Cần có 'quỹ bảo hiểm rủi ro' cho cán bộ dám nghĩ, dám làm

"Để hóa giải nỗi sợ sai trong một số bộ phận cán bộ có thể xây dựng quỹ bảo hiểm rủi ro để họ được bảo vệ, yên tâm dấn thân, công tác", ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị.
ĐÌNH NGUYÊN
26, Tháng 04, 2023 | 15:24

"Để hóa giải nỗi sợ sai trong một số bộ phận cán bộ có thể xây dựng quỹ bảo hiểm rủi ro để họ được bảo vệ, yên tâm dấn thân, công tác", ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị.

Ngày 26/4, Báo Tiền phong tổ chức Tọa đàm "Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung".

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia là nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện hiệp hội doanh nghiệp... đánh giá về thực trạng và nguyên nhân dẫn đến tình trạng sợ sai, không dám quyết, dám làm của một số bộ phận cán bộ. Từ đó, đưa ra kiến nghị, giải pháp để hóa giải nỗi sợ sai cho họ, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang xây dựng Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Đáng chú ý, kiến nghị của ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc có thể xây dựng "quỹ bảo hiểm rủi ro" cho người dám nghĩ, dám làm.

le-nhu-tien

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: TPO.

Theo ông Tiến, những người đã làm đúng thì không sợ sai. Nhưng, thực chất vẫn có một số rủi ro, kẽ hở của pháp luật, các nguyên nhân khách quan khiến cán bộ tưởng đúng mà thực tế lại thành sai.

Để hoá giải điều này, cần sớm xây dựng quy định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Thậm chí, có thể xây dựng "quỹ bảo hiểm rủi ro", giống như trong nghiên cứu khoa học, trong thám hiểm, để những người dám nghĩ, dám làm được bảo vệ, yên tâm dấn thân, công tác.

Ông Tiến nói thêm, vấn đề nóng bỏng này được quan tâm, đề cập nhiều trong thời gian qua, do chính thực trạng của cuộc sống như việc các bệnh viện thiếu vật tư y tế, nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, đời sống, đất đai cũng tương tự. Tình trạng sợ sai đã ảnh hưởng đến nhiều mặt, lan rộng sang lĩnh vực khác.

Vị chuyên gia này cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do vấn đề quản lý, ngồi vị trí.

"Ví dụ như một giáo sư, tiến sĩ về tim mạch lại làm quản lý bệnh viện. Tôi không bảo vệ các giám đốc bệnh viện nhưng do luật của chúng ta đôi lúc chưa rõ ràng. Thậm chí, chỉ nhận vì tiền hoa hồng mà một số cán bộ trở thành tội phạm", ông Tiến nói và cho biết, pháp luật còn nhiều kẽ hở và phải tìm cách bịt các kẽ hở này.

Bên cạnh đó, ông Tiến nhìn nhận, cũng từ nguyên nhân luật chưa rõ ràng nên đã khiến cho tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc; không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền ngày càng có chiều hướng gia tăng.

"Tôi nghĩ, chúng ta chưa trao "thượng phương bảo kiếm" cho những người dám nghĩ, dám làm. Để giờ cấp quyết định không dám quyết, cấp tham mưu không dám lên tiếng. Bài học từ một số trường hợp vướng vòng lao lý khiến cán bộ từ trì trệ đến đình trệ, từ giảm lửa đến tắt lửa, từ dấn thân đến phòng thân", ông Tiến cho hay.

Vì vậy, chúng ta cần phải xem lại luật để các cán bộ thực thi pháp luật, các quan chức công quyền có văn bản pháp luật bảo vệ, có chế độ đãi ngộ riêng. Đồng thời, đồng thời đề xuất hình thức quỹ để đảm bảo rủi ro cho những người dám nghĩ, dám làm.

Người làm đúng thì không sợ

Trình bày quan điểm tại tọa đàm, TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, trong thực thi công vụ, đa số cán bộ, công chức đều tận tâm với công việc. Tình trạng cán bộ không dám ký văn bản thường liên quan đến các lĩnh vực như đấu thầu, đầu tư, quản lý đất đai, do lo sợ có vấn đề sai phạm.

Một bộ phận cán bộ giữ vị trí tham mưu, đề xuất dự án đầu tư, công trình, cầu đường, cơ sở đất đai, vốn là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, do trình độ năng lực yếu kém, lại lo sợ liên đới, trách nhiệm nên sẽ làm cầm chừng, co cụm.

"Theo dõi, tiếp xúc, trao đổi với anh em, có người được hỏi vì sao không dám làm thì họ nói sợ sau này xảy ra sai phạm. Nhưng tôi không nghĩ tình trạng sợ sai là "bệnh truyền nhiễm" mà đó chỉ là tâm lý của một số bộ phận", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, đối với những cơ quan tham mưu, hoạch định, mang tính chất nghiệp vụ chuyên môn, cán bộ vẫn làm việc bình thường. Tình trạng cán bộ sợ sai thường xảy ra ở những cơ quan từng bị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Để giải quyết tâm lý sợ sai của cán bộ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, cần căn cứ vào quyền hạn, chức trách để xử lý, cương quyết với hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời cần tuyên truyền, thống nhất nhận thức rằng chỉ những người làm không đúng pháp luật, làm mà nghĩ đến lợi ích riêng mới phải lo sợ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ