Cạnh tranh Trung - Mỹ và tác động đến cục diện quốc tế

Quan hệ quốc tế từ sau cuộc chiến Ukraine đang chuyển sang một giai đoạn mới với đặc điểm nổi bật là cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.
HẢI ĐĂNG
28, Tháng 05, 2023 | 07:30

Quan hệ quốc tế từ sau cuộc chiến Ukraine đang chuyển sang một giai đoạn mới với đặc điểm nổi bật là cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Câu chuyện bẫy Thucydides ngày nay

Đây sẽ là một trong những nhân tố quan trọng định hình cục diện thế giới, bởi cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc sẽ có tác động mang tính chi phối sâu rộng nhất tới điều chỉnh chính sách của các nước trong giai đoạn hiện nay cũng như trong nhiều năm tới. Các học giả đồng quan điểm với Giáo sư Graham Allison, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard rằng, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đang thách thức vị thế chủ đạo của Mỹ, khiến hai quốc gia này rơi vào bẫy Thucydides. Qua khảo sát 16 tình huống "nguy hiểm" khi một cường quốc lâu năm bị thách thức bởi một quyền lực mới đang lên, Giáo sư Graham Allison đã phát hiện rằng có 12 trường hợp đối đầu kết thúc bằng một cuộc xung đột công khai, thậm chí là dẫn đến chiến tranh thế giới.

My-Trung

Quan hệ quốc tế từ sau cuộc chiến Ukraine đang chuyển sang một giai đoạn mới với đặc điểm nổi bật là cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh minh họa: Internet

Trên cơ sở phân tích số liệu kinh tế giai đoạn 1983 - 2023 cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình của các nước lớn trong giai đoạn này là: Trung Quốc tăng 9,78%/năm, Mỹ: 2,8%/năm; Anh: 2,33%/năm, Pháp: 1,99%/năm, Đức: 1,88%/năm, Nhật Bản: 1,52%/năm, Liên minh châu Âu (EU): 2,27%/năm. Như vậy trong vòng 40 năm qua, so với các cường quốc trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), mỗi năm, Trung Quốc có mức tăng trưởng trung bình cao từ 3,5 đến 5,2 lần. Nhờ tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong suốt bốn thập niên qua, GDP đầu người của Trung Quốc từ 347 USD (năm 1990) tăng lên 12.970 USD (năm 2022), tăng cao gấp 37,4 lần, trong khi đó số lần tăng của Mỹ, Anh, Pháp, Đức lần lượt là 3,2; 2,4; 2,3 và 1,9 lần.

Về quy mô quốc gia, năm 1990, nền kinh tế Trung Quốc chỉ bằng 1/16 nền kinh tế Mỹ và 1/16 kinh tế EU; đến năm 2021, Trung Quốc chính thức vượt EU và dự kiến đến năm 2030 sẽ vượt Mỹ. Theo các chuyên gia, chiều hướng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc sẽ còn kéo dài trong nhiều thập niên tới. Sự phát triển và tương quan so sánh sức mạnh Mỹ - Trung Quốc sẽ còn diễn biến phức tạp và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Mặc dù Trung Quốc sẽ tiếp tục là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và về mặt danh nghĩa, tương quan sức mạnh có thể sẽ ngang bằng Mỹ, nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm nợ. Tính đến cuối năm 2019, dư nợ của Trung Quốc đã ở mức 263% GDP, cao hơn con số 255% của Mỹ. Gánh nặng nợ của Trung Quốc có thể tăng lên hơn nữa khi dân số già đi và một số lượng lớn người về hưu. Chất lượng phát triển khoa học - kỹ thuật và quân sự trong tương quan giữa hai nước cũng là một chủ đề phức tạp.

Hơn nữa, nước Mỹ hiện có mạng lưới đồng minh, đối tác nổi trội hơn, song Trung Quốc cũng đang tranh thủ các nguồn "sức mạnh mềm" để gia tăng ảnh hưởng tại các tổ chức quốc tế, các khu vực một cách đáng kể và tiến trình này còn có thể kéo dài trong nhiều năm tới. Ngoài ra, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh cục diện thế giới đang định hình, rất khó đoán định sẽ phát triển như thế nào trong tương lai. Xu hướng đa cực, đa trung tâm đang diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia, giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh có thể đã kết thúc, song chưa rõ cục diện mới với các quy luật, chuẩn mực, định chế cụ thể nào sẽ chi phối quan hệ quốc tế do làn sóng phản đối toàn cầu hóa ngày càng tăng, quản trị toàn cầu trở nên khó khăn hơn và nhiều luật lệ quốc tế đang bị thách thức.

Tác động đến các nước lớn khác

Cạnh tranh Mỹ - Trung tác động đến điều chỉnh chính sách của các nước lớn khác. Về cơ bản nhiều nước ủng hộ Mỹ trong việc gia tăng sức ép kinh tế, khoa học - công nghệ với Trung Quốc nhằm thúc đẩy cạnh tranh công bằng, đồng thời giảm thâm hụt thương mại và sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, tạo điều kiện phát triển bền vững cho các nước trong khu vực và cơ hội hợp tác nhiều hơn cho các nước lớn khác. Tuy nhiên, những nước này cũng thận trọng trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Về dài hạn, các nước lớn không mong muốn Mỹ hay Trung Quốc sẽ đạt lợi thế vượt trội so với đối thủ, vì sợ sẽ phá vỡ thế cân bằng hiện tại. Một mặt, các nước cũng không muốn cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ, bởi điều này có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn đối với thế giới. Qua điều chỉnh chính sách trong thời gian qua, dường như các nước lớn tiếp tục mong muốn duy trì một trật tự thế giới đa cực hơn và có các “luật chơi” về an ninh, kinh tế, môi trường.

Mặt khác, các nước lớn không muốn quá phụ thuộc vào Mỹ hay Trung Quốc cũng như thận trọng với khả năng hợp tác "thực chất' của cả hai nước này. Trong khi tiếp tục chia sẻ nhiều giá trị chung về phát triển với Mỹ, thì EU và nhiều quốc gia châu Âu không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ trong vấn đề an ninh. Cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay cũng bộc lộ những mâu thuẫn giữa EU với Mỹ trong phối hợp xử lý khủng hoảng. Ngoài ra, trong khi các nước vừa muốn tăng cường hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc, vừa lo ngại về bẫy nợ, sự phụ thuộc vào kinh tế - thương mại. Trong khi Mỹ đang đầu tư chiến lược vào Ấn Độ Dương  - Thái Bình Dương để gia tăng sức ép với Trung Quốc trong dài hạn (cho phép Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm khoảng 5 tỷ USD cho mục tiêu này trong giai đoạn 2022 - 2027) thì thực chất, Mỹ chỉ dành một khoản rất nhỏ để chi cho các đối tác Đông Nam Á (đợt đầu chỉ dành 500 nghìn USD cho mục tiêu tăng cường hợp tác quốc phòng với 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á).

Trong bối cảnh trên, nâng cao năng lực tự chủ là nhân tố quan trọng. Ứng phó với một thế giới có nhiều thay đổi, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc có thể còn kéo dài và nhiều phức tạp, các bài học thiếu hụt năng lượng và hàng tiêu dùng thiết yếu do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra... khiến các nước lớn đều phải chú trọng tiếp tục phát triển năng lực tự chủ. Các nước lớn tiếp tục nâng cao năng lực tự chủ, thể hiện qua việc nỗ lực có các chính sách phát triển độc lập hơn, chú trọng thúc đẩy quan hệ với các quốc gia tầm trung, các nước vừa và nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, môi trường... trong hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại.

Trong cục diện quốc tế hiện nay, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn khác đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, như hòa bình, hợp tác và phát triển có tiếp tục là xu thế lớn hay không khi trục quan hệ Mỹ - Trung Quốc vốn mang tính định hình thế giới đi vào thế đối đầu toàn diện hơn trong tương lai? Xu hướng tăng cường tự chủ chiến lược của các nước có làm cho toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế không còn là xu hướng phổ biến hay không? Cạnh tranh kinh tế và cạnh tranh chiến lược sẽ tác động đến việc giải quyết các điểm nóng trên thế giới như thế nào?...

Về điều chỉnh chính sách đối ngoại, với xu thế hiện nay của cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc (cạnh tranh toàn diện song trong mức độ kiểm soát được) và sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn khác, với lợi thế cả về mặt địa lý, thành công trong đổi mới và hội nhập quốc tế, vị thế quốc tế và khu vực đang gia tăng trên trường quốc tế,... Việt Nam cần tranh thủ thời cơ thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường hợp tác với tất cả các nước, bao gồm cả quan hệ chiến lược với các nước lớn (gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ...), cũng như phát triển quan hệ với các nước khác.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ