Cần giải pháp đồng bộ đối với năng lượng mới

An ninh năng lượng quốc gia là vấn đề quan trọng được đảng, nhà nước, người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm, nhưng đang tồn tại cách tiếp cận khác nhau.
GS.TSKH NGUYỄN MẠI
04, Tháng 05, 2020 | 06:06

An ninh năng lượng quốc gia là vấn đề quan trọng được đảng, nhà nước, người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm, nhưng đang tồn tại cách tiếp cận khác nhau.

Do đó sau vài năm có nhiều dự án điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo được khởi công, đưa vào hoạt động, hiện có vẻ đang lắng xuống vì nhà đầu tư chờ đợi Chính phủ có các giải pháp đồng bộ, dài hạn đối với chiến lược năng lượng, trong đó có năng lượng mới.

Năng lượng truyền thống

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 khoảng 212 tỷ kWh, chủ yếu là thủy điện, nhiệt điện than và điện khí.

Tổng công suất thủy điện của Việt Nam trên lý thuyết vào khoảng 35.000 MW, 60% tại miền Bắc, 27% ở miền Trung và 13% tại miền Nam.

Các dự án thủy điện có công suất trên 100 MW hầu như đã được khai thác. Năm 2018 có 80 nhà máy thủy điện lớn và thủy điện vừa đang được vận hành với tổng công suất lắp máy là 15.999MW, chiếm khoảng 32% tổng sản lượng điện.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia năng lượng, thủy điện đang phát sinh một số vấn đề như điều tiết nguồn nước để vừa bảo đảm nhu cầu phát điện vừa đáp ứng nước tưới tiêu cho nông nghiệp, không gây ra ngập úng, hạn hán; hàng trăm dự án thủy điện nhỏ gây tác động tiêu cực đối với môi trường; nước ta không còn nhiều dư địa để phát triển thủy điện.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực đã sửa đổi mục tiêu của Quy hoạch điện VII điều chỉnh, theo đó năm 2020 điện than chiếm 33,2% tổng công suất điện (giảm gần 6.000MW), điện khí chiếm 14,8% (không thay đổi), thủy điện chiếm 30,1%, thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo chiếm 20,3% (cao hơn 10,3%). Sản lượng điện gió và điện mặt trời đạt 12 tỷ kWh, (bằng 3 lần mục tiêu của Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo).

Năm 2025 điện than chiếm khoảng 37,1% tổng công suất điện (giảm 13% ); điện khí chiếm 13,7%, (không thay đổi); thủy điện chiếm 18,2%, thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo chiếm 25,5% (cao hơn gần 13%). Sản lượng điện gió và điện mặt trời đạt 36 tỷ kWh (cao hơn 2,6 lần mục tiêu của Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo).

Năm 2030 điện than chiếm khoảng 33,6%tổng công suất điện ( giảm 9%), điện khí chiếm19%, (tăng 4%), thủy điện chiếm 13%; thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo chiếm 27% (cao hơn 6%).

Về cơ cấu điện năng: điện than chiếm 42%, (thấp hơn 11%), điện khí chiếm 27,5% (tăng 10%), thủy điện chiếm 12,5%; thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo chiếm 14% (cao hơn 4%). Sản lượng điện gió và điện mặt trời đạt 55 tỷ kWh (vượt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo 4 tỷ kWh).

Những con số trên đây đã thể hiên sự thay đổi của cơ cấu điện năng đến năm 2025 và 2030 theo hướng năng lượng tái tạo đã được coi trọng, nhưng điện than chiếm tỷ trọng cao nhất cả về nguồn điện và sản lượng điện.

Điện than Bài viết này không bàn về thủy điện và điện khí do có sự đồng thuận của các chuyên gia kinh tế, mà trình bày một số vấn đề liên quan đến điện than.

Trên thế giới, điện than đang đóng vai trò chính trong sản lượng điện của nhiều nước.

Sản lượng điện than năm 2017 là 9.723,4 tỷ kWh, chiếm 38,1% tổng sản lượng điện thế giới. Các nước có điện than chiếm tỷ trọng cao gồm Nam Phi (87,7%), Ba Lan (78,8%), Ấn Độ(76,3%), Trung Quốc (67,2%), Kazaxtan (62,4%), Australia (61,3%), Inđonesia (58,5%), Đài Loan (46,8%), Hàn Quốc (46,3%), Malaysia (44,7%),Đức (37%), Nhật Bản (33,6%), Thổ Nhĩ Kỳ (33%), Ucraina (32,2%), Mỹ (30,7%).

Trong những năm gần đây, nhiều nước đã đóng cữa một số nhà máy điện than do mức độ phát thải khí nhà kính quá cao, cạn kiệt nguồn than trong nước, có các năng lượng khác tốt hơn thay thế. Trung Quốc hiện có 112 GW công suất điện than không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và có thể ngừng hoạt động. Để thực hiện cam kết tại thỏa thuận Paris 2015, nước này đã đóng cữa một số nhà máy điện than và đang hướng tới giảm sự phụ thuộc vào than đá.

Theo Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), trong ba năm qua tổng công suất các nhà máy điện than mới ở khu vực Đông Nam Á liên tục giảm mạnh. Nếu như năm 2016 tổng công suất là 12.920 MW thì năm 2017 giảm hơn một nửa, còn 6.355 MW và tiếp tục giảm còn 2.744 MW trong năm 2018.

Đối với Việt Nam có hai vấn đề liên quan đến điện than cần được bàn thảo: Một là gây ô nhiễm môi trường. Các sản phẩm của quá trình đốt than phát tán ra môi trường bao gồm bụi SOx, NOx, CO2. Khí SO2 phát thải sẽ gây mưa axit và do đó tác động lớn đến hệ sinh thái. Lượng nước làm mát bình ngưng của các nhà máy (khoảng 120÷150 lít/kwh), nước làm vệ sinh nhà xưởng và các loại nước thải rất lớn. Chất thải rắn sinh ra trong quá trình đốt gồm tro bụi, xỉ trong nhiên liệu thanđược vận chuyển và lưu chứa tại các bãi thải xỉ có thểchiếm diện tích lớn, gây ô nhiễm bụi, nước thải.

Theo GEM, mức phát thải CO2 từ ngành năng lượng bình quân đầu người năm 2017 (tấn/người):của thế giới là 4,44, Mỹ 15,64, Hàn Quốc 13,22, Nhật Bản 9,09, Đức 9,19, Malaysia 8,10, Trung Quốc 6,66, Thái Lan 4,52, Indonesia 1,94, Việt Nam 2,01.

Dự án hợp tác nghiên cứu giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế Áo (IIASA) công bố tháng 10/2018 cho biết: năm 2015 các nguyên nhân đóng góp vào nồng độ PM2.5 trong không khí tại Hà Nội từ phát thải giao thông đường bộ (25%), nhiệt điện và công nghiệp lớn (20%), hoạt động sinh hoạt, đun nấu sử dụng sinh khối (15%), phát thải ammonia trong chăn nuôi và sử dụng phân bón (15%) và đốt phụ phẩm nông nghiệp (7%). Nghiên cứu cho thấy khi công suất nhiệt điện than tăng lên theo quy hoạch, điện than có thể trở thành nguồn đóng góp gia tăng nhanh nhất vào nồng độ PM2.5 tính trung bình cả năm ở Hà Nội.

Dự án Burden of Disease from Rising Coal-FiredPower Plant Emissions in Southeast Asia do nhóm các nhà khoa học Đại học Harvard tiến hành cũng có kết quả tương tự; nổi bật nhất là ước tính các nhà máy điện than gây ra 4.252 cái chết sớm (premature death) ở Việt Nam năm 2011, tăng lên 19.223 cái chết sớm vào năm 2030, gấp 4,5 lần.

Hai là lượng than nhập khẩu rất lớn và tăng nhanh. Theo Tổng cục Hải Quan, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 43,85 triệu tấn than, trị giá 3,7 tỷ USD, tăng 112,3% so với năm 2018. Dự báo trong giai đoạn 2020-2030, số lượng than nhập khẩu tăng nhanh, khoảng 80 triệu tấn vào 2025 để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện than. Indonesia chiếm trên 50%, Australia khoảng 25% và Nga gần 15% là ba nước có lượng than xuất khẩu vào Việt Nam nhiều nhất.

Lượng than nhập khẩu gia tăng nhanh chóng đặt ra những vấn đề đối với trong nước và các đối tác bên ngoài. Ở trong nước là cần diện tích đất rất lớn để xây dựng nhiều bãi chứa than; cảng than nhập khẩu phải là cảng nước sâu tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, cần có vốn đầu tư xây dựng cảng và mua sắm trang thiết bị.

Ở ngoài nước là giá cả biến động và tính ổn định của đối tác chính. Khó có thể dự báo chính xác giá than trên thị trường thế giới vì phụ thuộc vào nhiều nhân tố; càng khó bảo đảm tính ổn định của các nhà cung ứng than vì các nước đó cũng phải thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, giảm dần khai thác khoáng sản, bao gồm than.

Nước ta đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh, đang đối mặt với hạn hán, lũ lụt, thay đổi khí hậu bất thường, do đó cần quan tâm đến yếu tố môi trường trong phát triển điện than, đóng cữa những nhà máy gây ô nhiễm môi trường, đổi mới công nghệ các nhà máy đang họat động, chỉ nên xây dựng nhà máy mới nếu thật sự không có nguồn điện khác thay thế.

dien gio 3

 

Năng lượng mới

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo chiếm đến 2/3 các nguồn năng lượng mới trên thế giới trong những năm qua, trong đó đi đầu là năng lượng mặt trờì phát triển nhanh nhất, tăng 50% trong năm ngoái. IEA cho rằng, năng lượng tái tạo ngày càng có khả năng cạnh tranh cao về giá với nguồn hóa thạch. Điển hình, những dự án điện mặt trời và điện gió liên tục lập kỉ lục giá rẻ trong những đợt đấu thầu ở nhiều quốc gia.

Dự báo công suất năng lượng mặt trời năm 2022 bằng 50% công suất điện than, trở thành nguồn năng lượng lớn nhất trong các nguồn năng lượng tái tạo.

Giáo sư Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA nhận định: “Điều mà chúng ta đang chứng kiến chính là sự ra đời của một kỷ nguyên năng lượng mới”.

Trung Quốc và Ấn Độ chiếm khoảng 1/3 mức tăng thêm công suất điện mặt trời trong năm ngoái nhờ vào chính sách khuyến khích của Chính phủ và công nghệ mới làm giảm chi phí đầu tư và giá thành điện.

Trung Quốc hiện chiếm một nửa số tấm pin mặt trời trên thế giới. Ấn Độ được dự đoán sẽ là một quả “bom” năng lượng mặt trời trong 5 năm tới, khi những nút thắt về cơ sở hạ tầng và thiết bị kĩ thuật được khắc phục; công suất năng lượng tái tạo Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi, vượt qua cả mức tăng trưởng của liên minh Châu Âu (EU). Hà Lan cam kết ngừng khai thác nhiệt điện than vào năm 2030.

Ở Việt Nam, từ khi có Chính sách và cơ chế khuyến khích vào giữa năm 2017 đầu tư vào điện mặt trời, điện gió có những bước tiến lớn.

Tại Long An, hiện có 16 dự án điện mặt trời đã và đang triển khai với tổng công suất 1.072 MW. Tại Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây nguyên, Tây Ninh và nhiều địa phương khác có gần một trăm dự án điện mặt trời và điện gió. Không chỉ các doanh nghiệp lớn trong nước, Việt Nam đang nổi lên thành điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo số liệu mới nhất, đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất 17.000 MW.

Tính đến cuối tháng 6/2019, có 9 dự án điện gió với tổng công suất 304,6 MW được đưa vào vận hành, 82 dự án điện mặt trời với công suất 4.464 MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Tuy vậy từ nhiều tháng gần đây, nhiều nhà đầu tư không hoặc chậm triển khai dự án đã được cấp phép, ít có dự án đầu tư mới do nhà đầu tư trong nước và quốc tế chờ đợi chính sách và cơ chế của Chính phủ mà lẽ ra phải được ban hành ngay khi hết thời hạn ưu đãi giá mua điện tái tạo vào giữa năm 2019.

Từ kinh nghiệm quốc tế và của nước ta, cần có hệ thống giải pháp ổn định, dài hạn để tận dụng lợi thế của quốc gia vùng nhiệt đới giàu nắng, gió để phát triển điện năng, thay thế dần năng lượng truyền thống.

Một là chính sách ưu đãi đầu tư. IEA khuyến cáo các quốc gia phải tiếp tục ban hành những chính sách linh hoạt hơn để thúc đẩy nguồn năng lượng xanh trên toàn cầu. Chính phủ cần coi đầu tư năng lượng tái tạo thuộc diện ưu tiên cao nhất để áp dụng chính sách đất đai, giảm miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu nhằm bảo đảm tỷ suất lợi nhuận của dự án đầu tư cao hơn tỷ suất lợi nhận trung bình trong từng giai đoạn, do đó nhà đầu tư có thể thu hồi vốn nhanh, quay vòng vốn để tái đầu tư tăng công suất phát điện. Không nên đề ra chính sách ngắn hạn để tạo nên phong trào sôiđộng trong một giai đoạn ngắn, sau đó lắng xuống donhà đầu tư không yên tâm triển khai dự án vì thiếu lòng tin do chính sách thay đổi.

Hai là tránh chiếm dụng quá nhiều đất bằng phẳng. Nhà máy điện mặt trời, điện gió được xây dựng trên diện tích đất hàng trăm ha; một vài địa phương đã giao cả đất có thể canh tác cho nhà đầu tư mà không chú trọng hiệu quả kinh tế- xã hội. Do đó cần cấp đất cho dự án điện tái tạo chủ yếu tại vùng đồi, đất cát, mặt nước, hạn chế tối đa sử dụng đất nông nghiệp; coi trọng ứng dụng công nghệ mới để tiết kiệm diện tích đất.

Australia đã xây dựng kiểu nhà máy mà tất cả pin mặt trời hay tế bào quang điện với nhiệm vụ biến đổi các tia sáng mặt trời trực tiếp thành điện năng đều đặt nổi trên mặt nước.

Để chủ động trong việc lựa chọn dự án đầu tư, những địa phương có tiềm năng lớn đối với năng lượng tái tạo cần xây dựng quy hoạch chi tiết, bài bản đối với điện mặt trời, điện gió.

Ba là công nghệ. Trên thế giới có hai loại côngnghệ điện mặt trời chính là công nghệ quang năng SPV và công nghệ hội tụ năng lượng mặt trời CSP (concentrated solar power) hay còn gọi là Công nghệ nhiệt năng mặt trời STE (Solar thermal energy) thay hệ thống các pin mặt trời bằng hệ thống những gương phản chiếu nhằm tập trung ánh sáng mặt trời từ một không gian rộng lớn vào một diện tích nhỏ bé. Nhà máy điện mặt trời theo công nghệ quang năng SPV có thể phân thành 2 loại tương ứng với sử dụng 2 công nghệ khác nhau, pin đặt trên mặt đất hay pin đặt trên mặt nước.

Để phát triển bền vững thì nước ta cần quan tâm đến lựa chọn công nghệ thích hợp để đạt được mục tiêu vừa phát triển năng lượng sạch, vừa bảo đảm các mục tiêu khác như sử dụng có hiệu quả đất đai vốn là nước đứng thứ 110 thế giới.

Bốn là tiết kiệm điện năng. Trong những năm gần đây chủ trương tiết kiệm điện bằng các giải pháp kinh tế- kỷ thuật đã đem lại kết quả rõ rệt. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng điện 10%/năm vẫn còn cao hơn nhiều nước ASEAN, trong khi việc tích hợp hiệu quả năng lượng chưa được các chủ đầu tư chú trọng; ví dụ, nhiều tòa nhà cao tầng đang lãng phí từ 20-40% điện năng.

Chính sách năng lượng quốc gia cần bao gồm tiết kiệm điện trong các dự án đầu tư, trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Nước Anh, từ năm 2016 quy định các tòa nhà cao tầng chỉ được cung cấp một mức năng lượng nhất định, còn lại buộc phải tự sản xuất điện, sử dụng điện tiết kiệm. Cần có cơ chế xử phạt, khen thưởng để khuyến khích hay răn đe, để người tiêu dùng tiết kiệm điện. Trong cơ cấu sử dụng điện của Việt Nam, công nghiệp chiếm 55%, sinh hoạt chiếm 32%. Nếu điện thương phẩm toàn quốc là 100 tỷ kWh, chỉ cần mỗi lĩnh vực này tiết kiệm được 1% thì hiệu quả mang lại là không phải xây dựng thêm nhà máy công suất 1.000 MW.

Năm là nghiên cứu & phát triển. Là nước ở vùng nhiệt đới, giàu nắng, gió, có bờ biển dài trên 3000km, nhiều hải đảo, có tiềm năng rất lớn đối điện mặt trời, điện gió, trong tương lai cả điện thủy triều, do đó cần huy động một số viện nghiên cứu của nhà nước, của các tổng công ty năng lượng và của tập đoàn tư nhân thành lập trung tâm nghiên cứu năng lượng mới để tiếp thu công nghệ tiền tiến của thế giới, từng bước sáng tạo công nghệ Việt Nam nhằm chủ động trong việc xây dựng chiến lược năng lượng quốc gia, lựa chọn công nghệ hiện đại của dự án năng lượng mới.

Cần có chính sách ưu đãi thỏa đáng để khuyến khích nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không những đầu dự án năng lượng mới, mà cả dự án sản xuất tấm pin mặt trời, tuốc- bin gió và vật tư xây dựng điện để giảm dần nhập khẩu, tự cân đối trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24605.00 24925.00
EUR 26271.00 26377.00 27542.00
GBP 30600.00 30785.00 31733.00
HKD 3104.00 3116.00 3217.00
CHF 26884.00 26992.00 27832.00
JPY 159.53 160.17 167.59
AUD 15865.00 15929.00 16416.00
SGD 18063.00 18136.00 18675.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17891.00 17963.00 18494.00
NZD 0000000 14617.00 15106.00
KRW 0000000 17.67 19.28
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ