Phòng vệ thương mại ngành gỗ: Doanh nghiệp Việt bắt buộc phải tham gia cuộc chơi

Nhàđầutư
Theo ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, các vụ kiện phòng vệ thương mại là cuộc chơi mà doanh nghiệp gỗ Việt bắt buộc phải tham gia, muốn giữ thị trường xuất khẩu và có định hướng xuất khẩu thì phải hiểu các công cụ phòng vệ thương mại và có cách ứng phó phù hợp.
PHƯƠNG LINH
21, Tháng 12, 2020 | 14:47

Nhàđầutư
Theo ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, các vụ kiện phòng vệ thương mại là cuộc chơi mà doanh nghiệp gỗ Việt bắt buộc phải tham gia, muốn giữ thị trường xuất khẩu và có định hướng xuất khẩu thì phải hiểu các công cụ phòng vệ thương mại và có cách ứng phó phù hợp.

Sáng 21/12, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với các hiệp hội, hội, ngành gỗ tổ chức hội thảo “Tăng cường kiểm soát rủi ro trong các hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, năm 2020 là năm đặc biệt đối với ngành gỗ. Về xuất khẩu, ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, đặc biệt trong quý 2 và 3 của năm nay.

Tính đến hết tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019.

Theo ông Lập, với đà hiện nay, chắc chắn giá trị xuất khẩu của cả năm 2020 sẽ cán mốc gần 12,5 tỷ USD. Theo đánh giá của Chính phủ, ngành gỗ là một trong những ngành dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông - lâm sản trong cả nước lên trong thời gian vừa qua.

1957_go

Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang bị điều tra 37 vụ việc phòng vệ thương mại. Ảnh: Nguyễn Thanh/Báo Hải quan

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ đang ở đầu chiến tuyến trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các cường quốc đang tiếp tục diễn ra. Từ đầu năm đến nay, ngành liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, từ Hàn Quốc, cụ thể đối với mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.

Gần đây nhất, Cơ quan đại diện Thương mại của Hoa Kỳ cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Nguy cơ Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt này gỗ của Việt Nam vào các thị trường này là rất lớn.

Mặt khác, liên quan đến vấn đề thay đổi về cơ chế, chính sách của Việt Nam trong việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Nghị định 102 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2020 quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp thiết lập các cơ chế kiểm soát gỗ nhập khẩu. Nghị định quy định gỗ nhập khẩu được quản lý rủi ro theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro.

Thực hiện tinh thần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định 8432 ngày 27/11/2020 vừa qua, công bố Danh sách vùng địa lý tích cực và Danh mục các loài gỗ nhập khẩu vào Việt Nam.

Ông Đỗ Xuân Lập cho hay, thông qua hội thảo, các doanh nghiệp ngành gỗ được trang bị kiến thức cho các doanh nghiệp về phòng vệ thương mại; cung cấp thông tin chi tiết cho doanh nghiệp về các yêu cầu trong kiểm soát gỗ nguyên liệu nhập khẩu theo tinh thần Nghị định 102; tìm hiểu các khó khăn của doanh nghiệp trong việc tuân thủ nghị định này, đặc biệt về khía cạnh trách nhiệm giải trình; thảo luận về các biện pháp nhằm giảm rủi ro cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tại hội thảo, ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sản phẩm gỗ Việt Nam hiện nay được các quốc gia rất ưa chuộng, vì thế xuất khẩu gỗ vô hình chung tạo ra sức ép lớn đối với các nước nhập khẩu, và họ nhận được rất nhiều đơn yêu cầu hạn chế nhập khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Phòng vệ Thương mại, đến nay Việt Nam đã bị điều tra tổng cộng 199 vụ việc, trong 5 năm gần đây nhất có tới 97 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Các thị trường điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Canada, EU, Philippines.

Đặc biệt, năm 2020, thay vì các vụ kiện phòng vệ thương mại giảm đi theo như kỳ vọng, nhưng lại tăng lên đột biến. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đang bị điều tra 37 vụ việc, cao hơn năm 2019 là 16 vụ việc.

Cụ thể, các vụ việc liên quan tới sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán. Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với gỗ ván MDF.

Để tránh các vụ việc bị điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, ông Đức cho hay, các doanh nghiệp cần có kiến thức về phòng vệ thương mại.

"Đây là cuộc chơi chúng ta bắt buộc phải tham gia, muốn giữ thị trường xuất khẩu và có định hướng xuất khẩu thì chính doanh nghiệp phải hiểu các công cụ phòng vệ thương mại và có cách ứng phó phù hợp", ông Đức nói.

Ông Đức cho hay, khi xuất khẩu sang thị trường nào đó, phải có nguồn thông tin từ các đối tác nhập khẩu từ chính thị trường đó. Ngay khi có thông tin về điều tra chống bán phá giá, các doanh nghiệp phải có những hành động ứng phó. Bộ Công Thương sẽ cập nhật những thông tin cảnh báo để hỗ trợ doanh nghiệp hoặc có những chia sẻ ngoài lề.

Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần có bộ kiểm soát về giá trị, lượng xuất khẩu sang thị trường đó, có cân nhắc để khi bị điều tra thì chúng ta có thể sử dụng giá trị đó để kê khai và hưởng mức thuế thấp nhất có thể.

"Hiện nay, cục Phòng vệ Thương mại đã có cơ chế cảnh báo sớm cho những sản phẩm có khả năng bị kiện (1 quý/lần), trong 2 quý gần đây chúng tôi luôn cập nhật sản phẩm gỗ có nguy cơ bị kiện (dựa vào lịch sử bị kiện của các ngành gỗ và kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gỗ tại Việt Nam)", ông Đức nhấn mạnh.

Cục Phòng vệ Thương mại đưa ra một số khuyến nghị đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro trong phòng vệ thương mại và trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu. 

Theo đó, một là các doanh nghiệp cần xem xét xây dựng cơ sở dữ liệu các sản phẩm gỗ sang các thị trường quan trọng 

Hai là, thường xuyên tập huấn, cập nhật thông tin, pháp luật về phòng vệ thương mại.

Ba là, nghiên cứu các quy định về hạn chế nhập khẩu của các thị trường quan trọng, bao gồm cả phòng vệ thương mại.

Bốn là, nỗ lực minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ của các nguồn nguyên liệu, đặc biệt là để xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Mai Quỳnh - Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ (Cục Phòng vệ thương mại) - lưu ý, trước khi có vụ việc xảy ra, các nhà xuất khẩu cần cập nhật danh mục cảnh báo sớm của Cục Phòng vệ thương mại; xây dựng đội ngũ về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong nội bộ; tìm hiểu quy định phòng vệ thương mại của nước điều tra; đa dạng hóa sản phẩm; tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao; đa dạng hóa thị trường.

Đối với nhà sản xuất trong nước, cần theo dõi tình hình hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ vượt qua được các hàng rào điều tra chống bán phá giá từ các nước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ