Bộ GTVT lên tiếng về việc địa phương ồ ạt đề xuất xây sân bay

Hệ thống sân bay phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế- xã hội chứ không dựa vào ý kiến đề xuất có sân bay của địa phương.
VŨ ĐIỆP
27, Tháng 02, 2021 | 07:12

Hệ thống sân bay phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế- xã hội chứ không dựa vào ý kiến đề xuất có sân bay của địa phương.

Bộ GTVT nhận được hàng loạt đề xuất của các địa phương khi tham gia ý kiến về dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó nhiều địa phương đề xuất muốn xây dựng sân bay.

Gần đây nhất, UBND tỉnh Bình Phước vừa đề nghị Bộ GTVT bổ sung Cảng hàng không Bình Phước vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.

Văn bản của UBND tỉnh Bình Phước đề xuất, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 4 sân bay quân sự khoảng 400ha.

Trong thời gian tới, Bình Phước sẽ là một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước với các khu, cụm công nghiệp như: KCN Chơn Thành 1, 2, 3; KCN Minh Hưng 3; KCN Minh Hưng - Hàn Quốc; KCN Minh Hưng - Sikico; KCN Việt Kiều; KCN Tân Khai…

1

Nhiều địa phương muốn xây dựng sân bay

Ngoài ra, Bình Phước có trên 260km đường biên giới với Vương quốc Campuchia. Do đó, việc quy hoạch và hướng tới xây dựng một sân bay lưỡng dụng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Trường hợp không được bổ sung Cảng hàng không Bình Phước vào quy hoạch, UBND Bình Phước kiến nghị xem xét bổ sung sân bay TechNic Hớn Quản (sân bay có từ thời kháng chiến chống Pháp đang được quân đội quản lý) vào quy hoạch cảng hàng không.

Trước đó, tỉnh Bắc Giang cũng đề xuất muốn chuyển sân bay Kép thành công trình lưỡng dụng, phục vụ cả quân sự và dân sự. Sân bay này hiện đang là sân bay quân sự, tại xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. 

Theo Sở GTVT Bắc Giang, hiện nay nhu cầu đi lại giải quyết công việc, du lịch của người dân trong tỉnh rất lớn. Sân bay Kép lưỡng dụng sẽ giải quyết được vấn đề tăng cường giao dịch thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế của vùng và Bắc Giang nói riêng.

Trên tuyến đường bộ, người dân Bắc Giang đến sân bay Nội Bài hơn 60 km và cách Cát Bi (Hải Phòng) 120 km.

Tháng 1 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị bổ sung một vị trí cảng hàng không tại tỉnh Ninh Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung sân bay tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.

Nếu được đưa vào quy hoạch tỉnh Ninh Bình sẽ chỉ đạo Sở GTVT và các ngành, địa phương liên quan phối hợp với tư vấn xác định vị trí cụ thể trong quá trình lập quy hoạch.

Trên thực tế, Ninh Bình nằm gần Thủ đô Hà Nội và Thanh Hoá. Hai tỉnh, thành này đều có sân bay rất gần Ninh Bình, đi lại bằng đường bộ cũng thuận tiện.

Trước đó, đầu tháng 10/2020, tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn hoạt động bay dân dụng thay vì chỉ hoạt động quân sự như trước. Sân bay này nằm ở thành phố Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) có diện tích khoảng 20 km. Nếu được quy hoạch, Ninh Thuận sẽ nâng cấp để sân bay theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO để đón được tàu bay ATR72, Airbus 321 hoặc tương đương, khai thác các đường bay thương mại tới Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng.

Hồi tháng 9/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề xuất bổ sung sân bay quốc tế Hà Tĩnh vào quy hoạch . Theo đề xuất sân bay quốc tế Hà Tĩnh có diện tích từ 300 ha đến 450 ha tại hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên, dự kiến khai thác đường bay đến Hà Nội, TP.HCM, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Năng lực khai thác đến năm 2030 đạt 500.000 hành khách mỗi năm, đến năm 2050 đạt 2 triệu hành khách.

Là tỉnh miền núi phía Bắc với 95% người dân là đồng bào dân tộc, UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị đưa sân bay Cao Bằng vào quy hoạch. Đây là sân bay nội địa dùng chung với quân sự, dự kiến cách thành phố 13 km về phía Đông nam, phục vụ đi lại, du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng biên giới phía Bắc.

Hà Nội cũng đề xuất quy hoạch sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa. Sân bay này dự kiến xây dựng sau năm 2030, song song với việc mở rộng sân bay Nội Bài đạt công suất đến 100 triệu hành khách mỗi năm.

Ngoài ra Bộ GTVT cũng nhận được kiến nghị của một số địa phương đề xuất chuyển cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên).

Quy hoạch không chỉ dựa vào mong muốn của địa phương

Ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam cho biết, khi quy hoạch sân bay phải tính đến nhu cầu đi lại, du lịch và xuất nhập khẩu với đầy đủ các yếu tố kinh tế - xã hội chứ không phải chỉ mong muốn vào ý kiến đề xuất của địa phương muốn có sân bay.

Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, trước đề xuất của các địa phương về việc bổ sung sân bay, Bộ GTVT sẽ có ý kiến sau khi tiếp nhận đầy đủ ý kiến của các địa phương.

Ông Thắng cũng nói rõ, quy hoạch cảng hàng không phải đảm bảo sự đồng bộ của mạng cảng hàng không toàn quốc và được tính toán theo thời kỳ quy hoạch cụ thể và đáp ứng nhu cầu vận chuyển.

Đại diện Bộ GTVT cho VietNamNet biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các địa phương, tuy nhiên việc có bổ sung hay không phải phù hợp với quy hoạch. Bộ GTVT trình lấy ý kiến các bộ, ngành thẩm định trước khi trình Chính phủ quyết định.

heo quy hoạch phát triển sân bay tới năm 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, tới năm 2020 có 23 sân bay, năm 2030 có 28 sân bay. Ngoài các sân bay hiện có, sẽ đầu tư thêm các sân bay gồm: Long Thành (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sapa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết.

Với dự thảo Quy hoạch mới tới năm 2030, định hướng 2050, Cục Hàng không đề xuất, tới năm 2030 chỉ phát triển 26 sân bay (giảm 2 sân bay so với quy hoạch hiện hành). Theo đó, giai đoạn này chỉ xây dựng 4 trong 6 sân bay đã được quy hoạch trước đó, tạm thời lùi thực hiện sân bay Nà Sản và Lai Châu cho giai đoạn sau năm 2030.Định hướng đến năm 2050, sẽ phát triển lên 30 sân bay. Khi đó mới triển khai tới sân bay Nà Sản, Lai Châu, bổ sung thêm sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô.

(Theo Vietnamnet)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ