8 việc NHNN làm được năm 2017 và kế hoạch của ngành ngân hàng năm 2018

Nhàđầutư
Kết quả lớn nhất ngành ngân hàng làm được trong năm 2017 là ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đây tiếp tục là mục tiêu đầu tiên ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hướng tới trong năm 2018.
ĐÌNH VŨ
09, Tháng 01, 2018 | 13:10

Nhàđầutư
Kết quả lớn nhất ngành ngân hàng làm được trong năm 2017 là ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đây tiếp tục là mục tiêu đầu tiên ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hướng tới trong năm 2018.

thi-truong-vang

Định hướng năm 2018 của NHNN: Tiếp tục theo đuổi mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 

Năm 2017 là một năm sóng gió với ngành ngân hàng khi liên tục các đại án liên quan tới ngân hàng được đưa ra xét xử. Cùng với đó là những thông tin liên quan tới việc bắt tạm giam, khởi tố các nguyên lãnh đạo ngân hàng làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của ngành này. Tuy nhiên, năm 2017 cũng được coi là một năm thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi ổn định được hoạt động của các TCTD, đặc biệt các TCTD mua lại bắt buộc, góp phần quan trọng trong ổn định thị trường tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

8 điều NHNN đã làm được trong năm 2017

NHNN đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi để TCTD giảm lãi suất cho vay và tăng cường khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% (cao nhất trong 10 năm và cao hơn mục tiêu 6,7%). Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 16%, sát với chỉ tiêu định hướng đề ra khoảng 16-18% từ đầu năm. 

Trong điều kiện lãi suất chịu áp lực gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2017, NHNN đã nỗ lực điều hành CSTT đảm bảo thanh khoản cho TCTD, duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, góp phần ổn định và giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Từ ngày 10/7/2017, NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Kết quả, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế (Đến ngày 31/12/2017, tín dụng tăng 18,17%). Đáng chú ý tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực. Đến cuối tháng 11/2017, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03% so với cuối năm 2016; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 20%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,53%; Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 22%....

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định. NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm; trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ phù hợp với diễn biến thị trường để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đồng thời thực hiện linh hoạt các công cụ CSTT để duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức hợp lý, điều hành thanh khoản tiền đồng để vừa hỗ trợ ổn định tỷ giá khi cần thiết, vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất trên thị trường 1 (huy động của các ngân hàng từ dân cư và tổ chức kinh tế). 

Thị trường vàng tiếp tục diễn biến tương đối ổn định. Từ đầu năm 2017 đến nay, giá vàng trong nước diễn biến tương đối ổn định và biến động trong biên độ hẹp ngay cả khi giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp. Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống duy trì ở mức thấp. 

Công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đạt được những kết quả tích cực. Nghị quyết 42 đã tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các TCTD, tổ chức mua bán nợ xấu.  Dựa trên Nghị quyết số 42 và Đề án 1058, NHNN yêu cầu các TCTD xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và kế hoạch xử lý nợ xấu trình NHNN phê duyệt. 

Tháng 11 vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD (có hiệu lực từ ngày 15/01/2018). Đây được coi là yếu tố quan trọng, có tính lâu dài và quyết định để thực hiện hiệu quả và khả thi việc tái cơ cấu hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu, qua đó góp phần phát triển kinh tế trong giai đoạn mới và khắc phục những khó khăn, vướng trong công tác cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn trước, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, hiệu quả của hệ thống TCTD, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.  

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và công nghệ, dịch vụ ngân hàng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Kế hoạch 2018: Đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, quản lý tốt thị trường vàng

Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2017, NHNN đưa ra những mục tiêu mới cho năm 2018 dựa trên chủ trương của Quốc hội, chị đạo của Chính phủ đề ra. Cụ thể:

Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính..

Tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp tình hình thị trường, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; ổn định thị trường ngoại tệ, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối khi thị trường thuận lợi; tiếp tục thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng.

Điều hành tín dụng theo hướng kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 

Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, trong đó có một số giải pháp như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đặc biệt là tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, quy định, cơ chế hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, các quy định về xử lý vấn đề sở hữu chéo (trong đó, chú trọng các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD năm 2010); Tập trung triển khai có chất lượng và đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” và Nghị quyết số 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD;  Tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế;...

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ