Xuất khẩu ngành gỗ tại Đồng Nai tăng trưởng nhờ sự dịch chuyển của doanh nghiệp nước ngoài

Nhàđầutư
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà máy sản xuất gỗ ở Trung Quốc và các nước khác phải đóng cửa nên các đơn hàng đã dịch chuyển về Việt Nam nhiều hơn. Đồng Nai là nơi nhận được nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài.
LÝ TUẤN
04, Tháng 05, 2021 | 17:15

Nhàđầutư
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà máy sản xuất gỗ ở Trung Quốc và các nước khác phải đóng cửa nên các đơn hàng đã dịch chuyển về Việt Nam nhiều hơn. Đồng Nai là nơi nhận được nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài.

Xuất khẩu tăng trưởng trên 33%

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh đạt hơn 1,68 tỷ USD, tăng trên 11% so với năm 2019. Trong quý I/2021, các doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu được 446 triệu USD, tăng hơn 33,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, quốc gia nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất của Đồng Nai là Hoa Kỳ, chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Các doanh nghiệp ở Đồng Nai sử dụng tương đối hiệu quả giao thương trực tuyến để trao đổi, ký kết hợp tác với khách hàng nước ngoài nên đã nhận được nhiều đơn hàng lớn đến quý III, IV/2021.

Thông tin với báo chí, bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm nặng nề, nhưng ngành gỗ trong nước vẫn phát triển ổn định và giữ được mức tăng trưởng khá là do doanh nghiệp đã có những nỗ lực, sáng tạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới.

z2457610149259_b34a4377aadaad2bed7c9c4d36025c5f

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh minh họa: Cổng thông tin UBND tỉnh Đồng Nai. 

Bên cạnh đó, Bộ Công thương, các Hiệp hội đã có những hỗ trợ kịp thời giúp các doanh nghiệp kết nối giao thương trực tuyến, không để bị đứt đoạn với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước đó, từ ngày 12 đến ngày 19/4 vừa qua, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, thương vụ Việt Nam tại các nước tổ chức tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ tại TP.HCM.

Sự kiện có hơn 400 đại diện của các doanh nghiệp mua hàng quốc tế, nhà sản xuất trong ngành chế biến gỗ đã tham gia với hy vọng sẽ gỡ được nút thắt trong giao thương với các nước. Đặc biệt, một số tập đoàn lớn trên thế giới có thể kể đến như: Kingfisher, Ikea, Ashley, Rowico, Target, Test Rite, Modus, Amazon...đã tham gia để tìm doanh nghiệp cung ứng sản phẩm gỗ tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hawa cho biết, trên nền tảng công nghệ, Hawa đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành mô hình và cách thức tổ chức kết nối giao thương, ứng phó những thách thức mà COVID-19 gây ra. Đồng thời, mở ra cơ hội để doanh nghiệp ngành gỗ thúc đẩy doanh thu trong năm 2021, kết nối lâu dài với những thị trường tiềm năng và chủ lực.

“Trong khu vực châu Á, Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng của những nhà mua hàng quốc tế. Năm 2021, xu hướng tiêu dùng nội thất toàn cầu sẽ gia tăng cao nên quảng bá, kết nối với thị trường thế giới, DN sẽ có thêm cơ hội mở rộng xuất khẩu, cải thiện vị thế trên thị trường quốc tế”, ông Phương chia sẻ.

Doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, kiể từ thời điểm dịch bệnh COVID-19 xảy ra đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều ngành nghề tại Việt Nam, dù vậy, ngành gỗ lại khá thuận lợi với việc tìm đơn hàng mới. Do dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà máy sản xuất gỗ ở Trung Quốc và các nước khác phải đóng cửa nên các đơn hàng đã dịch chuyển về Việt Nam nhiều hơn. Đồng Nai là nơi nhận được nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài.

Theo các khách hàng nước ngoài thì Việt Nam có 3 ưu điểm lớn để họ lựa chọn ký hợp đồng hợp tác và dịch chuyển đơn hàng sang là vì công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tốt. Chưa kể, các doanh nghiệp ngành gỗ đầu tư công nghệ hiện đại, trình độ tay nghề cao, có thể hoàn thành các đơn hàng lớn, mẫu mã phức tạp nhanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do nên hàng hóa sản xuất tại đây, xuất khẩu vào các nước có ký kết hiệp định thương mại tự do sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, ngành công nghiệp gỗ đã vượt qua khó khăn đạt mức tăng trưởng khá cao. Kết quả trên là do các doanh nghiệp tái cơ cấu thành công, trong kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ có 70% là sản phẩm gỗ hoàn thiện dùng cho nội thất.

“Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm gỗ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trên thế giới, vững bước trên đường đua thế giới với sản phẩm cùng loại, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn thông tin.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Dù dịch bệnh COVID-19, đe dọa lớn sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại nước ta ngày một tăng.

Có thể thấy, những năm gần đây, các doanh nghiệp ngành gỗ đã giảm dần xuất khẩu nguyên liệu gỗ, chuyển sang chế biến sâu, hoàn thiện sản phẩm mới xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng được những đơn hàng đòi hỏi cao về mẫu mã và chất lượng.

Tại khu vực phía Nam, Đồng Nai là một trong 5 tỉnh thành có kim ngạch xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước và đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Chuyển dịch trên của doanh nghiệp ngành gỗ ở tỉnh này cũng như cả nước phù hợp với yêu cầu của Chính phủ là tăng chế biến sâu, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, nhằm tăng giá trị cho sản phẩm.

Là một doanh nghiệp kinh doanh ngành gỗ tại Đồng Nai, bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP. Biên Hòa) cho biết, công ty chuyên sản xuất bàn ghế, tủ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng ổn định, đầu ra thuận lợi và công ty đã nhận đơn đặt hàng đến đầu quý III/2021.

“Thị trường xuất khẩu gỗ năm nay sáng sủa hơn so với năm trước, vì nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Đồng Nai”, bà Trúc chia sẻ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ