[Cafe cuối tuần] Thiên tai thời mới, phải phòng tránh cách mới!

Nhàđầutư
Bão lũ ở miền Trung vẫn đang tiếp tục diễn biến khó lường. Mối đe dọa bất ngờ và rất lớn từ thiên tai vẫn đang treo trước mắt và trên đầu đồng bào miền Trung. Thiên tai bây giờ là thiên tai của thời mới, cần phải ứng xử theo cách thức mới với những năng lực vượt trội hơn.
NGUYỄN THÀNH PHONG
31, Tháng 10, 2020 | 07:03

Nhàđầutư
Bão lũ ở miền Trung vẫn đang tiếp tục diễn biến khó lường. Mối đe dọa bất ngờ và rất lớn từ thiên tai vẫn đang treo trước mắt và trên đầu đồng bào miền Trung. Thiên tai bây giờ là thiên tai của thời mới, cần phải ứng xử theo cách thức mới với những năng lực vượt trội hơn.

Chính phủ, các cơ quan chức năng ở Trung ương và tại địa phương, cơ sở, lực lượng quân đội, biên phòng, công an… đang căng mình hết sức để cùng người dân chống đỡ. Nhân dân cả nước đồng lòng chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ…

41850CCE-7009-459C-9B4D-3F58BA95920D

Sau Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, lũ lại tiếp tục cô lập nhiều nơi Nghệ An.

Mỗi thiệt hại ghê gớm vừa qua đã thể hiện những khía cạnh mới và khác nhau về mức độ hoành hành của thảm họa thiên tai trong thời nay. Sạt lở vùi lấp công nhân ở Thủy điện Rào Trăng còn có thể phần nào dự báo trước, là do chủ quan và thiếu tỉnh táo của con người.

Nhưng các vụ việc tiếp sau đó thì đã vượt qua rất nhiều so với dự đoán thông thường. Vụ sạt lở ở Tiểu khu 67 là quá mức lường trước. Vụ núi lở ở đơn vị 337 là khó hình dung về quy mô và mức độ tàn phá. Những vụ sạt lở núi, sạt lở đất mới nhất vùi lấp người dân ngay sau khi cơn bão số 9 đổ bộ vào thì không thể bao quát hết để phòng tránh...

Ngay trong những ngày vừa qua, chúng ta đã rút ra những kinh nghiệm và bài học mới để phòng và tránh được phần nào hậu họa của thiên tai. Trong các chỉ đạo phòng chống và khắc phục hậu quả mưa bão tại miền Trung, các cấp có trách nhiệm đã áp dụng những bài học nóng hổi ấy để hạn chế thiệt hại. Đồn biên phòng Cha Lo nhanh chóng rút ra khỏi nơi đóng quân trước khi đất núi tràn ụp xuống. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các đơn vị rà soát toàn diện địa điểm đóng quân để gia cố hoặc chuyển quân đi nơi khác để tránh hậu họa.

Trong các chỉ đạo của Thủ tướng cho đến các cấp, từ bộ ngành trở xuống, đều nhắc đến chuyện trước hết phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia cứu hộ, tránh những nguy hại rất khó lường trước. Một kế hoạch sơ tán dân và đối phó khá kỹ càng được gấp rút triển khai trước cơn bão số 9 lịch sử càn quét vào, đã hạn chế ở mức rất thấp thiệt hại về con người. Một trạm chỉ huy tiền phương được thiết lập và các đoàn cứu hộ đã kịp thời đến với Trà Leng và vùng rừng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi để cấp cứu, hỗ trợ những người bị thương, bị đói khát và hoảng loạn...

Bão lũ gây tác hại tiêu cực lớn đến đời sống dân sinh và phát triển ở miền Trung nước ta không phải là điều bất ngờ, vì bao nhiêu năm qua đã diễn ra như vậy. Nhưng mức độ thiệt hại, nhất là sinh mạng con người, như vừa qua là rất bất ngờ, chưa lường đến được. Điều đó cho thấy, thiên tai bây giờ đã không còn như trước nữa. Thiên tai thời mới đã xuất hiện với nhiều cách thức mới, là tổng hợp nhiều hình thức thảm họa, từ quy mô, mức độ tàn phá và hậu quả bất ngờ gây ra.

Thiên tai bây giờ là cộng hưởng từ rất nhiều sai lầm do con người tạo ra và tích tụ lại, cùng với biến đổi khí hậu, thay đổi thời tiết, sẽ luôn luôn chờ dịp để bùng phát, gây ra tai họa ghê gớm hơn trước đây rất nhiều… Dù chúng ta đã có hình dung, đã dự báo trước, đã lên kế hoạch ứng phó và mức độ ứng phó đã khá cao, nhưng rõ ràng, so với thực tế, thì sự chuẩn bị ấy là chưa đủ, chưa tương xứng với tình trạng diễn ra, và cũng vì thế, thiệt hại rất lớn đã xảy ra…

Việt Nam là một quốc gia được thiên nhiên ưu đãi, nhưng cũng là nơi thể hiện tập trung những diễn biến xấu nhất của thay đổi thời tiết, biến đổi khí hậu và hậu quả tàn phá thiên nhiên của con người. Những ứng phó với thiên tai vừa qua của chúng ta, dù tập trung và quyết liệt, thì vẫn là theo những cách thức cũ. Thiên tai bây giờ là thiên tai của thời mới, cần phải ứng xử theo cách thức mới với những năng lực vượt trội hơn, ngay từ giai đoạn dự báo thiên tai, xây dựng phương án phòng tránh và cách thức ứng phó với diễn biến thực tế…

Tiến sỹ toán học Nguyễn Ngọc Chu nêu lên ý kiến, cần phải thành lập binh chủng phòng chống thiên tai trực thuộc Bộ Quốc phòng, không phải là không có lý. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra vấn đề phát huy thông tin và tìm kiếm, xây dựng những phương tiện truyền thông mới để ứng phó với diễn biến mới của thiên tai, rất đáng quan tâm.

Không phải là một chuyên gia, không nắm được hết những năng lực về cứu hộ, cứu nạn và ứng phó thảm họa của chúng ta, nhưng một người bình thường như tôi vẫn có thể đặt ra những câu hỏi: Tại sao chúng ta không có những khảo sát kỹ lưỡng để đưa ra dự báo về những địa điểm dân sinh và nơi có người ở có nguy cơ sạt lở đất cao để tổ chức sơ tán trước khi nó diễn ra? Tại sao chúng ta lại chỉ dùng phương tiện đường bộ, thậm chí đi bộ, để đến hiện trường thảm họa?

Tại sao không dùng máy bay trực thăng để quan sát và lên phương án tiếp cận cứu hộ, để đưa lực lượng cứu hộ đến nơi cần ứng cứu và đưa người bị thương đi cấp cứu, để tiếp tế kịp thời nhu yếu phẩm cho các đối tượng cần thiết? Tại sao không thành lập những đơn vị cứu hộ và xây dựng những cách thức cứu hộ chuyên nghiệp và hiện đại để ứng phó? Có thể có những phương tiện bay, có người lái hoặc không có người lái, để quan trắc và dự báo không? Các nhà khoa học lâu nay đã nghiên cứu như thế nào, có đi khảo sát thực tế kỹ lưỡng và trách nhiệm cao địa hình địa vật vùng nguy cơ để đưa ra những tư vấn và dự báo không?

Trả lời những câu hỏi trên và những câu hỏi khác đặt ra chính là những bước tiến hành thiết thực cho một cách thức mới phòng chống thiên tai của chúng ta trong giai đoạn trước mắt.

Còn về lâu dài, chắc chắn chúng ta cần phải có một chiến lược tổng thể, căn cốt thích ứng và thấu đáo hơn trong dự báo, phòng tránh và ứng phó với tình hình thiên tai của thời kỳ mới. Chiến lược này phải bao hàm rất nhiều lĩnh vực, từ việc quy hoạch và phê duyệt các công trình thủy điện, đặc biệt chú trọng đến xây dựng và phát huy các công trình sản xuất năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều, điện sinh khối… cho đến kế hoạch bảo vệ rừng, trồng lại rừng, bố trí lại dân cư, sắp xếp lại các dự án phát triển, phúc lợi và dân sinh cho đến những phương án có hiệu quả và xây dựng nhân sự tinh nhuệ, đầu tư, bố trí các phương tiện hiện đại, cập nhật và tiên tiến để phòng chống và ứng phó thiên tai.

Có một chiến lược mới đáp ứng yêu cầu mới trong dự báo, phòng chống và ứng phó với thiên tai trong hoàn cảnh đã và đang xảy ra nhiều diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự thay đổi thời tiết của khu vực và quốc gia là một đầu tư cho ổn định, bền vững và phát triển của đất nước, và chắc chắn, đó là khoản đầu tư tiết kiệm và hiệu quả hơn rất nhiều so với chi phí cho việc khắc phục hậu quả khi thảm họa thiên tai trong thời kỳ mới khi nó xảy ra.  

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ