chứng khoán Tiên Phong như hiện nay vào tháng 3/2019. Dù vậy, dấu hiệu đổi chủ tại công ty chứng khoán này rõ ràng hơn khi HĐQT TPS có quyết định chuyển trụ sở về 75-77 Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM - cũng là chi nhánh của TPBank.

Động thái M&A của TPBank gây chú ý bởi TPS khi đó chìm trong thua lỗ và liên quan đến đại án Huỳnh Thị Huyền Như. Vào năm 2011, TPBank đã ủy thác 380 tỷ đồng cho TPS để thực hiện các hợp đồng môi giới chứng khoán. TPS sau đó gửi tiền tại Vietinbank. Đến khi vụ án Huỳnh Thị Huyền Như bị khởi tố, ORS đã phải "treo" khoản tiền gửi quá hạn tại Vietinbank cho đến năm 2018.

Vào tháng 5/2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử tuyên án phúc thẩm buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường cho TPS 380 tỷ đồng. Lúc này, cả ORS lẫn TPBank đều đối mặt với nguy cơ "mất trắng" khoản tiền rất lớn này.

Cuối năm 2018, TPBank đã bán khoản công nợ này cho CTCP Mua bán nợ Thế hệ mới – pháp nhân liên hệ đến một doanh nhân 8X. Nhờ đó, BCTC TPS trở nên “đẹp” hơn, và cũng loại bỏ những rủi ro pháp lý với TPBank, cũng như chủ ngân hàng này. Trong BCTC kiểm toán năm 2018, Công ty kiểm toán Tư vấn Đất Việt đã nhấn mạnh lưu ý nghiệp vụ bán nợ này.

Cùng với đó, phần nhiều các hoạt động của TPS, chủ yếu là tư vấn phát hành, giao dịch trái phiếu, cũng là để phục vụ cho các khách hàng lớn của nhà chủ TPBank (đề cập phần sau bài viết).

Hệ sinh thái tài chính của Doji Group được hoàn thiện với thương vụ M&A CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) – pháp nhân hiện do TPBank nắm 75% vốn sau đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ hồi đầu năm nay với giá phát hành 10.000 đồng/CP. 3 cổ đông còn lại tại Việt Cát là ông Nguyễn Anh Vũ (14,5%), bà Hồ Thị Thùy Giang (6%) và bà Nguyễn Thanh Hương (4,5%). Trước khi về tay TPBank, đây là 3 thể nhân chính nắm 100% vốn VFC.

Trong đó, cổ đông Nguyễn Anh Vũ hiện đứng tên tại CTCP West Lake Luxury và CTCP Đầu tư dịch vụ Red River – đây là doanh nghiệp do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land sở hữu 79,5% vốn (tại thời điểm tháng 3/2021). 

Doji Land là pháp nhân phụ trách mảng bất động sản của Doji Group. Không dừng lại ở vai trò thu xếp vốn, giống như nhiều đại gia khác, ông Đỗ Minh Phú cũng sớm tham gia vào thị trường bất động sản. Sự nhanh nhạy của vị doanh nhân này sớm được thể hiện qua thương vụ hợp tác với Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) làm dự án số 5 Lê Duẩn, TP. Hà Nội, không lâu trước khi doanh nghiệp nhà nước này cổ phần hoá.

Hay, trong một thương vụ kín tiếng khác, Doji từng là cổ đông chi phối tại CTCP Xuất nhập khẩu Hàng tiểu thủ Công nghiệp Sài Gòn (Artext Sài Gòn) – chủ sở hữu nhiều lô đất đẹp có vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM như toà nhà văn phòng Opera View rộng 798 m2 tại 161 Đồng Khởi, toà nhà văn phòng 236-238 Nguyễn Công Trứ rộng 511 m2…Năm 2017, nhóm Doji rút khỏi Artex Sài Gòn, cái tên thay thế sở hữu loạt bất động sản đắc địa là một tập đoàn tư nhân nổi danh ở phía Nam.

Hiện nay, Doji Land đang đầu tư mạnh mẽ vào khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, và tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở nhiều địa phương khác. 

"Bà đỡ" vốn của nhiều ông lớn

Mảng tài chính có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái của doanh nhân Đỗ Minh Phú. Không chỉ với bản thân Doji Group, những TPBank, TPS hay VFC còn là “bà đỡ” vốn với nhiều tập đoàn tên tuổi trong nước.

Nổi bật hơn cả là R&H Group. TPBank cùng TPS cũng là bên thu xếp cho R&H Group phát hành tới 8.150 tỷ đồng trái phiếu chỉ trong ít tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022. Năm ngoái, khi R&H Group chịu áp lực đáo nợ trái phiếu rất lớn (2.500 tỷ đồng), TPBank đã tài trợ hơn 1.700 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (UpCOM: VHD) để doanh nghiệp này mua lại các dự án của R&H Group. 

Ở phía Nam, đối tác thân thiết bậc nhất của nhà chủ Doji là Hưng Thịnh Group - một nhà phát triển bất động sản có tên tuổi. TPS trong năm 2021 đã thu xếp phát hành 4 lô trái phiếu cho nhóm doanh nghiệp bất động sản liên hệ đến Hưng Thịnh với tổng giá trị 7.100 tỷ đồng. Các chi nhánh của TPBank cũng nhận thế chấp nhiều dự án lớn của tập đoàn này. 

Hay ở một thương vụ đáng chú ý khác, nhóm TPBank có dấu ấn đặc biệt tại dự án Khu đô thị Nhơn Phước (tỉnh Đồng Nai). Dự án này trước đây có chủ đầu tư là  Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Nhật Quang. Đến năm 2018, nhóm Suối Tiên Group đã mua lại Nhật Quang và sáp nhập vào CTCP Phát triển Địa ốc Sông Tiên - pháp nhân thuộc sở hữu của gia đình doanh nhân Đinh Thị Kim Dung - Phó TGĐ CTCP Du lịch Văn hóa Suối Tiên (Suối Tiên Group).

Sau khi trở thành chủ đầu tư mới của dự án, Địa ốc Sông Tiên vào năm 2020, với sự thu xếp của TPS - TPBank đã phát hành 1.160 tỷ đồng trái phiếu qua 5 đợt. Trong đó trực tiếp TPBank mua lô 250 tỷ đồng kỳ hạn 6 năm phát hành ngày 12/3/2020.

Cuối năm 2021, ở một động thái kín tiếng, nhóm Suối Tiên chuyển nhượng Địa ốc Sông Tiên cho các pháp nhân liên hệ với Tập đoàn Hưng Thịnh. Hiện tại, Tổng giám đốc Địa ốc Sông Tiên là ông Trương Văn Việt (SN 1972) – Tổng Giám đốc CTCP Hưng Thịnh Incons, “mắt xích” khác thuộc nhóm Hưng Thịnh.

Ngoài những cái tên kể trên, nhóm TPBank – TPS còn tham gia thu xếp nguồn vốn rất lớn cho nhóm Bamboo Capital hay Phúc Khang Corp. Hơn cả vai trò "bà đỡ" vốn, các pháp nhân liên hệ tới TPBank – TPS còn tham gia loạt giao dịch nhận chuyển nhượng tài sản là cổ phần và bất động sản với những đối tác kể trên. 

Thị trường vàng trong nước liên tục tăng nóng, chênh cao so với giá thế giới thời gian qua gây sức ép lớn đối với nền kinh tế trong nước. Tình trạng nhập lậu vàng khiến một lượng lớn ngoại tệ bị "chảy máu". Thời gian qua, Cơ quan Công an liên tục triệt phá nhiều đường dây buôn lậu vàng với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Trước thực trạng giá vàng trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội, Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2024 đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng. Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cũng tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh của cửa hàng vàng.

Trong một diễn biến khác, để bình ổn thị trường vàng, NHNN đang xem xét đề xuất bỏ độc quyền nhập khẩu vàng theo Nghị định 24 sửa đổi. Tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cũng đã gửi đề xuất và kiến nghị tới nhà quản lý về việc cho phép một số đơn vị tư nhân được nhập khẩu vàng, với tổng khối lượng 1,5 tấn/ năm.

Giới chuyên gia nhìn nhận, những động thái mạnh mẽ từ Chính phủ nhằm bình ổn thị trường vàng sẽ là cơ hội gia tăng thị phần cho các tên tuổi hàng đầu thị trường. Đây vốn là những doanh nghiệp có mức độ tuân thủ pháp luật cao, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra đều phải có hoá đơn chứng từ hợp pháp, đầy đủ.

Một trong những doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường vàng hiện nay là CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji của gia đình doanh nhân Đỗ Minh Phú.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ