[Café cuối tuần] Suy nghĩ về nội lực quốc gia

Nhàđầutư
Đọc qua lịch sử phát triển của một số quốc gia đáng để người Việt noi gương, tôi thấy ở họ có chung một điểm rất dễ nhận ra: Họ biết cách, luôn tìm cách khích lệ phát huy năng lực, lòng tự trọng dân tộc trong hàng ngũ các doanh nhân.
Nhà văn TẠ DUY ANH
04, Tháng 12, 2021 | 08:17

Nhàđầutư
Đọc qua lịch sử phát triển của một số quốc gia đáng để người Việt noi gương, tôi thấy ở họ có chung một điểm rất dễ nhận ra: Họ biết cách, luôn tìm cách khích lệ phát huy năng lực, lòng tự trọng dân tộc trong hàng ngũ các doanh nhân.

tphcm

 

Khích lệ không phải bằng những lời hồ hào suông, mà hiệu quả nhất chính là tạo cho doanh nhân một môi trường thuận lợi để tạo ra những doanh nghiệp lớn mạnh. Chúng ta rất cần có một nghiên cứu công phu về lịch sử hình thành nên các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, cách để họ khởi nghiệp, vươn lên cạnh tranh với các đối thủ lớn, cách họ tạo ra các giá trị vật chất lẫn tinh thần và cuối cùng là ảnh hưởng tích cực của họ đến sự phát triển đất nước.

Bởi vì, dù là công ty tư nhân, nhưng cuối cùng, thương hiệu của các tập đoàn kinh tế đó đều là một phần của thương hiệu quốc gia. Coca-cola, Apple, Microsoft… không chỉ là tên của các tập đoàn sản xuất, công nghệ, mà là một phần nước Mỹ, không muốn nói là phần đáng tự hào nhất.

Ngược lại, các tập đoàn kinh tế, dù to lớn cỡ nào, dù nổi tiếng đến đâu, cũng không thể vượt qua tầm vóc, sức ảnh hưởng thương hiệu quốc gia của họ. Thương hiệu quốc gia, do các tập đoàn góp công tạo nên, đến lượt nó là đảm bảo chắc chắn nhất cho thương hiệu của chính các tập đoàn.

Nếu Hàn Quốc không phải là con rồng châu Á, thì Huyndai, dù có lớn cỡ nào, cũng không thể được chào đón mạnh mẽ và chiếm được sự tin cậy của khách hàng, đối tác như họ đang có. Trên thực tế thì ở bất cứ đâu ngoài lãnh thổ, Huyndai chính là hình ảnh nhìn thấy của một nước Đại Hàn Dân Quốc hiện đại. Người Hàn có thể còn nhiều điều chưa bằng lòng với Hyundai bởi những mâu thuẫn quyền lợi vốn là khó tránh, nhưng chắc chắn khi ra nước ngoài, họ sẽ coi đó là niềm tự hào của chính mình.

Bao giờ thì chúng ta có được điều tương tự? Bao giờ thì mỗi công dân Việt hoàn toàn thoải mái nói về một sản phẩm, một thương hiệu lớn mà lòng đầy ắp niềm tự hào? Tôi biết rằng đặt câu hỏi như vậy có vẻ mang tính đánh đố. Nhưng còn câu hỏi khác đáng suy tư hơn bởi nó mang tính cật vấn bản thân mỗi chúng ta: Tại sao không?

Tôi có có những ý nghĩ lan man này khi tận mắt chứng kiến nhiều công trình, sản phẩm do các công ty tư nhân Việt Nam tạo ra. Điều dễ nhận thấy nhất là các công trình, sản phẩm ấy đã đạt tới hoặc đang nỗ lực đạt tới tiêu chuẩn quốc tế, cả về chất lượng, trình độ quản lý vận hành, yếu tố bảo vệ môi trường cũng như tính thẩm mỹ…

Trong khi chúng ta trải chiếu mời các ông lớn nước ngoài, thì không ít người vẫn kì thị các “ông lớn” hoặc “sắp lớn”, “đang lớn” trong nước. Sự có mặt của các tập đoàn đa quốc gia là rất quan trọng. Trước hết nó thông báo với thế giới về năng lực hòa nhập của người Việt là có thật. Nó đưa đến một phong cách làm ăn mới, một tầm nhìn mới về chiến lược kinh doanh. Nó gây sức ép liên tục phải đổi mới công nghệ, đổi mới trình độ quản trị. Những triết lý đầu tư cũng như chiến lược dài hạn trong nghiên cứu, sáng tạo của họ luôn đáng cho chúng ta học tập. Cũng nhờ đầu tư nước ngoài, người Việt quen dần với mức chênh lệch trong thu nhập.

Tôi muốn dừng lại nói nhiều hơn về điều sau cùng ở trên. Nghe thì tưởng đơn giản nhưng ở nhiều nơi vẫn đang tiếp tục là trở ngại rất lớn tác động trực tiếp đến phát triển. Nó là nguyên nhân sinh ra muôn vàn tệ nạn khác mà nhiều khi người gây nạn không tự biết. Chẳng hạn như thói đố kị, sự khó chịu với người nào đó thành công, may mắn. Hoặc đơn giản chỉ là những ý nghĩ ác cảm, thiếu thiện chí về họ. Bạn hãy thử nhìn sâu vào chính mình, để nói thật xem bạn có ganh ghét với những người hơn bạn? Đừng vội nói không với tôi nhé, vì tôi không tin đâu.

Tầm mức quan trọng của sự có mặt các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài là điều không cần bàn cãi. Thậm chí có thể nói họ là một phần cơ may của chúng ta.

Nhưng một quốc gia chỉ thực sự phát triển, phát triển bền vững khi nó tạo ra được nội lực từ chính mình. Và cái nội lực đó, muốn có, phải được tích cóp từ toàn xã hội. Nhà nước, với vai trò kiến tạo, đương nhiên phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng mỗi cá nhân cũng không thể đứng ngoài. Sự tham gia của từng người đôi khi chỉ là từ bỏ những thói xấu có khả năng góp phần làm tiêu tán cảm hứng xã hội. Nhưng đó là cả một câu chuyện dài liên quan đến không chỉ giáo dục, mà tôi mong có dịp trở lại lâu hơn. Còn ngay lúc này, nếu được tư vấn cho những người đưa ra quyết sách chiến lược phát triển quốc gia trong vài thập kỉ tới, tôi sẽ khuyên họ hãy tạo cơ hội để đất nước có thêm gấp đôi, gấp ba, gấp nhiều lần càng tốt các doanh nghiệp lớn như hiện nay, trong đó ít nhất phải có vài thương hiệu đạt mức toàn cầu.

Tôi biết khó khăn của công việc đó là cực kỳ lớn. Bởi chúng ta vẫn chưa chịu thoát ra khỏi cái bóng của quá khứ nghèo đói, dù đã thừa gạo, không thiếu thịt sữa, nhiều người có nhà cao cửa rộng, có ô tô riêng. Ngay giờ này, nếu cần phải có một hình ảnh cụ thể về nước Việt Nam hiện đại, đang vươn lên để quảng bá với thế giới, chúng ta sẽ/có thể kể tên thương hiệu nào?

Một người Mỹ, người Nhật, người Pháp… quá dễ dàng đưa ra câu trả lời. Một người Hàn Quốc hay Đài Loan cũng chẳng mấy khó khăn. Còn tôi và bạn? Tôi chắc chắn sẽ phải cân nhắc. Nhưng tôi biết rõ điều này hơn và nó rất đáng buồn: Sau câu hỏi, thay vì đưa ra câu trả lời, thì ngay lập tức sẽ là một cuộc cãi vã vô hồi kỳ trận, với đủ các sắc thái tình cảm: Mỉa mai, miệt thị, đố kị, ghét bỏ… cho đến khi tất cả đều không còn hứng thú nghĩ chân thành, sâu xa về bất cứ chuyện gì.

Hóa ra nội lực quốc gia không cần phải tìm ở đâu xa, không cần phải khơi từ nguồn nào, vì nó ở ngay trong đầu mỗi chúng ta.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ