12 dự án tai tiếng, 12 đại án chấn động

Nhàđầutư
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi con số 12 được liệt kê cho những dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành Công Thương, cũng là con số đại án kinh tế mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đặt nhiệm vụ sẽ truy tố, xét xử dứt điểm trong năm 2017.
HỒ MAI
01, Tháng 05, 2017 | 20:46

Nhàđầutư
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi con số 12 được liệt kê cho những dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành Công Thương, cũng là con số đại án kinh tế mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đặt nhiệm vụ sẽ truy tố, xét xử dứt điểm trong năm 2017.

12 dự án nghìn tỷ thua lỗ

“Bản danh sách đau lòng”, như cách gọi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về 5 dự án thua lỗ “khủng” trong chất vấn tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11/2016 đã không dừng lại ở con số 5. Thay vào đó là con số 12. 

Ngoài 5 dự án thua lỗ bao gồm Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và Nhà máy Đạm Ninh Bình), Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém ở 12 nhà máy, dự án lớn thuộc ngành Công Thương đã bổ sung 7 nhà máy, dự án khác.

NHA MAY XO SOI DINH VU

 Dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVTex), một trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ ngành Công Thương

Đó là Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Phân bón DAP 1 Lào Cai, Nhà máy Phân bón DAP 2 Hải Phòng, Nhà máy Ethanol Bình Phước, Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất cùng Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Bức tranh kinh tế của 12 dự án này rất ảm đạm với những khoản lỗ hàng nghìn tỷ, hoặc chậm tiến độ, hoặc “chết lâm sàng”. Có thể kể đến là Dự án đạm Ninh Bình với số vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng nhưng tính đến cuối năm 2016, con số thua lỗ của dự án này là 2.700 tỷ đồng. Dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVTex) có vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã dừng hoạt động từ ngày 17/9/2015 do hết vốn lưu động; PVTex không còn kinh phí để thực hiện bảo dưỡng thường xuyên hệ thống máy móc thiết bị. Tính đến ngày 30/9/2016, PVTex lỗ lũy kế hơn 3.209 tỷ đồng và dự án tiếp tục âm vốn chủ sở hữu do phải tính khấu hao tài sản cố định.

Tương tự, Dự án DAP Hải Phòng của Vinachem có vốn đầu tư 172 triệu USD, khởi công từ năm 2003 nhưng đến năm 2009 mới cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, lũy kế đến tháng 9/2016, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần chỉ 842 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2015 và lợi nhuận sau thuế âm 324 tỷ đồng.

Trong khi đó, do được chuyển về từ Vinashin nên dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất luôn trong tình trạng lỗ. Còn dự án đạm Hà Bắc, dự án ethanol ở Dung Quất, Phú Thọ, Bình Phước đều có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng đều trong tình trạng thua lỗ hoặc “đắp chiếu”. 

Thực tế, từ cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương xử lý kịp thời 12 dự án đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng bị thua lỗ tại bộ này. Tuy nhiên, người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ cũng khẳng định với các dự án thua lỗ, kéo dài, Nhà nước kiên quyết không tiếp tục đổ vốn vào cứu mà sẽ bán hoặc cho phá sản.

Theo nhiều chuyên gia, những dự án, kể cả các dự án ngàn tỷ đồng, xét thấy không thể bảo đảm hiệu quả phải cắt đi, tìm cách xử lý thu hồi vốn, dù có thể thất thoát một phần vốn quan trọng, nhưng còn hơn tiếp tục vì có thể còn mất nhiều hơn. Tinh thần chung là không ưu đãi thêm, các dự án phải tìm mọi cách xử lý, rà soát lại nguyên nhân vì sao, khắc phục được không và bằng cách nào. Chẳng hạn, có thể huy động thêm vốn, không thể bám vào vốn ngân sách nhà nước, đầu tư công.

Truy tố, xét xử dứt điểm 12 đại án trong năm 2017

Đầu năm 2017, ba đại án kinh tế đã được đưa ra xét xử với các mức án gồm 2 bị cáo án tử hình, 1 bị cáo tù chung thân (đó vụ Giang Kim Đạt và đồng phạm), 10 bị cáo tù có thời hạn từ 20 tháng đến 24 năm tù.

Vụ "Tham ô tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã khởi tố 11 bị cáo, trong đó riêng Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về cả hai tội. Trong khi đó, vụ án Phạm Công Danh và Hà Thắm vẫn tiếp tục trong giai đoạn điều tra, xử lý.

pham cong danh

Vụ án Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm vẫn tiếp tục trong giai đoạn điều tra, xử lý

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được thống nhất cao tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 17/4 tại Hà Nội, đó là truy tố, xét xử dứt điểm 12 đại án trong năm 2017, trong đó phần lớn vụ án đều liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Đáng chú ý là 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành công thương mới chỉ là sơ bộ bổ sung và mới chỉ trong phạm vi của ngành này. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu mở rộng diện giám sát và kiểm tra ra các lĩnh vực khác và thực hiện kỹ hơn với các doanh nghiệp mà nhà nước vẫn nắm quyền chi phối, có thể “bản danh sách đau lòng” chưa dừng lại ở con số 12.

Và có thể, danh sách các đại án kinh tế sẽ còn tiếp tục dài hơn khi Bộ Công Thương đang xem xét 12 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” với những cái tên đình đám như Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, các dự án thua lỗ của Vinachem,... và phát hiện gần nhất của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án Xử lý nước thải Yên Sở, kết toán khống hàng nghìn tỷ đồng và các dấu hiệu không trung thực về thuế…

12 đại án sẽ truy tố, xét xử dứt điểm trong năm 2017

1. Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV).

2. Vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Vụ án “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến hành vi của Phạm Thị Trang.

4. Vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác.

5. Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn.

6. Vụ án “vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam.

7. Vụ án “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội.

8. Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group).

9. Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam.

10. Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Tây Sài Gòn và Công ty TNHH đầu tư thương mại giao dịch xuất nhập khẩu Thiện Linh.

11. Vụ án “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh 6 TP.HCM.

12. Vụ án “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh 7 TP.HCM.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ