Chủ tịch EuroCham: Cần đẩy nhanh việc triển khai quy hoạch điện VIII

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho rằng, năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư, tăng trưởng trên toàn nền kinh tế. Nhưng, Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu này nên một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng, do đó, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện, triển khai quy hoạch điện VIII.
ĐÌNH NGUYÊN
22, Tháng 04, 2023 | 13:15

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho rằng, năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư, tăng trưởng trên toàn nền kinh tế. Nhưng, Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu này nên một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng, do đó, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện, triển khai quy hoạch điện VIII.

Sáng 22/4, phát biểu tại hội nghị Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, dù phải đối mặt với một số rào cản nhưng Việt Nam được công nhận là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư.

Tuy nhiên, với tình hình kinh tế hiện nay, không có chỗ cho sự tự mãn. Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng.

Nói về chuyển đổi năng lượng xanh, ông Gabor Fluit cho rằng, đây là mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam. Nhưng, việc thực hiện chiến lược này chưa đáp ứng được kỳ vọng.

gabor-fluit

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế, đồng thời các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này. Nhưng thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, Việt Nam cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai quy hoạch điện VIII.

"Việt Nam cũng nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp nên được phép tham gia hơp đồng mua bán điện trực tiếp", ông Gabor Fluit nói và đề nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng các yêu cầu từ EU.

Đồng quan điểm, ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho rằng, trong lĩnh vực năng lượng, nhà đầu tư mong muốn Việt Nam đơn giản hoá và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện. Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết và sớm ban hành quy hoạch điện VIII.

"Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư chất lượng cao và nhiều trong số họ đã cam kết thực hiện lộ trình trung hoà carbon nên cần được tiếp cận năng lượng tái tạo sớm", ông Michael Michalak nói và đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch thí điểm thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DPPA).

Thách thức lớn cho mục tiêu Net Zero

Góp ý tại hội nghị, ông Hans Kerstens, Trưởng Quản lý các Khu công nghiệp Deep C cho rằng, Việt Nam phải đối diện với những thách thức lớn để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Bởi, rất ít quốc gia dám đặt các mục tiêu đầy tham vọng như vậy về mặt chuyển đổi năng lượng.

Vì vậy, để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng cho Net Zero vào năm 2050, Deep C đưa ra một số khuyến nghị cho Chính phủ.

Đầu tiên là huy động nhiều nguồn lực, trong đó có thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân và tạo khung pháp lý và quy định đầy đủ, minh bạch để thực hiện các mục tiêu. Đặc biệt, chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho các khu công nghiệp triển khai thuận lợi các sáng kiến phát triển năng lượng tái tạo, từng bước thay thế các nguồn năng lượng truyền thống. 

"Hiện nhiều tỉnh vẫn chưa cho phép các khu công nghiệp thành lập các công ty phân phối năng lượng của riêng họ và một hướng dẫn rõ ràng hơn về vấn đề này sẽ được đánh giá cao", ông Hans Kerstens nói.

Tiếp theo, cần sự hỗ trợ từ Trung ương và địa phương với việc phê duyệt  khảo sát, nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án năng lượng mặt trời để bổ sung điện cho hoạt động sản xuất, vận hành trong các khu công nghiệp.

Một vấn đề nữa là cần hài hòa các mục tiêu chuyển đổi năng lượng với các mục tiêu khác trong chiến lược phát triển bền vững. Đặc biệt, mô hình phát triển khu công nghiệp sinh thái cần được quan tâm nhiều hơn với sự hỗ trợ đầy đủ về khung pháp lý để hiện thực hóa các sáng kiến, linh hoạt tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

"Các chính sách, ưu đãi thiết thực cho mô hình khu công nghiệp sinh thái cũng cần được xem xét, tạo động lực cho nhiều khu công nghiệp tham gia vào cuộc cách mạng này", ông Hans Kerstens nhìn nhận.

Trong khi, ông Joseph Frank Uddo III, Chủ tịch Tập đoàn AES đánh giá, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu điện tăng đáng kể và ước tính sẽ cần 8-10 tỷ USD hàng năm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong thập kỷ tới để giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và dự báo thiếu hụt năng lượng.

Việt Nam cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng và đã cam kết mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Khu vực kinh tế tư nhân nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

"Chúng tôi hy vọng cải cách hành chính sẽ giúp đơn giản hóa và rút ngắn quy trình xem xét phê duyệt cho các dự án năng lượng", ông Joseph Frank Uddo III cho hay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ