Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam sẽ trở thành ‘công xưởng thế giới’ thay cho Trung Quốc?

Nhàđầutư
Trước thực trạng chi phí sản xuất ngày càng trở nên đắt đỏ, các công ty đa quốc gia (MNC) đang dần chuyển các dây chuyền sản xuất sang các nước có chi phí sản xuất rẻ hơn như Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đẩy nhanh tiến trình này.
CHÍ THÀNH
20, Tháng 09, 2018 | 11:00

Nhàđầutư
Trước thực trạng chi phí sản xuất ngày càng trở nên đắt đỏ, các công ty đa quốc gia (MNC) đang dần chuyển các dây chuyền sản xuất sang các nước có chi phí sản xuất rẻ hơn như Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đẩy nhanh tiến trình này.

Khi nước Mỹ hắt xì hơi, cả thế giới sẽ cảm lạnh, cây bút Paran Balakhrislan của tờ The Hindu Business Line ví von khi mở đầu bài viết về cơ hội của Việt Nam trong việc đón nhận dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc sang.

Vậy khi nước Mỹ, đang được dẫn dắt bởi vị Tổng thống có tính khí thất thường như ông Donald Trump, khởi động một cuộc chiến thương mại thì liệu toàn thế giới có nguy cơ mắc căn bệnh viêm phổi đầy nguy hiểm? Tác giả bài viết đặt tiếp câu hỏi.

Ngay trong lúc này, mục tiêu chính của ông Trump chính là Trung Quốc, nơi mà vị tổng thống Mỹ sẽ áp mức thuế 10% lên số hàng hóa trị giá tới 200 tỷ USD kể từ tuần tới.

Việc này sẽ có tác động tới toàn bộ châu Á, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. 

Hãy bắt đầu bằng Trung Quốc nhé. Đất nước này đang ở ngã tư đường, trước cả khi ông Trump ném trở lại quả bóng thương mại. Do Trung Quốc ngày càng trở nên thịnh vượng và tìm cách nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và làm ra nhiều mặt hàng có giá trị như hàng điện tử, tiền lương người lao động đã gia tăng và điều này làm giảm mức thu hút đối với các tập đoàn khổng lồ trên thế giới, vốn luôn tìm kiếm những nơi có các nhân công giá rẻ. Không chỉ thế, giá thuê đất tại các khu công nghiệp cũng liên tục leo thang, khiến cho chi phí cho các công ty nước ngoài ngày thêm đắt đỏ.

Trên thực tế, vài năm trở lại đây, các công ty như Adidas đã cắt giảm việc sản xuất tại Trung Quốc, và câu chuyện tương tự cũng đã diễn ra với Nike. Giờ thì đòn trừng phạt của ông Trump đã ảnh hưởng đến một số công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc. Thí dụ, công ty sản xuất đồ chơi Hasbro, vốn có tới ¾ tổng lượng sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc, nói đang chuyển việc sản xuất sang nước khác. Trớ trêu là hơn 90% số đồ chơi đang được bán ở Mỹ hiện được sản xuất tại Trung Quốc, theo các dữ liệu chính thức ở Mỹ. Một loạt các công ty khác nhỏ hơn cũng đang xáo xới khắp nơi trên thế giới để kiếm tìm địa điểm có nhân công và tiền thuê đất rẻ.

Và một số lĩnh vực trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang có nguy cơ rơi vào tình trạng tệ hơn, ví dụ như khu vực công nghệ cao đầy nhạy cảm. Khoảng 40% tổng lượng sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ hiện nay là các sản phẩm công nghệ cao, do các công ty con thuộc các công ty hàng đầu của Mỹ sản xuất ra. Những công ty này lại luôn cảnh giác và coi Trung Quốc như một đối thủ ở tầm toàn cầu, cho rằng luôn có nguy cơ về an ninh công nghệ khi các sản phẩm của họ được sản xuất ở nước này. Và gần như toàn bộ các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ lại sản xuất một tỉ lệ lớn các sản phẩm của họ ở Trung Quốc.

Dẫu vậy, dù cho những tiếng xì xầm nói xấu về Trung Quốc ngày càng nhiều thì nước này cũng còn lâu mới mất đi vị thế là xưởng sản xuất toàn cầu. Chỉ nói về số lượng công nhân thôi, Trung Quốc đã cung ứng một lượng nhân lực cực kỳ khủng khiếp. Năm 2014, riêng lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc ước tính đã sử dụng tới 120 triệu nhân công. Những tính toán gần đây hơn cho thấy con số này hiện đã tăng lên gấp đôi.

Điều này cũng giống như việc các công ty phần mềm khổng lô của Ấn Độ thích thuê các nhân công có kỹ năng cao của Hungary hay Lithuania thay vi sử dụng nhân công ở trong nước.

Việt Nam ‘ăn điểm’

SAMSUNG_FACTORY_BILLBOARD-quinn-ryan-mattingly-noipictures-36

Ảnh minh họa của Quinn Ryan Mattingly/NOI Pictures

Trong khi mối đe dọa của chiến tranh thương mại đang lan tràn khắp châu Á thì có một quốc gia đang làm tốt công việc mà Trung Quốc từng làm, và giờ tiếp tục chứng minh vị thế ngày một tốt đẹp của mình. Đó là Việt Nam, nơi được coi là có các điều kiện tương tự như Trung Quốc cách đây khoảng mươi mười lăm năm. Đó cũng là nơi tương đồng với Ấn Độ khi giấc mơ “Make in India” trước kia giờ trở thành “Made in Vietnam”.

Hãy trở lại với Adidas, công ty như trên đã nói cắt giảm sản xuất ở Trung Quốc và giờ có tới 40% sản phẩm giày của hãng được làm ở Việt Nam. Nike cũng sử dụng Việt Nam như một cứ điểm sản xuất lớn của hãng. Tương tự, hãng máy ảnh Olympus đã đóng cửa nhà máy của mình ở Thâm Quyến, Trung Quốc vào đầu năm nay để chuyển sang Việt Nam.

Samsung, một tập đoàn lớn của Hàn Quốc trước đây đã lâu từng coi Việt Nam là nơi có đầy tiềm năng để thúc đẩy sản xuất, mặc dầu mới đây đã mở rộng các cơ sở sản xuất của mình đến Noida (thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) nhưng vẫn coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chính cho các sản phẩm của hãng trên toàn cầu.

Trên thực tế, ¼ sản phẩm xuất khẩu của Samsung trên toàn cầu vào năm ngoái được sản xuất ở Việt Nam. Nhiều công ty khác của Hàn Quốc cũng đã đầu tư rất lớn vào Việt Nam. Chỉ tính trong quí 1 năm nay thôi, có tới 30% tổng lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là đến từ Hàn Quốc.

Đằng sau thành công của Việt Nam là gì? Trước hết, đó là vị trí địa lý đặc biệt của nước này: nằm không quá xa Hàn Quốc, và lại ở ngay cạnh Trung Quốc. Chính vì vậy, nhiều công ty Trung Quốc cũng đang chuyển sản xuất của họ sang Việt Nam, để ‘né thuế’ của Mỹ.

Cho dù những nguy cơ của lệnh trừng phạt Mỹ tới châu Á, Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã thu hút hơn 11 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam có dân số 90 triệu người, nên có thể không thể hãnh diện khi so sánh với thị trường khổng lồ của Ấn Độ. Tuy nhiên, với lực lượng lao động trẻ, được đào tạo, với các ưu đãi dành cho những tập đoàn lớn và sự ổn định chính trị, Việt Nam đang có những thế mạnh không thể phủ nhận. Chưa kể, ở một lĩnh vực khác, hiện Việt Nam đang là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau mỗi Brazil...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ