Các ngân hàng trung ương sốt sắng với tiền kỹ thuật số

Trong 3 năm tới, khoảng 1/5 dân số thế giới sẽ có cơ hội sử dụng tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành để thanh toán khi mua thực phẩm, vé xem phim, thậm chí bất động sản.
KHÁNH LAN
03, Tháng 02, 2020 | 10:29

Trong 3 năm tới, khoảng 1/5 dân số thế giới sẽ có cơ hội sử dụng tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành để thanh toán khi mua thực phẩm, vé xem phim, thậm chí bất động sản.

Sẵn sàng số hóa các đồng tiền truyền thống

Theo cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), 20% trong số 66 ngân hàng trung ương (đại diện cho 90% GDP toàn cầu) được thăm dò cho biết họ có thể phát hành tiền kỹ thuật số trong vòng 6 năm tới. Con số này tăng so với mức chỉ 10% trong cuộc khảo sát của BIS cách đây một năm. Tỷ lệ các ngân hàng trung ương có ý định phát hành tiền kỹ thuật số trong vòng 3 năm tới cũng tăng gấp đôi lên mức 10%. Các ngân hàng trung ương này thuộc các nước có tổng dân số bằng 20% dân số toàn cầu.

Trong khi đó, có đến 80% trong số các ngân hàng trung ương tham gia khảo sát cho biết họ sẽ nghiên cứu công nghệ đằng sau tiền ảo, tăng so với mức 70% trong cuộc khảo sát cách đây một năm. Các con số trên cho thấy thái độ ngày càng cởi mở của các ngân hàng trung ương đối với tiền ảo.

Nhưng cần lưu ý rằng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBCD) rất khác so với các đồng tiền ảo trên thị trường hiện nay như Bitcoin. CBDC chỉ là tiền tệ “truyền thống” của một quốc gia nhưng được phát triển dưới hình thức số hóa và nằm dưới sự kiểm soát của ngân hàng trung ương tại quốc gia đó. Các đồng tiền ảo như Bitcoin được tạo ra bằng các thuật toán phức tạp và không bị kiểm soát tập trung.

306b4_bank

Trong số 66 ngân hàng trung ương được BIS khảo sát, có 10% cho biết sẽ phát hành tiền kỹ thuật số trong vòng 3 năm tới. Ảnh: CoinStaker

Cuộc khảo sát của BIS cũng cho thấy các ngân hàng trung ương chỉ muốn sử dụng tiền kỹ thuật số như là một phương tiện thanh toán trong phạm vi hẹp, chứ không nhằm thay thế các đồng tiền pháp định truyền thống.

Giáo sư tài chính Darrell Duffie ở Đại học Stanford (Mỹ) nhận định nhiều ngân hàng trung ương ngại phát hành tiền kỹ thuật số vì vẫn còn nhiều dấu hỏi về cách giảm sát các giao dịch để ngăn ngừa gian lận cũng như liệu những đồng tiền đó được tính lãi suất hay không.

Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương nhận thấy công nghệ tiền ảo quá quan trọng, đặc biệt là giúp xử lý các giao dịch nhanh chóng, do vậy, việc số hóa đồng euro, đô la Mỹ hay đồng bảng Anh có thể sẽ diễn ra trong vài năm tới.

Hôm 21-1, 5 ngân hàng trung ương ở các nước Anh, Canada, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nhật Bản cùng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ hợp tác với BIS để thành lập nhóm nghiên cứu khả năng phát hành tiền kỹ thuật số ở đất nước của họ.

Ông Benoit Coeure, cựu lãnh đạo ECB và hiện nay là người đứng đầu trung tâm sáng tạo của BIS, tin rằng tiền kỹ thuật số được sự hậu thuận của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ trở thành một phần của thị trường thanh toán trong tương lai.

Các ngân hàng trung ương đã cởi mở hơn

Thái độ bảo thủ, e dè của các ngân hàng trung ương đối với công nghệ số hóa dường như đã thay đổi trong thời gian gần đây khi Facebook chuẩn bị ra mắt tiền ảo Libra vào cuối năm nay. Họ có lý do để lo ngại tiền ảo tư nhân Libra, với lợi thế 2,5 tỉ người dùng của Facebook, có thể lấn át quyền lực của họ và làm suy giảm sự kiểm soát của họ đối với chính sách tiền tệ.

Trong một báo cáo có tựa đề “Tương lai của thanh toán”, công bố hôm 27-1, Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) nhận định tiền ảo có tiềm năng tạo ra một cuộc cách mạng trong thanh toán. Báo cáo dự báo sẽ có một đồng tiền kỹ thuật số được phổ cập rộng rãi trong vòng 2 năm tới khi mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ ra mắt đồng nhân dân tệ kỹ thuật số và Facebook phát hành tiền ảo Libra. Theo báo cáo, hơn 1,5 tỉ người dân Trung Quốc sẽ được tiếp cận đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, trong khi đó, 2,5 tỉ người dùng Facebook sẽ có cơ hội sử dụng tiền ảo Libra.

Ngân hàng Deutsche Bank nhận định nếu các công ty ở Trung Quốc bị bắt buộc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, điều này chắc chắn sẽ làm xói mòn sự thống trị của đồng đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu.

Với tốc độ phổ cập như hiện nay, các đồng tiền ảo trên thế giới đang trải qua thời kỳ giống như mạng internet ở những năm đầu tiên. Báo cáo của Deutsche Bank dự báo nếu tốc độ này được duy trì, sẽ có hơn 200 triệu ví tiền ảo trên toàn cầu vào năm 2030, so với con số 50 triệu trong năm 2020.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý tiền ảo chưa thể thay thế các đồng tiền pháp định trong tương lai gần. Báo cáo nhận định với mức biến động giá quá lớn, Bitcoin, đồng tiền ảo lớn nhất hiện nay, chưa được xem là nơi lưu trữ giá trị đáng tin cậy.

Theo The Saigontimes

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24900.00 24980.00 25300.00
EUR 26270.00 26376.00 27549.00
GBP 30688.00 30873.00 31825.00
HKD 3146.00 3159.00 3261.00
CHF 27021.00 27130.00 27964.00
JPY 159.49 160.13 167.45
AUD 15993.00 16057.00 16546.00
SGD 18139.00 18212.00 18746.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 17952.00 18024.00 18549.00
NZD   14681.00 15172.00
KRW   17.42 18.97
DKK   3528.00 3656.00
SEK   2270.00 2357.00
NOK   2259.00 2348.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ