Bàn tròn chứng khoán: Nhóm cổ phiếu nóng sẽ tiếp tục tạo cơ hội tốt?

Tuần qua, thị trường đã trải qua những biến động lớn trong những phiên cuối tuần khi áp lực chốt lời gia tăng mạnh và lan rộng. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu nhỏ tăng nóng thời gian qua vẫn chưa "ngắt sóng".
HOÀNG ANH
14, Tháng 06, 2020 | 17:08

Tuần qua, thị trường đã trải qua những biến động lớn trong những phiên cuối tuần khi áp lực chốt lời gia tăng mạnh và lan rộng. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu nhỏ tăng nóng thời gian qua vẫn chưa "ngắt sóng".

Liệu nhóm cổ phiếu này có tiếp tục tạo cơ hội tốt cho những nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm để kiếm lợi nhuận? Cùng Báo Đầu tư chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

Phiên đảo chiều mạnh ngày 11/6 đang ít nhiều cho thấy dấu hiện phân phối đỉnh, khi chỉ số VN-Index chạm ngưỡng 900 điểm. Rủi ro đối với thị trường có tiếp diễn trong tuần tới không, theo các ông/bà?

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC

Sự sụt giảm mạnh của thị trường trong phiên giữa tuần qua phần nào cho thấy áp lực cung tại những vùng kháng cự trên 900 điểm là khá lớn. Không những vậy, các vùng kháng cự trên 900 điểm đa phần đều đang là những vùng cản mạnh, có mật độ giao dịch dày và ít nhiều có tính quyết định đối với sự thay đổi xu hướng của thị trường trong trung hạn.

Do đó, tôi cho rằng khả năng vượt qua các vùng cản mạnh này của thị trường hiện tại là rất khó khăn, nhất là khi nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường đều đã đạt được các mức tăng trưởng mạnh về giá chỉ trong một khoảng thời gian ngắn vừa qua.

Rủi ro đối với thị trường trong tuần tới vẫn đang hiện hữu, đặc biệt là khi thị trường quay lại thử thách các vùng kháng cự mạnh như 883-891 hay 900-920 điểm. Hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs và ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 6 có thể sẽ khiến cho thị trường xuất hiện các phiên biến động mạnh về cuối tuần.

Ngoài ra, trong thời gian tới, các thông tin đồn đoán về kết quả lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp sẽ bắt đầu xuất hiện và có thể tạo ra những hiệu ứng không tích cực lên diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết, bởi nhiều khả năng triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ kém khả quan trong quý II do chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta 

Chỉ số VN-Index đã giảm mạnh sau khi đã có nhiều phiên lình xình quanh ngưỡng 900 điểm và xu hướng ngắn hạn của các chỉ số chính VN-Index và VN30 đã bị hạ xuống mức giảm cho thấy rủi ro trong ngắn hạn đã cao hơn nhiều so với thời điểm trước và tôi cho rằng đà tăng có thể sẽ còn tiếp diễn trong tuần giao dịch tới.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

duong-hoang-linh_zzkg

Ông Dương Hoàng Linh

Với việc thị trường đi lên liên tục trong 2 tháng rưỡi và gần như không có nhịp điều chỉnh nào đáng kể, phiên giảm điểm ngày 11/6 cũng không quá bất ngờ. Dù chưa thể khẳng định thị trường đã lập đỉnh nhưng tôi đánh giá khả năng nhịp điều chỉnh sẽ còn tiếp diễn trong tuần kế tiếp, đặc biệt khi TTCK toàn cầu cũng đã bước vào chu kỳ điều chỉnh.

Điều đó đồng nghĩa với rủi ro cho nhà đầu tư lướt sóng cũng sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể so với những tuần “trăng mật” vừa qua.

Quan sát trên thị trường cho thấy, dòng tiền đổ vào thị trường mới trong giai đoạn phục hồi vừa qua  chủ yếu đền từ nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước thay vì nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, như dòng tiền này thường  không bền và dễ thay đổi theo xu hướng của thị trường. Trong ngắn hạn, khả năng biến động “giật cục” của thị trường  như phiên giao dịch cuối tuần quá liệu có thể xẩy ra?

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC

Dòng tiền đầu cơ luôn có tính chất ngắn hạn, vào nhanh ra nhanh nên khi thị trường có những chuyển biến không tích cực về mặt xu hướng trong thời gian tới có thể sẽ khiến áp lực bán chốt lời và rút khỏi thị trường của dòng tiền ngắn hạn này gia tăng nhanh chóng, qua đó sẽ tạo ra các phiên biên động mạnh đối với thị trường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, VN-Index sẽ được hỗ trợ bởi vùng 840-845 điểm.

Chỉ số có thể xuất hiện các nhịp hồi phục để hướng đến thử thách lại vùng kháng cự 883-891 điểm trong tuần tới. Nếu để mất vùng hỗ trợ trên thì các nhân tôi lo ngại rằng, thị trường có thể đối mặt với các phiên sụt giảm mạnh trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta 

Nhà đầu tư cá nhân trong nước đang chiếm tỷ trọng trên 80% giao dịch hàng ngày của thị trường, điều này cho thấy thị trường sẽ có biến động rất nhanh với thanh khoản cao, điểm đặc biệt là dòng tiền khối nội tập trung khá nhiều vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cho thấy tính chất đầu cơ cao của thị trường. Do đó, khối lượng giao dịch có thể sẽ còn duy trì ở mức cao và thị trường có thể sẽ biến động nhanh, hay nói cách khác tốc độ giao dịch của thị trường sẽ diễn ra rất nhanh.

the-minh_hwim

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Không chỉ có vậy, tôi nhìn nhận cuộc chơi hiện tại thậm chí đã chuyển hướng sang mang tính “đánh bạc nặng”, đã và đang bước vào giai đoạn cao trào khi hàng loạt các kỷ lục về thanh khoản liên tục được phá. Dòng tiền nóng liên tục đổ vào nhóm cổ phiếu pennys là phản ánh điển hình cho điều này.

Áp lực chốt lời luôn duy trì rất lớn khi nhiều cổ phiếu đã tăng hàng trăm %, dù vậy vẫn chưa thể đo lường được độ “cuồng nhiệt” của dòng tiền nóng này (vốn chưa có dấu hiệu rút ra), với những tín hiệu ở 1 số cổ phiếu pennys phiên cuối tuần, nhiều khả năng áp lực chốt lời và sự hào hứng của dòng tiền nóng sẽ tiếp tục song hành tạo nên những biến động bất ngờ trong tuần tới.

Dù thị trường chớm bước vào giai đoạn điều chỉnh nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu nhỏ tăng phi mã từ 60% đến hơn 100% như NHP, HQC, KSQ, ITA… Theo các ông/bà, nhóm cổ phiếu này có tiếp tục tạo cơ hội tốt cho những nhà đầu ưa thích mạo hiểm để kiếm lợi nhuận?

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC

Tôi thấy rằng, vẫn có những cổ phiếu trong nhóm midcap và penny sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh về giá trong thời gian tới với sự hỗ trơ từ những câu chuyện riêng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nói về cơ hội đầu tư tại đa phần các cổ phiếu thuộc nhóm này ở giai đoạn hiện tại thì cá nhân tôi cho rằng, rủi ro thua lỗ sẽ nhiều hơn lợi nhuận thu được. 

Hầu hết các cổ phiếu thuộc nhóm này đều đã có mức tăng trưởng đột biến về giá chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này có thể sẽ tạo ra áp lực chốt lời lớn khiến các cổ phiếu xuất hiện những phiên sụt giảm mạnh khi thị trường chung có dấu hiệu suy yếu và đảo chiều giảm điểm tại các vùng kháng cự mạnh mà tôi vừa đề cập ở các phần trên.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta 

Nhóm Penny đã có chuỗi tăng điểm rất mạnh trong thời gian qua, điều này cũng phản ánh về khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, thậm chí các nhà đầu tư kinh nghiệm lâu năm cũng rất khó bắt kịp nhịp thị trường trong thời gian qua. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của thị trường đã tiêu cực hơn, điều này cho thấy rủi ro mua mới của nhóm cổ phiếu này sẽ có rủi ro rất cao ở thời điểm hiện tại.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Sự đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro luôn là lựa chọn yêu thích của những nhà đầu tư ưa mạo hiểm, nhất là trong giai đoạn thuận lợi vừa qua. Nhưng khi thanh khoản chung đã được đẩy lên ngưỡng khổng lồ, nếu muốn cuộc chơi tiếp tục duy trì được sự thuận lợi như thời gian qua, thanh khoản bắt buộc phải đẩy lên các ngưỡng mới (7-800 triệu cổ phiếu/phiên, 1 tỷ cổ phiếu/phiên?!).

Tôi không cho rằng đó là điều dễ dàng, bởi vậy không đánh giá cao cơ hội cho những sự lựa chọn mạo hiểm như vậy.

Dù vậy, dòng tiền luôn luân chuyển linh hoạt trên thị trường để tìm đến cổ phiếu phù hợp ở từng giai đoạn. Ở góc độ đầu tư, đâu sẽ là lựa chọn của ông/bà ở thời điểm này?

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC

Ở giai đoạn hiện tại, khi mà nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường đã đạt đến mặt bằng giá tương đối cao sau hơn hai tháng tăng điểm thì cá nhân tôi cho rằng, việc đứng ngoài thị trường để chờ đợi những cơ hội giải ngân tốt hơn là một lựa chọn không tồi ở thời điểm hiện tại.

Ở góc độ đầu tư, tôi vẫn đang hướng sự quan tâm đặc biệt đến các nhóm ngành dự kiến vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm nay như viễn thông, công nghệ thông tin, phân bón, nhựa, điện khí, vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng, bđs khu công nghiệp và các ngành được hưởng lợi từ EVFTA...

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta 

Các nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong giai đoạn hậu COVID-19, theo đó tôi đề xuất hai nhóm cổ phiếu có thể chú ý trong giai đoạn này là Sản xuất thực phẩm và Ngân hàng.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã khiến nền kinh tế trong nước ảnh hưởng nghiêm trọng từ đầu năm nay, trong đó có rất nhiều ngành nghề được dự báo còn tiếp tục khó khăn trong trung và dài hạn. Tuy nhiên cũng có những ngành nghề ít bị ảnh hưởng hơn và kết quả kinh doanh vẫn khá tích cực như nhóm Vật liệu xây dựng, Cao su thành phẩm, Phân đạm, Dược, Chăn nuôi lợn, Dệt may..

Tuy nhiên, tôi chỉ đưa ra sự lựa chọn đầu tư khi những cổ phiếu trên có sự điều chỉnh hợp lý về giá (bởi đa phần đã tăng nóng thời gian qua), tỷ trọng cũng ở mức vừa phải bởi những khó khăn của nền kinh tế là vẫn ở trước mắt và còn kéo dài.

(Theo Đầu tư Chứng khoán)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ